Hotline 24/7
08983-08983

Hành lá, hành củ ngoài làm gia vị còn chữa bệnh gì?

Ăn dưa hành vào dịp Tết Nguyên đán rất hữu ích vì dưa hành có nhiều loại men và acid lactic có tác dụng kìm hãm quá trình lên men thối ở ruột, giúp cơ thể tránh được bụng chướng đầy và ngộ độc.

I. Tổng quan về cây hành

Tên thường gọi: Hành

Tên gọi khác: hành hoa, hành hương, thông bạch, co xông, hom búa (Thái), búa (Tàu), sông (Dao).

Tên khoa học: Allium fistulosum L., hoặc Allium bakeri Hoop, hoặc A. bouldhae O.Debeaux.

Phân họ: Họ Hành (Alliaceae).

1. Nhận biết cây hành

Cây thảo, sống hàng năm, cao khoảng 0,5m. Thân hành nhỡ, chỉ hơi phồng, rộng 0,7 - 1cm, đẻ nhiều nhánh. Lá hình trụ rỗng, nhẵn, mọc thành túm từ thân hành, đầu thuôn nhọn, dài 30 - 50cm, đường kính 4 - 8 mm; bẹ lá to, mỏng, màu trắng, đôi khi pha hồng có nhiều sọc.

Cụm hoa hình đầu tròn hoặc tán giả mọc trên một cán rỗng (trục của cụm hoa), cao bằng lá; hoa nhiều có cuống ngắn; bao hoa gồm 6 mảnh bằng nhau hình trái xoan nhọn, màu trắng có sọc xanh xếp thành hai vòng; nhị 6 dài hơn bao hoa, mọc thò ra ngoài, chỉ nhị phình ở gốc.

Quả nang hình tròn; hạt hình 3 cạnh, màu đen. Toàn cây có mùi hăng, cay đặc biệt.

Mùa hoa quả: tháng 4 - 11.

Phân biệt:

Trong nhóm hành làm cây gia vị ở Việt Nam, có hai loại là hành củ và hành hoa.

  • Hành củ (Allium ascalonicum L.; syn. A.cepa L. var. ascalonicum Baker, A.cepa L. var. aggregatum G.Don, A.cepa L.var. solania Alef). Để phân biệt với nhóm hành tây, người ta thường viết loài này với danh pháp A.cepa L. cv.group aggregatum. Hành củ có thể có nguồn gốc từ vùng Tây Nam Á, được trồng từ thế kỷ XII ở Tadzhikistan, Afghanistan và Iran.
  • Hành hoa (Allium fistulosum L.) có nguồn gốc chưa chắc chắn, nhưng cây được trồng đầu tiên ở vùng Tây Bắc Trung Quốc vào khoảng 200 năm trước Công nguyên và ở Nhật Bản vào thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên.
  • Và nhiều loại hành khác trên thế giới.

Bộ phận dùng của hành là thân (củ) và lá, thu hái quanh năm, chủ yếu tháng 10 - 11, thường dùng tươi.

2. Thành phần dược chất của hành

Lá hành chứa tinh dầu với thành phần chính là allicin, các đường glucose, gructose, saccharose, các oligosaccharid, các chất vô cơ Ca, P, Fe, các vitamin B1, B2, C (97mg%), các pectin và proto pectin.

Thân hành cũng chứa nhiều tinh dầu với thành phần chính là allicin và các hợp chất diallyldisulfit, các acid béo stric, palmitic arachidic, oleic, linoleic.

Các chất nhầy polysaccharid, fructose - oligosaccharid, 2% cellulose, 3% hemicellulose, 41% protopectin, 24% pectin.

Có 41 chất bay hơi chiếm 87% trong tổng số thành phần bay hơi của nước cất từ hành.

II. Công dụng của hành

1. Công dụng của hành theo đông y cổ truyền

Hành có vị cay, tính ôn, có tác dụng phát hàn, giải biểu, thông dương, ôn thận, sáng mắt, lợi tiểu.

Hành được dùng phổ biến chữa cảm sốt, đau nhức đầu, nghẹt mũi, viêm niêm mạc mũi, đại tiểu tiện không thông, đầy bụng, trùng tích mụn nhọt.

2. Công dụng của hành theo đông y hiện đại

Các tác dụng đã nghiên cứu:

  • Giảm nguy cơ ung thư: Hành là một nguồn cung cấp lưu huỳnh tuyệt vời, rất hữu ích cho sức khỏe tổng thể. Nó bao gồm các hợp chất, chẳng hạn như allyl sulfide và flavonoid có thể ngăn ngừa ung thư và chống lại các enzyme tạo ra tế bào ung thư. Do đó, thêm hành vào chế độ ăn uống hàng ngày của bạn có thể giúp giảm nguy cơ ung thư.
  • Hành có tác dụng kích thích tiêu hóa, làm ra mồ hôi, lợi tiểu, an thai, làm sáng mắt, kéo dài tuổi thọ.
  • Hỗ trợ hệ thống tim mạch: Hành một nguồn tuyệt vời của các khoáng chất và vitamin thiết yếu như foliate, magie, kali, allicin và allyl sulfide, v.v… Những vitamin này có ích khá lớn cho hoạt động của hệ tim mạch, chẳng hạn lá hành giúp giảm mức homocysteine (tác nhân gây rối loạn mỡ máu, xơ vữa mạch máu và đột quỵ), trong khi kali giúp điều chỉnh mức huyết áp. Nghiên cứu cho thấy loại rau này làm giảm quá trình oxy hóa cholesterol do đó giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
  • Đối với hệ tiêu hóa, hành có tác dụng làm tăng sự bài tiết các dịch tiêu hóa, thúc đẩy quá trình chuyển hóa của protid, lipid và hydrat carbon, giúp ăn ngon miệng, chống lại các trường hợp bụng đầy hơi khó tiêu. Hành cũng thích hợp để tham gia phòng và chữa tiêu chảy, đau bụng, kiết lỵ.
  • Tăng cường sức chống chọi với cảm lạnh và cúm: Hành có đặc tính kháng khuẩn và kháng virus, khiến chúng trở thành một loại thuốc tuyệt vời để chống lại hội chứng nhiễm siêu vi và cảm cúm.
  • Giảm lượng đường trong máu: Hàm lượng lưu huỳnh trong loại cây này cũng góp phần điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách tăng cường khả năng tạo ra insulin của cơ thể. Đổi lại, điều này giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
  • Chữa thiếu máu do thiếu sắt: Do lượng sắt cao trong một số loại hành, nó được khuyến khích cho những người bị thiếu máu thiếu sắt. Người thiếu máu thường dẫn đến mệt mỏi, căng thẳng, mệt mỏi và xanh xao. Hành ngăn ngừa thách thức sức khỏe này bằng cách cung cấp chất sắt cần thiết cho sự hình thành các tế bào hồng cầu.
  • Đã từ lâu, nhân dân Việt Nam có tập quán ăn dưa hành nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, vì dưa hành có nhiều loại men và acid lactic có tác dụng kìm hãm quá trình lên men thối ở ruột, giúp cơ thể tránh được bụng chướng đầy và ngộ độc.
  • Giảm cân cho người béo phì: Hành chứa rất ít calo và giàu chất dinh dưỡng thiết yếu. Nghiên cứu y học đã minh chứng rằng ăn thường xuyên hành giúp loại bỏ chất béo dư thừa ra khỏi cơ thể, do đó duy trì trọng lượng cơ thể được cân đối.
  • Tăng cường thị lực, tốt cho mắt: Hạt hành có lợi cho việc thúc đẩy và duy trì thị lực do chứa nhiều thành phần zeaxanthin, lutein và beta-carotene. Nghiên cứu y học cho thấy rằng hành rất hữu ích để ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác.
  • Kháng khuẩn: Thành phần bay hơi của hành là hoạt chất allicin có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn như Bacillus diphtheriae, B.tuberculosis, Salmonella dysenteriae, Staphylococcus aureus, Streptococcus hemolyticus.
  • Kháng nấm: Nước chiết từ hành có tác dụng ức chế nhiều loài nấm gây bệnh ngoài da.
  • Hỗ trợ xương khỏe mạnh: Hành chính là một nguồn cung cấp vitamin K và vitamin C tuyệt vời, những chất này rất quan trọng để phát triển, hỗ trợ và sửa chữa xương của chúng ta.
  • Hành thích hợp để tham gia trong nhóm thuốc điều trị chứng tiểu ra máu.
  • Nước ép củ hành tươi làm tăng hàm lượng hormone sinh dục nam testosterone trong máu, đồng thời cải thiện chức năng túi tinh và tuyến tiền liệt.
  • Với hệ da liễu: Hành là một nguồn giàu allicin, do đó rất hữu ích để duy trì làn da khỏe mạnh và tươi sáng. Hơn nữa, hàm lượng vitamin C, K và E cao trong hành giúp trẻ hóa làn da, ngăn ngừa sắc tố da, tẩy tế bào chết, ngăn ngừa lão hóa sớm và làm da tươi trẻ. Chất chống oxy hóa đặc biệt là quercetin và allium có trong loại rau này giúp ức chế các gốc tự do gây hại cho da.

III. Cách dùng - liều dùng hành lá, hành củ

Liều dùng: Dùng hành như một loại gia vị hằng ngày, tùy kinh nghiệm về sự thích nghi của cơ thể mỗi người.

1. Một số cách dùng hành theo kinh nghiệm dân gian hoặc bài thuốc cổ phương

  • Để chữa cảm sốt, dùng củ hành (15 - 20g) giã nhỏ trộn vào cháo ăn cho ra mồ hôi, chỉ làm 1 lần; hoặc dùng cháo giải cảm gồm 3 củ hành ống, 3 lát gừng, 10g tía tô và một quả trứng gà, trộn đều ăn lúc còn nóng.
  • Nước sắc hành chữa bí tiểu và bí đại tiện.
  • Dùng ngoài, hành tươi giã nát, chườm nóng đắp tại chỗ chữa mụn nhọt.
  • Hạt hành được dùng chữa bệnh dương ủy, mắt mờ. Hạt hành (10g) giã nát trộn với mật làm thành viên, uống sau bữa ăn. Hoặc dùng hạt hành (10g) nghiền thành bột sắc với 400ml nước còn 300ml, lọc bỏ bã, lấy nước nấu cháo ăn.
  • Chữa cảm sốt, đau đầu ngạt mũi: Hành 30g, đạm đậu xị 15g, sinh khương 10g, chè hương 10g. Đun sôi với 300ml nước, gạn bỏ bã. Uống khi còn nóng, đắp chăn kín cho ra mồ hôi.
  • Chữa giun kim: Hành (bỏ lá và rễ) 36g, nước 100ml, đun sôi với lửa nhỏ, dùng vải gạc lọc bỏ bã. Dùng nước đã lọc, thụt hậu môn cho trẻ trước khi ngủ với liều 10ml trẻ 4 - 5 tuổi, 15ml cho trẻ 7 - 8 tuổi.
  • Chữa động thai: Hành tươi 60g, thêm một bát nước, sắc kỹ, lọc bỏ bã, uống.

2. Cách dùng hành đối với phụ nữ mang thai và cho con bú

Khuyên dùng cho phụ nữ mang thai: Do lượng axit folic cao trong một số loại hành, loại rau này được khuyến khích cho phụ nữ mang thai. Cần lưu ý rằng axit folic giúp thúc đẩy sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi vì nó có thể giảm thiểu đáng kể nguy cơ dị tật ống thần kinh. Tuy nhiên, cần sử dụng đúng liều, và chỉ nên dùng như một gia vị, vì chúng kích thích ra mồ hôi, nếu mất nhiều mồ hôi có thể ảnh hưởng sức khỏe tạm thời của bà mẹ.

Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.

3. Cách dùng hành đối với trẻ nhũ nhi

Hành chỉ được dùng cho trẻ nhũ nhi khi trẻ đã đến tuổi ăn cháo và với lượng hạn chế.

IV. Tác dụng phụ - thận trọng - tương tác & chống chỉ định với hành

  • Hành tây có thể làm chậm quá trình đông máu, có thể tương tác nhẹ với thuốc chống đông máu. Bạn có thể thông báo với bác sĩ trực tiếp điều trị nếu bạn muốn dùng hành nhiều thường xuyên. Ngưng dùng nhiều hành trong 2 tuần trước khi phẫu thuật nếu bạn có tiền sử rối loạn đông máu.
  • Những người bị dị ứng với ngải cứu và cần tây cũng có thể bị dị ứng với hành tây. Nếu bạn có dị ứng với hành, càng không được dùng cùng lúc hành với Aspirin vì thuốc này gây tăng mức độ và xác suất xảy ra dị ứng.
  • Bệnh đái tháo đường: Hành tây có thể làm giảm lượng đường trong máu. Nếu bạn bị tiểu đường, đang điều trị bằng thuốc và có ăn nhiều hành mỗi ngày, hãy kiểm tra lượng đường trong máu của bạn cẩn thận.
  • Tương tác của hành với thuốc chứa Lithium: Hành có thể có tác dụng giống như thuốc lợi tiểu. Dùng hành có thể làm giảm mức độ cơ thể đào thải lithium. Điều này có thể làm tăng lượng lithium trong cơ thể và dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng. Cần thông báo cho bác sĩ trực tiếp điều trị của bạn nếu bạn đang dùng lithium, bác sĩ có thể sẽ chỉnh liều lithium cho bạn.

V. Phân bố, trồng trọt, thu hái và chế biến hành

Giống hành củ trồng ở các tỉnh phía Bắc, chỉ thích nghi với điều kiện khí hậu mát mẻ, nhiệt độ  khoảng trên dưới 200C, vào mùa đông và mùa xuân. Do đó hành ta thường xuất hiện trên thị trường miền Bắc từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

Trong khi đó, các giống hành củ nhiệt đới ở các tỉnh phía nam, đòi hỏi nhiệt độ tối thích là 20 - 260C; với thời gian được chiếu sáng dài.

Riêng đối với giống hành hoa nguyên gốc ở phương bắc, cây có thể sinh trưởng tốt trong điều kiện lạnh giá ở Siberia. Tuy nhiên, giống hành hoa trồng ở các tỉnh phía bắc Việt Nam đã được nhiệt đới hóa. Khi gieo hạt, nhiệt độ vào khoảng gần 200C, nhưng mùa sinh trưởng lại rơi vào thời tiết nóng ẩm của mùa hè - thu; với nhiệt độ 24 - 300C.

Cả 2 loại hành trồng đều ra hoa quả nhiều. Giống hành hoa được thu hạt để gieo trồng; còn hành củ trồng bằng các củ con. Hành của và hành hoa đều là những cây ưa sáng, ưa ẩm và không chịu được ngập úng.

Hành củ trồng bằng củ, hành hoa trồng bằng hạt. Củ hành giống được thu hoạch ở cây thật già, tàn lụi. Khi thu nhổ cả khóm, tránh làm dập nát, không rửa nước mà đem phơi nắng rồi rũ sạch đất, gác trên bếp có nhiều khói để cất giữ. Khi trồng, tách thành từng nhánh, vặt sạch rễ. Thời vụ trồng vào đầu mùa đông (tháng 9 - 10), sau khi gặt lúa mùa sớm. Có thể trồng độc canh hay trồng xen, trồng gối với các cây rau màu khác.

Hành hoa thu giống vào tháng 9 - 10. Thu quả già, phơi khô, chọn lấy hạt chắc, bảo quản kín nơi khô ráo, thoáng mát, đến tháng 1 - 2 năm sau thì gieo. Hạt để cách năm không mọc.

Đất đồi, đất bằng đều trồng được hành, thích hợp nhất là các loại đất trồng rau, màu. Đất cần làm kỹ, để ải càng tốt, lên luống cao 20cm, mặt luống rộng 70 - 80cm.

Hành củ được trồng với khoảng cách 20 - 15 hoặc 20 - 20cm. Trồng xong dùng đất vụn phủ nhẹ. Hành hoa gieo thành rạch, cách nhau 10 - 15cm. Mỗi mét vuông gieo 4 - 5g hạt. Trước khi gieo, hạt được ngâm vào nước ấm 500C qua một đêm, vớt ra, rửa sạch để ráo nước. Sau khi trồng củ hoặc gieo hạt, dùng rơm, rạ, cỏ khô phủ lên mặt luống và tưới nước giữ ẩm. Sau 10 -12 ngày, hành bắt đầu mọc, cần dỡ bỏ rơm rạ và tiếp tục chăm sóc

Hành cần được tưới ẩm vừa phải thường xuyên. Vụ đông thường ít có nguy cơ ngập úng mà thường khô hạn. Tưới đủ ẩm là biện pháp hàng đầu bảo đảm cho hành sinh trưởng và phát triển. Hành rất cần kali. Nhân dân có kinh nghiệm bón nhiều tro bếp vừa để thỏa mãn nhu cầu kali, vừa tăng cường độ xốp của đất và chống rét cho cây.

Hành hoa khi cao 10 - 15cm cần nhổ tỉa, giữ lại cây theo khoảng cách đã định. Cây tỉa ra đem trồng trên ruộng mới cũng với khoảng cách như trên, Khi trồng, cần cắt bỏ rễ và một phần lá. Mỗi gốc trồng 2 - 3 cây. Sau 40 - 45 ngày có thể thu hoạch. Thường thu hoạch hành hoa theo cách tỉa nhánh. Sau khi tỉa, tiếp tục chăm sóc cho nhánh còn lại tiếp tục ra nhánh mới để thu đợt tiếp theo. Cứ 25 - 30 ngày thu lứa, liên tục đến tháng 7. Lúc này cây bắt đầu ra hoa.

Hành củ trồng độ 3 tháng thì thu hoạch. Khi thu, nhổ cả khóm, bỏ rễ, lá già, rửa sạch đất cát. Mỗi hecta có thể đạt 25 - 27 tấn hành tươi.

Hành không có sâu bệnh đáng kể.

VI. Bảo quản hành

Hành dù được dùng ở dạng thực phẩm hay thảo dược đều nên dùng tươi, không lưu trữ lâu tại nhà, có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, chứa trong bao nilon kín để chậm mất nước.

BS Đoàn Quang Nguyên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X