Hotline 24/7
08983-08983

Em ngủ bị chiêm bao suốt 7 năm, tỉnh dậy rất mệt mỏi

Câu hỏi

Mỗi lần tỉnh dậy là người thấy mệt mỏi, uể oải làm việc suy nghĩ không sâu, trí nhớ thì giảm sút nghiêm trọng.

Trả lời
Chào bác sĩ!
 
Năm nay em 29 tuổi là kỹ sư điện đang công tác tại 1 công ty TNHH ở Đà Nẵng, em nhờ bác sĩ tư vấn giúp em vấn đề sau:
 
Em ngủ bị chiêm bao “mộng mị” suốt 7 năm, không lúc nào có giấc ngủ ngon cả. Em rất dễ ngủ (lên giường là ngủ liền) nhưng khổ nỗi chỉ cần nhắm mắt ngủ là gặp giấc mơ, ngay cả lúc ngủ trưa, chỉ trong khoảng 15 phút cũng bắt gặp nó. Hầu như trong 1 tháng có đến 29 (thậm chí là 30) ngày là em ngủ thấy chiêm. Mỗi lần tỉnh dậy là người thấy mệt mỏi, uể oải làm việc suy nghĩ không sâu (cảm giác giống như đánh cờ tướng chỉ suy nghĩ được 3 bước là cái đầu nó lẩn quẩn liền). Trí nhớ giảm sút nghiêm trọng (hay quên).
 
Nội dung giấc mơ: Không phải ác mộng chỉ mơ thấy những việc bình thường trong cuộc sống, trong giấc mơ nhiều lúc có chính mình, bạn bè , người thân. Nhưng nội dung giấc mơ chưa từng xẩy ra trong cuộc sống hiện tại và tương lai (vì em mơ đến 7 năm rồi chẳng thấy cái nào xẩy ra ngoài đời). Mơ rất linh tinh không đâu vào đâu.
 
Thức giấc có lúc nhớ nội dung, có lúc chả nhớ nội dung giấc mơ nhưng nó rất đau đầu. Đến công ty làm việc không hiệu quả. Công việc của em làm ở văn phòng không có gì áp lực cả (nhẹ nhàng). Với công việc của 1 kĩ sư mà cái đầu của em như thế nầy thì em sợ không làm được gì.
 
Em đến khám bệnh viện tâm thần Đà Nẵng khám và BS tại đó cho thuốc sau về uống nhưng không khỏi. Mong bác sĩ tư vấn giúp em, nếu những điều BS tư vấn giúp em khỏi được em xin cảm ơn!
 
(Tr. Van Nguyen - Đà Nẵng)

Chào bạn,

 

Hầu hết tất cả chúng ta đều mơ trong giấc ngủ. Giấc ngủ được chia làm nhiều giai đoạn và tùy theo giai đoạn, giấc mơ có thể đơn giản hay phức tạp với hình ảnh và cảm xúc ấn tượng (đặc biệt trong giai đoạn giấc ngủ cử động mắt nhanh REM).

 

Có nhiều thuyết để giải thích giấc mơ: có thuyết cho rằng giấc mơ thể hiện những mong ước sâu kín trong tiềm thức của chúng ta đã không được thể hiện ra trong đời sống ý thức ban ngày; lý thuyết khác cho là giấc mơ xảy ra từ công việc sàng lọc các thông tin, các kích thích nhận được lúc thức của não (lưu trữ lại những thông tin có ý nghĩa và kèm cảm xúc, loại bỏ những thông tin vô nghĩa). Do vậy, giấc mơ thường bao gồm những chi tiết quen thuộc, những sự việc xảy ra trong ngày nhưng được lắp ráp, tổ hợp ngẫu nhiên và các tình tiết càng có ý nghĩa, càng tạo nhiều cảm xúc thì càng dễ nhớ lại khi thức giấc.

 

Từ đó cho thấy, giấc mơ có liên quan đến trạng thái cơ thể và các sự việc xảy ra trong ngày và là một yếu tố bình thường ngoại trừ khi nó gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ (ngủ ít, ngủ không sâu, hốt hoảng, giật mình, không mang lại hiệu quả phục hồi cơ thể, thức giấc trong tình trạng uể oải, mệt mỏi, kém tập trung chú ý, hay quên).

 

Tuy nhiên cần lưu ý, rối loạn giấc ngủ về mặt chất lượng có thể có nhiều nguyên nhân: từ các vấn đề thể chất (béo phì, bệnh hô hấp, tim mạch, bệnh tiểu đường,…) hay từ các bệnh tâm thần (lo âu, trầm cảm, stress liên tục, kéo dài…thường ít được nhận diện do các biểu hiện tinh tế, tiềm ẩn và đa dạng) hoặc do chế độ sinh hoạt không điều độ.

 

Do vậy, việc điều trị đòi hỏi phải đánh giá, thăm khám toàn diện để xác định được nguyên nhân và giải quyết nguyên nhân đó chứ không chỉ đơn thuần là sử dụng thuốc ngủ hay các thuốc an thần khác.

 

Qua thư cho thấy tình trạng giấc ngủ kém chất lượng đã gây ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của bạn (nhức đầu, mệt mỏi, uể oải, suy nghĩ không sâu, hay quên, làm việc không hiệu quả). Các thuốc bạn đã dùng có thể chưa phù hợp với nguyên nhân nên chưa hiệu quả. Vì vậy, bạn nên kiểm tra sức khỏe tổng quát và đến khám với các bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh để được chẩn đoán chính xác và có điều trị thích hợp.

 

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, một chế độ sinh hoạt phù hợp và việc vệ sinh giấc ngủ là vô cùng quan trọng.  

 

Chế độ sinh hoạt phù hợp yêu cầu có các hoạt động thể dục thể thao đều đặn và thường xuyên- ít nhất 30 phút/lần, và 3 lần/tuần- lưu ý không nên vận động trước khi ngủ mà nên tập luyện vào buổi chiều.

 

Không sử dụng các chất kích thích bao gồm trà, cà phê, rượu... Buổi tối chỉ nên ăn nhẹ, nên uống 1 ly sữa nóng trước khi ngủ. Không nên ngủ trưa quá dài.

 

Vệ sinh giấc ngủ bao gồm phòng ngủ đủ tối, thoáng mát, không ồn ào; đi ngủ và thức dậy đúng giờ, không xem tivi, đọc báo, sử dụng vi tính trên giường, ra khỏi giường nếu sau 30 phút vẫn không vào được giấc ngủ, tập thở sâu chậm lúc lên giường ngủ, nghe nhạc êm dịu, thư giãn toàn thân.

 

Bạn có thể viết xuống giấy những ghi chú công việc cho ngày mai để tránh phải tập trung lo lắng, suy nghĩ; làm việc có kế hoạch, tránh tình trạng quá tải, dồn ép nhiều việc cùng 1 lúc; dành đủ thời gian nghỉ ngơi và thư giãn…

 

Chúc bạn sớm cải thiện được tình trạng trên. Thân mến!


BS-CK2 Phạm Quỳnh Diệp

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X