Bác sĩ khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn
Bà bầu bị cao huyết áp cần lưu ý gì, thưa BS?
Câu hỏi
Thưa bác sĩ, Tôi 32 tuổi, bị cao huyết áp vô căn đã 6 năm từ khi mang thai cháu đầu ở tuần thứ 17. Trong thời gian mang thai BS cho tôi uống thuốc Dopegyt (cứ cách 6h uống 1 viên). Đến kỳ sinh tôi phải mổ đẻ để lấy thai. Sau sinh tôi kiểm tra huyết áp thì bình thường. Sau 3 năm thì lại bị tăng huyết áp vô căn, tôi đã khám và điều trị ở Viện tim mạch - BV Bạch Mai (HN). Cho đến bây giờ tôi đã uống thuốc được 2 năm 6 tháng theo đơn của BV Bạch Mai. Tôi muốn AloBacsi tư vấn giúp tôi, tôi có thể sinh em bé thứ 2 được không? Nếu sinh bé thứ 2 trong quá trình mang thai và khi bé ra đời có sự cố gì không? Bởi tôi lo là uống thuốc trong thời gian dài như vậy liệu có vấn đề gì? Tôi cảm ơn AloBacsi nhiều! (Thúy Vinh - Nghệ An)
Trả lời
Bạn Thúy Vinh thân mến,
Cao huyết áp là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ mang thai. Có tới 15% phụ nữ mang thai bị cao huyết áp và 25% trường hợp đẻ non là do cao huyết áp.
Mặc dầu nhiều phụ nữ mắc bệnh cao huyết áp mang thai vẫn sinh em bé khỏe mạnh mà không có biến chứng gì nghiêm trọng, nhưng cao huyết áp khi mang thai có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con:
- Về thai nhi: Huyết áp cao ở mẹ có thể gây giảm lưu lượng máu đến nhau, sự cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cũng ít hơn cho thai nhi phát triển đưa đến các nguy cơ: thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non, nhau bong non, thai chết lưu…
- Về mẹ: Huyết áp cao có thể gây tổn thương thận và các cơ quan khác của người mẹ, nhưng biến chứng nguy hiểm hơn là phát triển tiền sản giật trên người mẹ có cao huyết áp trước đó.
Tuy nhiên, nếu huyết áp được kiểm soát tốt và theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ thì phần lớn thai phụ bị tăng huyết áp đều có thể mang thai và sinh nở bình thường.
1. Báo cho BS điều trị biết ý định muốn có thai của bạn để BS thay đổi thuốc huyết áp phù hợp cho phụ nữ mang thai. Một số thuốc huyết áp không được dùng trong lúc mang thai như thuốc ức chế men chuyển chẳng hạn (zestoretic).
2. Thường xuyên dùng thuốc trị huyết áp theo hướng dẫn của BS.
3. Có chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ít muối, tập thể dục thường xuyên và giảm cân để giữ huyết áp ổn định (nếu quá cân). Tránh dùng rượu và thuốc lá.
4. Khi mang thai, đi khám đều đặn theo lịch hẹn để theo dõi sát huyết áp và sự phát triển của thai nhi.
5. Nếu bạn bị nhức đầu, chóng mặt, có vấn đề về thị lực như nhìn mờ hoặc phù nhiều ở mặt, tay chân và tăng cân nhanh, đau nhiều ở vùng bụng trên… hãy đi khám ngay lập tức.
Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh!
AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa. AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình