Hotline 24/7
08983-08983

Hạt điều chứa dưỡng chất gì? Ăn hạt điều có gây tăng cân không?

Nhiều người tin rằng việc tiêu thụ hạt điều góp phần làm tăng cân. Tuy nhiên, với các nghiên cứu xung quanh chủ đề này, khoa học kết luận rằng đây là một nhận định sai. Ngoài chất béo lành mạnh, hạt điều rất giàu vitamin và khoáng chất.

I. Tổng quan về cây điều (đào lộn hột)

Tên thường gọi: Điều

Tên gọi khác: Đào lộn hột, giả như thụ, cây đào.

Tên khoa học: Anacardium occidentale L.

Phân họ: Họ Đào lộn hột (Anacardiaceae).

1. Nhận biết cây điều

Cây điều là loài cây cây to, cao 8-10cm. Cành hình trụ, nhẵn. Lá mọc so le, có phiến dày và dai, hình trứng ngược, dài 8-12cm, rộng 5 -7cm, gốc thuôn, đáy bằng đôi khi hơi lõm, hai mặt nhẵn; cuống lá mập, dài 1-1,5cm.

Cụm hoa mọc ở đầu cành thành chùm ngù phân nhánh, dài hơn lá, hoa nhỏ màu vàng nhạt, điểm nâu đỏ; dài hợp, 5 răng hẹp nhọn, tràng 5 cánh dài bằng hoặc dài hơn lá đài, mọc cong xuống; nhị 8 -10; bầu hình thận.

Quả hạch (quả thật), hình thận, cứng (thường nhầm là hạt lộn ra ngoài) dính vào phần phình to hình quả lê (chính là cuống quả hay quả giả), phần này có màu vàng hoặc đỏ khi chín.

Mùa hoa: tháng 12-2; mùa quả: tháng 3-6

Bộ phận dùng của điều là quả giả, nhân quả thật, dầu vỏ quả, rễ, lá và vỏ thân.

2. Thành phần dinh dưỡng và dược chất của hạt điều

  • Quả giả chiếm 90% trọng lượng quả. Quả thật gồm phần vỏ có 20% dầu và nhân chiếm 20% trọng lượng.
  • Quả giả chứa nhiều vitamin: vitamin B1, vitamin B2, vitamin C, beta-caroten. Trong đó quả điều vàng chứa nhiều vitamin C hơn, còn quả điều đỏ chứa nhiều vitamin B2 hơn. Loại quả điều vàng chứa hàm lượng vitamin C cao gấp 5 lần quả cam, quả chanh và gần 6 lần so với quả bưởi.
  • Nhân quả thật, tức hạt điều, chứa 48% chất béo vào 20% chất đạm. Các acid béo trong hạt điều gồm acid oleic, acid linoleic, acid palmitic, acid stearic, acid lignoceric.

[HOI]So sánh chức năng dinh dưỡng của hạt điều với hạt hạnh nhân: hạt điều có hàm lượng protein, chất béo và carbohydrate tương đương hạt hạnh nhân. Khía cạnh đáng chú ý nhất là trong cả hai loại hạt, lượng chất béo không bão hòa là chủ yếu, do đó việc sử dụng không những không gây hại mà còn rất tốt cho hệ thần kinh, nội tiết, da và tim mạch. Hạt hạnh nhân thì có thế mạnh về canxi và mangan, trong khi hạt điều giàu sắt, đồng, kẽm và phốt pho hơn. Hạt điều được coi là một nguồn cung cấp chất sắt dồi dào.[/HOI]

  • Hạt điều được coi là giàu vitamin K với hàm lượng 34,1μg và phức hợp vitamin B cũng khá nhiều, cụ thể là B1, B6 và B5.
  • Hạt điều còn chứa một lượng đồng đáng kể, một khoáng chất cần thiết cho quá trình sản xuất năng lượng, phát triển trí não khỏe mạnh và hệ thống miễn dịch mạnh mẽ.
  • Hạt điều cũng là một nguồn cung cấp magie và mangan tuyệt vời, những chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe của xương.
  • Hạt điều chứa ít đường, nhưng giàu một nguồn chất xơ và chứa lượng protein gần như tương đương với thịt động vật có cùng khối lượng.
  • Trong dầu điều (dầu của vỏ quả thật) chứa acid anacardic 90% và cardol khoảng 10%.
  • Các bộ phận dùng khác của cây điều (lá, vỏ thân) chứa nhiều tanin và chất gôm.

alobacsi Hạt điều chứa dưỡng chất gì?

II. Công dụng của hạt điều

1. Công dụng của hạt điều theo đông y cổ truyền

Hạt điều có vị ngọt, bùi, tính ấm, tác dụng bổ dưỡng, làm dịu, trừ đàm; rất tốt cho người suy nhược cơ thể, đau họng, ho do phong hàn, nhiều đàm.

2. Công dụng của hạt điều theo đông y hiện đại

Các tác dụng đã nghiên cứu:

  • Người ta luôn tin rằng việc tiêu thụ hạt điều, hoặc các loại hạt nói chung, góp phần làm tăng cân. Tuy nhiên, với các nghiên cứu xung quanh chủ đề này, khoa học kết luận rằng đây là một nhận định sai. Do chúng giàu chất béo không bão hòa đơn và đa, chúng có hàm lượng calo cao. Ngoài chất béo lành mạnh, chúng rất giàu vitamin và khoáng chất, tất cả đều có vai trò hoạt tính sinh học trong quá trình tiêu hóa và trao đổi chất lành mạnh. Tuy nhiên, tác dụng giảm cân của hạt điều chỉ thể hiện tốt khi chúng chưa được rang.
  • Hạt điều có tác động tích cực đến việc giảm mức cholesterol trong máu, do đó làm giảm 20% nguy cơ mắc các bệnh mạch vành (nguy cơ đó là: nếu không được điều trị và không theo dõi, điều này sẽ gây ra nhồi máu cơ tim, còn được gọi là nhồi máu cơ tim). Một tác động khác là trên các mạch máu của cơ thể. Ăn hạt điều ít nhất 5 lần một tuần giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông và mảng bám xung quanh động mạch.
  • Hạt điều chứa zeaxanthin. Zeaxanthins là chất chống oxy hóa sắc tố vàng có vai trò bảo vệ mắt. Các zeaxanthin có trong hạt điều, sau khi ăn vào sẽ được võng mạc hấp thụ và bảo vệ võng mạc khỏi ánh sáng mang tia cực tím. Điều này góp phần ngăn ngừa căn bệnh có tên là AMD, tức là thoái hóa điểm vàng do tuổi tác. AMD thường gây ra mờ tầm nhìn khi lái xe hoặc đọc sách, và đó là hiện tượng phổ biến sau 60 tuổi.
  • Tiêu thụ hạt điều hàng ngày ở bệnh nhân tiểu đường làm giảm tổng lượng insulin tự do, do đó giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường.
  • Các loại hạt và đậu vốn được coi là “cường quốc chống oxy hóa”, là thế mạnh của người ăn chay, và hạt điều cũng không ngoại lệ. Chất chống oxy hóa là các hợp chất thực vật có lợi giúp giữ cho cơ thể bạn khỏe mạnh bằng cách trung hòa các phân tử gây hại được gọi là các gốc tự do. Đổi lại, điều này giúp giảm viêm và tăng khả năng khỏe mạnh, phòng trừ bệnh tật. Hạt điều là một nguồn giàu polyphenol và carotenoid - hai loại chất chống oxy hóa khá mạnh. Các nghiên cứu cho thấy hàm lượng chất chống oxy hóa trong các loại hạt như quả óc chó, quả hồ đào và hạnh nhân vẫn không sánh bằng hạt điều.
  • Hạt điều cũng như nhiều loại hạt khác, giúp giảm nguy cơ mắc đột quỵ và bệnh tim mạch. Những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 tiêu thụ 10% lượng calo hàng ngày từ hạt điều sẽ giúp cho tỷ lệ cholesterol LDL (xấu) thấp hơn so với những người hoàn toàn không ăn hạt điều. Việc tiêu thụ hạt điều cũng làm giảm huyết áp.
  • Những người mắc bệnh đái tháo đường loại 2 có thể nhận được nhiều lợi ích từ việc bổ sung hạt điều vào chế độ ăn uống. Điều đó nhờ vào một phần là do hạt điều là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, một chất dinh dưỡng giúp ngăn ngừa sự tăng đột biến lượng đường trong máu và là chất có khả năng bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường loại 2, trong khi đó hạt điều lại chứa ít chất bột đường.

Lá điều giúp điều trị viêm khớp và chống phù.

Lá điều cũng làm giảm huyết áp và nhịp tim.

Vỏ thân cây điều giúp hạ đường huyết.

Lá điều giúp chống ung thư gan, tốt nhất là dùng ở dạng ngâm rượu.

III. Cách dùng - liều dùng hạt điều

Liều dùng: Hạt điều là một loại thực phẩm cần thiết cho cơ thể, không gò bó về liều lượng, có thể dùng hạt điều từ ít đến nhiều như là một nguồn đạm trong chế độ ăn hàng ngày.

1. Một số cách dùng hạt điều theo kinh nghiệm dân gian hoặc bài thuốc cổ phương:

  • Cách dùng phổ biến của hạt điều là rang với muối hoặc làm nhân trong các loại bánh chứa nếp.
  • Hạt điều nguyên hạt hoặc hạt điều xay cũng có thể được kết hợp thành nhiều món ăn, từ các món xào, đến súp, salad và món hầm.
  • Bơ hạt điều có thể phết lên bánh mì nướng hoặc khuấy với sữa chua hoặc bột ngũ cốc.
  • Hạt điều cũng có thể được ngâm và trộn với giấm táo hoặc nước cốt chanh để làm kem chua hoặc kem pho mát không chứa sữa trong món tráng miệng.
  • Lá điều non phơi khô, thái nhỏ, lượng 20g- 30g, sắc với 400ml nước còn 100ml uống làm thuốc an thần giúp dễ ngủ; có thể phối hợp với lá ngũ trảo, lá cù đèn, hạt ý dĩ, liều lượng bằng nhau, sắc uống lúc nóng để hạ nhiệt, làm ra mồ hôi.
  • Lá điều già phơi khô, tán bột mịn, rắc trị vết thương và chữa ghẻ.
  • Vỏ cây điều thái mỏng phơi khô, lượng 8 - 16g, sắc uống chữa tiêu chảy, viêm họng.
  • Hạt điều có thể phối hợp trong nhiều bài thuốc với mục đích chữa kiết lỵ mạn tính, lỵ ra máu.
  • Dầu điều pha loãng, bôi hàng ngày chữa hắc lào, nứt nẻ kẽ chân, gót chân.
  • Dịch ép quả điều giả tươi có vị ngọt, làm lên men thành một loại rượu nhẹ thơm ngon, có tác dụng lợi tiểu; rượu này dùng ngoài xoa bóp chữa đau nhức, súc miệng chữa viêm họng, nhấm nháp chống nôn mửa.
  • Ở Indonesia, dịch ép quả giả cây điều được dùng ngậm chữa áp xe quanh amidan.
  • Người châu Phi diệt muỗi Anophen bằng cách lấy số lượng lớn quả giả cây điều chín rải quanh các hồ chứa nước, nơi loài muỗi này phát triển nhiều. Chất acid có trong quả đã tiêu diệt ấu trùng muỗi, nhưng không gây tác hại cho con người và môi trường.
  • Chữa lỵ mạn tính, lỵ ra máu: Hạt điều, vỏ quả măng cụt, rau má, mỗi vị 30g, hạt cau già 4g. Tất cả phơi khô, thái nhỏ, sắc đặc, thêm mật ong và uống.

2. Một số cách dùng hạt điều đã nghiên cứu

Khi nói đến cộng đồng thuần chay và những người không dung nạp lactose, hạt điều và các chế phẩm của nó là một sự thay thế tốt cho sữa bò hoặc đạm động vật, thay thế cho nguồn chất béo, vitamin và khoáng chất từ động vật.

3. Cách dùng hạt điều đối với phụ nữ mang thai và cho con bú

Hạt điều và quả điều (quả giả) là thực phẩm an toàn cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Còn đối với thảo dược dạng lá, tuy chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, nhưng cần thận trọng khi dùng vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này đối với sản phụ, không nên tự ý dùng thảo dược này khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.

4. Cách dùng hạt điều đối với trẻ nhũ nhi:

Sữa hạt điều dùng tốt cho trẻ nhũ nhi. Tuy nhiên đối với các bộ phận dùng khác của cây điều thì chưa được chỉ định cho trẻ dưới 1 tuổi, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc có chuyên môn về lĩnh vực này trước khi dùng.

IV. Tác dụng phụ - thận trọng - tương tác và chống chỉ định với hạt điều

Hạt điều nên được rang hoặc hấp, do thực tế là chúng có chứa urushiol, một hợp chất độc hại. Quá trình chế biến hạt điều làm cho nó tiêu biến urushiol. Ngoài ra, hạt điều rang có hoạt tính chống oxy hóa tăng lên so với hạt điều thô sống.

Hạt điều rang muối là một món ăn vặt thú vị, tuy nhiên vị ngọt và béo của hạt điều có thể che lấp bớt vị mặn của muối, do đó bệnh nhân tăng huyết áp cần cẩn thận khi ăn, tránh đưa vào cơ thể lượng muối nhiều, lúc này chúng ta có thể ăn hạt điều rang không nêm muối.

Hạt điều có lượng oxalat vừa phải. Khi tiêu thụ quá nhiều loại hạt này trong thời gian dài, nguy cơ hình thành sỏi thận sẽ tăng lên, những viên sỏi này là sỏi canxi oxalat.

Hạt điều có chứa phytates có thể khiến cơ thể chúng ta khó hấp thụ các vitamin và khoáng chất có trong hạt điều. Ngâm hạt điều qua đêm trước khi thêm chúng vào các món ăn sẽ giúp giảm hàm lượng phytate và cải thiện khả năng tiêu hóa.

Cuối cùng, hạt điều được xếp vào loại hạt cây. Do đó, những người dị ứng với các loại hạt cây, chẳng hạn như hạnh nhân, quả hồ đào, quả hồ trăn, quả óc chó, có thể có nguy cơ cao bị dị ứng với hạt điều.

V. Phân bố, trồng trọt, thu hái và chế biến hạt điều

Cây điều có nguồn gốc ở Nam Mỹ, đến thế kỷ 17 thì lan đến Ấn Độ và Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cây điều được trồng nhiều ở các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Bình Phước, Sông Bé, Tây Ninh, Đồng Nai, một số tỉnh Tây Nguyên và miền Trung. Cây điều không trồng được ở các tỉnh phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra).

Điều là loại cây thích nghi với khí hậu nhiệt đới nóng và hơi khô. Mùa mưa cây phát triển mạnh, đến mùa khô thì thu hoạch quả. Cây điều sống được trên nhiều loại đất, kể cả đất pha cát hay đất trơ sỏi đá. Cây trồng bằng hạt, sau 3-4 năm có thể ra hoa quả, hoa thụ phấn nhờ côn trùng, sau 2 tháng có thể thu hoạch.

Để trồng điều, nên dùng những quả nặng 6-7g (lưu ý: quả điều chính là phần hạt điều mà dân gian thường gọi). Có thể thả quả vào dung dịch đường 15%, quả chìm thì giữ lại, loại bỏ quả nổi. Nếu chiết hoặc ghép nên chọn những cành 8-12 tháng tuổi của những cây 3-5 năm tuổi. Muốn điều cho quả năng suất cao thì nên trồng nơi đất cát pha gần biển, tầng canh tác sâu, nhiều mùn, thoát nước, đầy đủ ánh sáng, và trồng nơi có mùa khô kéo dài 5-7 tháng vào đầu năm là mùa quả chín.

Người ta thường ươm cây trong bầu, sau 2-3 tháng thì đem trồng. Thời vụ tốt nhất vào mùa mưa. Nếu trồng muộn, rễ chưa kịp ăn khô thì đã đến mùa khô, cây dễ chết.

Quả điều thu hoạch xong phải bảo quản trong kho một thời gian dài trước khi chế biến. Cũng có thể để quả rụng rồi mới thu. Khi thu, vặn khẽ để tách quả ra khỏi quả giả, đem phơi nắng nhẹ đến khô rồi đưa vào kho.

Nhựa ở vỏ quả điều nếu dính vào tay sẽ làm cháy da thịt, do có dầu cardol.

VI. Bảo quản hạt điều, lá điều

Hạt điều (nhân quả điều) đã tách vỏ cần được lưu trữ trong hũ thủy tinh khô để tránh ẩm mốc và giữ trọn hương vị.

Lá điều lưu kho dùng làm thuốc thì cần làm khô đến giòn, nếu lưu trữ trên 1 tháng thì cần kiểm tra hàng tuần để tránh mối mọt, ẩm mốc.

BS Đoàn Quang Nguyên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X