Hotline 24/7
08983-08983

Huyết áp đã ổn định, có thể ngưng thuốc được không?

Huyết áp đã ổn định, có dừng thuốc được không là thắc mắc của rất nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp. TS.BS Trần Chí Cường cho biết việc uống thuốc huyết áp không thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ tăng huyết áp đột biến dẫn đến đột quỵ xuất huyết não.

Huyết áp đã ổn định, có thể ngưng thuốc được không?

1. Tăng huyết áp nguy hiểm như thế nào?

TS.BS Trần Chí Cường:

Trong cộng đồng hiện nay, tỷ lệ người bị tăng huyết áp rất cao, khoảng hơn 50% người trên 50 tuổi có tình trạng này. Mức độ tăng huyết áp càng cao, nguy cơ xuất huyết não càng lớn. Nếu huyết áp 180mmHg mà chúng ta không điều trị thì bệnh nhân rất dễ xảy ra xuất huyết não do tăng huyết áp ác tính.

Tuy nhiên nhiều người còn chủ quan với bệnh tăng huyết áp. Khi bệnh nhân đã có những dấu hiệu nguy hiểm của tăng huyết áp: nhức đầu, nôn ói, thậm chí chảy máu mũi thì bệnh nhân mới đi đến bệnh viện. Phần lớn họ cho biết trước đó bản thân cảm thấy bình thường, và cho rằng huyết áp ở mức 160-180mmg nhưng không thấy khó chịu gì thì vẫn là bình thường.

Xin khẳng định lần nữa, nếu huyết áp >120mmHg thì chúng ta đã thuộc nhóm bệnh nhân tăng huyết áp rồi chứ không đợi tới 180mmHg.

alobacsi Bảng phân loại tăng huyết áp Bảng phân loại tăng huyết áp theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ 2017

Việc bệnh nhân lơ là, không khám, không điều trị tăng huyết áp, thậm chí đã điều trị nhưng không theo dõi định kỳ, tự ý ngưng thuốc/ giảm liều làm xuất hiện cơn tăng huyết áp đột biến đã khiến cho lượng bệnh nhân đột quỵ xuất huyết não gia tăng.

Một khi xuất huyết não đã xảy ra thì tính mạng bệnh nhân phụ thuộc vào may rủi là chính vì có những vị trí bác sĩ không thể nào cầm máu hay gây tắc mạch được, ví dụ như vùng xuất huyết ở cầu não, hành não. Thực tế đã có những bệnh nhân xuất huyết não ở vị trí này ngưng tim trên đường đi cấp cứu, khi đến được bệnh viện bác sĩ cũng chẳng thể làm gì hơn, bệnh nhân tử vong trong vòng chưa đầy 24 giờ từ lúc phát bệnh.

2. Điều trị tăng huyết áp như thế nào?

TS.BS Trần Chí Cường:

Việc điều trị tăng huyết áp hiện nay khá đơn giản, chúng ta có rất nhiều loại thuốc, việc phối hợp các loại thuốc hay đơn trị (chỉ dùng 1 loại) đều có mục đích đưa mức huyết áp của bệnh nhân về càng gần 120mmHg càng tốt để tránh dẫn đến biến chứng xuất huyết não, có thể tử vong.

alobacsi làm sao để uống thuốc huyết áp đều đặnĐể kiểm soát huyết áp, bệnh nhân nên có quyển sổ ghi chép chỉ số huyết áp của mình. Có thể sử dụng đồng hồ hẹn giờ và hộp chia thuốc để giúp uống thuốc đúng giờ, tránh quên liều thuốc. - Ảnh: AloBacsi tổng hợp

3. Huyết áp đã ổn định rồi, có thể ngưng thuốc điều trị hay không?

TS.BS Trần Chí Cường:

Nguyên tắc chung là chúng ta phải hết sức cẩn thận, không được phép ngưng thuốc huyết áp đột ngột mà phải giảm liều từ từ đến liều tối thiểu mà huyết áp không lên trở lại thì chúng ta mới được phép ngưng. Do đó phần lớn những trường hợp điều trị tăng huyết áp trên 60 tuổi gần như không được phép ngưng thuốc.

Đối với những bệnh nhân trẻ, đôi khi chúng ta điều trị một thời gian huyết áp có thể phục hồi, trở lại bình thường nhưng đối với người lớn tuổi thì gần như việc uống thuốc là thường xuyên và duy trì suốt đời.

Việc ngưng thuốc huyết áp luôn phải có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ theo dõi kỹ khi giảm liều, huyết áp không lên trở lại mới được phép ngưng.

Sở dĩ phải làm như vậy là để huyết áp không bị tăng đột biến sau hội chứng “tăng huyết áp tái lập”, ngưng thuốc đột ngột có thể xảy ra cơn tăng huyết áp đột biến và bệnh nhân có thể tử vong.

Chúng tôi đã chứng kiến những trường hợp rất đau lòng khi bệnh nhân điều trị tăng huyết áp nhưng uống thuốc không thường xuyên, thấy đỡ rồi không tái khám, dẫn đến đột quỵ, hôn mê và tử vong sau đó 3 ngày, khi đang trong lứa tuổi lao động, cống hiến cho xã hội.

alobacsi do huyet ap Từ 30-40 tuổi trở lên nên thường xuyên đo huyết áp, khoảng 1 tháng 1 lần để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp

4. Tăng huyết áp nhưng không có triệu chứng, phải làm sao?

TS.BS Trần Chí Cường:

Có những trường hợp bệnh nhân bị tăng huyết áp hoàn toàn không có biểu hiện gì cả, không nhức đầu, không nôn ói, không yếu tay chân nhưng có biểu hiện chảy máu mũi lặp đi lặp lại, đi khám tai mũi họng, các bác sĩ tai mũi họng thường chỉ tập trung thăm khám mũi xoang mà không quan tâm nhiều đến nguyên nhân có thể do tăng huyết áp.

Nhân đây tôi xin lưu ý quý đồng nghiệp, nếu chúng ta có bệnh nhân lớn tuổi chảy máu mũi nhiều lần thì nên chú ý cho họ khám thêm chuyên khoa tim mạch để xem bệnh nhân có cơn tăng huyết áp ác tính hay không. Chảy máu mũi có thể là một trong những biểu hiện ban đầu của cơn tăng huyết áp ác tính mà nếu chúng ta không điều trị kịp thời thì bệnh nhân có thể xuất huyết não, tử vong.

Thực hiện: Hồng Nhung - Viết Hưởng

Từ 30 - 40 tuổi trở lên nên thường xuyên đo huyết áp, khoảng 1 tháng 1 lần.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X