Hotline 24/7
08983-08983

Ho kéo dài, nguyên nhân do đâu?

Đã hết giờ tư vấn trực tiếp ngày hôm nay, 24/11. Mời bạn đọc theo dõi nội dung tư vấn do BS Cao Thị Lan Hương trực tiếp giải đáp, từ 16g - 18g.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương
Nội dung tư vấn qua mail của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:


- Hoang Huy - nguyenhoang…@gmail.com

Chào bác sĩ,

Em ho nhiều và hơi đâu ở ngực trái đâu cả vòm họng mỗi lúc ho nhiều lại mệt và khó thở với xuống ký rất nhiều trong 1tháng trở lại đây. Đến BV huyện Hoóc Môn, khám và chụp X-quang phổi thì bác sĩ nói không thấy vấn đề gì lại ở phổi cả. Mà uống thuốc hơn 2 tuần rồi mà vẫn chưa khỏi ho nữa. Mong bác sĩ tư vấn giúp. Chân thành cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Ho kéo dài có thể gặp trong rất nhiều nguyên nhân, như viêm phế quản mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen nặng, lao phổi, trào ngược dạ dày thực quản nặng, viêm mũi xoang chảy dịch mũi sau, bệnh tim mạch, do thuốc...

Nếu em chỉ mới ho nhiều 2 tuần nay, khám ở bệnh viện và chụp phim Xquang phổi không có “vấn đề gì” nghĩa là ít nghĩ lao phổi, viêm phổi... mà nghĩ nhiều là viêm hô hấp trên cấp. Hiện tại đang có dịch cảm cúm, với đặc điểm là ho nhiều và ho kéo dài. Có trường hợp ghi nhận ho đến 2 tháng mới dứt. Triệu chứng đau ngực khi ho nhiều còn bình thường không ho thì không đau, thường là do đau cơ thành ngực do phản xạ ho, không nguy hiểm, chỉ cần nghỉ ngơi, điều trị ho là sẽ giảm đau.

Vì lý do bác sĩ không thể kê thuốc điều trị khi không thăm khám trực tiếp cho em được, đây là luật, cho nên tốt nhất là em tái khám lại bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được điều chỉnh thuốc thích hợp.

Song song đó, để giảm ho, em nên vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn, súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (không cạo lưỡi mạnh), uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas, không nằm hay vận động mạnh trong vòng 2 giờ sau ăn, tối nên nằm đầu cao, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi, dùng nước muối khoáng rửa mũi trước và sau khi ngủ dậy, sau khi đi ở ngoài về.


- Hoàng Dung - sallyhoangco…@gmail.com

Xin chào BS Lan Hương, mong được bác sĩ trực tiếp tư vấn.

Em muốn đưa người nhà đi làm CT ở BV Pháp Việt về gan, đầu, phổi, thận. Em thấy có giới thiệu về CT 64 và CT 128 nữa. Không biết loại nào chính xác và giá như thế nào ạ? Mong nhận được sự giúp đỡ của bác sĩ với mong muốn được đưa người nhà đi kiểm tra sớm.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tôi vui vì nghe em nói em thích cách tư vấn của tôi, hi vọng những lời khuyên của tôi sẽ giúp ích được em 1 phần nào đấy.

BV Pháp Việt có máy CTscan đa lát cắt, kế bên BV Pháp Việt là BV Tim Tâm Đức cũng có máy này. Xét về chụp CTscan thì chụp nhiều lát cắt hơn (128 là nhiều hơn 64) sẽ cho các lát cắt mỏng hơn, từ đó sẽ tránh bỏ sót được những tổn thương nhỏ mà phim chụp ít lát cắt hơn có thể bỏ qua, hơn nữa phim dựng lại cho hình ảnh sắc nét hơn (máy tính sẽ dựng hình từ các lát cắt ngang thành hình đứng dọc để quan sát rõ hơn), đồng thời cũng ít nhiễm xạ hơn do máy chỉ cần quay ít vòng là lấy đủ cơ quan. Nói tóm lại là, CT 128 lát cắt tốt hơn CT 64 lát cắt.

Tuy nhiên, quan trọng nhất là bệnh nhân có chỉ định chụp CTscan hay không. CT scan là một phương tiện chẩn đoán hình ảnh tiên tiến và hiện đại, hữu ích trong chẩn đoán nhiều loại bệnh lý, tuy nhiên, không phải lúc nào cũng cần đến CT scan. Bởi vì chụp CT cũng có cái hại của nó, như tốn kém (giá thành dao động khoảng 1-2 triệu, tùy loại dịch vụ) và nhiễm tia xạ (nguy cơ ung thư sau này).

Do vậy, y khoa trên thế giới vẫn khuyên rằng người bệnh muốn tầm soát bệnh hay kiểm tra bệnh gì, thì trước hết nên khám bác sĩ tổng quát/ chuyên khoa về hệ cơ quan đó, làm các xét nghiệm cơ bản trước, khi bác sĩ thấy cần thiết chụp CTscan và chỉ định chụp an toàn cho người bệnh thì bác sĩ sẽ ra y lệnh. Khi đó là phù hợp nhất, em nhé.


- Pham Van Quang - Hải Phòng

Thưa bác sĩ, cháu bị đứt mạch máu ở cổ chân, vậy có ảnh hưởng gì không ạ? Chân thành cảm ơn.      

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Mạch máu trong cơ thể như 1 ống dẫn nước, dẫn máu từ tim đến nuôi các cơ quan khác. Em bị đứt 1 mạch máu dù ở bất kỳ vị trí nào, thì việc đầu tiên là chảy máu (nhiều hay ít phụ thuộc vào kích thước mạch máu, có rối loạn đông máu đi kèm hay không, được cầm máu đúng không...), và thiếu máu đến cơ quan đó (nặng hay nhẹ cũng tùy mức độ quan trọng của mạch máu đó đối với cơ quan đó).

Như vậy, em bị đứt mạch máu ở cổ chân nhưng đã xử trí ra sao, có đi bệnh viện để bác sĩ kiểm tra chưa, bác sĩ chỉ băng cầm máu hay là phải khâu nối mạch máu, em có chích ngừa uốn ván chưa và hiện giờ cổ chân của em thế nào rồi... có quá ít thông tin để bác sĩ có thể trả lời câu hỏi của em cho chính xác, vì vậy tốt hơn hết là em nên đến bệnh viện kiểm tra (nếu chưa), hoặc cung cấp thêm thông tin cho bác sĩ, hoặc hỏi trực tiếp bác sĩ đã điều trị bệnh cho em, em nhé.


- Vũ Hoàng Thach  - aanh…@gmail.com

Câu trước: Bệnh hưng cảm f31 có cần uống thuốc lâu dài?

Hỏi tiếp:

Chào bác sĩ,

Thuốc em dùng trước khi đi ngủ ạ. Ý em hỏi bệnh hưng cảm như em có phải uống thuốc cả đời không ạ. Và nếu em ngủ nghỉ như người bình thường thì có phải uống thuốc nữa không. Và nếu uống thì khi nào dừng được ạ. Em cảm ơn!


BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tôi đã xem qua thuốc em đang dùng. Đây là 2 loại thuốc dùng để trị các cơn hưng cảm liên quan đến rối loạn lưỡng cực. Thuốc mạnh nhưng liều tương đối không cao, và như em đã nói, bệnh tình của em cải thiện nhiều (đã được xuất viện và điều trị ngoại trú).

Không phải bệnh tâm thần là sẽ cần uống thuốc điều trị suốt đời không được ngưng. Việc dùng thuốc tiếp hay không là tùy vào độ nặng của bệnh. Độ nặng của bệnh thì không chỉ dựa vào việc ngủ có như người bình thường hay không, mà còn những triệu chứng xuất hiện trong cuộc sống hoạt động ban ngày, học tập và làm việc, tương tác với con người và thế giới xung quanh ra sao.

Do vậy, việc tiếp tục uống hay ngưng uống thuốc tâm thần cần phải do bác sĩ chuyên khoa tâm thần thăm khám lại cho em quyết định. Tốt hơn hết là em nên tái khám bác sĩ tâm thần định kỳ để bác sĩ chủ động ngưng thuốc hay phát hiện sớm bệnh tái phát mà điều trị sớm.

Bên cạnh đó, lối sống và môi trường sống hỗ trợ rất nhiều đối với bệnh tâm thần, em nên duy trì lối sống hiện tại vì nó giúp cho bệnh của em phục hồi tốt.


