Bác sĩ khoa Tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Từ Dũ
Dầu dừa và dầu olive: Bạn nên sử dụng loại nào để làm đẹp?
Câu hỏi
Chào AloBacsi! Em đọc thông tin trên mạng thấy nói về tác dụng của dầu ôliu và dầu dừa rất nhiều. AloBacsi có thể cho em biết giữa dầu ôliu và dầu dừa loại nào tốt hơn không?
Thời gian trước em có sử dụng dầu ôliu để dưỡng môi và kích thích lông mi mọc dài hơn. Lúc đầu em sử dụng bình thường không có vấn đề gì nhưng sau 2 tháng sử dụng thì em bị ngứa khi thoa dầu oliu lên môi và cả mí mắt nữa, có phải do em bị dị ứng với dầu ôliu không?
Mong sớm nhận được câu trả lời của BS. Em xin cám ơn!
(Diễm Phúc - Vĩnh Long)
Trả lời
Dầu dừa và dầu olive đều tốt để chăm sóc da vì có tác dụng giữ ẩm cũng như chống lão hóa
Chào Diễm Phúc,
Tuy có cùng nguồn gốc từ dầu thực vật, nhưng thành phần cấu tạo của hai loại dầu dừa và dầu olive lại khác nhau:
Dầu dừa có thành phần chính là acide béo bão hòa (chủ yếu acide laurique) và giống như các acide béo có nguồn gốc động vật, chúng làm tăng cholesterol trong máu, tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, acide laurique trong dầu dừa làm tăng tỉ lệ cholestérol HDL có lợi cho cơ thể, điều này vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi giữa các nhà khoa học. Tuy nhiên có một điều mà ai nấy đều công nhận rằng dầu dừa vẫn là một sản phẩm thiết yếu của nhiều quốc gia trong ngành thực phẩm, mỹ phẩm và trong tương lai là ngành công nghiệp hóa dầu khi dầu dừa có thể thay thế dần dầu diesel.
Ngược lại, thành phần chính của dầu olive lại là acide béo không bão hòa, được khuyến khích sử dụng vì nhiều lợi ích của chúng lên tim mạch, và được ưa chuộng trong bữa ăn hàng ngày của dân cư vùng địa trung hải.
Cũng như dầu dừa, dầu olive cũng được sử dụng trong chăm sóc da vì tác dụng giữ ẩm cũng như chống lão hóa nhờ đặc tính của các chất chống oxy hóa có trong thành phần của hai loại dầu này đó là vitamine E, nên chúng được xem như một “vũ khí truyền miệng” của nhiều chị em phụ nữ mặc dù thành phần vitamine E của chúng thấp hơn các loại dầu khác cùng có nguồn gốc thực vật.
Trong khi một số nước Châu Âu khen ngợi dầu dừa, thì tại Việt nam dầu olive cũng không thua kém khi trở thành mốt để “làm đẹp”. Thực tế, các thành phần acide béo bão hòa cũng có trong dầu olive, và điều ngược lại cũng có trong thành phần của dầu dừa, nên thật không công bằng khi so sánh loại dầu nào tốt hơn loại dầu nào khi mà hiệu quả “làm đẹp” chỉ được đúc kết từ kinh nghiệm sử dụng của cá nhân cũng như của các vùng văn hóa khác nhau trên thế giới.
Vì chỉ chứa các acide béo và một số vitamine thiết yếu nên dầu dừa, dầu olive và các loại dầu khác hoàn toàn không có tác dụng “kéo dài” lông mi như lầm tưởng, vì lông mi dài hay ngắn, rậm hay thưa hoàn toàn bị quyết định bởi yếu tố di truyền.
Trường hợp bạn Diễm Phúc có cảm giác ngứa khi sử dụng dầu olive chứng tỏ bạn có dị ứng với thành phần nào đó có trong dầu, bạn nên ngưng sử dụng. Cần chú ý rằng, các loại dầu olive có trên thị trường có thể đã qua qui trình tinh chế, nên thành phần có thể thay đổi so với dầu nguyên thủy.
Nếu vẫn thích tiếp tục sử dụng dầu thực vật để dưỡng da, bạn có thể tìm mua dầu olive chưa qua tinh chế, hoặc thay thế dầu olive bằng các dầu “nội địa” khác, chẳng hạn như dầu dừa.
Thân mến.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình