Hiểu đúng về phương pháp tiêm insulin trong điều trị đái tháo đuờng và những cải tiến trong điều trị đái tháo đường bằng insulin hiện nay
Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh…
Bệnh đái tháo đường có 2 dạng: Đái tháo đường típ 1 (do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối). Đái tháo đường típ 2 (do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin). Đái tháo đường típ 2 chiếm đến 90% - 95% tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường.
Trong các phương pháp điều trị, việc tiêm insulin có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết và dự phòng các biến chứng đái tháo đường. Tuy nhiên, trên thực tế, việc điều trị Đái tháo đường bằng insulin tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn do rào rản tâm lý của bệnh nhân và những nhận định chưa đúng về phương pháp này.
Hiện nay có khoảng 70% bệnh nhân Đái tháo đường típ 2 tại Việt Nam chưa đạt được mục tiêu điều trị nhưng họ vẫn trì hoãn sử dụng biện pháp tiêm insulin do những rào cản tâm lý phổ biến
Điều trị bằng insulin là gì?
Insulin là một hormon tự nhiên được tiết ra từ tế bào β tụy và đóng vai trò chính trong việc giữ mức đường huyết ổn định. Đối với các bệnh nhân đái tháo đường, cơ thể không thể sản xuất đủ insulin, thì việc sử dụng các loại insulin giống với insulin sinh lý là cách tốt nhất để giảm đường huyết.
Hiện có nhiều loại insulin khác nhau, phân loại dựa vào cấu trúc hoặc thời gian tác động như: Insulin tác dụng nhanh, insulin tác dụng ngắn, insulin kéo dài, insulin trộn sẵn, insulin tác dụng kéo dài… Tùy theo chỉ định của bác sỹ mà bệnh nhân có thể được điều trị bằng loại insulin phù hợp.
Hành trình điều trị của một bệnh nhân đái tháo đường típ 2 trải qua các giai đoạn: Trước phát hiện - Chẩn đoán - Điều trị bằng cách thay đổi lối sống – Điều trị bằng thuốc uống - Khởi trị với GLP-1 hoặc insulin nền - Điều trị insulin tăng cường.
Có những thời điểm tuyến tụy không tiết đủ insulin đáp ứng nhu cầu của cơ thể và sự kết hợp nhiều loại thuốc uống không còn hiệu quả nữa thì việc tiêm insulin là lựa chọn hợp lý trong điều trị đái tháo đường.
Những hiểu lầm thường gặp khi điều trị bằng insulin
Ngoài nỗi sợ đau khi kim tiêm, nhiều bệnh nhân trì hoãn điều trị với insulin ngay cả khi điều trị bằng thuốc viên không còn hiệu quả vì thường xem insulin là biện pháp “cuối cùng” trong điều trị đái tháo đường và vào giai đoạn cuối của bệnh. Bên cạnh đó, những lời đồn thổi về phản ứng phụ khi điều trị bằng insulin như hạ đường huyết, gây biến chứng khi sử dụng… cũng đem đến nỗi lo cho nhiều bệnh nhân khi làm quen với insulin.
Trên thực tế, tiêm insulin hầu như không gây đau vì kim tiêm rất nhỏ và mảnh. Bên cạnh đó, theo TS.BS Trần Quang Nam - Phó Chủ nhiệm bộ môn Nội tiết trường Đại học Y Dược TPHCM: “Không nên nhìn nhận Insulin là một lựa chọn điều trị cuối cùng, mà ngược lại nên được xem xét khởi trị trong một số điều kiện vì đã được chứng minh là thuốc hiệu quả nhất giúp kiểm soát đường huyết.
Theo cập nhật mới nhất của Hội Đái Tháo Đường Hoa Kì (ADA) 2019, điều trị với insulin nên được bắt đầu khi bệnh nhân không kiểm soát tốt đường huyết với 2 hoặc 3 thuốc viên uống, đường huyết không đạt mục tiêu hoặc có triệu chứng dị hóa đang xảy ra (như sụt cân, uống nhiều, tiểu nhiều), như vậy sẽ giúp bệnh nhân sớm kiểm soát đường huyết, giúp họ làm quen với việc sử dụng thuốc tiêm và ngăn ngừa sớm được các biến chứng của đái tháo đường”.
Tin vui cho bệnh nhân khi đái tháo đường
Theo thời gian, các loại insulin ngày càng được phát triển. Các dụng cụ tiêm insulin cũng được cải tiến để giúp bệnh nhân sử dụng linh động, chỉnh liều chính xác, giảm lãng phí insulin và giảm đau khi tiêm. Các giải pháp insulin thế hệ mới có tác dụng kéo dài: với ưu điểm chỉ cần tiêm 1 lần/ngày, không cần bảo quản trong tủ lạnh trong quá trình sử dụng, quá trình tiêm đơn giản, thời gian tiêm linh hoạt và an toàn do ít nguy cơ hạ đường huyết hơn các loại insulin khác. Việc khởi trị với insulin nền 1 lần/ngày từng bước giúp bệnh nhân làm quen với phương pháp điều trị bằng thuốc tiêm mà không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình