Hotline 24/7
08983-08983

Biến chủng Delta khiến COVID-19 lây nhiễm mạnh ở TPHCM nguy hiểm ra sao?

Câu hỏi

Gần đây tôi thấy dịch ở TPHCM hay nhắc đến biến chủng Delta, không rõ biến chủng này có phải là ở Ấn Độ không, nó nguy hiểm ra sao? (Thu Trang - TPHCM).

Trả lời

Chủng B.1.617.2 với tên gọi chính thức là Delta được phát hiện ở Ấn Độ đã xuất hiện ở hàng chục quốc gia, trong đó có Việt Nam (Ảnh minh họa)

Bạn thân mến,

Đầu tháng 6/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tên 4 biến thể SARS-CoV-2 gây lo ngại nhất và các biến thể cấp độ 2 đang được theo dõi. 4 biến thể gây lo ngại nhất hiện nay là các biến thể xuất hiện lần đầu ở Anh - Alpha, Nam Phi - Beta, Brazil - Gamma và Ấn Độ - Delta.

Trong làn sóng thứ tư này, PGS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho biết qua giải trình tự gen virus trên các bệnh nhân ở Việt Nam cho thấy có hai biến chủng đang phổ biến là chủng phát hiện ở Anh - Alpha và chủng phát hiện lần đầu ở Ấn Độ - Delta.

Trong đó chủng Delta (hay còn gọi là biến chủng B.1.617.2) đang phổ biến nhất. Đặc điểm của chủng Delta này là lây nhanh, phát tán rộng trong không khí, nồng độ virus trong dịch cổ họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh ra môi trường xung quanh.

Virus SARS-CoV-2 đường lây truyền chính là giọt bắn. Tuy nhiên đối với biến thể Delta, rất có thể giọt bắn này có thể tồn tại ở dạng lơ lửng trong phòng kín, rơi xuống chậm. Vì vậy, khi người lành hít phải giọt bắn mang virus sẽ bị mắc bệnh.

Bên cạnh đó, trong đợt dịch này tại TPHCM đã cho thấy, biến chủng Delta với kỳ lây nhiễm ngắn 2-3 ngày, có trường hợp sau phơi nhiễm 3 ngày thì đã có thể lây bệnh cho người khác. Điều này khiến virus lây lan rất nhanh.

Thực tế hiện nay, qua một vài ngày tiếp xúc gần, các ca F1, F2 nhanh chóng trở thành ca F0. Đặc biệt, virus lây mạnh trong môi trường kín như quán bar, bệnh viện, xóm trọ, nhà máy trong khu công nghiệp (điều hòa, tập trung đông người, ngồi sát nhau…). Các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng virus Delta, gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc (đặc biệt là các tòa nhà văn phòng).

Không chỉ tại Việt Nam, chủng Delta còn “gieo rắc” nỗi sợ nhiều quốc gia trên thế giới. WHO cho biết trong bản cập nhật dịch tễ học mới nhất được công bố vào ngày 8/6 cho thấy, biến chủng Delta đã được phát hiện tại 74 quốc gia trên hầu hết lục địa trừ Nam Cực. Trong khi đó, một tháng trước, biến chủng này có mặt trên 40 quốc gia. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng sở dĩ biến chủng này lây lan nhanh như vậy có thể là do vấn đề di chuyển của con người trên toàn cầu.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), biến chủng Delta hiện chiếm hơn 6% các mẫu virus được giải mã trình tự gen ở Mỹ. Tỷ lệ trên có vẻ tương đối nhỏ, nhưng tốc độ tăng trưởng của chủng này lại rất đáng lo ngại. Chỉ mới một tháng trước, chủng Delta chỉ chiếm 1% số mẫu virus được giải mã trình tự gen, theo dữ liệu của CDC. Các chuyên gia tin rằng biến chủng Delta chính là nguồn cơn của đợt bùng dịch thứ hai gây nên cơn khủng hoảng ở Ấn Độ trong hơn 2 tháng qua.

Tuy nhiên, dù là biến chủng Delta mới nhưng đường lây truyền của virus không thay đổi. Ngoài nguyên tắc 5K, các chuyên gia cũng khuyến cáo mọi người nên mở cửa, làm thông thoáng khí phòng ốc. Bởi vì trong môi trường kín, điều hòa, virus lơ lửng trong không khí chứ không rơi xuống, sẽ lây lan mạnh hơn.

Đồng thời, khi có đủ điều kiện chủng ngừa thì nên tiêm vắc xin ngay bạn nhé! Các nhà nghiên cứu tại BioNTech và Đại học Texas Medical Branch ngày 10/6 cho biết họ đã tìm ra bằng chứng cho thấy vắc xin Pfizer/BioNTech có thể chống lại biến chủng Delta và các biến chủng khác. Các nhà nghiên cứu đã xét nghiệm máu của 20 tình nguyện viên đã được tiêm phòng đầy đủ và thấy rằng những người này miễn dịch với nhiều biến chủng, trong đó có Delta.

Các nhà nghiên cứu ở Anh đã báo cáo vào tuần trước rằng hầu hết người được tiêm hai liều vắc xin Pfizer/BioNTech vẫn có khả năng chống lại biến chủng mới, dù kháng thể dường như có giảm. Dữ liệu ban đầu công bố cũng chỉ ra kết quả tương tự đối với vắc xin AstraZeneca và Moderna.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X