Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh suy tim và phương pháp điều trị

Suy tim là một tình trạng bệnh lý mạn tính, tiến triển tăng dần và thường không có biện pháp điều trị khỏi hoàn toàn.

Tuy nhiên, các phương pháp điều trị hiện nay có thể giúp hạn chế quá trình tiến triển của bệnh.

Nguyên nhân thường gặp

Bệnh lý động mạch vành: hẹp, tắc động mạch vành, tăng huyết áp, bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh.

Bệnh cơ tim: bệnh cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim hạn chế, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim.

Đái tháo đường, bệnh nội tiết, chuyển hóa: cường giáp, bệnh Beri-beri (thiếu vitatmin B1), nhiễm độc: rượu, hoá trị liệu,  béo phì.

Mỗi bệnh lý trên tiến triển có thể gây ra suy tim làm giảm khả năng co bóp của cơ tim, hạn chế khả năng nhận máu của tim (khả năng giãn của các buồng tim), tăng gánh nặng cho tim (lượng máu trở về tim trong mỗi kỳ tim giãn ra quá nhiều).

Các rối loạn trên có thể diễn ra âm thầm trong nhiều năm. Thời kỳ đầu, tim thường có một số cơ chế thích nghi với tình trạng trên như: các buồng tim giãn rộng, tim đập mạnh hơn, nhanh hơn.
 
Khi khả năng thích nghi mất đi hoặc không đáp ứng được với các tình trạng bệnh lý, triệu chứng suy tim sẽ xuất hiện và dần trở nên xấu đi trừ khi được điều trị hợp lý.

Các biểu hiện của suy tim

- Khó thở là triệu chứng phổ biến nhất và thường xuất hiện sớm trong quá trình diễn biến của suy tim. Khó thở thường xảy ra trong khi đang tập luyện nhưng cũng có thể xảy ra khi nghỉ ngơi.
 
Trong các trường hợp suy tim nặng, khó thở có thể xảy ra đột ngột vào ban đêm gây ra cơn khó thở cấp khiến bệnh nhân phải ngồi dậy để thở.
 
Bạn có thể nhận thấy phải ngồi ở tư thế “nửa nằm nửa ngồi” mới có thể giảm cảm giác khó thở. Đôi khi, trong các cơn phù phổi cấp, bệnh nhân có thể có biểu hiện khó thở đột ngột tăng lên nhanh chóng, ho khạc ra bọt hồng hay đờm lẫn máu.
 
- Phù: Khi khả năng co bóp của tim giảm đi, lượng máu được tống đi từ tim sau mỗi lần bóp sẽ giảm. Khả năng nhận và đẩy máu của tim suy yếu nên máu sẽ ứ trệ tại các mạch máu ngoại vi khiến một phần dịch trong lòng mạch thoát ra ngoài khoảng giữa các tế bào (ngoài lòng mạch) gây ra phù.
 
Phù thường xảy ra ở mu bàn chân, cổ chân, mặt trước cẳng chân, mu bàn tay, trong ổ bụng, màng phổi và cũng có thể ở các mô cơ quan khác.

Nếu trọng lượng của bạn tăng nhanh kèm theo mệt mỏi, khó thở nhiều, bạn cần phải nghĩ đến khả năng bị phù. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp phù đều do nguyên nhân suy tim. Bạn cần đi khám bác sỹ để có được chẩn đoán xác định.

Ngoài ra, bệnh nhân suy tim rất dễ mệt. Tình trạng này là do tim không cung cấp đủ máu khiến cho các mô, cơ quan không nhận đủ ô-xy và các chất dinh dưỡng theo nhu cầu của chúng để duy trì hoạt động.
 
Do đó, bệnh nhân thường hay có cảm giác chán ăn, buồn ngủ sau khi ăn, hụt hơi, chùn chân khi đi bộ xa hoặc leo cầu thang. Mức độ mệt và khó thở sẽ tăng dần theo mức độ bệnh.

Nhiều bệnh nhân suy tim còn phàn nàn rằng họ thường xuyên mất ngủ hoặc mệt mỏi khi thức dậy. Một phần có thể do khi nằm đầu thấp, người bệnh sẽ cảm thấy khó thở và ho. Một số người khác lại hay đi tiểu đêm.

Để nâng cao chất lượng của giấc ngủ, bạn nên tránh ngủ nhiều vào ban ngày và ăn muộn hay ăn no ngay trước khi đi ngủ. Nếu nằm đầu bằng gây ra khó thở, bạn có thể kê gối để đầu cao.
 
Khó thở có thể là triệu chứng suy tim đang nặng lên. Khi bạn phải cần từ 2 chiếc gối trở lên để gối hoặc tựa mới có thể ngủ được, bạn cần đi khám lại để bác sĩ xem xét thay đổi liều hoặc loại thuốc điều trị suy tim bạn đang dùng.
 
Siêu âm tim cho bệnh nhân tại Viện tim mạch
 

Các biện pháp điều trị suy tim

Điều trị không dùng thuốc

* Hạn chế lượng muối ăn vào

Bước đầu tiên của điều trị suy tim là giảm bớt lượng muối ăn. Thừa muối là một trong các yếu tố gây giữ nước trong cơ thể, làm tăng thể tích máu tuần hoàn và do đó tim phải làm việc nhiều hơn. Khi tình trạng thừa dịch trong cơ thể quá mức có thể gây ra khó thở và/ hoặc phù.

Hầu hết mọi người đưa vào cơ thể (ăn, uống) một lượng muối nhiều hơn nhu cầu cơ thể cần. Thông thường, lượng muối cần thiết cho một ngày chỉ khoảng 0,2gram.

* Kiểm tra cân nặng

Kiểm tra cân nặng thường xuyên là biện pháp theo dõi đơn giản nhưng rất cần thiết. Nếu bạn tăng cân trong vài ngày (1kg/ngày hoặc 2kg/tuần), có thể đó là dấu hiệu của sự giữ nước và bạn nên đi khám để đánh giá lại chế độ thuốc đang dùng.

Bạn cũng cần để ý tới lượng nước bạn dùng hàng ngày. Một người bị suy tim không nên uống quá nhiều nước, lượng nước trung bình đưa vào cơ thể mỗi ngày (kể cả ăn, uống) chỉ nên giới hạn trong khoảng 0,5lít/ngày.
 
Thậm chí ngay cả khi bạn cảm thấy khoẻ, bạn cũng cần lưu tâm về những điều trên để theo dõi việc điều trị.

Các thuốc điều trị suy tim

Điều trị suy tim thường cần dùng các loại thuốc đặc biệt. Nếu bác sỹ kê cho bạn dùng một loại thuốc nào đó, bạn cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dùng thuốc đó về liều lượng, thời gian và cách dùng. Không được thay đổi bất kỳ điều gì trong chế độ dùng thuốc khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ.

* Thuốc ức chế men chuyển và thuốc chẹn thụ thể angiotensin 1

Thuốc ức chế men chuyển angiotensin là một loại thuốc quan trọng trong điều trị suy tim.  Thuốc có tác dụng chống lại quá trình tái cấu trúc ở tim (tim không bị giãn ra) và tình trạng suy tim không bị xấu đi nhờ hạn chế tác dụng của một loại hoóc-môn trong máu được gọi là angiotensin.
 
Angiotensin, thông qua tác động làm biến đổi hàng loạt chất trong máu, gây co mạch, làm tăng gánh nặng cho tim. Các thuốc ức chế men chuyển angiotensin bao gồm captopril, enalapril, lisinopril và một số thuốc khác.
 
Thuốc chẹn thụ thể angiotensin cũng có thể dùng để điều trị suy tim, Tác động của nó gần tương tự như các thuốc ức chế men chuyển angiotensin nhưng do tác động vào vị trí cuối của quá trình nên các thuốc trong nhóm này thường tránh được một tác dụng phụ hay gặp khi dùng thuốc ức chế men chuyển là ho khan.
 
Thuốc chẹn thụ thể angiotensin bao gồm losartan, valsartan, candasartan và các thuốc khác.

* Thuốc chẹn bêta giao cảm

Thuốc làm giảm nhịp tim, ức chế các tác dụng có hại của các hoóc-môn giao cảm. Các nghiên cứu lớn cho thấy, dùng các thuốc chẹn bê-ta giao cảm có thể giúp hạn chế quá trình tiến triển của suy tim và phần nào giúp phục hồi chức năng co bóp của cơ tim.
 
Tuy nhiên, một số trường hợp sau không dùng được các thuốc trong nhóm này: có bệnh phổi mạn tính, có bệnh động mạch ngoại biên, nhịp tim chậm. Nếu trong quá trình dùng thuốc, bạn xuất hiện khó thở tăng lên, phù chân, đau vùng gan, bạn cần đi khám lại ngay để được điều chỉnh liều thuốc đang dùng.

Có 3 loại thuốc trong nhóm chẹn bê-ta giao cảm được chứng minh là có tác dụng trong điều trị suy tim gồm: metoprolol, bisoprolol và carvedilol.

* Thuốc lợi tiểu

Bệnh nhân suy tim thường phải dùng thuốc lợi tiểu (phổ biến: furosemide, hypothiazide) để hạn chế lượng nước và muối thừa trong cơ thể, đặc biệt là trong các trường hợp suy tim đang tiến triển.
 
Thuốc giúp giảm gánh nặng cho tim, làm tim hoạt động hiệu quả hơn nhưng thuốc lợi tiểu cũng có thể gây ra một vài tác dụng phụ.
 
Một trong các tác dụng phụ thường gặp và rất quan trọng là giảm kali máu. Để biết lượng kali trong máu, bạn cần lấy máu làm xét nghiệm. Nếu kali trong máu bạn thấp, bác sỹ có thể cho bạn uống viên kali bổ sung.
 
Một số loại quả và rau giàu kali như chuối, dưa đỏ, nước cam, nước nho và khoai tây cũng có thể bổ sung phần nào lượng kali trong máu bạn.
 
Cũng cần phải nhớ rằng thừa quá nhiều kali có thể có hại và chết đột tử. Nếu bạn bị bệnh thận, nguy cơ tăng kali của bạn cũng tăng lên do thận không thải kali tốt. Do đó, dùng thuốc bù kali rất cần theo đúng chỉ định của bác sỹ.

* Thuốc trợ tim nhóm digitalis

Digitalis là một loại thuốc thường được dùng để làm tăng khả năng co bóp của cơ tim. Một nhóm thuốc phổ biến thường sử dụng là digoxin. Người bệnh luôn nhớ đây là loại thuốc cần phải uống đúng chỉ định, không được tự điều chỉnh liều.
 
Khi lượng digoxin trong máu cao, bệnh nhân có thể chán ăn, buồn nôn, nôn, đau đầu, lóa mắt hay nhìn mờ, tim đập loạn hoặc quá chậm. Nếu các triệu chứng trên xảy ra, bạn cần đến viện ngay lập tức.

* Các thuốc giãn mạch

Thuốc giãn mạch cũng có thể được dùng trong điều trị suy tim. Thuốc giãn mạch làm mở rộng lòng mạch máu làm máu lưu thông dễ dàng hơn và tim bớt gánh nặng khi co bóp.
 
Một số loại thuốc giãn mạch như nitrat (nitroglycerin, isosorbit dinitrat) chủ yếu làm giãn tĩnh mạch. Các loại thuốc khác (hydralazin) tác động chủ yếu lên động mạch.

Tái đồng bộ cơ tim bằng máy tạo nhịp hai buồng

Khi suy tim thường có sự mất đồng bộ vận động giữa các buồng tim theo cơ chế bình thường dẫn đến tim hoạt động càng kém hiệu quả hơn. Liệu pháp tạo nhịp tim bằng cách đặt máy tạo nhịp hai buồng thất có thể giúp cho hai tâm thất tái đồng bộ trở lại trong hoạt động.

Bằng phương pháp này, máy tạo nhịp sẽ làm tăng hiệu quả co bóp cho tim. Ngoài ra, với những máy có chức năng phá rung chuyển nhịp, người bệnh có thể tránh được nguy cơ đột tử do các rối loạn nhịp thất nguy hiểm cho bệnh nhân. Khi đó máy sẽ tự phát ra một xung điện mạnh để phá rung.

Phẫu thuật

Hiện nay, với các trường hợp suy tim giai đoạn cuối không còn đáp ứng với điều trị bằng thuốc, người bệnh có thể được phẫu thuật ghép tim bằng trái tim khoẻ mạnh của người hiến tạng.

Hàng năm có hơn 2.000 trường hợp được ghép tim tại Mỹ. Những trường hợp suy tim nặng đang chờ phẫu thuật ghép tim cũng có thể được cấy máy trợ tim để hỗ trợ khả năng co bóp của quả tim.


AloBacsi.vnTheo ThS.BS Lê Xuân Thận - Sức khỏe & Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X