Hotline 24/7
08983-08983

Dấu hiệu sợ giao tiếp, rối loạn lo âu xã hội và 3 liệu pháp để vượt qua

Câu hỏi

Chào bác sĩ, em năm nay 19 tuổi. Từ bé em đã là người nhút nhát và sợ giao tiếp (không biết bắt đầu từ bao giờ nhưng hồi năm lớp 3 em bị bạo lực học đường và năm lớp 6 bị quấy rối tình dục), luôn cảm thấy tự ti vì mập và hàm răng xấu. Trên lớp cũng chỉ chơi thân với vài người bạn từ bé học từ cấp 1 và đặc biệt ít giao tiếp với các bạn nam. Em sợ giao tiếp đến mức chưa từng tự mình mua đồ ở chợ hay vào các hàng quán. Dần dần lớn lên em bị sốc và rơi vào trầm cảm nặng do suy nghĩ quá nhiều.

Hiện tại đã tốt nghiệp cấp 3 và em không thể tìm được một công việc nào ổn định, thậm chí là công nhân vì chứng sợ giao tiếp này. Cũng không liên lạc với bạn bè và hầu hết dành thời gian ở nhà, ai gọi điện thoại cũng không bắt máy. Nhiều lúc hay xúc động và không cảm thấy vui vẻ với cuộc sống này nữa, cảm thấy như muốn biến mất khỏi thế giới này vì sợ là gánh nặng của gia đình. Vậy bác sĩ cho em hỏi em bị sao và em nên làm gì để thoát khỏi những điều này? (bengoc...@gmail.com)

Trả lời

Sợ hãi, lo âu khi giao tiếp là một trong những dấu hiệu của rối loạn lo âu xã hội. Ảnh minh họa (Ảnh minh họa)

Bạn thân mến,

Theo miêu tả của bạn, thì khả năng là bạn đang gặp vấn đề về rối loạn lo âu xã hội. Những dấu hiệu của bệnh này bao gồm:

  • Sợ hãi hoặc lo âu rõ rệt khi đối diện việc giao tiếp, có khả năng bị đánh giá bởi những người xung quanh.
  • Việc giao tiếp luôn dẫn đến sợ hãi hoặc lo âu
  • Mức độ lo lắng và sợ hãi không tương thích với hành động giao tiếp
  • Có xu hướng né tránh những lần giao tiếp và chịu đựng những giao tiếp bắt buộc.
  • Nỗi sợ hãi và lo âu dẫn tới diễn biến tâm lí xấu và ảnh hưởng xấu tới đời sống, công việc, và những mặt thiết yếu trong cuộc sống.

Dựa trên nghiên cứu, liệu pháp nhận thức hành vi (cognitive behavioural therapy) là liệu pháp hiệu quả nhất để giúp người có triệu chứng rối loạn lo âu hồi phục. Có 3 phần trong liệu pháp nhận thức hành vi đối với ám ảnh sợ xã hội.

Đầu tiên là liệu pháp phơi nhiễm, bao gồm đối diện với nỗi sợ giao tiếp theo cung bậc. Người mắc triệu chứng này phải đối diện với những tình huống giao tiếp với độ khó tăng dần. Độ khó sẽ dựa vào độ dài của tình huống giao tiếp, độ phức tạp của nội dung giao tiếp và số người giao tiếp và quan sát.

Phần này của liệu pháp rất quan trọng vì nó có thể giúp cho bạn xác định được giới hạn của bản thân trong giao tiếp hiện tại. Qua đó, liệu pháp sẽ giúp người mắc chứng rối loạn lo âu giảm thiểu hành vi né tránh giao tiếp. Hành vi trốn tránh chỉ giảm nỗi sợ trước mắt, nhưng về lâu dài nó có thể làm tình trạng lo lắng, sợ hãi nặng hơn. Bạn sẽ có điều kiện đặt mục tiêu giao tiếp để bạn không cảm thấy quá tải.

Bạn có thể tự thực hiện phần này tại nhà. Giao tiếp là một phần thiết yếu của cuộc sống, ít nhiều, bạn vẫn phải đối diện với nó. Điều quan trọng là bạn phải điều chỉnh độ khó để phù hợp với bạn ở thời điểm hiện tại. Mục đích là để cho bạn tập điều tiết mức độ lo lắng và sợ hãi để có thể tiến bộ và thực hiện mức khó tiếp theo.

Nếu như mức lo lắng và sợ hãi của bạn còn quá lớn để trực tiếp trao đổi với người lạ. Bạn có thể dành thời gian hình dung những tình huống giao tiếp thường gặp, hình dung rằng mình sẽ nói những gì, đối phương phản ứng ra sao để mình quen dần với những tình huống đó. Sau đó, bạn nên chọn tình huống có mức độ khó thấp nhất để bạn thực hiện. Giao tiếp là một kĩ năng, nhưng không ai hoàn hảo mà thật sự thoải mái khi học một kĩ năng mới. Nếu bạn cảm thấy thiếu sót về kĩ năng giao tiếp, bạn nên xem nó như là cơ hội để phát triển kĩ năng thay vì một lỗi giao tiếp.

Hai phần còn lại của liệu trình thì cần sự hướng dẫn của bác sĩ tâm lí, trực tiếp trao đổi với bạn. Hai phần đó bao gồm: điều chỉnh suy nghĩhọc kỹ năng giao tiếp. Nếu có thời gian và điều kiện, bạn nên tìm đến một bác sĩ tâm lí để trực tiếp trao đổi về vấn đề và hướng giải quyết thì sẽ hiệu quả hơn. Còn trong trường hợp thời điểm chưa thích hợp để tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lí, bạn nên quyết tâm thực hiện phần một.

Giống như những vấn đề tâm lí khác, không có liệu pháp nào có thể loại bỏ vấn đề ngay được, nó là một quá trình mà bạn cần phải quyết tâm theo suyên suốt. Bạn đã nhận biết được vấn đề của bản thân và đã tự giao tiếp để tìm ra giải pháp cho mình thì bạn đã đi được nửa đường rồi. Chúc bạn thành công. Nếu bạn có thêm thắc mắc, xin hãy liên hệ alobacsi.com

Trân trọng!

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X