GS.BS Nguyễn Chấn Hùng nhắc nhở: Ung thư biết sớm trị lành
Đây là cảnh báo của chuyên gia hàng đầu về ung thư tại Việt Nam được đưa ra trong Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Bệnh viện Ung Bướu TPHCM năm 2023 tổ chức vào ngày 12/5/2023.
Phát biểu tại Hội nghị, TS.BS Phạm Xuân Dũng - Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cho biết, Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Bệnh viện Ung Bướu TPHCM 2023 mang đến những thông tin cập nhật, đặc biệt là định hướng và chiến lược phòng chống ung thư mới trên thế giới, đến từ các báo cáo của chuyên gia nước ngoài. Điều này giúp các bác sĩ trẻ nâng cao chuyên môn, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng vào thực tiễn, đem đến kết quả tốt nhất cho bệnh nhân ung thư.
Gánh nặng ung thư bùng nổ trên toàn cầu
GS.BS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch danh dự Hội Ung thư Việt Nam mở đầu phiên hội thảo với chuyên đề “Ung thư trong dòng chảy Y học”.
Loài người nặng gánh ung thư
Giáo sư cho biết, theo thống kê Globocan (Tổ chức Y tế Thế giới) năm 2020, một gánh nặng ung thư toàn cầu tiếp tục gia tăng với 19,29 triệu ca ung thư mới, còn tổng số ca tử vong là 9,95 triệu. So với thống kê Globocan năm 2002, con số này tăng gần gấp đôi. Các nhà nghiên cứu quy cho dân số địa cầu tăng lên, sự lão hóa của loài người và sự biến đổi của môi trường. Từ đó con người bắt đầu nghiên cứu, đặt mục tiêu giảm gánh nặng ung thư lên hàng đầu.
Sao cho nhẹ gánh ung thư
Người người chung sức chung lòng mới xong
Từ nơi sâu thẳm của sự sống
Theo các nghiên cứu giáo sư đưa ra, nguồn gốc của ung thư trải qua nhiều giai đoạn. Dưới sự tác động của các hóa chất, nếp sống không lành, (chế độ dinh dưỡng, thiếu vận động và béo phì), các bệnh nhiễm, bức xạ,... Các thể nhiễm sắc bị tấn công, các gen bị đột biến. Từ đó hình thành ung thư. Các tế bào ung thư phát triển, tiếp tục xâm lấn và di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể người bệnh.
Mọc ra từ đột biến gen
Lan tràn khắp chốn hoành hành khắp nơi
Ung thư ngừa được
Cho đến ngày nay, rất mừng y học đã tìm ra nhiều nguyên nhân và các loại virus dẫn đến bệnh lý này. Chủ yếu khói thuốc lá chiếm ⅓ nguy cơ, dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt chiếm ⅓ và bệnh nhiễm chiếm ⅕. Cụ thể, trong khói thuốc lá chứa hơn 70 chất gây ung và dẫn đến 15 loại ung thư khác nhau. Thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh, ít ăn rau hoặc trái cây tươi, nạp quá nhiều chất béo, lười vận động... tạo cơ hội cho ung thư hình thành. Các loại “sát thủ vô hình” H.pylori, HPV, HBV, HCV gây ra 15% bệnh ung thư ở người.
GS.BS Nguyễn Chấn Hùng khuyến cáo, mọi người cần tránh xa khói thuốc, giữ nếp sống tốt “ăn lành, ngủ đủ, tập đều”.
Ung thư ngừa được bạn ơi
Ơ hờ bệnh nhập đổ là trời kêu
Biết sớm trị lành
Tầm soát ung thư nhằm rà tìm phát hiện thật sớm một số loại ung thư chưa có triệu chứng. Ngoài việc kiểm tra, tầm soát các vấn đề về ruột già, gan, dạ dày là điều cả hai giới phải lưu ý. Phụ nữ cần tầm soát ung thư cổ tử cung, tuyến vú, tuyến giáp. Đàn ông cần tầm soát sớm ung thư phổi (người nghiện thuốc trên 40 tuổi), nên lưu ý tuyến tiền liệt (thử PSA).
Giáo sư nhấn mạnh không được ỷ y bỏ qua: “Các triệu chứng báo động ung thư” chẳng hạn như chỗ dày (cục u) ở vú hoặc tại vị trí khác trên cơ thể; chảy máu hoặc tiết dịch bất thường; một chỗ lở loét không chịu lành; ho dai dẳng hoặc khàn tiếng... Nếu xuất hiện các triệu chứng trên, mọi người cần đến cơ sở y tế để thực hiện kiểm tra.
Việc định bệnh ngày càng được cải tiến nhờ các phương pháp hiện đại như cắt lớp điện toán (CT), cộng hưởng từ (MRI), siêu âm, nhũ ảnh, xét nghiệm đột biến gen...
Y học ngày nay có mắt thần
Nhìn sâu nhìn suốt thấy ung thư
GS.BS Nguyễn Chấn Hùng chia sẻ niềm vui với mọi người vì có sự bùng nổ về các tiến bộ trong điều trị bệnh ung thư: Phương pháp mổ (phẫu trị), chiếu tia phóng xạ (xạ trị), dùng thuốc (hóa trị), mới đây có thêm liệu pháp sinh học hay sinh trị (gồm liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch). Các phương pháp này được phối hợp nhuần nhuyễn, gọi là liệu pháp đa mô thức và được áp dụng điều trị cho hầu hết các bệnh nhân ung thư ở thời điểm hiện tại.
GS Nguyễn Chấn Hùng muốn chia sẻ niềm tin của thầy thuốc và người bệnh:
Bức tranh phòng trị ung thư
Thêm màu tươi sáng thêm người tươi vui
Tầm soát ung thư cần thực hiện ngay cả trên nhóm người khỏe mạnh
Việc tầm soát ung thư là vấn đề vô cùng quan trọng. Điều này giúp tìm ra nguyên nhân sớm nhất. Từ đó, chẩn đoán và xác định phương pháp điều trị, tác động lên các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư ở người bệnh. Bên cạnh đó, việc tầm soát cần hạn chế can thiệp trực tiếp, tránh gây tổn thương cho bệnh nhân ung thư.
Đề cập về vấn đề này, BS. Tomohiro Matsuda - Viện Ung thư Quốc gia Nhật Bản chia sẻ trong bài báo cáo “Tầm soát phát hiện sớm ung thư trong phòng chống ung thư tại Nhật bản”: “Khi tiến hành tầm soát ung thư, chúng tôi phát hiện các nguyên nhân chủ yếu gây ung thư nằm ở việc hút thuốc lá, rượu bia và thói quen sinh hoạt. Sau thời gian thực hiện chương trình phòng chống ung thư, chúng tôi nhận thấy, tính riêng tại Nhật bản, nếu giảm được 50% số người hút thuốc lá thì tỷ lệ tử vong do ung thư sẽ giảm đến 60%”.
Bác sĩ đến từ Nhật Bản thông tin thêm: “Mỗi năm chúng tôi tổ chức tầm soát ung thư một lần. Đối với ung thư đại trực tràng, chúng tôi thực hiện phương pháp tìm máu ẩn ở phân, không khuyến cáo soi đại tràng và tác động bằng tay. Chúng tôi cho rằng, bệnh nhân ung thư đều có cuộc sống riêng trước khi được chẩn đoán mắc bệnh. Ở phụ nữ, rất nhiều bệnh nhân vẫn mong muốn có con, có gia đình. Vì vậy cần đảm bảo cuộc sống cho họ”.
Theo đó, chương trình tầm soát cần diễn ra định kỳ. Tuy nhiên, việc thực hiện tầm soát ung thư, phải có kế hoạch cụ thể. Ban hành từ chính phủ, sau đó đưa về quận, huyện. Tại đây, địa phương sẽ điều chỉnh kế hoạch dựa trên hiện trạng khu vực, nhưng vẫn cần tuân thủ theo kế hoạch ban đầu. Tiếp tục chuyển về các cấp thấp hơn và tới tay người dân. Sau khi có kết quả tầm soát, các địa phương phải tiến hành báo cáo, thống kê và gửi ngược lại.
Điều quan trọng cần thực hiện là tầm soát được tất cả, kể cả người khỏe mạnh. Nhằm kịp thời phòng chống nếu có triệu chứng khởi phát. Các bệnh nhân tầm soát có kết quả âm tính vẫn phải đưa vào nhóm tầm soát ung thư, và thực hiện tầm soát mỗi năm để đạt hiệu quả tốt nhất.
Bên cạnh đó, việc chẩn đoán sớm, điều trị sớm đối với bệnh nhân ung thư, có thể kéo dài thêm thời gian cho đến khi bệnh nhân đó tử vong. Và thời gian này sẽ tăng lên nếu phát hiện sớm hơn.
Trên thực tế, việc này giúp giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân ung thư tại quốc gia đó. Tuy nhiên, cần xác định rõ ưu và nhược điểm, tránh cho ra kết quả sai lệch.
Trong bài báo cáo “Tầm quan trọng của tầm soát ung thư dựa trên chứng cứ”, BS Hirokazu Takahashi - Viện Ung thư Quốc gia Nhật Bản cũng nhấn mạnh: “Tầm soát ung thư phải có các biện pháp an toàn, chuẩn xác,... Có bệnh viện và cơ sở Y tế hỗ trợ trong tầm soát ung thư. Đảm bảo giữ cân bằng giữa lợi ích và tác hại do có quá nhiều chương trình tầm soát”.
Ngoài các báo cáo trên, phiên toàn thể còn nhận được chia sẻ về bước tiến mới trong điều trị ung thư dạ dày do BS Yong Wei Peng - Viện Ung thư Đại học Quốc gia Singapore trình bày trong chuyên đề “Cập nhật ung thư dạ dày và miệng nối dạ dày thực quản”. Đối với điều trị dạ dày ở giai đoạn tiến xa, mức xử lý trở nên khó khăn. Phương pháp sử dụng thuốc ức chế kiểm soát miễn dịch kết hợp hóa trị, giúp gia tăng thời gian sống còn cho bệnh nhân ung thư.
Kết thúc phiên hội thảo với chủ đề “Những vấn đề chung trong đánh giá giải phẫu bệnh ung thư tuyến vú tại chỗ”, GS Gary Tse - Đại học Hồng Kông, Trung Quốc, đã cung cấp thông tin về bước tiến tương lai cho điều trị ung thư vú, đó là sẽ áp dụng điều trị miễn dịch, chuyển hóa sinh học mà không cần tác động cắt phẫu điều trị ung thư.
Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Bệnh viện Ung Bướu TPHCM năm 2023 là sự kiện nhân kỷ niệm 38 năm thành lập bệnh viện. Và là lần đầu tiên hội nghị được diễn ra tại cơ sở mới (số 12 Đường 400, Phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TPHCM). Hội nghị năm nay diễn ra trong một ngày với 36 bài báo cáo. Trong đó, có 1 phiên Toàn thể và 6 phiên chuyên đề về Ung thư tổng quát, Nội khoa và Phẫu thuật. Song song đó, hội nghị còn diễn ra 3 phiên hội thảo vệ tinh được tổ chức và điều hành bởi các chuyên gia ung thư giàu kinh nghiệm trên cả nước. Chương trình có sự góp mặt của các báo cáo viên là chuyên gia đầu ngành ung thư trong và ngoài nước, bao gồm: Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông. Cùng nhiều chuyên gia đến từ các tỉnh, thành phố lớn của cả nước như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ… cũng như các Đơn vị Y tế trong cả nước, các Trường Đại học Y khoa, các Công ty Dược và Trang thiết bị y tế. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình