Huyết áp cao chỉ cần giảm muối, đâu cần kiêng nước mắm, nước tương?
Huyết áp cao là con dao thầm lặng. Đôi khi chúng ta chỉ nghĩ đơn giản một cơn đau đầu váng vất, hay áp lực, gắng sức vì công việc quá dễn đến mất ngủ nhưng đây có thể dấu hiệu báo động mà cơ thể gửi đến. Lúc này, để yên tâm thì cần đo huyết áp ngay. Tầm soát huyết áp là khâu đầu tiên giúp chúng ta dự phòng các biến chứng nguy hiểm, nhất là đột quỵ.
Huyết áp cao (hay còn gọi là tăng huyết áp, cao huyết áp) là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, mỗi năm cướp đi sinh mạng trên 7 triệu người. Tại Việt Nam, hiện có gần 21 triệu người bị huyết áp cao. Số người tử vong vì huyết áp cao mỗi năm cao hơn 10 lần số người tử vong vì tai nạn giao thông.
Mặc dù là căn bệnh nguy hiểm, nhưng số người mắc bệnh và người điều trị lại tỷ lệ nghịch với nhau. Tỷ lệ người dân Việt Nam biết mình bị tăng huyết áp và tuân thủ điều trị chỉ chiếm 1/3, tức 10 người bị tăng huyết áp chỉ có 3 người biết, trong 3 người biết bị bệnh chỉ có 1 người điều trị.
Huyết áp cao ngoài gây suy thận, nhồi máu cơ tim còn gây ra các biến chứng tai biến mạch máu não, xuất huyết não, vỡ mạch máu não. Đó chính lí do, nhiều người tử vong đột ngột trong vòng 1-2 phút mà không biết nguyên nhân.
Huyết áp cao là gì?
Huyết áp cao là bệnh mạn tính, xảy ra khi áp lực máu lên các thành động mạch cao hơn so với bình thường. Bạn có thể mắc huyết áp cao trong nhiều năm mà không có bất kỳ triệu chứng nào.
Huyết áp cao là bao nhiêu?
Khi đo huyết áp, người ta dùng 2 số đo là huyết áp tâm thu (số đứng trước) và huyết áp tâm trương (số đứng sau), chẳng hạn như 120 trên 80 (viết là 120/80 mmHg).
“Trước kia, khoảng vài chục năm về trước, người ta xác định huyết áp cao là tuổi + 100. Ví dụ, một người 60 tuổi thì cộng thêm 100 là huyết áp tâm thu, nếu ở trên ngưỡng đó thì tăng huyết áp, dưới thì không phải. Nhưng đến nay, để xác định huyết áp bình thường là phải nằm trong khoảng 120/90 mmHg, còn trên 120 thì đã là dấu hiệu của tiền tăng huyết áp” - GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam cho biết.
Các phân độ của huyết áp cao gồm:
Độ 1: Thông thường, bạn sẽ được chẩn đoán là mắc bệnh huyết áp cao khi huyết áp tâm thu ở mức 140 và 159 mmHg, hoặc khi huyết áp tâm trương ở khoảng 90 đến 99 mmHg. Đây được xem là huyết áp cao độ 1.
Độ 2: Nếu giai đoạn 1 huyết áp cao là một mối lo, giai đoạn 2 huyết áp cao lại càng cho thấy tình trạng nghiêm trọng hơn. Nếu huyết áp của bạn có số phía trên lớn hơn 160, hay số phía dưới lớn hơn 100, bạn đang mắc phải cao huyết áp độ 2.
Ở giai đoạn này, ngoài việc thay đổi lối sống, chẳng hạn như giảm cân, ăn uống kiêng cữ hơn, và tập thể dục nhiều hơn - bác sĩ có thể kê cho bạn một hoặc nhiều loại thuốc để giữ cho huyết áp của bạn trong tầm kiểm soát.
Vùng nguy hiểm: Khi chỉ số huyết áp trên 180/110 mmHg - hoặc có một trong hai tâm thu hoặc tâm trương cao hơn chỉ số này, điều này cho thấy bạn đang mắc một bệnh nghiêm trọng. Chỉ số huyết áp cao như vậy cho thấy bạn đang có “cơn tăng huyết áp” và đòi hỏi phải được điều trị ngay lập tức.
Tuy nhiên, đôi khi giá trị huyết áp lúc đầu rất cao nhưng sau đó lại trở về bình thường. Nên thông thường bác sĩ có thể đo lại lần nữa sau ít phút. Kết quả lần hai nếu vẫn cao như vậy thì nghĩa là bạn cần phải được điều trị khẩn cấp.
Nguyên nhân huyết áp cao
Có hai loại huyết áp cao với các nguyên nhân khác nhau:
Cao huyết áp nguyên phát: Loại tăng huyết áp này phát triển theo thời gian, nguyên nhân vẫn đang được tìm hiểu. Hầu hết mọi người đều có thể gặp phải loại huyết áp cao này. Trong trường hợp này, huyết áp cao thường là do di truyền và xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới.
Cao huyết áp thứ phát: Thường có diễn biến nhanh chóng và có thể trở nên trầm trọng hơn nhiều so với bệnh huyết áp nguyên phát. Các nguyên nhân thường gặp gây tăng huyết áp thứ phát bao gồm: hệ quả của một số bệnh như bệnh thận, bệnh tuyến giáp, u tuyến thượng thận hay sử dụng thuốc tránh thai, thuốc chữa cảm, cocaine hoặc tiêu thụ rượu quá mức nhất định.
Triệu chứng huyết áp cao
Tăng huyết áp không có dấu hiệu đặc trưng. Các triệu chứng rất phức tạp và nặng nhẹ khác nhau, biểu hiện tuỳ thuộc theo thể trạng của từng người.
