Hotline 24/7
08983-08983

Dùng dược liệu trong y học cổ truyền, cần lưu ý gì?

Đến nay, nền y học cổ truyền trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng tồn tại đã hơn 1.000 năm và ngày càng chứng minh được vai trò trong việc chăm sóc sức khỏe, cũng như điều trị bệnh trong cộng đồng. Vậy sử dụng dược liệu tự nhiên cần lưu ý gì? BS Nguyễn Hữu Phúc Minh và BS Trịnh Đức Tài - Chuyên khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương sẽ giải đáp thắc mắc này.

1. Cơ sở hình thành dược liệu trong y học cổ truyền?

Theo BS, việc sử dụng dược liệu trong y học cổ truyền hiện nay dựa trên cơ sở nào?

BS Nguyễn Hữu Phúc Minh trả lời: Để làm rõ vấn đề này, chúng ta sẽ chia ra dược liệu thành 3 nhóm.

Nhóm thứ nhất là nhóm dược liệu đã được sử dụng lâu đời, quan sát được trên từng ca bệnh cụ thể, từ đó rút ra được liều dùng, những tác dụng phụ và độc tính của nó. Qua đó, người ta chỉ ra rằng, việc bào chế như thế nào, phối hợp với vị thuốc ra sao sẽ làm giảm đi độc tính và tác dụng phụ của dược liệu, đồng thời làm tăng tác dụng điều trị của vị thuốc đó.

Nhóm thứ 2 là những dược liệu được chứng minh qua những công trình nghiên cứu khoa học và đưa ra được liều lượng an toàn khi sử dụng để trị bệnh. Đối với 2 nhóm dược liệu này, phần lớn đã được ghi chép cụ thể trên các bộ dược điển của các nước và Việt Nam. Trên đó cũng đã quy định rõ liều lượng dùng, các thông số kỹ thuật và quy chuẩn bào chế của từng dược liệu.

Nhóm thứ 3 là những dược liệu được sử dụng trong dân gian tại một vùng miền nào đó. Đây cũng là một nguồn dược liệu rất quý cần phải được bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, nhóm dược liệu này rất dễ bị làm giả, đồng thời rất dễ bị thổi phồng về tác dụng điều trị bệnh. Do đó, khi sử dụng dược liệu ở nhóm này, người dân phải chắc chắn đã biết rõ về nhận dạng thuốc, cũng như liều dùng và cách điều chế nó.

2. Sử dụng thảo dược trong Y học cổ truyền mang lại ưu điểm gì?

Ưu điểm trong việc sử dụng thảo dược để điều trị trong y học cổ truyền và thực tế hiện nay chúng ta sử dụng y học cổ truyền trong điều trị như thế nào, thưa BS?

BS Trịnh Đức Tài trả lời: Thứ nhất, thuốc y học cổ truyền thường an toàn, ít tác dụng phụ. Thứ hai, sử dụng thuốc đông y sẽ giúp bệnh nhân điều trị một cách toàn diện, tức là được điều trị tận gốc, ít tái phát.

Điều trị an toàn ở đây là bởi thuốc đông y là những thảo dược có sẵn trong tự nhiên được bào chế theo phương pháp y học cổ truyền. Đối với điều trị toàn diện, ngoài loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, dược liệu còn giúp cân bằng âm dương, điều hoà khí huyết giúp cơ thể khoẻ mạnh, tránh tái phát bệnh.

Đối với những bệnh nhân bị bệnh mãn tính kéo dài, điều trị bằng thuốc y học cổ truyền là rất tốt bởi bệnh nhân có thể sử dụng thuốc y học cổ truyền lâu dài mà không tác dụng phụ nhiều, đồng thời nâng cao thể trạng của người bệnh.

Đối với bệnh nhân cấp tính sau khi điều trị bằng y học hiện đại, có thể sử dụng thêm y học cổ truyền để làm đẩy nhanh quá trình phục hồi bệnh và tránh tái phát bệnh tật.

3. Sự khác nhau giữa thuốc Nam và thuốc Bắc trong Đông y?

Hiện nay vẫn có nhiều người mơ hồ giữa khái niệm thuốc Bắc và thuốc Nam, vậy BS có thể cho biết 2 loại thuốc này có gì khác nhau ạ?

BS Nguyễn Hữu Phúc Minh trả lời: Để phân biệt sự khác nhau giữa thuốc bắc và thuốc nam, chúng ta dựa trên 2 đặc điểm: nguồn gốc xuất xứ và cách người thầy thuốc vận dụng trong điều trị bệnh.

Khi nói đến thuốc nam, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những vị dược liệu có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam. Còn khi nói đến thuốc bắc, những dược liệu đó có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta còn sử dụng những dược liệu từ nước khác ngoài Trung Quốc như: hồng sâm (Triều Tiên), táo đỏ (Hàn Quốc),… và một số dược liệu được di thực từ nước ngoài về được nuôi trồng tại Việt Nam.

Về thuốc bắc, việc điều trị sẽ nghiêng về biện chứng luận trị. Ví dụ, khi bệnh nhân bị một chứng bệnh về hàn (quá lạnh), lúc này phương pháp điều trị đó là ôn ấm lại. Theo đó, thuốc được lựa chọn sẽ là nhóm thuốc có tính chất nhiệt (nóng) để điều trị bệnh.

Về thuốc nam, việc điều trị sẽ nghiêng về đối chứng trị liệu. Ví dụ khi bị mất ngủ, chúng ta sẽ sử dụng vị thuốc như bình vôi, lá vông nem,… hoặc khi bị ngứa, chúng ta có thể sử dụng diệp hạ châu.

Như vậy, việc sử dụng thuốc nam hay bắc cũng đều có mục đích cuối cùng là cân bằng lại âm dương, ngũ hành trong cơ thể.

BS Nguyễn Hữu Phúc Minh - Chuyên khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

4. Cách phân loại thuốc Đông y theo từng nhóm?

Làm sao để phân loại thuốc theo từng nhóm, thưa BS?

BS Trịnh Đức Tài trả lời: Có nhiều cách để phân loại thuốc đông y như: theo tác dụng của nhóm thuốc, theo âm dương, tính vị, bát pháp, nguồn gốc địa lý.

Bát pháp bao gồm 8 phương pháp: hòa (thuốc giúp hòa giải sự tương thừa giữa các tạng phủ), hãn (thuốc gây ra mồ hôi), hạ (thuốc có tác dụng tẩy xổ nhuận tràng), thổ (thuốc gây nôn), ôn (thuốc ấm nóng chưa hàn cho cơ thể), thanh (thuốc có tác dụng thanh nhiệt lương huyết), tiêu (thuốc giúp tiêu khối u), bổ (thuốc có tác dụng bổ dưỡng).

5. Thành phần trong một toa thuốc Đông y cần có những gì?

Trong một toa thuốc, bác sĩ thường sử dụng những thành phần gì để chữa trị?

BS Nguyễn Hữu Phúc Minh trả lời: Thành phần của một toa thuốc tùy theo tình hình bệnh mà dùng những phương pháp và những vị thuốc tương ứng. Phần lớn thuốc có nguồn gốc từ thực vật, một số từ động vật và khoáng vật.

Tuy nhiên, cần lưu ý thuốc từ động vật bởi đây là những động vật sống ngoài tự nhiên, có thể mang trong mình những mầm bệnh. Vì vậy khi sử dụng những thuốc này, chúng ta nên tuân thủ việc bào chế hợp lý và bộ phận sử dụng.

Ngoài ra, thuốc từ khoáng vật (thạch cao hoặc thạch) phải đảm bảo 100% từ thiên nhiên và không phải nhân tạo.

6. Vì sao dược liệu phải trải qua bước bào chế?

Cây ở ngoài tự nhiên bao gồm những bộ phận như thân, hoa, lá, rễ và mỗi bộ phận sẽ có những thành phần và công dụng khác nhau. Được biết, có nhiều vị thuốc không thể dùng ngay được mà phải qua những bước sơ chế. Vậy bác sĩ có thể cho biết có những cách nào để bào chế và tại sao lại sử dụng phương pháp đó ạ?

BS Trịnh Đức Tài trả lời: Có rất nhiều cách bào chế dược liệu như: thuỷ chế (rửa sạch, ngâm, hoặc tẩm), hỏa chế (nung, lụi, xào), kết hợp giữa thuỷ chế và hỏa chế (nấu thuốc, thuỷ phi).

Ngoài ra, còn có một số cách bào chế phức tạp hơn như là tẩm với rượu, gừng, giấm hay sữa dê để làm thay đổi tác dụng của thuốc. Mỗi loại thuốc sẽ có một cách bào chế khác nhau vì có tính chất, mục đích điều trị khác nhau. Ví dụ như sinh địa khi dùng sống mang tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, lưu huyết. Nhưng khi bào chế, gọi là cửu chưng cửu sái, tức là nấu với rượu trong thời gian nhất định thì nó sẽ trở thành thục địa mang tính ôn ấm, có tác dụng bổ huyết. Một số vị thuốc muốn loại bỏ các tạp chất gây độc, ví dụ như chu sa thần sa thì phải thuỷ phi.

BS Trịnh Đức Tài - Chuyên khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

7. Vì sao dược liệu có tính độc vẫn được sử dụng làm thuốc?

Trong những loại thuốc mình sử dụng thì có những loại mang tính độc, vậy tại sao mình lại sử dụng những loại thuốc đó trong việc điều trị?

BS Nguyễn Hữu Phúc Minh trả lời: Một số vị thuốc tuy độc nhưng có cách sử dụng an toàn, đó là trải qua giai đoạn bào chế.

Trên thực tế, các bác sĩ vẫn sử dụng thuốc có độc để điều trị bởi khi sử dụng thuốc này, tác dụng điều trị và hiệu quả sẽ nhanh hơn so với những vị thuốc trong nhóm có cùng tác dụng. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc này, phải tuân thủ hết sức nghiêm ngặt về quy định trong bào chế và sử dụng thuốc.

8. Tự hái dược liệu để uống, nên hay không?

Việc người dân tự ý hái cây cỏ và sắc uống theo lời của người khác sẽ đem lại những công dụng hay những tác hại gì ạ?

BS Trịnh Đức Tài trả lời: Đa số thuốc y học cổ truyền đều có trong tự nhiên nên rất ít tác dụng phụ. Điều đó không đồng nghĩa với việc thuốc y học cổ truyền không có độc tính. Vì vậy, quan điểm cho rằng sử dụng thuốc từ cây cỏ hoa lá ở ngoài tự nhiên không nguy hiểm cho sức khỏe là quan niệm hoàn toàn sai lầm.

Thuốc đông y cũng là thuốc nên cũng có thể xảy ra những tai biến khi sử dụng thuốc không đúng cách, liều lượng và cách bào chế. Trên thực tế, có rất nhiều bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc, hàm lượng và gây tình trạng ngộ độc rất nặng. Chính vì thế, khi điều trị bằng thuốc đông y, không nên làm theo những mách bảo của người khác mà nên đến các cơ sở uy tín để được tư vấn sử dụng thuốc hợp lý.

9. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Đông y và Tây y kết hợp?

Thuốc ý học cổ truyền và thuốc tây có thể dùng cùng một lúc hay không? Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên khi sử dụng đồng thời thuốc đông y và tây y?

BS Nguyễn Hữu Phúc Minh trả lời: Thông thường chúng ta không nên uống chung thuốc đông y và tây y, tốt nhất nên cách nhau ít nhất là 2 tiếng để tránh những tương tác thuốc. Hiện nay có một số thuốc đông y thành phẩm nhìn qua có vẻ giống tây y, nếu bệnh nhân không hỏi kỹ bác sĩ điều trị thì dễ hiểu lầm là thuốc tây, dẫn đến uống chung với nhau.

Trích trong: Video tư vấn đề dùng dược liệu trong Đông y - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X