Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Chỉ số HbA1c tăng cao, có nguy cơ bị tiểu đường không?
Câu hỏi
Bác sĩ cho em hỏi, chỉ số đường huyết lúc đói là 93mg, HbA1c là 6.2, chỉ số HbA1c hơi cao như vậy có nguy cơ bị tiểu đường không? Trong trường hợp nào cần uống thuốc? Mong bác sĩ tư vấn giúp.
(Dinh - Nguyenthi...@gmail.com)
Trả lời
Chỉ số HbA1c tăng cao cần điều chỉnh lại chế độ ăn và tập luyện
Chào em,
Xét nghiệm HbA1c cho biết mức đường huyết trung bình của cơ thể trong khoảng 3 tháng vừa qua, tuy nhiên xét nghiệm HbA1c phải thực hiện tại phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế (sử dụng phương pháp định lượng bằng phương pháp sắc ký lỏng).
Trường hợp chỉ số đường huyết lúc đói trong giới hạn bình thường, nhưng HbA1c lại tăng nhẹ, nằm trong ngưỡng của tiền đái tháo đường thì cần phải xem lại xem: xét nghiệm đường huyết lúc đói làm có đúng không (nhiều người sợ tiểu đường quá nên nhịn ăn thiệt nhiều 1 ngày trước xét nghiệm, sáng lấy máu trễ...), có bị rối loạn dung nạp glucose hay không (nghĩa là đường huyết đói thì bình thường nhưng đường huyết sau ăn lại tăng cao hơn bình thường, kéo theo HbA1c tăng), trong 3 tháng qua có yếu tố gì làm tăng đường huyết mà không phải do bệnh đái tháo đường không (ví dụ như trị chàm, trị dị ứng...). Vì thế, để phân định trường hợp này, em cần xét nghiệm lại đường huyết đói, làm thêm trắc nghiệm dung nạp glucose máu và xét nghiệm kiểm tra HbA1c sau 3 tháng
Bên cạnh đó, ngay cả khi HbA1c có tăng lên 6.5% và em có bệnh đái tháo đường típ 2 mới phát hiện thì cũng chưa có chỉ định dùng thuốc đâu, mà điều chỉnh lại chế độ ăn và tập thể dục trước, khi nào đã tiết chế đủ rồi mà đường huyết vẫn chưa khống chế được thì bác sĩ mới kê thêm thuốc cho em.
Cho nên, hiện tại em không có chỉ định dùng thuốc, cần ăn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp và giàu chất xơ như rau xanh, các loại họ đậu,… Ăn các loại thịt nạc như thịt bò vì giàu CLA có tác dụng cải thiện chức năng chuyển hoá lượng đường trong máu. Đồng thời, bổ sung cá biển giàu acid béo có lợi giúp giảm cholesterol có hại, thay vào đó là những cholesterol có lợi.
Khi chăm sóc bệnh nhân tiểu đường, người thân cũng cần chú ý cách chế biến, càng đơn giản càng tốt như luộc, hấp,… hạn chế món ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào và các đồ chế biến sẵn, đóng hộp. Nếu như em không thể kiểm soát chế độ ăn của mình thì có thể khám thêm tại trung tâm dinh dưỡng để có luôn thực đơn ăn uống hàng ngày.
Chế độ luyện tập phù hợp: Người bệnh nên dành ra 30 - 45 phút mỗi ngày để luyện tập như đi bộ hoặc chơi các môn thể theo phù hợp với sức khỏe, lứa tuổi. em còn trẻ nên cố gắng tập thể dục nhiều hơn, 60-120 phút hàng ngày thì tốt.
Duy trì cân nặng lý tưởng tránh béo phì, thừa cân. Không hút thuốc lá và tái khám lại tại chuyên khoa Nội tiết để kiểm tra các vấn đề trên, em nhé.
Thân mến.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình