Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Đau mạn phải lưng, nước tiểu màu vàng đục, mùi nồng, nên khám chuyên khoa gì?
Câu hỏi
BS tư vấn dùm em với ạ, Em đang băn khoăn không biết là nên khám Cơ xương hay là khám Thận - tiết niệu ạ ?Triệu chứng ngày đầu tiên là đau mạn phải lưng, ngồi thì rất đau và đi tiểu có màu đục vàng, mùi hơi nồng so với bình thường mặc dù em uống rất nhiều nước. Ngày thứ 2 thì đau nhiều hơn và em bị sốt buổi tối, người cảm thấy rất lạnh. Ngày thứ 3 cũng bị sốt buổi chiều tối khoảng 1-2 tiếng và rất lạnh, đi đứng khó khăn và cảm thấy đau lan ra mạn sườn phải.
Trả lời
Có nhiều cơ quan ở vùng hông lưng phải và hạ sườn phải, gồm thận, gan, ruột, cơ, xương sườn, đáy phổi...
Hiện em có triệu chứng đau vùng hông lưng phải lan ra phía trước là hạ sườn phải kèm triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu (nước tiểu đục có mùi hôi, sốt, ớn lạnh) thì hướng nhiều đến vấn đề tại thận tiết niệu, thường gặp nhất là viêm đài bể thận bởi vì vị trí 2 bên cạnh sống là vị trí của 2 thận.
Tình trạng này không xem nhẹ được, em cần phải vào BV kiểm tra sớm nhất có thể, đăng ký khám chuyên khoa Thận tiết niệu để được điều trị thích hợp sớm, tránh biến chứng và di chứng.
Thân mến.
Viêm đài bể thận, còn được gọi là nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs). Viêm đài bể thận thường do vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu từ bàng quang và niệu đạo. Thông thường, nước tiểu của bạn được lưu trữ trong bàng quang trước khi rời khỏi cơ thể. Vi khuẩn sau khi xâm nhập vào bàng quang sẽ gây ra nhiễm trùng bàng quang, ở đây chúng nhân lên và phát triển, sau đó ngược dòng lên phía trên và gây nhiễm trùng đài bể thận. Các triệu chứng khác bao gồm: ớn lạnh, đi tiểu nhiều lần, buồn nôn, đi tiểu đau, đau hông lưng, tiểu gấp và ói mửa. Hầu hết những bệnh nhân mắc bệnh đều phải nhập viện và điều trị bằng kháng sinh tiêm trực tiếp vào đường tĩnh mạch. Sau khi triệu chứng cải thiện, bác sĩ có thể chuyển qua sử dụng kháng sinh uống trong vòng 2-4 tuần. Bác sĩ cũng có thể cho thêm thuốc giảm đau hoặc dịch truyền và chất điện giải nếu bệnh nhân đang mất nước. Đối với viêm đài bể thận tái phát nhiều lần, bác sĩ sẽ dùng kháng sinh liều thấp dùng hằng ngày để phòng ngừa nhiễm trùng. Nếu sỏi thận gây ra nhiễm trùng, bác sĩ tiết niệu sẽ tán sỏi bằng năng lượng sóng, laser hoặc phẫu thuật. Ở người lớn, sau khi kết thúc đợt điều trị nên cấy lại nước tiểu để đảm bảo khỏi bệnh, giảm nguy cơ tái phát. Nếu xét nghiệm lặp lại cho thấy vẫn còn nhiễm trùng, nên sử dụng thêm 14 ngày kháng sinh nữa; nếu nhiễm trùng tái phát một lần nữa, kháng sinh được dùng trong 6 tuần. Bạn sẽ có thể kiểm soát viêm đài bể thận nếu áp dụng các biện pháp sau: - Uống nhiều nước, không uống rượu; - Nước hoa quả từ trái việt quất có thể làm cho một số loại vi khuẩn không thể dính vào bên trong của bàng quang, giúp bạn tránh tái nhiễm; - Không nên nhịn tiểu. Bạn cũng nên đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục để tránh vi khuẩn lây nhiễm qua đường tình dục; - Điều trị sỏi thận. Bạn cũng phải định kỳ khám tuyến tiền liệt và điều trị tuyến tiền liệt nếu nó phì đại. Điều này sẽ giúp làm giảm nguy cơ viêm đài bể thận; - Đừng ngưng thuốc hoặc tự ý thay đổi liều lượng thuốc khi thấy bệnh đã giảm, trừ khi được bác sĩ cho phép; - Không nên sử dụng các loại thuốc từ thảo dược, chúng có thể gây ra các bệnh thận. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình