Giải đáp thắc mắc về vắc xin cúm tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh
Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh có chích ngừa cúm không? Có những loại vắc xin cúm nào, giá bao nhiêu? Làm sao để đặt lịch chích ngừa cúm tại phòng khám?... là những thắc mắc bạn đọc đặt ra rất nhiều trong những ngày qua. TS.BS Cao Xuân Thục - Khoa Hô hấp sẽ giúp quý bạn đọc giải đáp các thắc mắc về vắc xin cúm.
1. Hiện tại phòng khám có bao nhiêu loại vắc xin cúm và đó là những loại nào?
Hiện tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh có 3 loại vacxin cúm, bao gồm:
- INFLUVAC TETRA (HÀ LAN): trẻ từ 9 tuổi trở lên và người lớn, tiêm 1 lần mỗi năm
- IVACFLU - S (VIỆT NAM): từ 18 – 60 tuổi, không tiêm cho phụ nữ mang thai
- VAXIGRIP TETRA (PHÁP): trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn (hiện hết hàng)
2. Chi phí cụ thể của từng loại vắc xin cúm là bao nhiêu, thưa BS?
Chi phí vắc xin cúm tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh cụ thể như sau:
Vắc xin INFLUVAC TETRA (HÀ LAN) có giá: 380.000 VNĐ/ mũi
Vắc xin IVACFLU - S (VIỆT NAM) có giá: 320.000 VNĐ/ mũi
Vắc xin VAXIGRIP TETRA (PHÁP) có giá: 380.000 VNĐ/ mũi (hiện hết hàng)
Bao gồm cả phí khám sàng lọc, phí tư vấn, phí bảo quản vacxin…

3. Những phản ứng phụ nào có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin cúm, thế nào là bình thường, thế nào đáng lo ngại?
Sau khi chích vắc xin cúm, người bệnh có thể gặp một số phản ứng như:
Đau nhức vùng tiêm: do hệ miễn dịch cơ thể có phản ứng tích cực với vacxin. Tuy nhiên, phản ứng này không đáng lo.
Sưng đỏ, đau tại chỗ tiêm: do kim tiêm tác động lên bề mặt da, làm hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ và do phản ứng của hệ miễn dịch với vắc xin. Đây là phản ứng sau tiêm hoàn toàn bình thường và xảy ra ở hầu hết các nhóm người sau khi tiêm xong.
Sốt: sau khi tiêm vacxin cúm có thể sẽ bị sốt nhẹ, thường dưới 38°C. Trường hợp nếu sốt cao hơn 38°C, bạn cần uống nhiều nước và hạ sốt, nếu tình trạng không thuyên giảm cần gặp bác sĩ để được tư vấn.
Nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn: do phản ứng bình thường của cơ thể đối với vắc xin, phản ứng này không đáng lo ngại. Bạn chỉ cần nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tình trạng này sẽ biến mất sau từ 1 đến 2 ngày.
Choáng váng, xây xẩm: không chỉ khi tiêm vắc xin cúm mà khi tiêm tất cả các loại vắc xin khác đều có thể có tỷ lệ rất ít người bị choáng váng, xây xẩm. Thông thường, triệu chứng này sẽ biểu hiện sớm nên người tiêm luôn cần được theo dõi tại cơ sở tiêm phòng ít nhất 30 phút sau tiêm.
Ho hoặc hắt hơi: đây là tác dụng phụ nhẹ và kéo dài trong thời gian ngắn, không gây cảm cúm thật sự. Bạn nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước, triệu chứng sẽ tự khỏi.
Dị ứng: Các dấu hiệu dị ứng nhẹ như nổi mẩn da nhẹ, ngứa… Có thể khỏi tự nhiên hoặc với thuốc kháng histamin
Các dấu hiệu dị ứng nặng như: khò khè, khó thở, nổi mề đay nhiều, sưng quanh môi hoặc quanh mắt, sốt cao, nhịp tim nhanh… Những dị ứng này có thể xuất hiện sớm sau vài phút hoặc muộn khoảng vài giờ sau tiêm và có thể tự khỏi sau vài giờ hoặc vài ngày.
Tuy nhiên, một số ít trường hợp cần theo dõi và xử trí ngay sau tiêm, vì vậy cần tiêm phòng ở cơ sở y tế tin cậy, tiêm chủng an toàn, khám sàng lọc cẩn thận, có kiểm soát chặt chẽ, theo dõi và xử trí sau tiêm kịp thời.
4. Sau khi tiêm, nếu gặp tác dụng phụ bệnh nhân cần xử lý thế nào, thưa BS?
Sau khi tiêm, nếu người bệnh bị sốt cần mặc thoáng, chườm ấm, uống nhiều nước. Nếu sốt cao trên 38,5°C có thể uống Paracetamol. Trường hợp sốt cao mà không giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và thăm khám.
Đối với vấn đề sưng đau vùng tiêm, nhức đầu, mệt mỏi có thể tự khỏi hoặc chườm ấm. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể uống Paracetamol nếu sưng đau nhiều.
Dị ứng: có thể khỏi tự nhiên hoặc có thể uống kháng histamine nếu triệu chứng dị ứng nặng hơn.
Ho hay hắt hơi: thường tự khỏi. Cần giữ ấm và tránh những nơi ô nhiễm.
Choáng váng, xây xẩm: chỉ cần nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, hoạt động nhẹ nhàng.

5. Những ai nên tiêm vắc xin cúm, và ai nên thận trọng khi tiêm ạ?
Nhóm người nên tiêm phòng cúm là: trẻ em, người cao tuổi (trên 65 tuổi); người bệnh mãn tính: bệnh thận, phổi, tim, đái tháo đường; người suy giảm miễn dịch: ung thư, dùng corticoid lâu ngày; nhân viên y tế…
Những người không nên tiêm phòng cúm bao gồm: Có phản ứng dị ứng với vắc xin cúm trước đó; dị ứng với bất cứ thành phần nào của vắc xin cúm; mắc phải một biến chứng thần kinh hiếm gặp Guillain-Barré do vắc xin cúm. Những người đang mắc các bệnh cấp tính hoặc đang sốt cao…
Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm vắc xin phòng cúm.
6. Với những người cần thận trọng khi tiêm vắc xin cúm nhưng vẫn muốn tiêm thì PKĐK Ngọc Minh có những biện pháp nào giúp họ được tiêm ngừa an toàn?
Khi tiêm phòng cúm tại phòng khám Đa khoa Ngọc Minh, bạn sẽ được thăm khám, sàng lọc, tư vấn kỹ càng trước khi tiêm; theo dõi sau tiêm 30 phút - 1 giờ đối với người cần thận trọng khi tiêm.
Nhân viên y tế tại phòng khám cũng sẽ cung cấp hotline, số điện thoại tư vấn 24/7 để người tiêm được giải đáp thắc mắc và tư vấn kịp thời.
7. Làm thế nào để đặt lịch tiêm vắc xin cúm tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh?
Để đặt lịch tiêm vắc xin cúm tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh, bạn hãy liên hệ hotline 1800 8074 để được tư vấn và đặt lịch.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình