Giải mã virus Camp Hill - Mối đe dọa từ chuột
Theo BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM virus Camp Hill có nguồn gốc từ động vật nên rất khó lây trực tiếp sang người hoặc từ hô hấp của người này sang người khác.
1. Virus Camp Hill không thể lây sang Việt Nam
Truyền thông đưa tin virus Camp Hill, có thể gây tử vong, được tìm thấy trong chuột chù ở Alabama, khiến nhiều người lo ngại về một đợt dịch trong cộng đồng. BS có nhận định thế nào trước thông tin này?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Virus có nguồn gốc từ động vật rất khó lây trực tiếp sang người hoặc từ hô hấp của người này sang người khác.
Virus Camp Hill là dòng Hanta virus - virus trú ngụ trên động vật, khi tiếp xúc trực tiếp với động vật hoặc xác chết của động vật thì có thể bị lây.
Chuột chù của Alabama chỉ sinh sống ở vùng này, nên không cần lo lắng có thể lây bệnh đến Việt Nam.
2. Virus trên động vật rất khó để du nhập sang động vật nước khác
Loài chuột chù ở Alabama có sinh sống ở nhiều châu lục, quốc gia khác không ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tất cả virus theo động vật rất khó để du nhập từ động vật nước này sang động vật nước khác.
Trong quy trình kiểm dịch động vật, nếu muốn nhập một động vật nào đó qua nước khác sẽ kiểm dịch rất chặt chẽ.
3. Thế giới có những đợt dịch bệnh nào lây từ chuột khiến nhiều người tử vong?
Trở lại quá khứ, thế giới có những đợt dịch bệnh nào lây từ chuột khiến nhiều người tử vong? Và con người đã có biện pháp gì để đối phó?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trong lịch sử thế giới có bệnh dịch hạch là bệnh lây từ chuột, gọi là “cái chết đen”. Do bọ chét trên chuột là vật trung gian làm lây bệnh cho người.
Sau đó đã tìm được cách điều trị và phòng ngừa, không tiếp xúc với chuột chết để ngăn chặn bệnh.
Một số bệnh lây từ động vật sang người như Ebola, Marburg,… khi đã biết nguồn lây chỉ cần ngăn chặn, bệnh không thể tạo thành đại dịch trên thế giới.
4. Với điều kiện dịch tễ ở Việt Nam, bệnh nào từ chuột đáng lo ngại?
Có trang tin đưa ra 35 loại bệnh nguy hiểm đến từ chuột. Với điều kiện dịch tễ ở Việt Nam thì bệnh nào từ chuột đáng lo ngại, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi chuột chết hàng loại do một dịch bệnh nào đó, qua trung gian do côn trùng khác mới lây sang người. Chuột sống bên ngoài môi trường sẽ không lây bệnh, tuy nhiên có thể lây qua vết cắn, gây bệnh uốn ván.
Trên thế giới, Thái Lan có mô tả một số con chuột bị dại, tuy nhiên về lý thuyết virus dại không ở trên động vật gặm nhấm, nhưng không thể chắc chắn.
Virus Hanta có thể lây từ chuột qua trung gian khi tiếp xúc gần, nhưng hiện nay bệnh rất hiếm gặp, bác sĩ chỉ ghi nhận 1 - 2 ca qua xét nghiệm trong khi chuột đã có từ lâu. Bệnh cảnh lâm sàng giống với bệnh lý não kèm suy thận.
5. Chế biến món ăn từ chuột có nguy cơ gây bệnh không?
Tại một số nhà hàng đặc sản và ở vùng quê, việc chế biến món ăn từ chuột có nguy cơ gây bệnh gì cho người nấu và người ăn không ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Loại chuột chúng ta ăn là chuột đồng, có đặc tính khác, nên khi chế biến sạch thì vẫn là thức ăn bình thường như các loài động vật khác.
6. Nếu ăn phải thức ăn bị chuột gặm phải làm gì?
Một số khán giả lo lắng khi lỡ ăn thức ăn bị chuột gặm, như vậy có nguy hiểm gì không? Có cần tìm cách nôn ra hay theo dõi sức khỏe như thế nào, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu lỡ ăn thì nên tẩy giun, nguy hiểm nhất là mắc giun sán, chứ không thể lây các bệnh khác.
7. Cách phòng ngừa bệnh từ chuột
Nhờ BS đưa ra những cách phòng ngừa bệnh từ chuột?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Chuột cắn mới nguy hiểm, còn khi chuột chết hàng loạt (chết tự nhiên) thì nên thông báo với y tế địa phương để tìm hiểu nguyên nhân.
Cho đến hiện nay chỉ có dịch hạch hoặc virus Hanta, tuy nhiên virus Hanta không thể gây bệnh hàng loạt.
Khi bị chuột cắn phải xử lý vết thương, tiêm ngừa uốn ván hoặc dại tùy theo tình huống.
Tóm lại, khi thấy thông tin về một dịch bệnh nào đó nên tìm hiểu xem đó là virus mới hay cũ, nếu không lây từ hô hấp thì không nguy hiểm. Nếu lây từ đường hô hấp mà là virus cũ thì vẫn là bệnh thông thường, không có gì mới.
8. Cách xử trí vết thương khi bị chuột cắn
Nhờ BS chia sẻ thêm về cách xử trí vết thương khi bị chuột cắn ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi bị chuột cắn có nguy cơ bị nhiễm trùng vết thương hoặc uốn ván.
Đôi với trường hợp này nên rửa vết thương dưới vòi nước nhiều lần để trôi chất bẩn, không nên cọ xát.
Sau đó bôi dung dịch sát trùng. Nếu cảm thấy nguy hiểm nên đi tiêm ngừa uốn ván, trường hợp quá lo lắng có thể hỏi ý kiến bác sĩ về tiêm ngừa dại.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình