Hotline 24/7
08983-08983

Hở van tim hai lá, ba lá 2/4, điều trị thuốc hay phẫu thuật?

Câu hỏi

Chào bác sĩ.

Em 38 tuổi, được chẩn đoán là hở van 2 lá và 3 lá 2/4. Qua mạng xã hội, em được biết phẫu thuật sửa van tim bằng kỹ thuật ít xâm lấn kết hợp với phương pháp Ozaki. Em có câu hỏi: 

  1. Trường hợp của em có thực hiện kỹ thuật Ozaki không ạ?
  2. Sau khi phẫu thuật, em có thể tham gia những môn thể thao em yêu thích như gym hay chạy bộ không ạ?

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Ảnh minh họa

Chào em,

Các van tim (gồm van 2 lá, van 3 lá, van động mạch phổi và van động mạch chủ) nằm ở lối ra của 4 buồng tim, có nhiệm vụ duy trì dòng máu một chiều qua tim. Bốn van tim đảm bảo rằng máu luôn chảy tự do theo hướng thuận và không rò rỉ theo chiều ngược lại. Nếu không có van tim, máu sẽ lưu thông hai chiều và tim không thể đẩy máu đi nuôi cơ thể. Mỗi van tim có các cánh (lá van) mở và đóng một lần trong mỗi nhịp tim.

Bệnh hở van tim là tình trạng các van tim đóng lại không kín, khiến dòng máu trào ngược trở lại buồng tim mỗi khi tim co bóp. Do đó, tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp khối lượng máu bị thiếu do trào ngược. Bệnh được chia thành 4 loại, tương ứng với 4 van tim:

- Hở van 2 lá: máu trào ngược từ tâm thất trái về tâm nhĩ trái.

- Hở van 3 lá: máu trào ngược từ tâm thất phải về tâm nhĩ phải.

- Hở van động mạch chủ: máu trào ngược từ động mạch chủ về tâm thất trái.

- Hở van động mạch phổi: máu trào ngược từ động mạch phổi về tâm thất phải.

Với mỗi dạng hở van tim sẽ kèm theo 4 mức độ hở van 1/4, hở van 2/4, 3/4 và 4/4. Mức độ hở 4/4 là nặng nhất, kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm với sức khỏe của người bệnh.

Hầu hết các vấn đề về van tim có thể được điều trị bằng thuốc, can thiệp hay phẫu thuật sửa chữa, thay thế. Tùy vào nguyên nhân gây hở van và diễn tiến của bệnh (triệu chứng và mức độ ảnh hưởng của hở van đến chức năng co bóp của tim), bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với từng người bệnh cụ thể.

Thông thường, ở mức độ hở van ¼, không triệu chứng và là hở van sinh lý thì chưa cần thiết can thiệp điều trị. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt để sống hòa bình với bệnh.

Mức độ hở van 2/4 vẫn được đánh giá là mức độ nhẹ, nhưng nếu có triệu chứng, các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc làm giảm hậu tải của tim, thuốc giãn mạch nhóm nitrate, nhóm thuốc chống đông máu, thuốc chẹn beta giao cảm… Thuốc điều trị không làm cho van tim hết hở nhưng có thể kiểm soát hoặc làm giảm các triệu chứng, giảm gánh nặng cho tim và giảm nguy cơ tổn thương van thêm. Do đó, khi van tim bị hở từ 2/4 trở lên, người bệnh cần tiến hành kiểm tra sớm để xác định nguyên nhân nhằm đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. 

Trường hợp van hở 3/4 trở lên, người bệnh phải điều trị tích cực, theo dõi sát sao. Trong những trường hợp hở van tim nặng (3,5/4 trở lên), bác sĩ sẽ quyết định lựa chọn phương pháp phẫu thuật tim mở hay can thiệp tim qua da dựa trên mức độ tổn thương van.

Như vậy, trường hợp của em chỉ hở van hai lá 2/4 và hở van ba lá 2/4, em cần khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch trước để bác sĩ đánh giá triệu chứng tim mạch, nguyên nhân gây hở van, mức độ tổn thương van, chức năng co bóp của tim, áp lực mạch máu phổi (thông qua biên bản siêu âm tim đã làm) để xem xét có chỉ định dùng thuốc hay chưa, có chỉ định phẫu thuật thay van tim hay chưa, em nhé. 

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X