Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao để thoát khỏi tình trạng ám ảnh nhịn nuốt và nuốt nước bọt?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Hiện cháu đang gặp một điều mà cháu nghĩ chỉ mình cháu gặp, đó là cháu nuốt rất nhiều. Cứ khoảng 4 đến 5 giây cháu lại nuốt một lần. Cháu nhớ ngày đầu tiên cháu gặp vấn đề này thì lúc đó lúc vừa nuốt một cái bánh, cháu chợt nảy ra ý nghĩ nếu mình cứ nuốt mãi thì sẽ rất khổ. Thế là ý nghĩ ấy cứ ám ảnh cháu, khiến cháu cứ mỗi lần nghĩ đến là lại nuốt một cái. Cháu nuốt nhiều đến nỗi có khi cả buổi nuốt. Nhưng cháu lại dại dột khi làm một điều đó là nhịn nuốt. Cháu cố nhịn nuốt, ban đầu thì nó không hiệu quả nhưng về sau thì càng nhìn nuốt cháu càng hạn chế được việc nuốt. Sau đó thì một loạt những tai hại đến: việc nhịn nuốt khiến cháu tiết rất nhiều nước bọt đến nỗi việc tiết nước bọt cũng ám ảnh cháu như việc nuốt vậy. Thêm một cái nữa là cháu mất khả năng hắt xì khiến cháu bị ngạt mũi một thời gian tương đối. Cháu rất hối hận về việc nhịn nuốt, bây giờ cháu không thể quên việc nhịn nuốt và nuốt nước bọt. Việc nuốt và tiết nước bọt không ngừng khiến chất lượng cuộc sống của cháu giảm đi rất nhiều. Cháu muốn hỏi liệu có phương án nào giúp cháu thoát khỏi tình trạng này không? Cháu sợ mình sẽ phải sống chung với nó suốt đời. Cháu xin cảm ơn bác sĩ!

Trả lời
Nhịn nuốt nước bọt. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Nhịn nuốt nước bọt. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Tình trạng của em không phải chỉ 1 mình em gặp, mặc dù ít gặp nhưng trong thời gian tôi làm AloBacsi đến nay, tôi đã trả lời mail cho ít nhất là 5 em có triệu chứng nuốt nước bọt liên tục giống như em.

Triệu chứng của em là triệu chứng của rối loạn tâm lý - tâm thần. Phản xạ tiết nước bọt có điều kiện là một phản xạ người nào cũng có, không phải thói quen, đó là khi ngửi thấy, nhìn thấy, nghe kể về 1 món ăn ngon, đặc biệt là món có vị chua, cay thì con người sẽ tăng tiết nước bọt.

Trường hợp của em là hoàn toàn khác, em cứ suy nghĩ và lo lắng tới nước bọt cả khi không có nghĩ/nghe/nhìn thấy thức ăn; đây là bất thường vì em không tự mình kiểm soát được suy nghĩ đó nữa dẫn đến nuốt liên tục.

Em đừng bị “dị ứng” hay quá sợ hãi với từ “tâm thần”. Bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Bệnh của em cần được điều trị và có thể điều trị được vì phát hiện sớm.

Tuy nhiên, tôi không phải là bác sĩ chuyên khoa Tâm thần, do đó em vẫn cần phải khám bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để xác định rõ loại bệnh và điều trị thích hợp. Để chẩn đoán một người có bệnh tâm thần phân liệt mức độ ra sao, có kèm bệnh gì hay không, cần điều trị thuốc gì thì bác sĩ và bệnh nhân phải ngồi lại với nhau. Bởi vì các bệnh lý tâm thần sẽ có một số triệu chứng chồng lấp với nhau, bác sĩ phải dành thời gian khai nhác bệnh sử kỹ càng, đào sâu vào từng triệu chứng mới kết luận được là người bệnh thuộc nhóm bệnh nào, đồng thời cũng phải loại trừ những bệnh lý tổn thương cơ quan khác gây ra rối loạn tâm thần (như rối loạn nội tiết, bệnh lý ở não…).

