Hotline 24/7
08983-08983

Các biến chứng sau khi hiến thận

Câu hỏi

Vì hoàn ảnh gia đình em muốn hiến thận để thay đổi cuộc sống hiện tại. Mong BS cho biết các biến chứng sau khi hiến thận, sức khỏe và tuổi thọ? Em cám ơn BS ạ.

Trả lời
Hiến thận. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Hiến thận. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Thận là một cơ quan quan trọng trong cơ thể sống, có chức năng hằng định nội môi, duy trì cân bằng acid bazơ và điều chỉnh huyết áp. Thận là có đóng vai trò là bộ lọc máu của cơ thể, bài tiết nước tiểu và các chất thải như Ure, Creatinin, axit uric và amoniac… Chức năng khác là tái hấp thu nước, các axit amin và glucose và tham gia vào chức năng nội tiết như sản xuất hoóc-môn như renin, và erythropoietin…

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y khoa Anh và tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ vào năm 2009 và 2010 trên những người hiến thận cho thấy: hiến thận không làm giảm tuổi thọ. Ở những người hiến tặng thận, quả thận còn lại có sự tăng cường hoạt động ở mức 70% sau thời điểm hiến tặng 2 tuần và thận còn lại tăng cường hoạt động thêm 75-85% (tăng cường mức lọc cầu thận) khi theo dõi lâu dài. Điều đó cho thấy rằng với một quả thận còn lại sau hiến tặng, người cho thận vẫn có thể sống mạnh khỏe do thận còn lại tăng cường hoạt động bù cho chức năng của quả thận mất đi.

Hiến thận là một phẫu thuật, do đó người cho sẽ có vết sẹo sau cuộc mổ. Vết cắt do phẫu thuật có thể làm tổn thương thần kinh, gây nên những cảm giác đau đớn lâu dài về sau. Ngoài ra, người cho còn có thể có những nguy cơ về thoát vị, bán tắc ruột hoặc tắc ruột sau phẫu thuật.

Những người có một thận cần lưu ý kiểm tra sức khỏe định kỳ, cần chú ý xét nghiệm protein niệu, mức lọc cầu thận, các xét nghiệm khác đánh giá chức năng thận.

Cần chú ý theo dõi tình trạng huyết áp: Huyết áp cao có thể làm hư hỏng các vi mạch của thận, làm tổn thương cầu thận do đó làm suy giảm chức năng lọc của thận. Suy thận gây nên cao huyết áp, cao huyết áp lại làm nặng thêm tình trạng bệnh lý của thận, tạo nên một vòng xoắn bệnh lý. Bởi vậy, những người còn một thận cần hết sức lưu ý để kiểm soát huyết áp.

Nếu muốn bán thận, em nên suy nghĩ kỹ, tránh để tiền mất vào tay “cò” còn tật thì mình mang, hơn nữa nếu “lén” phẫu thuật tại cơ sở y tế “trá hình, gian dối”, em có thể tử vong trên bàn mổ.

Thân mến.


Ghép thận là phẫu thuật chuyển thận của người hiến cho người nhận. Người hiến là người có thận khỏe mạnh và tự nguyện hiến thận, còn người nhận là bệnh nhân suy thận một phần hoặc hoàn toàn.

Người hiến thận phải có cùng nhóm mô và nhóm máu với bạn. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ cơ thể bạn đào thải thận ghép (thải ghép) của người hiến.

Ghép thận là một ca đại phẫu khá nguy hiểm. Vì các nguy cơ tiềm tàng của những vấn đề theo sau phẫu thuật nên người có thận ghép cần phải tái khám thường xuyên với bác sĩ.

Người hiến thận có thể có vết sẹo từ phẫu thuật hiến thận, kích thước và vị trí của vết sẹo sẽ phụ thuộc vào loại phẫu thuật bạn đã thực hiện. Một vài người hiến thận có thể bị đau kéo dài, tổn thương thần kinh, thoát vị hay tắc ruột. Tuy nhiên, những nguy cơ trên rất hiếm và không có con số thống kê chính xác về tần số của các vấn đề trên.

Bên cạnh đó, những người chỉ có một thận có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, đạm niệu, hay giảm chức năng thận. Dù vậy, những người hiến thận có thể không gặp vấn đề gì nếu được thăm khám kỹ càng trước khi hiến thận và theo dõi định kỳ sau khi hiến thận theo hướng dẫn của bác sĩ.

Hiến thận là một nghĩa cử cao đẹp, nhưng sẽ là điều tồi tệ nếu điều đó gây hại cho cả hai bên cho và nhận. Vì vậy, bạn nên kiểm tra kỹ lưỡng và đánh giá chức năng thận trước khi hiến thận là biện pháp tốt nhất để tránh những điều đáng tiếc xảy ra bạn nhé.


BS.CK1 Cao Thị Lan Hương
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X