Trưởng đơn vị Chuyển hóa cơ xương khớp - Trung tâm Nghiên cứu y sinh học, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - Bệnh viện Nhân dân 115, TPHCM - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Loãng xương gây những biến chứng nguy hiểm nào?
Câu hỏi
Chào bác sĩ! Em có một vài thắc mắc mong được bác sĩ giải đáp. Đó là điều gì xảy ra đối với cơ thể nếu chẳng may bị loãng xương? Về việc điều trị và phục hồi hoàn toàn có dễ dàng? Có phải là nếu bị loãng xương thì dễ gây ra chuỗi các biến chứng nguy hiểm cho cơ thể? Cảm ơn bác sĩ rất nhiều.
Trả lời
Chào bạn,
Loãng xương được xem là bệnh thầm lặng vì không gây ra triệu chứng, chính điều này khiến chúng ta ít quan tâm đến bệnh. Tuy nhiên, đến giai đoạn muộn của bệnh thì sẽ xảy ra biến chứng là gãy xương và đưa đến một loạt hệ quả nghiêm trọng.
Khi bị loãng xương, xương trong cơ thể bị xuống chất lượng và gần như tất cả các xương đều bị gãy. 3 vị trí thường gãy nhất là cột sống, cổ xương đùi và xương cẳng tay. Khi gãy xương, một loạt hệ quả nghiêm trọng sẽ xảy ra.
Loãng xương có thể dẫn đến gãy xương và tăng nguy cơ tử vong
Đầu tiên là tăng nguy cơ tử vong. Đây là điều mà ít người biết đến. Khi bị gãy cổ xương đùi sẽ làm tăng nguy cơ tử vong lên rất nhiều lần so với người không gãy xương do loãng xương. Và khoảng 30% sẽ tử vong trong vòng 1 năm đầu. Tỷ lệ còn tăng cao hơn ở nam giới.
Không chỉ tăng nguy cơ tử vong, khi bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi sẽ mất khả năng vận động. Nhưng nếu bệnh nhân được điều trị tối đa thì vẫn có khả năng hồi phục. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, khoảng 50% bệnh nhân sau khi bị gãy cổ xương đùi phải nhờ đến sự chăm sóc của người khác.
Đối với gãy xương cột sống, bệnh nhân sẽ có tình trạng đau đớn rất nhiều. Một số bệnh nhân còn bị chèn vào rễ thần kinh, gây tình trạng đau đớn kéo dài, mãn tính. Ngoài ra, còn làm cho người bệnh gắn liền với tình trạng rối loạn như lo âu, trầm cảm và giảm chất lượng cuộc sống trầm trọng. Không chỉ vậy, sau khi gãy xương 1 lần, những xương còn lại sẽ tăng nguy cơ gãy xương tái phát 3-5 lần.
Ngoài ra, gãy xương do loãng xương còn tăng nguy cơ mắc các bệnh nội khoa khác như bệnh về tim mạch, hô hấp.
Nếu như bệnh nhân được chẩn đoán, điều trị kịp thời thì có thể ngăn ngừa được tất cả những biến chứng nguy hiểm này. Và nếu tuân thủ điều trị, bệnh nhân sẽ có lại được một bộ xương chắc khỏe.
Cần nhớ rằng bộ xương của cơ thể là một khối sống, có đặc điểm sẽ thay đổi từ từ. Vì vậy, điều trị loãng xương không giống như điều trị cao huyết áp. Việc điều trị loãng xương phải kéo dài, khoảng 3-5 năm thì mới thấy được hiệu quả khi đi đo mật độ xương.
Thân mến.
(Trích từ GLTT của AloBacsi: Nguyên nhân, biến chứng và cách phòng ngừa loãng xương?)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình