Hội chứng suy hô hấp cấp diễn ra như thế nào, nguy hiểm ra sao?
Trong đại dịch COVID-19, chúng ta thường nghe đến “hội chứng suy hô hấp cấp” (ARDS), ThS.BS Võ Thị Tố Uyên gửi đến bạn đọc thông tin về hội chứng này, xảy ra như thế nào, điều trị ra sao, có để lại di chứng gì không…
1. Hội chứng suy hô hấp cấp là tình trạng như thế nào, nguy hiểm ra sao?
Vào những năm 1960, một dạng riêng biệt của tình trạng suy hô hấp giảm oxy máu đặc trưng bởi biểu hiện bất thường cấp tính ở cả hai phổi được phát hiện. Các bác sĩ quân y làm việc tại các bệnh viện ngoại khoa ở Việt Nam gọi chúng là “shock phổi”, trong khi đó bác sĩ dân sự xem đó là “hội chứng suy hô hấp ở người lớn”.
Ngày nay, hội chứng suy hô hấp cấp, viết tắt ARDS được hiểu là tình trạng tổn thương phổi lan toả, cấp tính, biểu hiện dưới dạng viêm do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Đây là tình trạng bệnh nặng gây giảm oxy trong máu, do các phế nang của phổi thường chứa dịch và không thể trao đổi khí một cách bình thường. Mô phổi có thể hoá sẹo và mất dần chức năng nếu không được điều trị đúng cách.
Theo các thống kê, 10% số bệnh nhân nhập ICU là do ARDS, phần lớn bệnh nhân cần thông khí cơ học (thở máy). Tỷ lệ tử vong nội viện của ARDS lên tới gần 40%, những bệnh nhân hồi phục sau đó cũng thường gặp phải di chứng phổi.
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên - khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất
2. Những tình trạng/bệnh gì có thể dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp?
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ARDS, phổ biến nhất là nhiễm trùng huyết. Đây là tình trạng rối loạn chức năng cơ quan đe dọa tính mạng gây ra bởi đáp ứng không được điều phối của cơ thể đối với nhiễm khuẩn. Bệnh nhân thường có triệu chứng sốt, dấu hiệu định vị nhiễm trùng, tụt huyết áp và suy đa cơ quan.
Viêm phổi hít cũng là nguyên nhân thường gặp, trong đó phổ biến là hít dịch dạ dày, dịch có pH dưới 2.5 có thể gây ra tổn thương phổi nghiêm trọng. Kể cả dịch không có tính acid nhưng có chưa men tiêu hoá và phần tử nhỏ thức ăn cũng có thể gây ra tổn thương phổi ở nhiều mức độ.
Viêm phổi mắc phải cộng đồng hoặc bệnh viện đều có thể dẫn tới ARDS, thường gặp với các tác nhận như Streptococcus pneumoniae , Legionella pneumophila, Pneumocystis jirovecii, Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa và một số vi khuẩn gram âm có nguồn gốc tiêu hoá khác.
Các chấn thương nặng chiếm khoảng 10% nguyên nhân gây ARDS, bao gồm đụng dập phổi, thuyên tắc mỡ sau gãy xương, bỏng hô hấp, tổn thương phổi do tai biến truyền máu hoặc chế phẩm máu, sau ghép tạng...
Tổn thương phổi có thể gây ra do quá liều thuốc như aspirin, cocaine, opioids, phenothiazines, chống trầm cảm ba vòng...
3. Bệnh nhân có thể biết mình sắp rơi vào hội chứng suy hô hấp cấp hay không?
Các triệu chứng khởi đầu của ARDS thường không đặc hiệu, dễ bỏ sót chẩn đoán. Nghi ngờ ARDS khi bệnh nhân có triệu chứng khó thở tiến triển, giảm oxy máu cần phải thở oxy và có tổn thương phế nang trên phim phổi trong vòng 6-72 giờ sau sự kiện thúc đẩy.
Nặng hơn, bệnh nhân sẽ thở nhanh, lú lẫn, xanh tím, vã mồ hôi. Ho, đau ngực, khò khè, ho ra máu và sốt có thể gặp thường liên quan tới nguyên nhân gây bệnh.
4. Triệu chứng hội chứng suy hô hấp cấp có dễ nhầm với bệnh tim không?
Các triệu chứng lâm sàng của ARDS có thể nhầm lẫn với suy tim nhưng hai tình trạng này khác nhau về bản chất.
Suy tim đặc trưng bởi quá tải thể dịch trong khi bệnh nhân ARDS thường khôgn có dấu hiệu của tăng áp lực nhĩ trái và quá tải thể tích. Bệnh nhân suy tim thường có phù, tĩnh mạch cổ nổi, tiếng tim T3 và tăng nồng độ BNP trong máu, đáp ứng với điều trị lợi tiểu. Bệnh nhân ARDS thường ít khi có các biểu hiện này.