Bản thân mình là quan trọng nhất nên em hãy mạnh dạn điều trị để chữa khỏi cho mình và mang lại 1 cuộc sống tốt hơn, cho mình, em nhé.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Rối loạn tâm lý là hội chứng đề cập đến một loạt các tình trạng về sức khỏe tâm thần - bao gồm tâm trạng, suy nghĩ và hành vi của người bệnh. Một số ví dụ về căn bệnh này là trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn uống và những hành vi kì lạ.

Một số người thường xuyên lo lắng hoặc căng thẳng, nhưng đó vẫn chưa hẳn là rối loạn tâm lý. Nó chỉ thực sự trở thành bệnh khi các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện liên tục và ảnh hưởng đến đời sống của bạn, chẳng hạn như ở trường học hoặc nơi làm việc và các mối quan hệ.

Các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn tâm lý có thể khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng rối loạn, hoàn cảnh và các yếu tố khác. Chúng có một điểm chung là cùng ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của người bệnh.

Các ví dụ về biểu hiện của căn bệnh tâm lý này là:

- Cảm thấy buồn hoặc tụt tâm trạng;

- Khó tư duy và khả năng tập trung kém;

- Sợ hãi, lo lắng quá mức hoặc cảm giác tội lỗi theo hướng cực đoan;

- Thay đổi tâm trạng nhanh chóng, quá phấn kích hoặc quá buồn rầu;

- Không tiếp xúc với bạn bè và các hoạt động thường ngày;

- Mệt mỏi, ít năng lượng, gặp vấn đề về giấc ngủ;

- Tách rời khỏi thực tế (ảo tưởng), hoang tưởng hoặc ảo giác;

- Không có khả năng làm những công việc thường ngày;

- Gặp khó khăn trong việc giao tiếp hoặc không hiểu vấn đề;

- Lạm dụng rượu hoặc ma túy;

- Thay đổi lớn trong thói quen ăn uống;

- Thay đổi xu hướng tình dục;

- Thường xuyên bùng nổ tức giận, thù địch hoặc bạo lực;

- Có suy nghĩ về vấn đề tự tử…

Đôi khi các triệu chứng của rối loạn sức khỏe tâm thần xuất hiện dưới dạng thể chất, ví dụ như đau bụng, đau lưng, đau đầu hoặc những đau nhức không lí do khác.

Điều này phụ thuộc vào tình trạng bệnh mà bạn mắc phải, nếu bạn bị dạng nhẹ thì chỉ cần thuốc hoặc điều trị tâm lý một thời gian ngắn thì cơ thể sẽ phục hồi nhanh chóng.

* Thuốc không có khả năng chữa khỏi bệnh tâm thần, nhưng chúng thường cải thiện đáng kể các triệu chứng. Một số loại thuốc thường được kê đơn để hỗ trợ điều trị bệnh là:

- Thuốc chống trầm cảm;

- Thuốc chống lo âu;

- Thuốc ổn định tâm trạng;

- Thuốc chống rối loạn thần kinh…

* Tâm lí trị liệu còn được gọi là liệu pháp trò chuyện, giúp bạn hiểu về tình trạng, tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của chính bản thân bạn. Từ đó, bạn có thể học được cách đối phó với chứng bệnh này.

Có nhiều loại trị liệu tâm lý, mỗi loại có cách tiếp cận riêng để cải thiện tinh thần của bạn. Tâm lý trị liệu thường hoàn thành trong vài tháng, vài năm hoặc tùy theo tình trạng bệnh.

* Chúng thường được dành riêng cho các tình huống mà thuốc và liệu pháp tâm lý không hoạt động. Điều trị kích thích não thường gặp bao gồm:

- Kích thích từ xuyên sọ;

- Kích thích não sâu;

- Kích thích dây thần kinh phế vị.

Không một biện pháp nào có khả năng ngăn ngừa bệnh tâm thần 100%. Tuy nhiên, nếu bạn đang lo lắng bản thân sẽ gặp rối loạn về tâm lý, hãy làm theo những chỉ dẫn sau:

- Tập cách kiểm soát căng thẳng và cảm xúc.

- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.

- Tâm sự với người bạn tin tưởng khi xuất hiện những dấu hiệu ban đầu.

- Khám sức khỏe tâm thần định kì.

- Chăm sóc bản thân thật tốt bằng cách ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh.

Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X