Hotline 24/7
08983-08983

Hội chứng ống cổ tay, hội chứng ngón tay điện thoại di động từ thói quen sử dụng thiết bị điện tử

Việc sử dụng điện thoại thông minh thường xuyên, cũng như chuyển động lặp đi lặp lại của các ngón tay trong một tư thế không tốt, đã được chứng minh là các yếu tố chính gây nên các triệu chứng cơ xương khớp. ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh – Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, cơn đau trầm trọng có thể khiến người bệnh không thể vận động bình thường.

1. Đau, căng cứng cổ, vai, bàn tay do sử dụng thiết bị điện tử

Sử dụng điện thoại thông minh, thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng như thế nào đến xương khớp, đặc biệt là cổ tay, ngón tay, cổ và vai?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Tình trạng này bắt đầu nổi lên chỉ trong 10 năm trở lại đây. Ảnh hưởng của máy tính đặc biệt xuất hiện ở cổ và lưng từ cách đây khoảng 20 năm.

Biểu hiện ảnh hưởng đến cổ tay, ngón tay, cổ và lưng do điện thoại thông minh và máy tính bảng chỉ mới xuất hiện trong khoảng 10 năm nay nên chưa có nhiều nghiên cứu. Tuy nhiên, theo quan sát, các biểu hiện thường nhất là căng cứng cổ, đau cổ sau khi xem thiết bị một thời gian dài. Kế đến là tình trạng đau lưng.

Tình trạng này thường bị nhầm lẫn với các biểu hiện của các nguyên nhân khác như dùng máy tính, làm việc văn phòng. Riêng đối với điện thoại di động, biểu hiện ở bàn tay sẽ nhiều hơn đặc biệt là cổ tay và ngón tay cái.

Câc biểu hiện thường là đau cổ tay, đau ngón tay cái, một số trường hợp bị đau cả những ngón tay khác, tê các đầu ngón tay. Người ta gọi đây là “hội chứng ngón tay điện thoại di động - smartphone finger syndrome”.

2. Trẻ đau khớp ngón tay vì sử dụng thiết bị điện tử

Tại sao trẻ em sử dụng điện thoại di động nhiều lại dẫn đến đau cổ tay, ngón tay, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Lý do đầu tiên là cơ ở vùng tay, cổ tay và ngón tay của các em chưa được khỏe như người lớn.

Các thế hệ điện thoại thông minh sau này ngày càng to và nặng. Máy tính bảng lại càng nặng hơn. Các em cầm những thiết bị này nhiều và lâu cũng là nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng biểu hiện nhiều hơn.

Các biểu hiện bao gồm đau cổ tay, đau ngón tay cái, nặng hơn là khó cử động ngón tay cái. Biểu hiện ở ngón tay cái này trước đây thường gặp ở phụ nữ sau mang thai, do phải bế em bé.

Khi cầm điện thoại, các em nhỏ thường giữ một tư thế trong thời gian kéo dài và sử dụng ngón tay cái để thao tác trên màn hình. Hành động này diễn ra liên tục trong thời gian dài khiến cơ ngón tay cái bị viêm và viêm gân ngón cái.

Trong một số trường hợp, tình trạng đau khớp cổ tay dẫn đến tình trạng chèn ép dây thần kinh cổ tay và hội chứng ống cổ tay, gây tê đầu ngón tay. Trẻ nhỏ và thanh thiếu niên có thể có biểu hiện giống như vậy.

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh – Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

3. Đau là dấu hiệu sớm nhất của việc sử dụng thiết bị điện tử quá mức

Xin hỏi BS, đâu là những dấu hiệu cho thấy xương khớp đang quá tải do sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Biểu hiện thường gặp nhất là bắt đầu mỏi cổ và mỏi lưng. Vùng tay bắt đầu có dấu hiệu mỏi và đau vùng ngón tay cái. Một số trường hợp có biểu hiện tê.

Những người thường cầm điện thoại hoặc máy tính bảng trước khi ngủ như đọc sách, xem phim một thời gian dài có thể bị đau khuỷu tay.

Đau các khớp ở cổ, lưng, khuỷu tay, bàn tay hoặc ngón tay là các dấu hiệu sớm nhất của tình trạng sử dụng các thiết bị công nghệ kéo dài, quá mức.

4. Hội chứng ngón tay điện thoại di động

Nhờ BS khái quát, hội chứng ngón tay điện thoại di động là gì và hội chứng này có thể gây ra các biểu hiện như thế nào?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Hội chứng ngón tay điện thoại di động mới được đề cập đến trong thời gian 5 – 6 năm trở lại đây, được chia thành ngón tay thường và ngón tay cái. Biểu hiện ngón cái là biểu hiện thường gặp nhất.

Đầu tiên, ngón tay cái sẽ đau khi gập lại, đau khi vặn nắp chai. Giai đoạn sau, khi bệnh nhân sẽ bị đau xách nặng, vắt khăn. Nặng hơn nữa, một số bệnh nhân đến khám khi ngón tay không còn cử động được nữa do quá đau.

Biểu hiện ở các ngón khác thường nhẹ hơn vì chủ yếu chỉ đỡ điện thoại. Biểu hiện đôi khi là cứng các ngón tay vào buổi sáng hoặc bị kẹt do gân bị sưng.

5. Điều trị ban đầu khi mới đau nhẹ

Khi những biểu hiện đau, căng cứng, kẹt xuất hiện, chúng ta có những cách xử trí như thế nào?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Khi mới bắt đầu đau, chưa bị hạn chế cử động cổ tay hay các ngón tay, hãy hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị, hạn chế cầm nắm các vật nặng nói chung, hạn chế thao tác bằng ngón cái trên các thiết bị điện tử. Không nên chườm nóng hay bôi dầu vì dễ bị sưng thêm.

Một số trường hợp có thể mang nẹp ngón cái hoặc các ngón tay khác khi đi ngủ để các cơ được thư giãn. Đó là những cách điều trị ban đầu trong trường hợp bệnh nhẹ.

6. Không chườm nóng trong những trường hợp bị viêm

Khi bị đau do sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều, vì sao không nên chườm nóng? Sử dụng dầu, cao xoa bóp trong trường hợp này có hiệu quả không, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Các sản phẩm có tính nóng sẽ giảm đau tức thời nhờ đánh lừa cảm giác của chúng ta. Nhưng chườm nóng sẽ kích thích tình trạng viêm trở nên nặng hơn do giãn mạch máu và đưa máu đến những vùng viêm nhiều hơn.

Tình trạng giãn mạch máu trong một số tình huống như sau khi tập thể dục, sau khi vận động mạnh sẽ giúp đưa máu đến các cơ, giúp phục hồi cơ tốt hơn. Ngược lại, tình trạng viêm sẽ nặng hơn nếu chườm nóng, đôi khi xuất hiện sưng.

Các hội chứng này là biểu hiện của tình trạng viêm gân chứ không còn là đau cơ như khi tập thể dục, vì vậy nên chườm lạnh.

7. Tập tăng sức cơ để hạn chế tình trạng đau tái phát

Ngoài chườm lạnh, có những bài tập nào có thể giúp cải thiện tình trạng đau tay, đau cổ tay, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Trong giai đoạn đầu, khi biểu hiện mới chỉ là mỏi hoặc đau nhẹ, có những bài tập ở bàn tay và cổ tay. Các bài tập này có 2 tác dụng: giãn cơ bị co cứng và tăng sức cơ để hạn chế tình trạng đau tái phát.

Các bạn có thể tìm xem các video hướng dẫn trên kênh AloBacsi.

8. Hạn chế sử dụng kháng viêm đường uống cho người lớn tuổi, người bị viêm dạ dày

Nhờ BS chia sẻ một số điều cần lưu ý khi sử dụng các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn trong trường hợp cần giảm đau xương khớp, đặc biệt là đau ngón tay, cổ tay, bàn tay.

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Chúng ta có thể sử dụng paracetamol vì đây là một loại thuốc tương đối an toàn, ít chống chỉ định. Ngoài ra, có thể sử dụng các loại thuốc kháng viêm.

Nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc kháng viêm bôi ngoài da vì ít tác dụng phụ hơn so với thuốc uống. Có nhiều dạng bôi, phun, dán có tác dụng tại chỗ.

Ibuprofen có tác dụng tương đối mạnh, giảm đau nhanh, tuy nhiên lại có nhiều tác dụng phụ như tăng nguy cơ suy thận, tổn thương gan, tăng men gan, tăng nguy cơ các biến cố tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ).

Người trẻ ít khả năng gặp những biến cố này nhưng những người lớn tuổi thường có nguy cơ cao. Những người bị viêm dạ dày cũng nên hạn chế sử dụng có thể làm tình trạng viêm dạ dày nặng hơn, một số trường hợp có thể gây xuất huyết tiêu hóa.

9. Bốn trường hợp cần thăm khám với bác sĩ

Tình huống như thế nào chúng ta cần phải đến bệnh viện, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Trường hợp đầu tiên là khi tình trạng đau này kéo dài quá một tuần, dù đã nghỉ ngơi, hạn chế sử dụng điện thoại, chườm lạnh nhưng vẫn không được cải thiện.

Trường hợp thứ hai là tình trạng đau nặng dẫn đến cổ tay hoặc ngón tay không cử động được.

Trường hợp thứ ba là xuất hiện tình trạng tê đầu ngón tay, đặc biệt là tê đầu ngón tay kéo dài, ngay cả những lúc không cầm nắm bất cứ thứ gì.

Trường hợp thứ tư là khi cơ bắt đầu bị teo.

Khi xuất hiện những trường hợp trên, nên đến gặp bác sĩ để xem xét điều trị bằng thuốc, có khi phải tiêm hoặc phẫu thuật.

10. Hạn chế ảnh hưởng từ việc sử dụng thiết bị điện tử kéo dài lên hệ cơ xương khớp

Nên sử dụng, làm việc với các thiết bị điện tử này như thế nào để tránh ảnh hưởng cơ xương khớp?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Về thời gian, không nên cầm nắm điện thoại hoặc máy tính bảng không quá 1 tiếng. Sau 1 tiếng, nên đặt điện thoại xuống để làm việc khác hoặc tập những bài tập thư giãn, kéo căng cơ vùng cổ, ngón tay, bàn tay.

Thay vì bấm bằng ngón cái, có thể dùng bàn phím hoặc dùng bút, sử dụng giọng nói. Có thể mua các loại giá đỡ để không phải cầm các thiết bị lâu, hạn chế áp lực lên cổ tay và ngón tay.

Thiết bị đặt quá thấp sẽ kéo căng phần cổ. Nhiều trường hợp đến gặp bác sĩ với tư thế trẹo cổ do nằm sử dụng điện thoại. Trong lúc nằm nên trở người, thay đổi tư thế hoặc kê cao thiết bị để hạn chế tình trạng căng cơ cổ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X