Kỹ thuật ECMO là gì, được áp dụng trong trường hợp nào?
Kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) cơ thể là phương thức hỗ trợ sự sống bởi vòng tuần hoàn bên ngoài cơ thể trong khi bệnh nhân không có chức năng tim, phổi bình thường.
Kỹ thuật ECMO được nhắc đến nhiều những ngày gần đây, được áp dụng cho những bệnh nhân COVID1-19 rơi vào tình trạng nguy kịch, trong đó có phi công người Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Bệnh nhân này nhiều lần tưởng chừng không thể qua khỏi đã được cải thiện tốt hơn và ngừng sử dụng ECMO vào sáng 3/6.
Bệnh nhân 91, 43 tuổi, phi công người Anh suy hô hấp nặng, phải can thiệp ECMO trong 2 tháng (từ ngày 6/4 đến ngày 3/6) - ảnh: AloBacsi tổng hợp
Tại Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai là nơi đầu tiên triển khai kỹ thuật ECMO, bắt đầu từ năm 2009, tại đây mỗi năm có 40-70 ca điều trị bằng ECMO - BS Mai Văn Cường, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết. Điều quan trọng nhất đối với bệnh nhân khi có suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp đó là: oxy vận chuyển của bệnh nhân ra sao và oxy tiêu thụ của bệnh nhân như thế nào? Kỹ thuật ECMO được áp dụng nhằm đảm bảo tuần hoàn của bệnh nhân vẫn cung cấp oxy cho cơ thể trong khi không có sự hỗ trợ của chức năng tim, phổi bình thường.
I. Suy tuần hoàn cấp là gì?
Định nghĩa suy tuần hoàn cấp theo Franco W. Kroetz năm 1967 bao gồm: sốc, ngất và tử vong. Khởi phát cấp tính, tổn thương hệ tuần hoàn và cơ chế bù trừ có thể hồi phục. Cơ chế đáp ứng bù trừ mạn tính (xung huyết) không hoạt động. Bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng là biểu hiện của cơ chế bù trừ cấp tính gây ra: tụt huyết áp, giảm tưới máu mô, nước tiểu giảm, giảm ý thức…
Năm 1984, tại Hội thảo quốc tế về hồi sức, suy tuần hoàn cấp định nghĩa như sau: Suy tuần hoàn cấp là hội chứng lâm sàng mà huyết áp tâm thu < 90mmHg hoặc giảm trên 30mmHg so với nền, da lạnh ẩm, nước tiểu < 20ml/giờ. Kèm theo dấu hiệu giảm tưới máu mô, giảm oxy vận chuyển: lactat máu > 2mmol/l.
Tại Glasgow năm 2013, định nghĩa về sốc rõ hơn nữa: Sốc là một tình trạng tưới máu tạng không thỏa đáng (có thể do nhu cầu của mô tăng lên (VD trong sốc nhiễm khuẩn), cũng có thể do đáp ứng của cơ tim, của mạch máu không đủ cung cấp lưu lượng tuần hoàn cho bệnh nhân - gọi là đáp ứng không thỏa đáng về mặt tưới máu). Suy tuần hoàn cấp là tình trạng phân bố tưới máu mô không thỏa đáng hoặc không phù hợp dẫn tới thiếu oxy tế bào toàn thân.
Định nghĩa này được sử dụng nhiều từ năm 2013 tới nay, cũng là định nghĩa chung nhất về tình trạng suy tuần hoàn cấp và tình trạng sốc.
Sinh lí bệnh suy tuần hoàn
II. Suy hô hấp cấp là gì?
Suy hô hấp cấp là tình trạng phổi đột nhiên không đảm bảo chức năng trao đổi khí gây ra thiếu oxy máu, kèm theo hoặc không kèm theo tăng CO2 máu.
Bệnh nhân suy hô hấp cấp thường có biểu hiện lâm sàng: khó thở, xanh tím, rối loạn tim mạch (rối loạn nhịp tim, huyết áp tăng hoặc hạ, ngừng tim…), rối loạn thần kinh và ý thức (giãy dụa, lẫn lộn, mất phản xạ gân xương, li bì, lờ đờ, hôn mê…)
Suy hô hấp cấp là cấp cứu thường gặp, cần phải can thiệp ngay. Thực tế, có thể phân chia suy hô hấp cấp ra làm 2 loại:
- Loại nặng: Can thiệp bằng thuốc là chủ yếu, có thể giải quyết được bằng thuốc hoặc một số thủ thuật không đáng kể.
- Loại nguy kịch: Phải can thiệp ngay bằng các thủ thuật sau đó mới dùng thuốc hoặc phải sử dụng song song (đặt nội khí quản, bóp bóng, thở máy...)
Các biện pháp hồi sức hô hấp cần phải được thực hiện ngay lập tức, càng khẩn trương thì khả năng sống bệnh nhân càng nhiều. Các phương pháp xử trí bao gồm:
- Khai thông đường dẫn khí: Khai thông đường dẫn khí là việc đầu tiên phải làm, phải xem xét không những cho các bệnh nhân có suy hô hấp cấp mà cho tất cả các bệnh nhân cấp cứu ngay từ giây phút đầu tiên tiếp xúc.
- Dẫn lưu màng phổi: có chỉ định trong các hội chứng tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất và trong tràn máu, tràn dịch màng phổi.
- Mở khí quản: có chỉ định khi có trở ngại ở đường hô hấp trên mà các phương pháp trên đây không giải quyết được, ví dụ co thắt thanh quản, phù nề thanh quản, viêm loét thanh quản (bạch hầu), vết thương thanh khí quản; bệnh nhân phải thở máy dài ngày; khi cần giảm khoảng chết để tăng thông khí phế nang.
- Đặt nội khí quản: có chỉ định giống mở khí quản. Có 2 phương pháp đặt nội khí quản: qua miệng và qua mũi.
- Hỗ trợ hô hấp, hô hấp nhân tạo: được thực hiện trên những bệnh nhân bị giảm thông khí. Bao gồm: thổi ngạt, thở máy (ventilation mecanique) khi phương pháp hỗ trợ hô hấp thông thường không có kết quả.
- Oxy liệu pháp: chỉ cho bệnh nhân thở khi thiếu oxy, trường hợp vừa thiếu oxy vừa ưu thán thì phải làm bệnh nhân thở tốt, tống hết CO2 thừa ra ngoài rồi mới cho thở oxy. Các phương pháp thở oxy thường dùng là: thở oxy qua thông đặt ở mũi, thở qua mặt nạ, thở oxy trong lều hoặc lồng ấp, thở oxy cao áp.
- Rửa phế quản: Trong cơn hen phế quản ác tính, rửa phế quản qua ống nội khí quản lý thủ thuật cơ bản kết hợp với việc thở máy với áp lực đẩy vào.Rửa phế quản kết hợp với tẩm quất vùng ngực, ho hỗ trợ là các biện pháp tích cực làm cho long đờm.
- Chống nhiễm toan
- Các thuốc kích thích hô hấp
- Sử dụng các kháng sinh có hoạt lực mạnh...
III. Kỹ thuật ECMO được tiến hành như thế nào?
Hệ thống tim phổi nhân tạo đầu tiên được phát triển trong phòng mổ, nó thay thế tim đập trong quá trình các bác sĩ phẫu thuật tim, diễn ra tối đa khoảng 2 giờ. Năm 1953 hệ thống này được đưa vào áp dụng trên cơ thể người khi cần kéo dài thời gian hỗ trợ tuần hoàn cho bệnh nhân, được gọi là hệ thống ECMO (Extracorporeal membrane oxygenation).
ECMO được tiến hành: lấy máu từ hệ thống tĩnh mạch lớn (tĩnh mạch chủ dưới, tĩnh mạch chủ trên, tĩnh mạch dưới đòn…) qua bơm ly tâm, đẩy máu qua màng trao đổi oxy. Màng trao đổi oxy này có 2 nhiệm vụ chính: lấy oxy vào cho bệnh nhân và thải CO2 ra. Sau đó, máu giàu oxy được đưa về hệ thống động mạch của bệnh nhân (có thể là hệ thống động mạch ngoại vi, hệ thống động mạch trung tâm (gần tim hơn), hoặc đưa thẳng vào nhĩ trái - động mạch chủ).
Nguyên lý của ECMO - ảnh: AloBacsi tổng hợp
IV. Kỹ thuật ECMO được áp dụng trong trường hợp nào?
1. Chỉ định của ECMO
Sốc tim trong bệnh cảnh nhồi máu cơ tim cấp, viêm cơ tim cấp,*, bệnh cơ tim, do quá liều thuốc gây ức chế sức co bóp cơ tim, viêm cơ tim do nhiễm khuẩn, bệnh lý cơ tim do tiền sản giật; các bệnh lý tắc mạch phổi; rối loạn nhịp; tăng áp lực mạch phổi nặng; phản vệ nặng; chấn thương có tổn thương cơ tim lớn; các bệnh lý chèn máu phổi; hỗ trợ cho bệnh nhân chuẩn bị thay tim…
2. Chống chỉ định của ECMO
Bệnh nhân suy các cơ quan mạn tính như xơ gan, bệnh thận, bệnh gan giai đoạn cuối; tổn thương não trầm trọng; bệnh nhân mắc bệnh ác tính; lớn hơn 75 tuổi; rối loạn đông máu nặng…
V. Vai trò của kỹ thuật ECMO
Kỹ thuật ECMO không chữa lành bệnh tim hoặc phổi nhưng giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn nguy kịch, kết hợp chữa trị nguyên nhân chờ thời gian hồi phục; có thể giảm bớt hỗ trợ máy thở để giảm nguy cơ tổn thương phổi; giảm bớt thuốc hỗ trợ tim… Đây là kỹ thuật làm tăng khả năng cứu sống bệnh nhân nặng trong trường hợp điều trị kinh điển có hiệu quả thấp. Trước đây khi không có ECMO, bệnh nhân viêm phổi nặng, suy tim thường tử vong.
ECMO là kỹ thuật phức tạp, cần 1 ekip bác sĩ hết sức chuyên nghiệp để vận hành. Để tiến hành được kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể ECMO cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các chuyên khoa như nội, ngoại khoa, các lĩnh vực hồi sức và xét nghiệm cận lâm sàng… cũng như phải có đội ngũ có đủ năng lực được đào tạo chuyên nghiệp.
Hồng Nhung (tổng hợp)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình