Hotline 24/7
08983-08983

Những tiến bộ trong điều trị ung thư phổi giai đoạn sớm, ung thư buồng trứng

Nếu nội dung của phiên Nội khoa 1 trong Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Bệnh viện Ung Bướu TPHCM tập trung vào những tiến bộ trong điều trị bệnh ung thư vú, ung thư tuyến giáp, ung thư biểu mô tế bào gan, ung thư đường mật thì tại phiên nội khoa 2 cập nhật các vấn đề điều trị ung thư buồng trứng và ung thư phổi.

Thuốc ức chế poly (ADP-ribose) polymerase (PARP) mở ra kỷ nguyên mới trong điều trị ung thư buồng trứng

Mở đầu phiên Nội khoa 2 là chủ đề “Điều trị ung thư buồng trứng trong kỷ nguyên ức chế PARP” của BS.CK2 Võ Thị Ngọc Điệp - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Chuyên gia cho biết, ung thư buồng trứng là bệnh ung thư được chẩn đoán phổ biến thứ 7 ở phụ nữ và là bệnh ác tính phụ khoa nguy hiểm nhất trên toàn cầu vì biểu hiện mơ hồ, bản chất ngấm ngầm, tái phát và kháng thuốc.

Có một nhu cầu cấp thiết để cải thiện tỷ lệ sống còn và chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân ung thư buồng trứng trong bối cảnh tỷ lệ mắc bệnh toàn cầu ngày càng tăng, nguy cơ tái phát cao và tiên lượng xấu. Thuốc ức chế poly (ADP-ribose) polymerase (PARP) mở ra kỷ nguyên mới trong điều trị ung thư buồng trứng.

Các nghiên cứu tiền lâm sàng và các pha sớm đang nghiên cứu một loạt các phương pháp điều trị ung thư buồng trứng như liệu pháp tế bào T, kết hợp chất ức chế PARP và chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, các kháng thể đặc hiệu kép. Sự phát triển trong các lĩnh vực này đang được chờ đợi và quan tâm. Ngày càng nhiều chất ức chế PARP được nghiên cứu và công nhận, mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân.

Bài báo cáo “Điều trị ung thư buồng trứng trong kỷ nguyên ức chế PARP” của BS.CK2 Võ Thị Ngọc Điệp - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM

Một công bố khác về điều trị duy trì ung thư buồng trứng tái phát muộn, trong bài báo cáo “Vai trò Olaparib điều trị duy trì ung thư buồng trứng tái phát muộn” - ThS.BS Phan Đỗ Phương Thảo - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM thông tin, ung thư biểu mô buồng trứng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư phụ khoa, đứng hàng thứ 7 ung thư thường mắc ở nữ giới. Tại Việt Nam, số ca bệnh được phát hiện ngày càng tăng, chủ yếu ở giai đoạn trễ. Bệnh diễn biến âm thầm và không có triệu chứng đặc hiệu, phần lớn phụ nữ mắc ung thư biểu mô buồng trứng được chẩn đoán ở giai đoạn bệnh đã tiến triển.

70% bệnh nhân sẽ tái phát trong vòng 3 năm sau điều trị bước 1, tái phát càng nhiều lần thì thời gian giữa các lần tái phát sẽ ngắn lại. Điều trị tiêu chuẩn cho bệnh nhân bị ung thư biểu mô buồng trứng tiến triển là phẫu thuật tối ưu bao gồm cắt tử cung toàn bộ, 2 phần phụ, mạc nối lớn và lấy u tối đa, sau đó là hóa trị bổ trợ với paclitaxel và carboplatin.

Ung thư buồng trứng dạng thanh dịch, độ mô học cao là dạng thường gặp nhất đồng thời có tỷ lệ đột biến BRCA cao nhất. Có rất nhiều nghiên cứu và mô thức điều trị được tiến hành với nỗ lực cải thiện kết cục lâm sàng cho bệnh nhân ở bước đầu tiên tuy nhiên hiệu quả mang lại không cao. Điều trị duy trì trong ung thư buồng trứng hiện nay có 2 liệu pháp: kháng sinh mạch và ức chế PARP (PARPi).

Duy trì bằng bevacizumab mang lại lợi ích lâm sàng sống thêm cao nhất là 6 tháng. Duy trì olaparib sau hóa trị cho ung thư buồng trứng tái phát làm tăng PFS thêm 13,6 tháng, OS thêm 12,9 tháng. [SOLO-2(BRCA1/2+)]. Duy trì Olaparib sau hóa trị ung thư buồng trứng tái phát bất kể tình trạng đột biến BRCA, làm tăng gần gấp đôi PFS từ 4,8 lên 8,4 tháng.

ThS.BS Phan Đỗ Phương Thảo – Bệnh viện Ung Bướu TPHCM

Ung thư phổi - một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới

Chương trình được tiếp nối với bài báo cáo “Hiệu quả của afatinib trên bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn di căn hoặc tái phát có đột biến EGFR hiếm gặp loại G719X - Dữ liệu đời thực tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM” của BS.CK2 Nguyễn Tuấn Khôi - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM.

Theo đó, chuyên gia cho biết, Afatinib đã được phê duyệt để điều trị cho ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa hoặc di căn có đột biến EGFR loại del-19 hoặc L858R dựa trên các nghiên cứu ngẫu nhiên so sánh với hóa trị. Tuy nhiên, dữ liệu về hiệu quả của afatinib trên đột biến hiếm gặp G719X vẫn còn rất hạn chế.

Dữ liệu đời thực của Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, đã chứng tỏ rằng hiệu quả điều trị của afatinib cho những bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 4 hoặc tái phát có đột biến EGFR hiếm gặp loại G719X tương đương với với các đột biến thường gặp exon-19 del và exon 21 L858R. Nghiên cứu này sẽ được tiếp tục để có thêm nhiều bệnh nhân và để đánh giá về sống còn toàn bộ, độc tính của điều trị.

BS.CK2 Nguyễn Tuấn Khôi - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM

Bên cạnh đó, “Cập nhật điều trị miễn dịch trong ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớm có chỉ định phẫu thuật” của BS.CK2 Nguyễn Tuấn Khôi - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cho thấy, gần 50% bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi không tế bào nhỏ là giai đoạn sớm 2. Mục tiêu điều trị chữa khỏi bao gồm điều trị chuẩn như phẫu thuật cắt bỏ u và hóa trị hỗ trợ. Tuy nhiên, ngay cả những bệnh nhân được điều trị với liệu pháp chuẩn thì chỉ 5 trong số 10 bệnh nhân giai đoạn II-III ung thư phổi không tế bào nhỏ được phẫu thuật cắt bỏ u có sống còn 5 năm và tần suất tái phát cao thậm chí dẫn đến di căn xa làm bệnh nhân không có khả năng được chữa khỏi.

Nghiên cứu lâm sàng pha 3 IMpower010, KEYNOTE-091 cho thấy hiệu quả của việc thêm thuốc miễn dịch ung thư theo sau điều trị chuẩn (phẫu thuật và hóa trị hỗ trợ) giúp giảm thêm nguy cơ tái phát (DFS) và cải thiện sống còn toàn bộ 5 năm tốt hơn so với chỉ sử dụng hóa chất hỗ trợ trên nhóm bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn II-IIIA có thể phẫu thuật. Việc sử dụng thuốc miễn dịch nên được áp dụng chính xác và cá thể hóa tùy bệnh nhân, các yếu tố liên quan bệnh học như giai đoạn bệnh, tình trạng hạch di căn, bộc lộ các dấu ấn sinh học.

Tập trung vào vấn đề “Tiến bộ trong điều trị ung thư phổi giai đoạn sớm (ADAURA+AGEAN)”, BS.CK2 Lê Thị Nhiều - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM nhấn mạnh, ung thư phổi là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới, phần lớn bệnh nhân chẩn đoán ở giai đoạn trễ, sống còn thấp.

Khoảng 25% bệnh ở giai đoạn sớm có thể phẫu thuật được và cần điều trị hỗ trợ toàn thân, nhưng hóa trị có platin cũng chỉ cải thiện sống còn 5% so không hóa trị. Hiện nay Osimertinib hỗ trợ là điều trị chuẩn ở ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn Ib, II, IIIa có EGFR+ sau phẫu thuật toàn bộ có hoặc không hóa trị.

Với chủ đề “Durvalumab sau hóa xạ đồng thời ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III không phẫu thuật được: Loạt ca lâm sàng”, BS.CK2 Hoàng Thị Anh Thư - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM chia sẻ, hóa xạ đồng thời là điều trị chuẩn đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III không thể phẫu thuật được, tuy nhiên trung vị sống còn không bệnh (PFS) chỉ khoảng 6 tháng. Kết quả ban đầu của khảo sát này cho thấy durvalumab củng cố sau hóa xạ đồng thời bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III không phẫu thuật được dung nạp tốt, an toàn.

Chủ đề “Durvalumab sau hóa xạ đồng thời ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III không phẫu thuật được: Loạt ca lâm sàng” của BS.CK2 Hoàng Thị Anh Thư – Bệnh viện Ung Bướu TPHCM

Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Bệnh viện Ung Bướu TPHCM là sự kiện nhân kỷ niệm 38 năm thành lập bệnh viện (15/5/1985 - 15/5/2023). Đây là lần đầu tiên hội nghị được diễn ra tại cơ sở mới (số 12 Đường 400, Phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TPHCM) vào ngày 12/5/2023 vừa qua, với 36 bài báo cáo diễn ra trong 1 ngày. Trong đó, có 1 phiên Toàn thể và 6 phiên chuyên đề về Ung thư tổng quát, Nội khoa và Phẫu thuật và 3 phiên hội thảo vệ tinh.

Hội nghị thu hút đông đảo các chuyên gia đầu ngành về điều trị ung thư trong và ngoài nước, bao gồm: Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông. Các chuyên gia đến từ nhiều tỉnh, thành  phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ,... cùng các Đơn vị Y tế, Trường Đại học Y khoa, Công ty Dược, Trang thiết bị y tế trên cả nước quy tụ về.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X