Những dấu hiệu hay gặp của tăng huyết áp là: Choáng váng, nhức đầu, mất ngủ, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, khó thở, đau tức ngực, hồi hộp, đỏ mặt, buồn nôn.
Huyết áp cao nên làm gì?
Khi khuyết áp tăng cao, người bệnh cần nghỉ ngơi trong khoảng 15 phút, sau đó dùng huyết áp kế đo lại huyết áp. Người bệnh có thể dùng ngay thuốc mà bác sĩ đã kê toa trước đó.
Khi bị tăng huyết áp nên để bệnh nhân nằm nghỉ ngơi, thả lỏng cơ thể. Không nên vận chuyển ngay người bệnh sẽ làm nguy cơ tăng huyết áp càng tăng và nguy cơ đột quỵ dễ xảy ra.
Ngoài ra, không nên nói nhiều, không nên quá xúc động, quá vui hoặc nóng giận. Đang trong lúc cãi nhau thì phải ngưng ngay việc cãi vã. Lưu ý, đặc biệt người bệnh cần tránh các thức ăn có đường khi lên cơn cao huyết áp, vì lúc này đường có thể khiến huyết cao hơn.
Người nhà cũng không nên vì quá lo lắng mà xúm lại hỏi han bệnh nhân quá nhiều. Người bệnh cũng không nên hoạt động gắng sức. Trong trường hợp huyết áp không hạ sau nghỉ ngơi thì cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.
Huyết áp cao, được ăn mặn đến mức nào?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, lượng muối nạp vào cơ thể nên ít hơn 2.000 mg/ngày (tương đương với dưới 5 g muối/người/ngày). Trong khi ở nước ta, do thói quen ăn mặn nên người Việt tiêu thụ trung bình 9,4 g muối/người/ngày. Với người đã có thói quen ăn mặn, để từ bỏ là một điều vô cùng khó khăn bởi khi nấu giảm muối, món ăn sẽ nhạt nhẽo và không ngon miệng, nhưng với người mắc bệnh tăng huyết áp nên sớm điều chỉnh thói quen này.
Theo nghiên cứu, nếu chỉ ăn một bát phở bò tái chín (tô lớn) lượng muối trong đó gần như đủ cung cấp cho cơ thể trong 1 ngày, với khoảng trên 3,34 g muối hay suất cơm rang thập cẩm chứa 3,34 g muối; cơm suất văn phòng (gồm thịt nạc vai và đậu phụ) cũng có lượng muối lên tới 5,15 g...
Nhiều bệnh nhân tăng huyết áp thường “phản biện” với bác sĩ hay người nhà rằng, ăn giảm muối nghĩa là chỉ riêng mình muối, còn các loại khác như nước mắm, nước tương… thì có thể ăn thoải mái.
Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm, các thức ăn chế biến sẵn như thịt hun khói, bim bim…cũng đều chứa muối. Ngay trong thực phẩm tự nhiên tưởng chừng như không có muối như một bát cơm trắng (cơm tẻ) cung cấp 258 kcal cũng có sẵn 0,01 g muối.
Chính vì vậy, người bị huyết áp cao không dùng các loại thực phẩm có nhiều muối như các loại khô, mắm, cà muối, dưa muối, thực phẩm đóng hộp, giò chả, tương chao… Hạn chế dùng thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối: cải muối chua, trứng muối, thịt hộp, chả lụa, thịt chà bông (ruốc), xúc xích... Không dùng thêm nước chấm mặn trong bữa ăn; nước mắm nguyên chất, muối tiêu, mắm nêm, mắm tôm… Ăn nhạt hơn lúc chưa có bệnh. Nêm ít muối và bột nêm khi chế biến món ăn (giảm ít nhất 50% so với lúc bình thường).
Bên cạnh đó, cũng cần phải giảm sử dụng các loại nước xốt pha sẵn vì có nhiều dầu và muối (xốt cà chua, xốt ớt, xốt mayonnaise, dầu hào…).
Không chỉ người bị tăng huyết áp và cả những người có sức khỏe bình thường khi nấu nướng hãy cho ít muối, chấm nhẹ tay và giảm đồ ăn mặn. Nếu ăn phở không nên ăn hết nước. Thay vì các món rim, kho, rang nên thường xuyên ăn các món luộc và đọc hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm trước khi ăn.
Những lời khuyên khi uống thuốc huyết áp cao
Chỉ thay đổi cách sống hàng ngày không đủ để hạ huyết áp. Bạn cần phải uống thêm thuốc hạ huyết áp. Một vài lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn uống thuốc một cách đầy đủ và chính xác hơn.
- Uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
- Cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng, thuốc dân gian, dược thảo hoặc thuốc bổ. Hãy mang theo chúng khi đến gặp bác sĩ.
- Cho bác sĩ biết ngay lập tức nếu thuốc huyết áp khiến bạn cảm thấy khó chịu. Bạn có thể yêu cầu thay đổi liều lượng hoặc loại thuốc khác.
- Nhớ mua thêm thuốc trước khi hết.
- Thường xuyên đo và ghi lại chỉ số huyết áp của mình để xem thuốc có hiệu quả với mình không.
- Không nên dừng thuốc cho dù huyết áp đã trở lại bình thường.
- Không nên đưa thuốc của mình cho bạn bè hoặc người thân trong gia đình dùng.
- Nếu bạn không có khả năng tài chính để mua thuốc, hãy cho bác sĩ của bạn biết. Có thể có những chương trình hỗ trợ mua thuốc.
- Hãy dùng những ghi chú hoặc nhiều cách khác nhau để tự nhắc mình uống thuốc. Bạn cũng có thể nhờ người thân trong gia đình gọi điện thoại nhắc mình uống thuốc.
Hồng Anh (Tổng hợp)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình