Hotline 24/7
08983-08983

Đồng Nai: 30 người tiếp xúc với hổ chết nghi nhiễm cúm A/H5N1

Ngày 2/10, lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin về nhiều con hổ ở Khu du lịch Vườn Xoài chết, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan để điều tra nguyên nhân. Đồng thời, theo dõi sức khỏe những người đã tiếp xúc với những con hổ này.

Theo đó, qua điều tra có tổng cộng 30 người đã tiếp xúc với những con hổ chết. Hiện nay, những người này có sức khỏe bình thường, chưa ghi nhận triệu chứng viêm đường hô hấp. 

Ngành y tế Đồng Nai đang phối hợp với những đơn vị liên quan triển khai các giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm sang người. Lực lượng thú y cũng đã lấy mẫu 2 cá thể hổ chết để làm xét nghiệm cúm A/H5N1.

Đồng thời, cơ quan chức năng xác định đối tượng tiếp xúc gần để theo dõi sức khỏe, bao gồm cả nhân viên trực tiếp chăm sóc thú và người có liên quan; thành lập đoàn giám sát và báo cáo cấp có thẩm quyền về tình hình nguy cơ dịch bệnh cúm A/H5N1 trên địa bàn.

Trong sáng nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cùng các đơn vị đã đi kiểm tra thực tế tại khu du lịch Vườn Xoài và tập trung điều tra làm rõ nguyên nhân khiến khoảng 20 con hổ tại đây chết.

Lực lượng chức năng khảo sát tại Khu du lịch Vườn Xoài, nơi xảy ra vụ hổ chết hàng loạt gần đây

Trước đó, Viện Pasteur TPHCM cũng thông báo tại vườn thú Mỹ Quỳnh (tỉnh Long An) có 3 người tiếp xúc trực tiếp với hổ.

Chi cục thú y vùng VI ghi nhận 30 con hổ và sư tử chết có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H5N1 tại vườn thú Mỹ Quỳnh, trong đó có 3 con hổ mới được nhập về.

Lực lượng chức năng TP Biên Hòa đã kiểm tra lâm sàng với 2 cá thể hổ chết, bước đầu chẩn đoán nghi do viêm phổi.

H5N1 là một loại virus cúm A có khả năng gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia cầm, chính vì thế mà H5N1 còn có tên là cúm gia cầm. Cúm A/H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người. 

Khi bị nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 60%. Virus H5N1 có thể lây nhiễm và phát bệnh ở người khi chúng ta có tiếp xúc với gia cầm mang bệnh mà không có biện pháp bảo vệ. 

Một số việc làm có thể khiến con người bị nhiễm bệnh như: tiếp xúc, đụng chạm vào gia cầm bị bệnh; chạm hoặc hít phải các chất tiết gia cầm bị bệnh; tiếp xúc (giết mổ, chế biến với nguồn thịt bị nhiễm bệnh); ăn thịt gia cầm hoặc trứng không nấu chín.

Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X