Hotline 24/7
08983-08983

Cách phân biệt khó thở do hen suyễn hoặc COVID-19?

Câu hỏi

Tôi có bệnh nền về hô hấp là hen suyễn, nên từ khi bệnh COVID-19 diễn ra tôi cảm thấy rất lo lắng. Đặc biệt, gần đây hễ mỗi lần khó thở lại nghĩ ngay tới COVID, mặc dù đã đi khám phổi, chụp Xquang kiểm tra bác sĩ nói không vấn đề gì. 

AloBacsi có thể đưa ra lời khuyên và hướng dẫn giúp tôi được không? Làm sao để biết triệu chứng của mình là do COVID hay do bệnh nền sẵn có? Tôi có cần đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra mỗi khi lên cơn khó thở? Xin cảm ơn.

Trả lời

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan

BS chuyên khoa Hô hấp, BV ĐHYD TP.HCM - Bệnh viện đại học Y dược TPHCM

khó thở

Khó thở do hen suyễn hoặc COVID-19 có triệu chứng gần giống nhau

Chào bạn,

Đúng là việc phân biệt này cũng có những khó khăn. Tuy nhiên, đối với những người mắc COPD thì trong quá khứ họ cũng đã từng có những cơn khó thở. Hay khi gặp những yếu tố kích thích như làm nặng, xúc động quá mức, cảm cúm cũng gây ra khó thở, đa phần họ đều có kinh nghiệm trong những tình huống này rồi.

COVID-19 cũng gây ra tình trạng sốt, ho, khó thở, nhưng những triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2 hơi nghiêng về phía bệnh cúm hơn nên sẽ có một số dấu hiệu rất rõ là mệt, đau - mỏi cơ.

Ngoài ra, đối với COVID-19 cần xem xét các yếu tố dịch tễ như có từ vùng dịch về hay không, từng tiếp xúc với ai có triệu chứng sốt, ho, khó thở hay chưa, có quên đeo khẩu trang, quên rửa tay, đưa tay lên mắt, mũi, miệng không…

Những đợt cấp của hen suyễn, COPD ít kèm sốt mà bệnh nhân thường khó thở, ho nhiều. Do đó, nếu kèm sốt, ho, khó thở ở trong giai đoạn này phải đề phòng tới COVID-19.

Trên toàn quốc hiện có 110 cơ sở y tế làm các xét nghiệm để xác định COVID-19. Ngay tại TPHCM cũng có 6 cơ sở. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng công khai số điện thoại của những cơ sở y tế để liên hệ khi cần, do đó nếu có các triệu chứng kể trên hãy gọi đến hotline, cung cấp những thông tin về yếu tố dịch tễ để được hướng dẫn cụ thể.

Tuy nhiên, tôi cũng xin nhấn mạnh có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến những đợt kịch phát của hen suyễn hay COPD, trong đó có tình trạng lo lắng. Nếu chúng ta thực hiện tốt các hướng dẫn như giữ vệ sinh kỹ, rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách, đừng sờ tay lên mặt, mũi, không tiếp xúc với người nhiễm bệnh, không đến từ vùng dịch thì không nên quá lo lắng, vì có thể sẽ gây ra những cơn suyễn và kích phát bệnh COPD.

Nhất là bệnh nhân hen suyễn có thể lên cơn khó thở khi gặp tác nhân kích thích đặc biệt ở những người chưa được kiểm soát hen tốt. Vì vậy, họ phải làm hai việc gặp bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị phù hợp và tránh các tác nhân kích thích.

Hiện nay, việc điều trị hen suyễn đã rất thành công ngay tại Việt Nam. Bệnh nhân suyễn có thể sống, làm việc và nghỉ ngơi như người bình thường. Nếu xác định không phải COVID-19, bệnh nhân hen, COPD khi bị khó thở có thể dùng thêm thuốc cắt cơn. Nếu sau 6 nhát/giờ mà không hết thì đi cấp cứu.

Thân mến.

(Trích từ Livestream PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Người bệnh hô hấp, hen, COPD cần bảo vệ mình trước đại dịch COVID-19)

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X