Hotline 24/7
08983-08983

Tầm soát ung thư vú: Nên siêu âm, chụp nhũ ảnh hay sinh thiết?

Trong bài viết này, BS.CK2 Huỳnh Xuân Nghiêm và BS.CK2 Nguyễn Trần Bảo Chi, Bệnh viện Hùng Vương sẽ giải thích cụ thể về các kỹ thuật tầm soát ung thư vú, cũng như các trường hợp chỉ định và chống chỉ định để đem lại kết quả chính xác nhất có người bệnh.

1. Phụ nữ Việt Nam từ 40 tuổi trở lên sẽ có chỉ định chụp nhũ ảnh

Cụ thể hơn, trong từng cận lâm sàng được thực hiện để tầm soát ung thư vú:

- Nhờ BS chia sẻ thêm, chụp nhũ ảnh được chỉ định và chống chỉ định trong những trường hợp nào? Độ nhạy, tính hiệu quả, an toàn của phương pháp này ra sao?

- Từ độ tuổi nào mới cần chụp nhũ ảnh? Bao lâu nên thực hiện chụp nhũ ảnh một lần? Chụp nhũ ảnh được thực hiện ra sao và cần lưu ý gì khi chụp nhũ ảnh, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Trần Bảo Chi - Trưởng khoa - Khoa Nhũ, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Đối với một người có mô vú mỡ hay mô vú đậm độ, giá trị nhũ ảnh rất cao. Nhưng với một người có mô vú đặc, giá trị của nhũ ảnh sẽ giảm xuống có thể còn 1/3.

Ung thư vú có 2 thể: Thứ nhất là thể bướu chỉ phát hiện được bằng siêu âm. Thứ hai là thể vi vôi hóa chỉ phát hiện được bằng nhũ ảnh, siêu âm không thể phát hiện, ngoại trừ khi vi vôi hóa diễn tiến nhiều, giai đoạn trễ mới có thể phát hiện được bằng siêu âm.

Giá trị của nhũ ảnh là phát hiện được tổn thương ung thư vi vôi hóa, đây là giai đoạn sớm nhất của ung thư vú, do đó không thể bỏ qua nhũ ảnh.

Đau do chụp nhũ ảnh là vấn đề không thể tránh khỏi nên phải lưu ý thời điểm chụp tốt nhất cho người bệnh. Khi chụp nhũ ảnh phải ép vú, do đó để tránh đau bệnh nhân nên chụp khi đã sạch kinh. Ví dụ chị em có kinh ngày 1 thì nên đi chụp từ ngày 7 đến ngày 15, đây là thời gian chị em ít bị ảnh hưởng bởi nội tiết buồng trứng, đỡ đau khi chụp, hình ảnh tốt hơn.

Bàn tiếp nhận tia nằm phía trên bụng nên vẫn an toàn cho những phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó, liều tia của nhũ ảnh rất thấp (khoảng 0.3mSv), tương ứng với việc tiếp xúc nguồn phóng xạ ở môi trường bên ngoài trong 3 tháng, do đó với tia X của nhũ ảnh sẽ an toàn.

Thông thường phụ nữ mang thai ở lứa tuổi trẻ, chỉ khi có u vú thật sự và cần can thiệp bác sĩ mới cân nhắc việc chụp nhũ và tư vấn cho người bệnh.

Chống chỉ định chụp nhũ ảnh ở nhóm người có túi ngực không vẹn toàn. Nghĩa là với những trường hợp có túi ngực phải được siêu âm vú trước, qua đó bác sĩ sẽ đánh giá được một phần độ vẹn toàn của túi ngực, nếu có hiện tượng vỡ bao trong sẽ không chỉ định chụp.

Ngoài ra, khi chụp nhũ ảnh trên bệnh nhân có túi ngực, bác sĩ cần biết kỹ thuật push túi (đẩy túi đi). Nếu chỉ chụp nhũ ảnh với kỹ thuật ở bệnh nhân thông thường sẽ không đạt được phim chuẩn và không an toàn cho túi ngực.

Ở Việt Nam chưa có chương trình tầm soát của quốc gia, việc tầm soát vẫn đi theo những hướng dẫn thực hành trên thế giới. Thông thường phụ nữ Việt Nam từ 40 tuổi trở lên sẽ có chỉ định chụp nhũ ảnh.

Vì có kết hợp với siêu âm, nên khuyến cáo bệnh nhân chụp nhũ ảnh 2 năm/lần. Những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ gia đình sẽ có chỉ định chụp nhũ ảnh 1 năm/lần.

Khi chụp nhũ ảnh bệnh nhân phải cởi trần để bộc lộ hết vùng cần chụp chiếu. Nên chụp lúc bệnh nhân sạch kinh. Trong lúc chụp phải tuân theo hướng dẫn của kỹ thuật viên, vì có những thời điểm ép ngực làm bệnh nhân đau. Do đó trong quá trình phát tia, kỹ thuật viên hướng dẫn đứng yên, nín thở phải cố gắng hợp tác để phim được rõ nét.

2. Siêu âm là kỹ thuật thường quy trong tầm soát ung thư vú

Hiệu quả của siêu âm vú trong tầm soát ung thư vú như thế nào, thưa BS? Chỉ định và chống chỉ định siêu âm vú trong những trường hợp nào? Khi nào nên siêu âm vú và khi nào nên chụp nhũ ảnh ạ?

BS.CK2 Huỳnh Xuân Nghiêm - Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Siêu âm là một trong những kỹ thông dụng tại Việt Nam. Đối với tầm soát ung thư vú, siêu âm rất ít chống chỉ định. Khi thực hiện siêu âm phải bôi một lớp gel và đưa đầu dò lên vùng da đó, nên khi vùng da bị tổn thương rộng, hở da, phỏng… thì không thể siêu âm.

Đây là kỹ thuật thường quy trong tầm soát. Khi phát hiện cục u người phụ nữ phải đi tầm soát và việc đầu tiên bác sĩ thực hiện là siêu âm. Sau đó, có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm như chụp nhũ ảnh, chọc hút tế bào vú,…

Không phải 100% siêu âm sẽ phát hiện ung thư vú. Không nên cho rằng chỉ cần siêu âm, nhiều năm nay siêu âm không phát hiện vấn đề thì không sao, vì có những tổn thương như vi vôi hóa, siêu âm không phát hiện được mà chỉ có nhũ ảnh với phát hiện.

Thời điểm siêu âm tốt nhất là thời điểm người phụ nữ cảm thấy thoải mái như sau khi sạch kinh, mô vú mềm hoặc sau khi tầm soát ung thư cổ tử cung,… sẽ dễ dàng siêu âm và phát hiện tổn thương.

Siêu âm là một kỹ thuật thông thường nhưng không nên quá tin tưởng, dựa vào siêu âm mà bỏ sót những kỹ thuật khác. Đặc biệt khi phát hiện cục u, nhận thấy sự bất thường trên mô vú hoặc phiền toái người bệnh phải đến cơ sở y tế uy tín để các bác sĩ tư vấn và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng kèm theo.

3. Dấu ấn CA 15-3 không dùng để tầm soát ung thư vú

Xét nghiệm máu có hiệu quả trong tầm soát ung thư vú, thưa BS? Dấu ấn ung thư vú CA 15-3 mang giá trị ra sao trong chẩn đoán căn bệnh này ạ?

- Ưu và nhược điểm của phương pháp này ra sao?

- Khi CA 15-3 tăng bất thường, các chị em sẽ được chỉ định làm gì trong bước tiếp theo?

BS.CK2 Nguyễn Trần Bảo Chi trả lời: Dấu ấn CA 15-3 gọi là dấu ấn ung thư, tuy nhiên không thể dùng để tầm soát ung thư vú. Vì CA 15-3 có thể tăng trong rất nhiều trường hợp như thử trong thời gian hành kinh hay bệnh nhân có rối loạn đường tiêu hóa, gặp vấn đề ở vú… khi đó bác sĩ phải giải thích cho bệnh nhân về vấn đề này. Trong một số trường hợp có ung thư vú nhưng CA 15-3 vẫn có thể không tăng.

Vì vậy, CA 15-3 không phải là dấu ấn đặc hiệu để thực hiện trong tầm soát ung thư vú. Xét nghiệm này chỉ có giá trị đối với những bệnh nhân đã mắc ung thư vú. Khi bệnh nhân bắt đầu điều trị sẽ thử CA 15-3, trong quá trình theo dõi bệnh nhân sau khi điều trị sẽ xét nghiệm lại để đánh giá nguy cơ có tái phát.

Riêng về vấn đề nhũ bác sĩ sẽ bắt đầu kiểm tra kỹ vú bệnh nhân, tầm soát xem có u vú không, nếu có thì phải là ung thư không, trường hợp có nguy cơ sẽ tiến hành làm sinh thiết để chẩn đoán. Vì sinh thiết là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư vú.

4. Sinh thiết vú đã có những tiến bộ nào, quy trình ra sao?

Sinh thiết vú, bước nào sẽ cần thực hiện cận lâm sàng này, thưa BS?

- Quy trình sinh thiết vú sẽ gồm những gì?

- Hiện nay có những tiến bộ như thế nào trong sinh thiết vú, thưa BS? Những tiến bộ này mang lại hiệu quả và lợi ích ra sao trong việc chẩn đoán - nhận diện ung thư vú ạ?

BS.CK2 Huỳnh Xuân Nghiêm trả lời: Sinh thiết vú là một kỹ thuật cứu cánh cho người phụ nữ, hỗ trợ người phụ nữ rất nhiều, đặc biệt là với thẩm mỹ. Trước đây không có sinh thiết vú, khi phát hiện cục u bác sĩ sẽ tư vấn lấy khối u ra bằng tiểu phẫu.

Hiện nay, nếu vô tình phát hiện cục u thì khi đến gặp bác sĩ sẽ có quy trình chữa trị dù có phẫu thuật hay không. Hiện Việt Nam có 3 kỹ thuật để sinh thiết vú và tại khoa Nhũ, Bệnh viện Hùng Vương đều có cả 3 kỹ thuật này.

Khi phát hiện cục u và đến khám, đầu tiên bác sĩ sẽ siêu âm, nếu nghi ngờ sẽ tư vấn cho bệnh nhân làm sinh thiết chọc hút tế bào vú bằng kim nhỏ. Đặc biệt tại Bệnh viện Hùng Vương có kỹ thuật chọc hút tế bào vú dưới siêu âm. Nghĩa là lấy mẫu mô từ chân khối u qua mỗi mũi kim với kích thước nhỏ như kiến cắn vào da. Kỹ thuật này giúp lấy được nhiều mô, đúng vị trí cần thiết.

Sau khi làm xét nghiệm, khoảng 1 tuần sẽ có kết quả. Qua đó bác sĩ sẽ tư vấn những việc cần làm tiếp theo như theo dõi, bóc u vú bình thường hoặc làm thêm xét nghiệm để hỗ trợ.

Đối với những trường hợp nghi ngờ khối u là ung thư nhưng trên lâm sàng bệnh nhân không sờ được, bác sĩ phải dùng kỹ thuật core biopsy để lấy được nhiều mô và có kết quả chính xác. Kỹ thuật này dùng một cây súng bắn vào vùng khối u, lấy được mô nhiều hơn, đồng thời giúp việc chẩn đoán của bác sĩ cận lâm sàng, đặc biệt là bác sĩ giải phẫu bệnh chính xác hơn và có hướng điều trị tốt hơn cho người bệnh.

Bên cạnh đó, kỹ thuật hút u vú chân không vừa có tính chất điều trị, vừa có tính chất chẩn đoán và mang tính thẩm mỹ cao, không để lại sẹo. Một phụ nữ có thể có rất nhiều khối u và đôi khi khó phân biệt. Kỹ thuật hút u vú chân không vừa phân biệt được khối u và khi bệnh nhân vừa khỏi bệnh có thể lấy trọn khối u đó. Có thể thấy, khoa học ngày càng phát triển và dành nhiều kỹ thuật cho phụ nữ khi điều trị.

Chương trình Radar Sản phụ khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng trên các nền tảng của AloBacsi và Bệnh viện Hùng Vương.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X