- Trần Minh - gatkecu…@gmail.com

Cháu bị sưng quai bị nhưng chỉ sốt nhẹ 1-2 ngày, sau ngày 3 cháu nổi hạch ở hai bên cằm. Hạch không đau lắm nhưng khi nhai rất mỏi ở hàm. Bác sĩ cho cháu hỏi như vậy là cháu sắp khỏi quai bị hay chưa? Xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Bệnh quai bị là 1 nhóm nhỏ của bệnh viêm tuyến nước bọt. Viêm tuyến nước bọt có thể do virus quai bị, vi khuẩn, do sỏi... Và cơ thể có đến 3 cặp tuyến nước bọt lớn (mang tai, dưới lưỡi, dưới hàm). Bệnh quai bị là bệnh viêm tuyến mang tai do virus quai bị gây nên.

Đặc điểm của bệnh quai bị là tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần. Tuyến mang tai có thể sưng 1 bên hay 2 bên. Nếu sưng cả 2 bên thì 2 tuyến có thể không sưng cùng lúc, tuyến 2 bắt đầu sưng khi tuyến 1 đã giảm sưng. Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài; có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức. Bệnh nhân có cảm giác đau ở vùng tuyến bị sưng nhưng da trên vùng sưng không nóng và không sung huyết, ngược với những trường hợp viêm tuyến mang tai do vi khuẩn.

Hạch ở hàm có thể xuất hiện trong bệnh quai bị, và đó là hạch viêm. Theo diễn tiến của bệnh thì nếu thật sự em bị quai bị thì bệnh có thể kéo dài 7 ngày mới khỏi. nhưng điều quan trọng là ai chẩn đoán bệnh quai bị cho em, bác sĩ hay người nhà hay người bán thuốc? Bác sĩ chuyên khoa nhiễm hoặc chuyên khoa răng hàm mặt sẽ chẩn đoán đúng bệnh hơn cho em, nên nếu em chưa đi khám thì tốt nhất hãy đi khám, em nhé.


- Toan Dao - daomanhtoan…@gmail.com

Chào bác sĩ, em năm nay 31tuổi.

Em bị khó thở liên tục 5 năm rồi, nặng lên khi ngửi mùi xăng dầu, khói bếp, đôi khi thở tiếng rít ngực bị nặng không bị ho bao giờ. Em khám BV Bạch Mai, đo chức năng hô hấp chụp X-quang kết quả bình thường, em cũng khám tim mạch bình thường.

Nhưng hiện giờ khó thở vẫn như cũ. Em không biết biết nguyên nhân khó thở do đâu. Em sợ mình bị COPD hay hen suyễn, tim mạch. Qua chương trình, mong bác sĩ tư vấn cho em để em có chất lượng cuộc sống tốt lên. Em rất lo lắng và buồn phiền. Em cảm ơn nhiều. 

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tiêu chuẩn vàng chẩn đoán hen suyễn hay COPD chính là đo chức năng hô hấp.

Em đã khám chuyên khoa hô hấp tại bệnh viện lớn, chụp phim Xquang tim phổi, đo chức năng hô hấp có kết quả bình thường thì khả năng em bị hen suyển hay COPD rất rất thấp. Em cũng đã kiểm tra chuyên khoa tim mạch cũng cho kết quả bình thường.

Như vậy, nguyên nhân gây khó thở của em ít khả năng do bệnh lý hô hấp, tim mạch, mà có thể do những nguyên nhân khác như bệnh lý nội tiết, rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn thần kinh tim, tâm lý...

Trước mắt, em nên sắp xếp lịch là việc nghỉ ngơi cho phù hợp, không tiếp xúc với khói thuốc lá, ăn uống thêm rau xanh trái cây giàu vitamin C, tập thể dục, bổ sung thêm khoáng chất (magie, canxi, kali) sẽ hỗ trợ nhiều. Nếu vẫn không hết thì em có thể tái khám lại.


- Trần Thu Trang - tranthutrang…@gmail.com

Bác sĩ ơi, cháu đang uống thuốc giảm cân thì có thể đi hiến máu được không ạ? Xin cảm ơn.      

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Điều kiện để được hiến máu là người hiến máu phải có:

- Tuổi từ 18 đến 60 với nam, 18 đến 55 với nữ.

- Cân nặng trên 45kg với nam và trên 43kg với nữ.

- Mạch và huyết áp đều bình thường, không cao quá cũng không thấp quá.

- Phụ nữ đang mang thai, đang "đèn đỏ", điều hòa kinh nguyệt, đang cho con bú, và người mới hiến máu cách đó dưới 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ thì không được hiến máu, đang/ vừa khỏi cảm cúm, hoặc đang uống thuốc trị bệnh. 

- Mới chích ngừa chưa được 3 tháng.

- Mới bị vết thương, vết cắt, nhổ răng dưới 1 tháng.

- Đang bị bệnh ngoài da thì phải tạm hoãn hiến máu.

Trường hợp của em, theo tôi an toàn nhất cho em và cho người được hiến tặng máu là em nên ngưng thuốc giảm cân khoảng 4-7 ngày rồi hãy tham gia hiến máu.


- phuonganhle…@gmail.com

Thưa bác sĩ, em mới hút thai được 6 ngày. Em có được uống thuốc say xe, thuốc đi ngoài hay cảm cúm không ạ? Em có được ăn các thực phẩm như mắm tôm, dấm, mẻ, rau muống , xôi không ạ? Bác sĩ cho em lời khuyên với. Chân thành cảm ơn. 

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Các thuốc em nêu trên có nhiều nhóm thuốc, loại thuốc, có loại dùng được cho người sau hút thai, tuy nhiên phải tùy thuộc vào triệu chứng bệnh của em, nguyên nhân gây khó chịu (lỡ là do biến chứng của hút thai thì sao), tình trạng sức khỏe hiện tại của em mà có thể dùng được loại nào, liều lượng ra sao, vấn đề này khám bs sản phụ khoa là an toàn nhất.

Về vấn đề dinh dưỡng, theo Tây y thì người sau hút thai có thể ăn uống như bình thường, không kiêng cữ gì cả, miễn là thức ăn phải nấu chín uống sạch (mắm tôm không phải là thức ăn sạch), rau nên luộc chín để dễ tiêu, những món ăn trước đây gây dị ứng nếu có thì không dùng. Người bệnh cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng thì mới mau lại sức. Tuy nhiên, không nên uống rượu bia và không nên hút thuốc lá.


- Thuy Nguyen - tracey…@yahoo.com

Chào bác sĩ, em năm nay 24 tuổi, vừa sanh xong được gần 3 tháng.

Trước đây, khi em chưa sanh, tai trái em có hiện tượng chảy nước vàng, nhưng không nhiều và cũng không thường xuyên và cũng không gây đau nhức gì cả. Nhưng khoảng 1 tháng nay, tai trái của em lại chảy nước nhiều hơn, hầu như là hằng ngày, kèm theo là cảm giác khó chịu và hơi nhức. Chỗ nhức nhiều nhất là sau gáy tai.

Vì con em còn nhỏ nên em không có thời gian đi khám. Mong bác sĩ cho em hỏi tai em bị vấn đề gì vậy? Có nghiêm trọng không? Và có cách nào cho nhanh hết không ạ? Em xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Các triệu chứng tai chảy nước vàng, đau nhức khó chịu trong tai và sau dái tai là biểu hiện của viêm ống tai ngoài có thể kèm theo viêm tai giữa. Với tình trạng này, em cần phải khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để bác sĩ soi tai, kiểm tra màng nhĩ xem thủng chưa, mức độ viêm nhiễm ra sao để kê thuốc thích hợp an toàn cho mẹ và bé bú mẹ. BS không thăm khám trực tiếp cho em thì không thể kê thuốc cho em được, đây là luật.

Em cần nhớ là chỉ có điều trị thuốc đúng thì bệnh mới mau hết, để lâu sẽ có thể sinh thêm biến chứng.


- Thường Nguyễn - hanhphuc….@gmail.com

Chào bác sĩ,

Em năm nay 22 tuổi, em bị chứng khó thở 4 ngày qua. Cụ thể là hít vào thiếu hơi và em đã đi hoà hảo khám tổng quát nhưng bác sĩ bảo không sao rồi cho em thuốc bổ uống. Mà e thấy trên giấy siêu âm tim là bị hở van 2 lá ¼. Đôi lúc em thấy hơi nhói ở ngục trái. Mong bác sĩ giúp em với. 

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Hở van 2 lá ¼ là hở van nhẹ, có thể gặp ở người khỏe mạnh (còn gọi là hở van sinh lý) không gây ra triệu chứng hay biến chứng gì. Vậy, nguyên nhân gây khó thở của em không phải do hở van hai lá ¼ đơn thuần gây ra. Em cũng đã khám bác sĩ và bác sĩ kết luận là không sao, nên em tạm thời yên tâm và uống thuốc theo toa của bác sĩ.

Triệu chứng hít vào thiếu hơi và lâu lâu nhói ngực ở người nữ trẻ khá thường gặp là do thiếu dưỡng chất, ít vận động, rối loạn thần kinh thực vật... Cách điều trị tốt nhất là bố trí thời gian nghỉ ngơi - làm việc cho phù hợp lại, không rượu bia, không hút thuốc lá, ăn uống thêm rau xanh trái cây giàu vitamin C, tập thể dục, không thức khuya, bổ sung thêm khoáng chất (magie, canxi, kali). Nếu triệu chứng vẫn còn thì em nên khám lại tại chuyên khoa hô hấp.

 

- Thi Thị Thanh Thuỷ - TPHCM

Chào bác sĩ,

Cho em hỏi là vừa rồi em có đi siêu âm thì bác sĩ nói là bị bươu sợi tuyến nhưng bây giờ em đang có thai thì có cách nào can thiệp được không ạ? Cảm ơn bác sĩ. 

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Em không nói rõ bướu sợi tuyến ở đâu, có phải là bướu sợi tuyến vú không?

Bướu sợi tuyến vú là u bướu lành tính thường gặp ở phụ nữ 18-40 tuổi. BS chẩn đoán dựa vào khám lâm sàng, siêu âm và nhũ ảnh (không nên làm khi < 25 tuổi), một số trường hợp cần làm thêm sinh thiết nhờ kim nhỏ (FNAC) để rút dịch nhằm thẩm định là u lành tính hay u ác tính nhưng một số trường hợp quá rõ ràng thì không cần đến FNAC cũng chẩn đoán được.

Hiện tại nếu các bướu sợi tuyến < 2cm và không đau, không hạch nách, tiền căn gia đình không có mẹ hay chị em gái ruột bị ung thư vú thì bác sĩ chỉ cần theo dõi mỗi 3-6 tháng. Bướu này tự giới hạn khi tuổi càng lớn. Nếu bướu sợi >3cm thì có thể tiểu phẫu lấy bướu, mổ theo đường quầng vú để giữ độ thẩm mỹ.

Vì đây là bướu lành, em lại đang có thai, nên nếu bướu nhỏ không có biến chứng gì thì tốt nhất là không nên đụng chạm dao kéo gì ở thời điểm này.


- Dat Ho - hotandat…@gmail

Chào bác sĩ,

Bị gãy đầu dưới xương quay sau tháo bột thì em thấy còn xưng ở phía gần cổ tay, vậy có sao không bác sĩ? Em phải tập luyện như thế nào để mau lành ạ? Chân thành cảm ơn.          

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Gãy xương làm xáo trộn hệ thần kinh - mạch máu quanh khu vực đó, lại thêm bó bột hạn chế vận động nên lưu thông mạch máu không được tốt như trước đây nên sẽ dễ gây sưng nề nhẹ, và điểm gãy xương lâu lâu cũng nhói đau nhẹ khi đi lại nhiều hay trời trở lạnh, dù là xương đã lành.

Nếu em đã chụp phim Xquang lại và bác sĩ đánh giá là xương lành tốt trước khi tháo bột thì không sao cả, em có thể yên tâm. Việc tập luyện thì em nên tập cầm nắm, xoay trở tay nhẹ nhàng, tăng dần cường độ và thời gian tập, khi nào thấy tay hoạt động xoay cổ tay mà không đau nữa thì có thể sinh hoạt như bình thường nhưng tránh làm việc quá gắng sức ở cổ tay trong 6 tháng đầu.


Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:

› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn

› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn


› Hoặc https://www.facebook.com/alobacsi.vn123


› Để trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17 -19g;

 Hotline: 08983 08983 - 0976 328 725

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X