Hotline 24/7
08983-08983

Livestream: Hiểu đúng về sinh mổ để giúp cuộc vượt cạn vẹn toàn

Không ít mẹ bầu tin rằng sinh mổ là phương pháp hiện đại, an toàn, lại không phải trải qua quá trình chuyển dạ đau đớn. Vậy sinh mổ có thật sự tốt hơn sinh thường? Ưu khuyết điểm của sinh mổ? Cách phục hồi sau sinh mổ? Tất cả những thắc mắc này sẽ được TS.BS Lê Văn Hiền, Tổng Thư ký Hội Sản Phụ Khoa TPHCM (HOGA), Giám đốc Phòng khám Sản phụ khoa Hiền Đức giải đáp trong chương trình tư vấn.

Quý khán giả thân mến,

Với phụ nữ, làm mẹ là một điều thiêng liêng, tuyệt vời nhất trong cuộc đời và sinh nở ví như sự khai hoa nở nhụy.

Sinh thường luôn là phương pháp được các chuyên gia y tế cũng như các sản phụ ưu tiên lựa chọn hàng đầu bởi rất nhiều lợi ích. Nhưng cũng không ít mẹ bầu tin rằng sinh mổ là phương pháp hiện đại hơn, an toàn lại không phải trải qua quá trình chuyển dạ đau đớn. Vậy sự thực là như thế nào? TS.BS Lê Văn Hiền giải đáp trong chương trình tư vấn hôm nay.

PHẦN 1: CHUYỆN ĐỜI, CHUYỆN NGHỀ BÁC SĨ

Trước khi bước vào phần trò chuyện chuyên môn, không chỉ MC mà các khán thính giả cũng rất muốn lắng nghe những chia sẻ của TS.BS Lê Văn Hiền về chuyện đời, chuyện nghề.

1. Sau nhiều năm công tác, không biết đến bây giờ, TS.BS Lê Văn Hiền đã làm “ông đỡ” cho bao nhiêu em bé chào đời? Bác sĩ có nhớ hết không ạ?

TS.BS Lê Văn Hiền trả lời: Khi chọn lựa ngành Sản phụ khoa, không hẳn ngay từ đầu tôi đã yêu thích, tuy nhiên tại thời điểm của những năm thập niên 2000, vấn đề bác sĩ ra nghề và kiếm được việc làm cực kỳ khó. Lúc đó ra trường, tôi được nhà trường giữ lại làm giảng viên.

Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy rằng bản thân quá may mắn vì có nghề phù hợp, công việc này cũng mang lại hạnh phúc cho mọi người. Tôi cũng có nhiều niềm vui với nghề. Bởi nhiều bác sĩ chuyên khoa khác gặp khá nhiều chuyện buồn trong chuyên môn, như bác sĩ điều trị ung thư, hay những tai biến, tai nạn, tim mạch… những bệnh lý mà ngay cả khi bệnh nhân quay về bác sĩ cũng rất trăn trở, thậm chí bệnh nhân có thể không quay về.

Nhưng đối với bác sĩ Sản khoa, thường bệnh nhân mang đến những niềm vui, đến 1 về 2. Do đó, sau một thời gian làm việc tôi cảm thấy nghề này rất thú vị, mang đến nhiều hạnh phúc và phù hợp với tôi.

2. Trong giới sao, bác sĩ Hiền là cái tên được truyền tai nhau, giúp họ an tâm khi vượt cạn. Cơ duyên đỡ đẻ cho người nổi tiếng của bác sĩ bắt đầu từ khi nào?

TS.BS Lê Văn Hiền trả lời: Đối với tôi, khi một phụ nữ đến khám thai, hay một người đến khám vì bệnh lý, tôi không quan tâm họ là ai, vì với tất cả mọi người tôi đều có sự chăm sóc như nhau, và đều có sự quan tâm cũng như thấu hiếu. Bởi tuy có rất nhiều bệnh nhân, nhưng tôi luôn thấu cảm với những băn khoăn và đau đớn của người phụ nữ mang thai. Khi người ta cảm thấy được chia sẻ, họ sẽ đến với mình.

Tôi không phân biệt bệnh nhân là người nổi tiếng hay người bình thường. Với ai tôi cũng quan tâm và chăm sóc như nhau.

3. Áp lực ở ngành y không thua kém bất cứ ngành nghề nào, nhất là ngành sản khoa, vì mỗi lần đỡ sinh không chỉ chịu trách nhiệm cho 1 mà tận 2, 3 người cùng lúc. Cũng có người nói, làm bác sĩ hoặc là quen với áp lực hoặc là bị đào thải. Bác sĩ có thể chia sẻ đôi chút về những áp lực mà anh phải đối diện cũng như anh đã vượt qua bằng cách nào? Đã bao giờ anh muốn rẽ qua con đường khác không ạ?

TS.BS Lê Văn Hiền trả lời: Điều may mắn là đến thời điểm bây giờ tôi chưa có ý định thay đổi chuyên khoa hay nghề nghiệp. Áp lực với với bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ Sản khoa đó là thời gian. Với các bác sĩ chuyên khoa khác, như Tim mạch hay Phẫu thuật đều có thể lên chương trình. Nhưng đối với Sản khoa, điều này là tức thì, và bất cứ lúc nào, thời gian nào đều cần phải xử lý ngay. Thời gian của bác sĩ Sản khoa giành cho cá nhân và gia đình rất ít. Nhiều khi đang ăn cơm, đang ngủ mà bệnh viện gọi vẫn phải chạy như bay. Đó là điều vất vả đối với bác sĩ Sản khoa.

Nhưng điều mang lại là sau những vất vả đó, niềm vui của một gia đình và sự thành công của người phụ nữ vượt cạn là một em bé đáng yêu chào đời thì tự nhiên rằng những mệt mỏi đó sẽ tan biến đi.

4. Nhưng chắc chắn trong áp lực đó cũng có rất nhiều niềm vui phải không ạ. Trong quá trình công tác, có câu chuyện, tình huống nào mà bác sĩ vẫn còn nhớ đến hôm nay ạ?

TS.BS Lê Văn Hiền trả lời: Nếu nói về ấn tượng, thì tôi luôn nhớ đến những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Từ khi họ mong muốn có con, và cho đến khi họ chào đón em bé, đó là niềm vui vỡ òa sau nhiều năm chờ đợi, mong muốn của không chỉ cặp vợ chồng đó mà là cả một đại gia đình.

Nhiều khi tôi cũng vỡ òa theo những “sự kiện trọng đại” như vậy; và hạnh phúc, phấn chấn khi nhận được những tin nhắn cảm ơn của gia đình, cha mẹ, thậm chí anh chị em của bệnh nhân. Họ mang đến cho tôi cảm giác như chính bản thân tôi là một thành viên trong gia đình của họ. Đó chính là động lực giúp tôi theo đuổi đam mê nghề nghiệp. Tuy đã hơn 20 năm trong nghề nhưng tôi luôn cảm thấy rất vui khi mỗi lần chào đón những em bé thiên thần ra đời.

5. Hiện nay, nhiều chị em truyền tai, giới thiệu cho nhau về địa chỉ khám sản phụ khoa uy tín ở TPHCM: Hiền Đức - đây cũng là một cơ sở mà BS đang công tác, đồng sáng lập. BS có thể giới thiệu thêm về thế mạnh cũng như câu chuyện thành lập của phòng khám?

TS.BS Lê Văn Hiền trả lời: Tôi đã có hơn 20 năm làm việc trong nghề. Đến bây giờ, tôi đã từng trải qua những công việc như giảng viên trường ĐH Y Dược, quản lý các bệnh viện tư nhân và Tư Dũ, cho đến hiện tại tôi có mở một phòng khám riêng ở 81B Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM). Mục đích là có nơi để chăm sóc bệnh nhân, và giải quyết được vấn đề chị em phụ nữ đếm khám không phải chờ đợi như ở các bệnh viện. Hy vọng mọi người đến phòng khám Sản phụ khoa Hiền Đức cảm thấy hài lòng và có được kết quả mỹ mãn trong chăm sóc sinh sản.

PHẦN 2: TRÒ CHUYỆN CÙNG CHUYÊN GIA

1. Sinh nở là thiên chức của phụ nữ, cũng là mối lo lắng hàng đầu của chị em khi sắp được làm mẹ. Họ rất muốn biết một cuộc sinh nở diễn ra như thế nào. Đầu tiên, nhờ BS kể sơ lược về một cuộc sinh thường của sản phụ sẽ trải qua những bước nào?

TS.BS Lê Văn Hiền trả lời: Xin chia sẻ một câu chuyện nhỏ, đó là vừa sáng nay tôi nhận được tin nhắn của một bệnh nhân. Thai phụ đi khám và được tôi tư vấn về cuộc chuyển dạ cũng như cuộc sanh sẽ diễn ra như thế nào, tới khi sanh xong sẽ như thế nào? Bệnh nhân rất cảm ơn vì lời động viên và cho biết thông qua chia sẻ của bạn bè, facebook rằng, người phụ nữ sau khi sinh đi khom khom, thậm chí không đi được.

Tuy nhiên tôi đã tư vấn nhẹ nhàng và trả lời không đến mức như vậy, nhưng bệnh nhân không tin, cho rằng đó chỉ là lời động viên của bác sĩ. Nhưng đến nay, bệnh nhân này đã sinh xong hơn 4 ngày và xuất viện, nhắn tin là đúng như BS Hiền nói, việc sinh con không kinh khủng như những chia sẻ trên mạng.

Tôi cũng thường chia sẻ với các bệnh nhân rằng người phụ nữ khác làm được thì mình sẽ làm được.

Cuộc chuyển dạ thông thường sẽ có những cơn đau, nhưng hiện có những phương pháp giảm đau nhẹ nhàng như gây tê. Do đó có nhiều chị em đi sinh rất nhẹ nhàng, thậm chí có thể cầm điện thoại selfie, post hình facebook. Vì vậy cuộc chuyển dạ không kinh khủng đến như vậy và nhiều người còn cảm thấy happy.

2. Ông bà ta thường nói “đau như đau đẻ”. Ngày nay, các bác sĩ có những phương pháp nào để giảm đau cho sản phụ ạ?

TS.BS Lê Văn Hiền trả lời: Mỗi một người có cơ địa khác nhau. Thông thường khi đi khám 3 tháng cuối của thai kỳ, bác sĩ khám thai và tiên lượng cuộc sanh, liệu bệnh nhân có thể sanh thường hay sanh mổ, cuộc sanh có dễ dáng không, có diễn tiến nhanh hay không?... Tất cả những điều này bác sĩ đều trả lời đầy đủ.

Nếu bác sĩ kết luận theo dõi sanh thường, khi vào cuộc sanh bệnh nhân sẽ rất đau do co thắt, lúc này có thể gây tê ngoài màng cứng khi cuộc chuyển dạ vào cổ tử cung khoảng chừng 4 phân. Bác sĩ sẽ tiêm một mũi thuộc vào phía sau lưng và bệnh nhân sẽ giảm đau nhưng không tê liệt phía dưới, bệnh nhân vẫn có thể đi lại, cử động và rặn sanh.

3. Nhiều chị em cho rằng sinh mổ sẽ ít đau hơn sinh thường, và loại bỏ nguy cơ âm đạo bị giãn rộng, làm giảm chất lượng của chuyện phòng the sau này. Nhưng dù là phương pháp sinh nào thì cũng có những ưu và nhược điểm.

Nhờ BS cho biết, sinh mổ có những ưu và nhược điểm như thế nào ạ? Sinh mổ được chỉ định trong trường hợp nào, thưa BS? Khi nào buộc phải sinh mổ, khi nào không được sinh mổ, thưa BS?

TS.BS Lê Văn Hiền trả lời: Nếu không nói về chỉ định y khoa, thì sanh thường là phương pháp tốt nhất, bởi đối với sanh mổ sẽ có những ưu điểm như nhanh, không có khoảng đau đớn kéo dài như chuyển dạ bình thường (12-24 tiếng). Mặt khác nhiều chị em sẽ nghĩ sanh mổ không giãn nở âm đạo, nhưng thực sự là có giãn do suốt quá trình mang thai có những tì ép của tử cung và thai xuống nên tầng sinh môn sẽ xuất hiện giãn, nhưng sẽ không có sẹo ở cửa mình.

Tuy nhiên sanh mổ cũng có nhiều nhược điểm. Thứ nhất sẽ có sẹo mổ. Thứ hai, sẹo này có thể dẫn tới dính ruột, dính tử cung, dính buồng trứng, dinh tai vòi, nếu dính nhiều có thể bị tắc ruột hoặc vô sinh (do dính tai vòi), hay đau kéo dài. Thứ ba, sanh mổ mất máu nhiều hơn. đối với sanh thường mất khoảng chừng 200ml, nhưng với sanh thường là 500ml. Thứ tư, sanh mổ có thời gian phục hồi lâu hơn, nhưng sanh thường sẽ nhanh hơn, ví dụ, sanh thường có thời gian nằm viện 2-3 ngày, sanh mổ 5-7 ngày. Chi phí sanh mổ mắc hơn, thuốc men dùng nhiều hơn, thuôc tê - mê cũng có thể ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, khi sanh mổ, em bé ra rất nhanh. Chúng ta biết rằng, khi nằm trong bụng mẹ, phổi bé không hoạt động mà chứa đầy nước. Khi sanh em bé ra, tiếng khóc chào đời đầu tiên giúp tống dịch nhầy nhớt ra bên ngoài, do đó hô hấp của em bé trong sanh mổ không tốt bằng. Đối với sanh thường, thời gian chuyển dạ làm ép lồng ngực em bé, giúp đẩy chất nhầy ra nên phổi em bé tốt hơn.

Em bé đi qua âm đạo phụ nữ có rất nhiều vi trùng - đây là những vi trùng thường trú, nên cơ thể phụ nữ đã có những kháng thể, việc cho con bú truyền kháng thể cho bé. Do vậy những em bé sanh thường có hệ miễn dịch tốt hơn so với những bé sanh mổ.

Qua những phân tích trên, có thể thấy rằng sanh thường luôn là phương pháp tốt nhất, tuy nhiên, nếu có chỉ định sanh mổ thì bệnh nhân bắt buộc phải mổ, không thể cố sanh thường bởi sẽ có những biến chứng xảy ra. Ví dụ, nếu thai phụ có ngôi thai bất thường (ngôi ngược, ngôi ngang), hoặc khung chậu hẹp, hoặc nhau tiền đạo bắt buộc phải mổ. Nếu cố sanh thường sẽ dẫn đến hậu quả như em bé chết trong bụng mẹ, hoặc vỡ tử cung, băng huyết sau sanh, hoặc ra máu khủng khiếp và người mẹ sẽ tử vong. Vì vậy tốt nhất nên theo chỉ định của bác sĩ.

4. Trước khi sinh mổ, sản phụ cần chuẩn bị như thế nào ạ?

TS.BS Lê Văn Hiền trả lời: Nếu thai phụ có chỉ định sanh mổ đã biết trước như nhau tiền đạo, khung chậu hẹp, con to… thì cần có những chuẩn bị cần thiết. Thứ nhất, khám tiền mê và làm các xét nghiệm tiền phẫu. Lúc này bác sĩ sẽ khám tổng quát, khám tim, khám phổi, tư vấn các phương pháp gây tê - mê như thế nào? Thứ hai, kiểm tra xem có những chỉ định gì cần truyền máu để chuẩn bị máu trước hay không? Ví dụ, những trường hợp thiếu máu, nhau tiền đạo cần dự trù máu, khi cần có máu truyền ngay. Đó là về vấn đề y khoa.

Vấn đề thứ hai là chuẩn bị thời gian. Nhiều chị em thắc mắc nên mổ chủ động hay đợi đến khi chuyển dạ? Theo tôi, nếu đã có chỉ định mổ rõ ràng như nhau tiền đạo, khung chậu hẹp, các mẹ bầu nên thực hiện mổ chủ động. Vì sẽ chủ động được ekip mổ, tất cả phương tiện mổ và thuốc men (bởi không phải đêm trực nào cũng có đầy đủ máu truyền. Vì dụ thai phụ bị nhau tiền đạo, nên chờ đến khi trở dạ máu sẽ chảy ồ ạt, lúc này không đủ ekip trực và máu truyền rất nguy hiểm). Bên cạnh đó chủ động được thời gian cho gia đình.

Sanh mổ chủ động cũng phải đúng chỉ định, nghĩa là phải 39 tuần trở lên (lúc này phổi em bé đủ trưởng thành). Có những trưởng hợp bác sĩ nói rằng có thể sanh thường, nhưng khi trở dạ xảy ra những “biến số”, lúc đó cần phải mổ như thai suy, đầu em bé ngửa, ối vỡ, cổ tử cung không mở… phải chuyển thành mổ cấp cứu.

5. Trong quá trình sinh mổ, chị em ngủ hay thức ạ? Mẹ có được chứng kiến thời điểm bé chào đời hay không?

TS.BS Lê Văn Hiền trả lời: Hiện nay, có những phương pháp giảm đau khi mổ, như gây mê, gây mê toàn thân, gây mê mask, gây tê tủy sống, ngoài màng cứng. So sánh tất cả các phương pháp, có thể thấy rằng gây tê là phương pháp tốt nhất. nguyên nhân là do đây là phương pháp tạm thời và ngắn hạn, giúp giảm đau, người phụ nữ tỉnh táo, khi mổ em bé ra có thể da kề da. Thậm chí hiện nay chúng tôi thường cho người chồng vào để động viên, nói chuyện với vợ, giúp vợ quên cảm giác đau và sợ tiếng bác sĩ mổ hay dụng cụ dao kéo.

Mặt khác, gây tê làm cho người phụ nữ phục hồi nhanh. Tuy nhiên có một số trường hợp buộc phải gây mê. Những trường hợp chống chỉ định gây tê là mổ cấp cứu bởi đây là trường hợp khẩn cấp, gây tê không đủ thời gian để làm, gây mê là phương pháp nhanh để lấy em bé ra ngoài, như thai suy, nhau tiền đạo ra máu nhiều, bất xứng có dọa vỡ tử cung, sa dây rốn thì bắt buộc phải gây mê. Hoặc có những trường hợp gây tê thất bại, tức là những người có cấu trúc cột sống khó gây tê (ví dụ: gù vẹo cốt sống, thoát vị đĩa đệm, cột sống có cấu trúc bất thường) thì gây tê không thành công và có thể chuyển từ gây tê sang gây mê.

6. Thuốc giảm đau khi sinh mổ có tác dụng trong bao lâu ạ? Có người cho rằng với phương pháp “đẻ không đau” là không đau khi đẻ thôi, chứ sau đó vẫn đau thấu trời. Sinh mổ cũng vậy. Điều này nên hiểu như thế nào cho đúng ạ?

TS.BS Lê Văn Hiền trả lời: Có nhiều phương pháp giúp đau sau mổ nhẹ nhàng hơn. Nếu gây tê, sau mổ có tác dụng chừng 2-3 tiếng đồng hồ, sau đó sẽ không còn đau (lúc này sẽ nằm ở phòng hồi sức). Khi về phòng thường bác sĩ sẽ cho thuốc giảm đau. Những loại thuốc này rất nhiều, đa dạng cũng như phương thúc dùng. Ví dụ có một số thai phụ được gây tê ngoài màng cứng và duy trì vài ngày sau khi mổ, bác sĩ sẽ phát cho các bạn một dụng cụ như quả bóp, khi đau sẽ bóp thì thuốc chạy vào ngoài màng cứng, giúp giảm đau.

Ngoài ra có một số biện pháp như gây tê cơ vuông thắt lưng, thuốc nhét hậu môn, thành ra chuyện đau sau mổ rất nhẹ nhàng. Thông thường, sau mổ khuyến khích người phụ nữ ngồi dậy sớm, vận động sớm, giúp đỡ đau hơn và hạn chế dính ruột.

7. Sản dịch sau sinh ở phụ nữ sinh mổ và sinh thường có khác nhau không ạ? Sản phụ sinh mổ có cần áp dụng việc xông hơ để sản dịch trong người ra hết không?

TS.BS Lê Văn Hiền trả lời: Sau khi sinh, bánh nhau bong ra dẫn đến niêm mạc tử cung cũng bong ra, việc này thường kéo dài khoảng 2 tuần và người ta gọi là sản dịch.

Đối với sinh thường hay sinh mổ sản dịch đều ra như nhau, tuy nhiên sinh thường thì cổ tử cung mở ra dần dần đến khi mở tròn tầm 10 phân và sau đó co lại nên chuyện ra sản dịch sẽ dễ dàng hơn.

Còn đối với sinh mổ, đặc biệt là các cuộc mổ chủ động thì cổ tử cung chưa mở, thậm chí chưa chuyển dạ thì sản dịch khó ra hơn, vì cổ tử cung bị đóng. Nên nếu bị ứ sản dịch bên trong sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng. Vì vậy, sau sinh mổ bác sĩ luôn khuyến khích sản phụ nên đi lại nhiều.

Chuyện xông hơ thực chất không làm ra sản dịch, mà việc này dựa vào sự co bóp của tử cung. Tức là sau khi sanh chúng ta thấy các bà mẹ hay than bị đau dạ con thì đó là do sự co bóp của tử cung để tống sản dịch ra ngoài.

Nếu người nào không có sự co bóp tử cung để tống sản dịch ra thì sẽ bị ứ sản dịch dẫn tới băng huyết. Hoặc không vận động đi lại sẽ dễ bế (tắc) sản dịch. Do đó, những ai sinh mổ nên vận động đi lại nhiều hoặc massage bụng làm kích thích co bóp cổ tử cung.

8. Nhờ BS hướng dẫn cách chăm sóc vết mổ sau sinh? Chỉ khâu là chỉ thường hay chỉ tự tiêu? Nguy cơ sẹo lồi có cao không ạ?

TS.BS Lê Văn Hiền trả lời: Đa phần các bệnh viện hiện nay đều sử dụng dán keo sinh học sau khi mổ, để bệnh nhân có thể tắm rửa bình thường sau 1 ngày, có thể dội nước vào vết mổ mà không sao cả, vì đã có 1 lớp keo phủ lên.

Một trong những yếu tố làm sẹo bị lồi là 2 mép của vết may không khớp với nhau dẫn tới sẹo xấu, có nhiễm trùng vết mổ, dinh dưỡng và chăm sóc vết thương không tốt.

Việc lành sẹo còn tùy thuộc vào cơ địa mỗi người. Tức là cơ địa của người đó có sự tăng sinh của các sợi collagen và elastin của mô dưới da rất mạnh thì khi có sẹo nó sẽ đẩy lên rồi dẫn tới sẹo lồi. Đặc biệt khi có sự kích thích thì nó sẽ càng lồi hơn, ví dụ như gãi, mặc quần ngay vị trí vết mổ…

Như vậy, làm sao để có sẹo đẹp thì thứ nhất là do bác sĩ may, thứ 2 là chăm sóc vết thương không để nhiễm trùng và thứ 3 là hỗ trợ của thuốc bôi để đỡ sẹo lồi nhưng do bác sĩ chỉ định.

Còn một số bạn nói kiêng ăn rau muống, gạo nếp, thịt bò,… để sẹo không lồi lên, thì với y học hiện tại điều đó không giá trị lắm, bởi nếu cơ địa không bị lồi thì ăn cỡ nào đi nữa cũng không sao. Nhưng nếu cơ địa đã bị lồi thì kiêng cỡ mấy cũng sẽ bị.

9. Việc đi đứng và quan hệ tình dục trở lại của phụ nữ sau sinh mổ và sinh thường khác nhau nhiều không ạ?

TS.BS Lê Văn Hiền trả lời: Cho dù là sinh thường hay sinh mổ cũng cần có thời gian kiêng quan hệ khoảng 2 tháng, vì lúc này cơ quan sinh dục sẽ trở lại bình thường và người phụ nữ có thể quan hệ lại được.

Nhưng nếu sinh thường có vết may thì thường sau sinh 2 tháng vết may đã lành, nhưng về cơ chế lành vết thương bắt đầu sẽ cứng lại và hình thành các mô sợi, mô liên kết và chỗ may tầng sinh môn sẽ bị cứng và đôi khi gây đau.

Một yếu tố nữa là khi có thai thì nội tiết của thai kỳ làm âm đạo phù nề, tiết dịch rất nhiều, nhưng sau sinh bánh nhau bong ra, nội tiết tố sẽ giảm đi một cách đột ngột làm người phụ nữ bị thiếu nội tiết một cách tương đối. Tức là đang dồi dào tự nhiên bị mất đi làm người bị khô khan, khô hạn giống như mãn kinh, nhưng về định lượng thì không thiếu.

Thời gian bị thiếu nội tiết tương đối sẽ kéo dài khoảng 3 - 6 tháng sau sanh, do vậy quan hệ trong 6 tháng đầu sau sinh nên cẩn thận, có thể dùng chất bôi trơn để tránh đau rát, chảy máu.

Còn sinh mổ không đau vết thương nhưng tình trạng khô hạn vẫn có.

10. Còn việc tiết sữa của bà mẹ sinh mổ và sinh thường có khác biệt không ạ? Thời điểm có kinh trở lại có giống nhau giữa sinh mổ và sinh thường không ạ?

TS.BS Lê Văn Hiền trả lời: Đối với sinh thường hay sinh mổ thì sữa đều giống nhau. Tức là trong khoảng 3 ngày đầu tiên thì sẽ là sữa non, nhưng bắt đầu từ ngày thứ 3, 4 trở đi bắt đầu có hiện tượng lên sữa thì sinh thường hay mổ đều giống vậy.

Nhưng sinh mổ có nhược điểm là sữa về muộn hơn. Thứ 2 là cơ hội cho em bé bú sữa non sẽ chậm hơn sinh thường. Bởi vì sinh thường mẹ với con gần nhau ngay lập tức và mẹ có thể cho con bú ngay trên bàn sinh. Còn với sinh mổ dù gây tê hay mê thì người phụ nữ vẫn phải nằm ở phòng hồi sức ít nhất 2 tiếng đồng hồ, nghĩa là có sự cách ly giữa mẹ và con nên người con sẽ được bú sữa mẹ chậm hơn.

Thứ 3 là người phụ nữ sinh mổ sẽ sử dụng thuốc nhiều hơn như kháng sinh, thuốc giảm đau… sẽ ít nhiều làm cho việc lên sữa chậm và ít hơn.

Còn vấn đề hành kinh thì sau 2 tuần đầu tiên sẽ có sản dịch và sau đó tháng đầu tiên niêm mạc tử cung sẽ phục hồi trở lại rồi làm bong niêm mạc và dẫn tới hiện tượng hành kinh. Cho dù sinh thường hay sinh mổ đều có hiện tượng hành kinh sớm ở 1 - 2 tháng sau sinh.

Và hiện tượng hành kinh này sẽ ra rất ít, từng chút một nhưng lại kéo dài, đặc biệt những lúc người mẹ cho con bú, động tác bú của em bé làm co bóp tử cung và dẫn tới ra máu. Việc ra máu sẽ làm phụ nữ nghĩ còn sản dịch sau 2 tháng.

Nếu cho con bú sữa mẹ hoàn toàn thì người phụ nữ có thể mất kinh trong vòng 6 tháng hoặc đôi khi cả 1 năm mới có trở lại.

Tuy nhiên, nếu các mẹ thấy không hành kinh trong 6 - 1 năm thì cũng nên coi chừng có thai. Tức là mặc dù không có kinh nhưng vẫn có thể có thai, vẫn có hiện tượng rụng trứng do vậy cần ngừa thai.

11. Với người đã từng sinh mổ, sau đó muốn sinh thường thì có trở ngại gì không, thưa BS?

TS.BS Lê Văn Hiền trả lời: Lần đầu tiên sinh mổ thì lần thứ 2 vẫn có thể sinh thường tùy vào chỉ định mổ. Ví dụ chỉ định mổ của lần đầu còn tồn tại thì chắc chắn lần thứ 2, 3, 4 sẽ phải mổ, tồn tại ở đây là xương chậu hẹp, khung chậu giới hạn, khung chậu méo, lệch, tử cung bất thường…

Nhưng nếu mổ vì chỉ định không còn tồn tại, ví dụ mổ lần trước vì thai suy, vì đầu em bé ngửa, con to… nếu lần này xương chậu bình thường, con không to, thai phát triển tốt, chuyển dạ diễn tiến bình thường thì vẫn có thể sinh thường.

12. Với người dự tính sinh mổ lần 2, lần 3, họ cần lưu ý những điều gì, thưa BS? Chi phí sinh mổ lần 2, lần 3 có nhiều hơn so với sinh mổ lần đầu không? Và có phải là chị em sinh mổ lần 2, lần 3 thì nên đến những trung tâm sản phụ khoa lớn không ạ?

TS.BS Lê Văn Hiền trả lời: Các cuộc mổ càng ở lần sau thì sẽ khó khăn hơn và thường chi phí sẽ nhiều hơn. Việc chuẩn bị cũng kỹ càng hơn, vì những vết mổ càng nhiều lần thì cơ hội dinh ruột, dính bọng đái rất nhiều, nên thậm chí rằng khi 1 cuộc mổ không chỉ có bác sĩ Sản khoa mổ mà còn huy động cả bác sĩ Niệu khoa, Ngoại khoa.

Nhiều trường hợp bị dính ruột khi lấy em bé ra có thể rách ruột thì bác sĩ Ngoại khoa phải vá ruột lại. Hoặc khi bọng đái cao dính vào vết mổ, muốn lấy em bé ra phải đi ngang bọng đái thì phải có bác sĩ Niệu khoa để khâu bọng đái lại.

13. Tất cả những lựa chọn: sinh thường, đẻ không đau, sinh mổ… đối với em bé có thuận lợi hay bất lợi gì, thưa BS?

TS.BS Lê Văn Hiền trả lời: Đối với em bé sinh mổ cũng có nhiều bất lợi đó là hô hấp sẽ không tốt bằng sinh thường. Thứ 2, miễn dịch của sinh thường, đặc biệt đường tiêu hóa có vi khuẩn lợi tốt hơn so với sinh mổ.

Sinh thường có sang chấn thì với sinh mổ cũng có trong lúc lấy em bé ra khỏi bụng mẹ.

Em bé sinh thường sẽ được da tiếp da ngay lập tức, được cho con bú sữa non chứa kháng thể tốt. Còn với sinh mổ vẫn phải nằm ở phòng hồi sức, không có được những điều trên.

Đã có nghiên cứu đối với những bé sinh mổ có tỉ lệ bệnh đường hô hấp cao hơn, bệnh lý sau này như tiểu đường, cao huyết áp sẽ nhiều hơn, đặc biệt là nhiễm trùng thì tỉ lệ em bé nhiễm trùng và tử vong trong năm đầu đời ở bé sinh mổ cao hơn bé sinh thường do hệ thống miễn dịch.

14. Với những sản phụ đang lúng túng chưa biết nên chọn sinh mổ hay sinh thường, BS có thể đưa ra những gợi ý giúp họ lựa chọn không ạ?

TS.BS Lê Văn Hiền trả lời: Rất nhiều chị em đến bệnh viện và nói với tôi là em muốn sinh thường, em muốn sinh mổ, nhưng việc sinh thường hay mổ lại phải do bác sĩ chỉ định. Nếu có chỉ định y khoa thì muốn theo ý mình cũng không được.

Thường bác sĩ sẽ chọn giải pháp tốt nhất cho mẹ bầu. Nên nếu có chỉ định mổ lấy thai thì bạn cũng đừng cố vì sẽ gây nhiều biến chứng.

Lời khuyên tốt nhất của tôi là các bạn hãy nghe theo chỉ định của bác sĩ.

PHẦN 3: GIẢI ĐÁP CÁC THẮC MẮC CỦA KHÁN THÍNH GIẢ

1. Nguyễn Thị Trà My - mynguyen…@gmail.com

Tháng 4 vừa qua em vừa mới sanh mổ một bé vì bác sĩ nói em bé bị thai suy, nhưng em không được sinh mổ gây tê mà phải sanh mổ gây mê, bác sĩ cho em hỏi sao em không được làm phương pháp gây tê tủy sống. Gây mê xong có lẽ do thuốc em cảm thấy mình rất hay quên.

TS.BS Lê Văn Hiền trả lời: Thai suy là một trong những chỉ định cấp cứu khẩn, nếu chúng ta chậm một bước có thể làm em bé chết trong bụng. Do vậy bác sĩ cần phải làm nhanh đó là gây mê, chứ gây tê nhiều khi phải có thời gian chuẩn bị và lúc chúng ta chuẩn bị thì không còn thời gian cứu em bé nữa.

Thứ 2, gây tê sẽ có tác dụng phụ là tụt huyết áp làm thai bị suy nặng hơn.

Còn về việc thuốc mê, thông thường người phụ nữ sau sinh cho dù gây mê hay gây tê cũng đều bị giảm trí nhớ. Nhiều mẹ hay nói sinh xong giống như não cá vàng, thì thực sự cũng có 1 phần đúng, nhưng nó còn  do yếu tố tâm lý và nhiều yếu tố khác chi phối như mấy giờ cho con bú, cho ngủ, ăn làm sao, uống làm sao, công việc thế nào… cộng với tình trạng nội tiết tố sau sinh cũng làm cho trí nhớ thay đổi, chứ không phải chỉ 1 yếu tố gây mê.

2. Thanh Thanh - TPHCM

Thưa bác sĩ, em thuộc nhóm máu AB-, em muốn hỏi với thai phụ nhóm máu hiếm thì nên sinh thường hay sinh mổ sẽ tốt nhất trong trường hợp này ạ?

TS.BS Lê Văn Hiền trả lời: Đối với trường hợp nhóm máu hiếm không phải chỉ định sinh mổ, tức là sinh thường vẫn được. Nhưng đối với trường hợp hợp nhóm máu hiếm bạn nên sinh ở bệnh viện mình đã khám thai ở đó sớm, vì bác sĩ sẽ cần phải có những chuẩn bị kỹ lưỡng cho bạn dù sinh thường hay mổ.

3 tháng cuối thai kỳ bác sĩ sẽ phải thông báo đến Trung tâm Truyền máu Huyết học hoặc Hội nhóm máu hiếm để chuẩn bị sẵn máu cho bạn. Cho dù bạn không có yếu tố nguy cơ phải truyền máu nhưng vẫn phải dự trù máu vì chửa đẻ là chắc chắn mất máu, nên khi cần là sẽ truyền máu liền.

Và nếu có cơ hội đối với nhóm máu hiếm vẫn ưu tiên sinh thường, vì sẽ đỡ mất máu hơn so với sinh mổ.

3. Đỗ Phan Bảo Ngọc - bạn đọc hỏi qua fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Thưa bác sĩ, sinh mổ và sinh mổ chủ động có gì khác nhau ạ? Với sản phụ có chỉ định sinh mổ thì ở tuần thai bao nhiêu nên nhập viện hay có dấu hiệu chuyển dạ mới đến thưa bác sĩ? Với người bị tăng huyết áp thai kỳ thì cần lưu ý gì trước khi sinh ạ? Em cảm ơn.

TS.BS Lê Văn Hiền trả lời: Đối với mổ sẽ có 2 dạng là mổ chủ động và mổ khi chuyển dạ. Như tôi đã trình bày bên trên là nếu bạn đã có chỉ định mổ, đặc biệt là chỉ định mổ do khung chậu hẹp, nhau tiền đạo… nếu vô chuyển dạ sẽ gây nguy hiểm cho em bé, vì vậy nên mổ chủ động.

Còn với những trường hợp con to, hay khung chậu giới hạn chúng ta có thể chờ khi chuyển dạ. Mục đích là cuộc chuyển dạ kích thích em bé trưởng thành hơn, và trường hợp này chưa hẳn 100% phải mổ thì biết đâu vô chuyển dạ đầu bé cúi tốt vẫn có thể sinh thường được. Vì xương chậu giới hạn không phải là hẹp hoàn toàn.

Thứ 2, đối với tiền sản giật, nếu có thai bị cao huyết áp thì cần khám kỹ và làm xét nghiệm nước tiểu để xem có tiền sản giật hay không. Nếu có bắt buộc phải nhập viện điều trị để ngừa gây nguy hiểm tới tính mạng của mẹ và em bé.

Chúng ta nhập viện khi nào tùy vào chỉ định mổ, nếu nhà các bạn không quá xa có thể nhập viện trước khi mổ 6-8 tiếng là được.

4. Hoàng Thị Thùy Dung - Hà Nội

Nhiều chị em còn băn khoăn, lúng túng khi lựa chọn cơ sở y tế để sinh em bé. Xin hỏi bác sĩ cần lựa chọn theo những yếu tố hay tiêu chí nào ạ?

TS.BS Lê Văn Hiền trả lời: Thông thường khi chọn nơi sinh sẽ dựa vào nhiều yếu tố, hoàn cảnh, bệnh lý của mỗi người, chứ không phải lên mạng nghe nói chỗ này tốt, chỗ kia tốt mà đi theo.

Tôi xin tư vấn dựa vào 5 yếu tố đó là:

- Về chuyên môn: khi chúng ta đến sinh ở một nơi nào đó thì nơi đó phải làm an toàn, nghĩa là đến sanh hay khi ra về đều an toàn. Bệnh viện đó là nơi chúng ta cảm thấy an tâm về chuyên môn của bệnh viện cũng như bác sĩ.

- Dựa vào cơ sở vật chất, trang thiết bị: Ví dụ một số nơi chỉ có những cái cơ bản thôi thì trường hợp các bạn diễn tiến bình thường có thể chọn nơi này để sinh. Còn những trường hợp có chỉ định mổ hay nhóm máu hiếm thì phải chọn nơi có cơ sở vật chất, có ngân hàng máu, chứ không phải nơi nào cũng sinh được.

- Vị trí địa lí: Các bạn nghe bệnh viện A, bệnh viện B rất tốt nhưng chúng ta lại ở quá xa thì khi đi tới bệnh viện nhiều khi sinh rớt ngoài đường.

- Dựa vào dịch vụ kèm theo: Đây là yếu tố phụ thôi nhưng cũng có thể xem xét.

- Dựa vào giá cả bệnh viện phải phù hợp túi tiền của mình. Vì khi sinh con chúng ta không chỉ bỏ hết tiền vào một cuộc sinh mà còn phải nuôi con nữa nên chúng ta phải cân đối tài chính sinh cho phù hợp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X