5. Hội chứng suy hô hấp cấp được chẩn đoán như thế nào?
ARDS được chẩn đoán chủ yếu dựa vào các dấu hiệu lâm sàng. Đôi khi ARDS có thể chẩn đoán bằng mô học nhưng chỉ thực hiện khi chẩn đoán phân biệt với nguyên nhân khác quá khó khăn.
Tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng của ARDS theo Berlin phải đảm bảo loại trừ các tình trạng suy hô hấp giảm oxy máu và tổn thương phổi hai bên cấp tính do các nguyên nhân khác, cũng như phù phổi do suy tim; với các đặc điểm sau:
- Suy hô hấp khởi phát trong vòng 1 tuần.
- Xquang phổi có tổn thương lan tỏa 2 bên phổi không phải do tràn dịch, xẹp phổi, u hoặc nốt.
- Suy hô hấp không do suy tim hoặc quá tải dịch.
- Giảm oxy máu trung bình đến nặng: PaO2/FiO2 ≤ 300 với PEEP/CPAP ≥ 5cmH2O
Bên cạnh tiêu chuẩn chẩn đoán trên, bác sĩ lâm sàng sẽ tìm kiếm nguyên nhân gây ARDS và loại trừ các bệnh lý dễ gây nhầm lẫn thông qua thăm hỏi bệnh sử và khám lâm sàng, các xét nghiệm máu như khí máu động mạch, tầm soát nhiễm trùng, đánh giá chức năng tim mạch, Xquang phổi, xét nghiệm vi sinh để xác định tác nhân gây viêm nhiễm...
6. Tại bệnh viện có những phương pháp gì điều trị hội chứng suy hô hấp cấp?
Đa phần bệnh nhân ARDS không phải chết chỉ vì nguyên nhân suy hô hấp mà còn do nhiều tình trạng đi kèm khác như nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan. Do đó, điều trị ARDS bao gồm điều trị nguyên nhân, ổn định huyết động, thông khí cơ học, can thiệp dinh dưỡng, kiểm soát đường huyết, điều trị và phòng ngừa nhiễm trùng, phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch chi dưới và xuất huyết tiêu hoá.
Liệu pháp oxy là biện pháp đầu tiên để giữa mức oxy ổn định trong máu người bệnh, oxy có thể cung cấp qua mũi, mặt nạ hoặc qua ống nội khí quản tuỳ vào độ nặng của bệnh. Thông khí cơ học không xâm lấn (qua mặt nạ) hoặc qua ống nội khí quản có thể thực hiện cho những bệnh nhân cần hỗ trợ hô hấp, nguy cơ có thể dẫn tới viêm phổi hoặc tràn khí màng phổi nên cần thực hiện theo chiến lược bảo vệ phổi.
Các thuốc kháng sinh, giảm tiết acid, kháng đông, an thần, giãn cơ, giảm đau được sử dụng khá thường xuyên để đạt mục tiêu điều trị. Ngoài ra, khi cần có thể tiến hành truyền máu và các chế phẩm máu (khi có rối loạn đông máu, thiếu máu nặng), oxy hoá máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO), bù nước, điện giải và nuôi ăn qua ống thông dạ dày. Một số bệnh nhân có thể được cho nằm sấp để tăng cường trao đổi oxy ở phổi và tập vật lý trị liệu giúp hồi phục sức cơ và ngăn ngừa biến chứng do tì đè.
7. Nếu bệnh nhân được cứu sống, có di chứng gì không, có cần tập phục hồi chức năng không?
Phần lớn các bệnh nhân ARDS sống sót sẽ phục hồi chức năng phổi gần như bình thường. Một số biểu hiện hội chứng hạn chế hoặc tắc nghẽn ở mức độ nhẹ, thường phục hồi chức năng phổi tối đa trong vòng 6 tháng.
Suy giảm chức năng thần kinh - cơ sau ARDS có thể ảnh hưởng tới chất lượng sống, thường hồi phục trong vòng 1 năm sau đó. Tập vật lý trị liệu có thể giúp ích cho quá trình hồi phục. Có tỷ lệ đáng kể bị trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau chấn thương ở bệnh nhân ARDS sống sót.
8. Có cách nào để phòng ngừa hội chứng suy hô hấp cấp không?
Để phòng ngừa ARDS, chủ yếu là giảm thiểu các yếu tố nguy cơ dẫn tới tình trạng này. Cai thuốc lá được xem là một trong những phương pháp hữu hiệu để bảo vệ phổi, điều này bao gồm cả việc phòng tránh hút thuốc lá thụ động.
Tiêm ngừa cúm hàng năm và tiêm ngừa phế cầu để phòng ngừa ARDS liên quan đến nhiễm các tác nhân này. Đối với bác sĩ, trong điều trị cần thận trọng với các chỉ định truyền dịch, truyền máu và có biện pháp phòng ngừa phù hợp trên bệnh nhân có nguy cơ viêm phổi hít (nâng đầu giường, đánh giá nguy cơ hít sặc...).
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình