-
Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng cách bấm huyệt
Câu hỏi
Thưa BS, Tôi bị thoát vị đĩa đệm, tôi muốn điều trị theo đông y. Tôi nghe nói ở Quy Nhơn có ông thầy dùng cách bấm huyệt để trở về vị trí cũ. Tôi băn khoăn không biết thông tin này có đúng không? Nếu đúng thì tốt quá, vì tôi rất ngại phải uống thuốc hay phẫu thuật. Mong được BS tư vấn giúp. Cảm ơn BS!
Trả lời
Cảm ơn bác đã tin tưởng vào phương pháp điều trị bằng đông y, đặc biệt là phương pháp không dùng thuốc như bấm huyệt.
Việc bác cân nhắc là rất đúng trước khi lựa chọn phương pháp điều trị cho mình. Tuy nhiên, do không được gặp trực tiếp để khám bệnh cho bác, nên không thể biết rõ được tình trạng thực sự của bác như thế nào.
Mặc dù vậy, chúng tôi cũng đưa tới cho bác một số thông tin về thoát vị đĩa đệm để bác có thể định hướng lựa chọn bác sĩ hay lương y nào có thể giúp bác điều trị tốt nhất:
- Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở cột sống cổ hoặc thắt lưng. Khi thoát vị có thể khối thoát vị tác động vào tủy sống hoặc dây thần kinh tương ứng, một số trường hợp chỉ thoát vị ít mà không có biểu hiện của sự chèn ép mà chỉ có biểu hiện đau tại chỗ.
- Nguyên nhân thoát vị: Đa số trường hợp thoát vị dựa trên nền tảng đã bị thoái hóa cột sống, cụ thể là đĩa đệm cũng bị thoái hóa là cho vòng sợi không còn đàn hồi tốt, giảm độ chắc. Lâu dần, kết hợp với tư thế sinh hoạt hoặc lao động làm cho nhân nhầy trong đĩa đệm bị đẩy lệch sang một phía gây ra tình trạng thoát vị. Một số ít trường hợp gặp ở người trẻ do lao động nặng trong tư thế bất lợi cho cột sống hoặc chấn thương.
- Hình thái thoát vị và khả năng chữa của từng hình thái:
+ Thoát vị có vỡ vòng sợi, tạo mảng vỡ: Loại này thường phải phẫu thuật để giải phóng mảng vỡ, các phương pháp điều trị khác thường không hiệu quả.
+ Thoát vị không vỡ: Loại này đa số có thể điều trị không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, một số trường hợp thoát vị nhiều gây tác động vào tủy sống thì phải cân nhắc mổ ngay vì có thể có nguy cơ tác động tủy sống gây ra tổn thương tủy, đặc biệt là thoát vị đĩa đệm vùng cổ có thể gây yếu liệt tay chân.
- Phương pháp điều trị:
+ Nguyên tắc chung: Đưa khối thoát vị trở lại vị trí ban đầu, giảm đau, giảm tê, giải phóng sự đè ép của khối thoát vị vào dây thần kinh hoặc tủy sống.
+ Phương pháp điều trị bằng bấm huyệt: Là phương pháp được áp dụng rất rộng rãi trong đông y, có thể giúp giảm đau, mềm cơ cạnh cột để khối cơ 2 bên cột sống đều đặn không bị co kéo lệch một bên, giúp tạo điều kiện cho đĩa đệm có thể trở lại vị trí ban đầu. Tuy nhiên, sự cân nhắc ở đây là đĩa đệm bị thoát vị có đè ép vào tủy sống hay không, có bị mảnh vỡ hay không, thoát vị có quá nhiều hay không và thầy thuốc có đủ kiến thức để đánh giá.
+ Các phương pháp vật lý trị liệu có hiệu quả tốt để điều trị thoát vị đĩa đệm: Kéo giãn cột sống, siêu âm điều trị, sóng ngắn, điện xung… Là một phương pháp rất hiệu quả trong điều trị thoát vị đĩa đệm.
+ Phương pháp phẫu thuật: Với những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, phẫu thuật trong thoát vị đĩa đệm đã hiệu quả và an toàn hơn rất nhiều. Nên, nếu không may bác nằm trong trường hợp phải phẫu thuật thì cũng không nên quá lo lắng.
+ Điều trị bằng thuốc là lựa chọn thường phối hợp với các phương pháp khác nhằm mục đích mềm cơ cạnh cột sống, giảm đau, cải thiện tình trạng dẫn truyền thần kinh…
Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn nào của cột sống, nhưng hay gặp nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, trong trường hợp này sẽ gây ra chứng đau thắt lưng. Thoát vị đĩa đệm đè ép vào rễ dây thần kinh tọa sẽ gây chứng đau thắt lưng và đau lan xuống chân (còn gọi là đau thần kinh tọa). Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, sẽ gây đau cổ và gáy. Nếu kết hợp ép rễ thần kinh cánh tay sẽ gây đau cổ, vai và tay cùng bên bị chèn ép. Thoát vị đĩa đệm tác động đến cả nam và nữ, phổ biến nhất là từ 30-50 tuổi. Hầu hết bệnh nhân đều cải thiện bệnh hơn sau khi được điều trị. Thoát vị đĩa đệm có nhiều mức độ, từ nhẹ chỉ gây đau mỏi lưng đến nặng hơn gây yếu liệt hoặc rối loạn cảm giác vùng chi phối thần kinh bên dưới. Việc chỉ định điều trị bảo tồn nội khoa hay phẫu thuật lấy nhân đệm tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và triệu chứng của bệnh nhân. Bạn có thể phòng tránh thoát vị đĩa đệm từ khi còn trẻ bằng cách hạn chế khuân vác nhiều đồ nặng, mang vật nặng đúng tư thế, tập thể dục để tăng cường sức mạnh của cơ và giảm cân để giảm tải trọng lên cột sống. |
Trưởng khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, BV Nhân dân 115
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình