Hotline 24/7
08983-08983

Chế độ ăn kiêng phù hợp cho người bệnh tiểu đường và suy thận?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Xin bác sĩ tư vấn bệnh nhân tiểu đường và suy thận kiêng ăn rau gì? Đây là phiếu xét nghiệm của bệnh nhân, xin bác sĩ tư vấn chế độ ăn kiêng phù hợp?

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM


Kết quả xét nghiệm và đơn thuốc do bạn đọc cung cấp
Kết quả xét nghiệm và đơn thuốc do bạn đọc cung cấp
Chào bạn,

Theo như kết quả xét nghiệm có lẽ bệnh tiểu đường ở bệnh nhân đã có từ lâu, hiện tại đã tới biến chứng suy thận. Chế độ ăn sẽ phụ thuộc vào việc bệnh nhân có điều trị thay thế thận hay chưa. Đặc biệt trong trường hợp này, creatinine tăng khá cao, kali cũng tăng, nên cần có chế độ ăn kiêng kali và tái khám, theo dõi sát điện giải đồ để tránh biến chứng nguy hiểm.

Bạn nên hạn chế thực phẩm nhiều kali như nho khô, chuối khô, thanh long, trái bơ, rau lá xanh đậm (rau ngót, rau đay, dền, rau muống…), nấm mèo, các loại đậu. Tuy nhiên, rau xanh lại là thực phẩm hết sức cần thiết cho người tiểu đường, bạn có thể luộc rau bỏ nước (vì trong nước luộc rau có nhiều kali).

Nên hạn chế thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như bánh mì trắng, khoai tây, gạo đỏ huyết rồng, bánh bột ngô nướng, miến, bánh kẹo ngọt… các chất béo có hại, thực phẩm nhiều cholesterol, chất béo bão hòa như lòng đỏ trứng, bơ, phômai, mỡ, gan, tim, dầu dừa… hạn chế thực phẩm nhiều phốt pho, tôm khô, lá lốt, lòng đỏ trứng, nấm đông cô, đậu nành, hạt sen khô, thịt bò… tránh ăn nhiều muối, hạn chế mắm, cá khô, tôm khô, hột vịt muối, bánh mì, mì ăn liền, khoai tây chiên…

Ăn hạn chế đạm 0,8g/kg cân nặng/ngày, nên chọn các loại sữa giảm đạm (người chưa chạy thận), lợi ích của việc giảm đạm trong khẩu phần: làm giảm ứ đọng các sản phẩm thải  trong cơ thể, hạn chế biến chứng tăng urê máu, làm giảm triệu chứng của suy thận mãn (nôn ói, mệt mỏi, chán ăn, ngứa da…), chậm tiến triển đến suy thận mãn giai đoạn cuối.

Nếu khẩu phần ăn quá thấp chất đạm hay không đủ chất đạm có giá trị sinh học cao, có thể xem xét bổ sung Keto/Aminoacid theo chỉ định của bác sĩ. Nếu đã chạy thận rồi thì không cần kiêng đạm quá mức như vậy.

Thân mến.
Mời tham khảo thêm:

Thận là hai cơ quan nằm sau lưng hai bên cột sống, ngay phía trên eo. Thận đảm nhận một số chức năng để duy trì sự sống. Thận lọc máu bằng cách loại bỏ chất thải và nước dư thừa, duy trì cân bằng muối và chất điện giải trong máu, giúp điều chỉnh huyết áp. Khi thận bị tổn thương, các chất thải và nước có thể tích tụ trong cơ thể, gây phù ở mắt cá chân, nôn mửa, suy nhược, ngủ kém, và khó thở.

Các dấu hiệu và triệu chứng suy thận phát triển theo thời gian nếu tổn thương thận tiến triển chậm. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:

- Buồn nôn;
- Ói mửa;
- Chán ăn;
- Mệt mỏi và yếu;
- Các vấn đề giấc ngủ;
- Thay đổi lượng nước tiểu;
- Giảm sút tinh thần;
- Co giật cơ bắp và chuột rút;
- Nấc;
- Sưng bàn chân và mắt cá chân;
- Ngứa dai dẳng;
- Đau ngực, nếu tràn dịch màng tim;
- Khó thở, nếu chất lỏng tích tụ trong phổi;
- Cao huyết áp rất khó để kiểm soát.

Tùy thuộc vào nguyên nhân, một số loại suy thận có thể được điều trị. Tuy nhiên, thông thường suy thận mạn không có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Nói chung, việc điều trị là giúp kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng, giảm các biến chứng và làm bệnh tiến triển chậm lại. Nếu thận của bạn bị tổn thương nghiêm trọng, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp điều trị suy thận giai đoạn cuối.

Người bị suy thận vẫn có thể tiếp tục sống, làm việc, đi chơi với bạn bè và gia đình, và hoạt động thể chất lành mạnh. Bạn có thể cần phải thực hiện một số thay đổi trong chế độ ăn uống và lối sống để giúp bạn sống một cuộc sống lành mạnh hơn và lâu hơn. Vì đau tim và đột quỵ phổ biến hơn ở những người bị bệnh thận, những thay đổi này là tốt cho trái tim và thận của bạn.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X