Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị són tiểu sau sinh: dùng thuốc, tập cơ sàn chậu, laser, phẫu thuật

Tại sao có tình trạng són tiểu sau sinh? Són tiểu bao lâu thì nên đi khám? Phương pháp điều trị són tiểu sau sinh gồm những gì?... Tất cả các thắc mắc của chị em sẽ được ThS.BS Dương Đăng Hiếu - Khoa Niệu nữ - Niệu chức năng, Bệnh viện Bình Dân giải đáp.

1. Nguyên nhân nào gây són tiểu sau sinh?

Thưa bác sĩ, AloBacsi nhận được khá nhiều câu hỏi từ phía bạn xem chương trình thắc mắc về tiểu són, tiểu không kiểm soát sau sinh. Trong đó người bệnh thắc mắc là họ nghĩ rằng sinh thường mới dễ bị són tiểu sau sinh, vì sao sinh mổ cũng bị?

ThS.BS Dương Đăng Hiếu trả lời: Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng són tiểu. Cơ chế gây són tiểu thường gặp nhất là nhóm cơ sàn chậu nâng đỡ niệu bị yếu, dẫn đến niệu đạo dễ bị di động khi có áp lực thay đổi đột ngột như ho, rặn mạnh, vận động mạnh… gây ra són tiểu.

Những nguyên nhân làm cơ sàn chậu bị yếu bao gồm: sinh đẻ nhiều lần, mang thai con to, đa thai, có vận động thể dục thể thao mạnh, lớn tuổi là yếu tố làm lão hóa cơ sàn chậu, phụ nữ ở độ tuổi sau mãn kinh, hoặc các phẫu thuật có liên quan đến vùng chậu. Dù bệnh nhân sinh mổ nhưng nếu có các nguyên nhân như trên đều có thể gây ra tình trạng són tiểu sau sinh.

Bệnh nhân sinh mổ nhưng nếu có các nguyên nhân làm cơ sàn chậu bị yếu có thể gây ra tình trạng són tiểu sau sinh

2. Phụ nữ lớn tuổi mang thai bị tiểu són tiểu sau sinh nhiều hơn

Cũng có người bệnh thắc mắc rằng, phải chăng do ngày nay, độ tuổi sinh đẻ thường lớn hơn ngày xưa nên số người bị són tiểu sau sinh cũng nhiều hơn? Xin bác sĩ cho biết ý kiến về cách hiểu này?

ThS.BS Dương Đăng Hiếu trả lời: Có nhiều nhận định cho tình trạng són tiểu sau sinh đối với phụ nữ lớn tuổi mang thai. Khi phụ nữ lớn tuổi, cơ vùng sàn chậu bị lão hóa, việc mang thai tạo ra sức nặng lên vùng sàn chậu khiến cơ sàn chậu yếu hơn, tình trạng són tiểu sau sinh ở nhóm bệnh nhân này thường gặp nhiều hơn so với phụ nữ trẻ tuổi.

Tuy nhiên, với quan niệm hiện nay, số lượng bệnh nhân đến khám về tình trạng són tiểu nhiều hơn. Có thể một phần do công tác truyền thông tốt, đặc biệt như chương trình trên AloBacsi đã phổ cập các kiến thức về són tiểu cho chị em phụ nữ để biết và đến khám tại các cơ sở y tế uy tín.

3. Nên đi khám nếu tình trạng tiểu són sau sinh kéo dài trên 6 tuần

Cụ thể là có một khán giả chia sẻ rằng chị sinh con đầu lòng năm 39 tuổi. Sau sinh thì chị bị són tiểu. Gần đây nếu chị cười lớn hay hắt hơi thì nhiều khi phải đi thay đồ. Chị rất khổ sở vì tình trạng này và muốn hỏi là có cách nào để điều trị không và khoảng bao lâu sau sinh con thì nên bắt đầu điều trị?

ThS.BS Dương Đăng Hiếu trả lời: 39 tuổi thuộc nhóm phụ nữ lớn tuổi mang thai, vì vậy nhóm cơ sàn chậu của bệnh nhân yếu đi rất nhiều. Nếu người bệnh ho, hắt hơi gây són tiểu nhiều làm bệnh nhân phải thay quần áo, khi đó cần đến khám tại cơ sở y tế gần nhất hoặc có đầy đủ dụng cụ, biện pháp điều trị hỗ trợ.

Phần lớn phụ nữ sau sinh trẻ tuổi sẽ có tình trạng són tiểu sau sinh nhưng chỉ trong vài tuần. Tuy nhiên nếu sau 6 tuần triệu chứng không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn thì bệnh nhân nên đi khám tại trung tâm y tế có đơn vị niệu nữ để nhận được sự hỗ trợ và điều trị tốt.

4. Điều trị són tiểu sau sinh có những phương pháp nào?

Hiện nay đã có những phương pháp điều trị tiểu són sau sinh nào cho chị em, thưa BS?

ThS.BS Dương Đăng Hiếu trả lời: Són tiểu sau sinh nói chung và són tiểu khi gắng sức, đặc biệt vấn đề són tiểu mà phụ nữ thường gặp do nhóm cơ bị yếu, do đó dẫn đến tiểu không kiểm soát khi gắng sức.

Tùy vào mức độ sẽ có phương pháp điều trị khác nhau bao gồm: thay đổi sống; tập thể dục; sử dụng thuốc; có các bài tập chuyên biệt dành cho cơ sàn chậu; làm laser sàn chậu cũng giúp hỗ trợ, nâng đỡ cơ sàn chậu; bên cạnh đó còn có phương pháp phẫu thuật để hỗ trợ thêm vùng sàn chậu bị yếu.  

ThS.BS Dương Đăng Hiếu - Khoa Niệu nữ - Niệu chức năng, Bệnh viện Bình Dân

5. Phương pháp phẫu thuật trong điều trị tiểu són có tỷ lệ thành công đến 95%

Như vậy, phẫu thuật có thể giúp ích gì cho người bị són tiểu?

ThS.BS Dương Đăng Hiếu trả lời: Do cơ sàn chậu yếu làm cơ niệu đạo di động nhiều, vì vậy hiện tại các bác sĩ thường phẫu thuật dùng lưới để nâng đỡ cơ sàn chậu, giúp niệu đại ít hoặc không bị di động khi có thay đổi áp lực đột ngột. Có nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh hiệu quả của phương pháp phẫu thuật có tỷ lệ thành công đạt hơn 95%.

Tuy nhiên cần nhấn mạnh, phương pháp phẫu thuật có một số nguy cơ tiềm tàng về tai biến, biến chứng của phẫu thuật.

6. Tiếu són không điều trị sẽ gây ra vấn đề gì?

Một số chị em bị són tiểu cho rằng bệnh này chỉ gây khó chịu trong sinh hoạt chứ không gây nguy hiểm gì. Theo bác sĩ, nếu không điều trị thì són tiểu, tiểu không kiểm soát thì người bệnh có nguy cơ gặp phải những biến chứng gì?

ThS.BS Dương Đăng Hiếu trả lời: Tình trạng són tiểu sau sinh và són tiểu không kiểm soát nói chung khiến chị em phụ nữ khó khăn trong sinh hoạt tùy vào mức độ nặng nhẹ của són tiểu.

Tuy nhiên nếu chị em không quan tâm đến căn bệnh này có thể dẫn đến một số biến chứng như nhiễm trùng da ở vùng bẹn do luôn có nước tiểu ẩm ướt vùng chậu; có thể bị nổi mề đay; nhiễm trùng tiểu kéo dài; ngại giao tiếp và thường bị cô lập xã hội, điều này có thể dẫn đến rối loạn lo âu, thậm chí là trầm cảm.   

7. Nguyên nhân nào gây són tiểu ở phụ nữ không sinh đẻ?

Có phụ nữ không sinh con mà vẫn bị tiểu không kiểm soát. Có phải do thiếu các hoạt động tình dục, dẫn đến các cơ sàn chậu không được luyện tập thường xuyên gây ra?

ThS.BS Dương Đăng Hiếu trả lời: Một số nguyên nhân gây ra tình trạng són tiểu đối với phụ nữ không sinh đẻ như: lão hóa, từng phẫu thuật vùng chậu, có bệnh lý mạn tính gây ho kéo dài làm cơ vùng chậu chịu sức nặng khiến cơ bị yếu đi…

Còn són tiểu liên quan đến vấn đề tình dục đã được nghiên cứu cho rằng, khi quan hệ tình dục đều đặn sẽ làm tăng lưu thông lượng máu đến âm đạo và sàn chậu. Một số cơ vùng sàn chậu sẽ co thắt nhiều hơn, cơ được co bóp tốt hơn.

Thực tế có những bài tập tập trung vào nhóm cơ sàn chậu giúp nhóm cơ này khỏe hơn mà không cần quan hệ tình dục. Vì vậy đối với bệnh nhân không quan hệ có thể áp dụng các bài tập này để hỗ trợ nhiều hơn. 

8. Các bài tập phục hồi cơ sàn chậu trên mạng có thật sự hiệu quả?

Hiện nay có nhiều các bài tập được cho là có thể ngăn ngừa tình trạng són tiểu. Các bài tập này có hiệu quả không? Và có khác với các bài tập sau khi đã bị tiểu không kiểm soát không ạ?

ThS.BS Dương Đăng Hiếu trả lời: Hiện nay trên các phương tiện truyền thông có nhiều bài tập giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng són tiểu, đặc biệt là són tiểu sau sinh. Thậm chí có những bệnh nhân tham gia các lớp học như Yoga vẫn có bài tập về sàn chậu.

Tuy nhiên phần lớn bệnh nhân không có nhân viên y tế chuyên sâu, đặc biệt là nhân viên y tế biết về niệu nữ, có kiến thức về niệu nữ để hướng dẫn đúng nhóm cơ cần tập. Bệnh nhân thường tập theo các bài tập hướng dẫn trên mạng, không tập trung đúng vào nhóm cơ sàn chậu mà thường tập trung vào cơ đùi và cơ mông.

Như vậy, nếu bệnh nhân có các triệu chứng són tiểu hoặc són tiểu sau sinh nên đến khám các cơ sở y tế uy tín, có các chuyên viên, nhân viên y tế, bác sĩ về niệu nữ, khi tập luyện nhân viên y tế sẽ định hướng đúng nhóm cơ chị em cần tập, từ đó triệu chứng mới có thể cải thiện tốt hơn.

9. Nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín để thăm khám và hướng dẫn tập luyện điều trị tiểu són

Làm thế nào để người bệnh biết là mình tập luyện đúng? Và bác sĩ sẽ đánh giá hiệu quả của việc luyện tập cơ vùng sàn chậu như thế nào?

ThS.BS Dương Đăng Hiếu trả lời: Khi bệnh nhân tới khám tại Bệnh viện Bình Dân, phần lớn chị em sẽ được tập ít nhất 1-2 lần tại bệnh viện để biết được nhóm cơ tập chính xác. Khi bệnh nhân được tập luyện đúng thì các triệu chứng thuyên giảm sau 2-3 tháng, với điều kiện tập đều mỗi ngày.

Để tập luyện đúng cách bệnh nhân phải đến các cơ sở y tế uy tín. Tại Bệnh viện Bình Dân sẽ có đầu dò đặt trong âm đạo để nhận biết người bệnh đang tập đúng hay sai, xác định sự co thắt của bệnh nhân thực hiện đúng cách, và đầu dò có thể cảm nhận sức cơ của bệnh nhân đủ mạnh, từ đó hướng bệnh nhân tập luyện nhiều hơn.

Ví dụ như sức cơ của bệnh nhân quá yếu có thể khuyến khích người bệnh tập ở nhà nhiều hơn như 10 lần/ngày; còn sức cơ đủ khỏe có thể dặn bệnh nhân tập tại nhà 3-5 lần/ngày.

ThS.BS Dương Đăng Hiếu cho biết, Bệnh viện Bình Dân có đầy đủ phương tiện, dụng cụ, vật liệu để chẩn đoán chính xác mức độ bệnh của bệnh nhân

10. Bệnh viện Bình Dân có đầy đủ phương pháp điều trị tiểu són từ nhẹ đến nặng

Tại Bệnh viện Bình Dân hiện đang có những phương pháp nào giúp kiểm soát tình trạng tiểu són sau sinh? Có dịch vụ nào được BHYT chi trả không, thưa bác sĩ?

ThS.BS Dương Đăng Hiếu trả lời: Tại Bệnh viện Bình Dân có khoa Niệu nữ - Niệu chức năng, là nơi có đầy đủ phương tiện, dụng cụ, vật liệu để chẩn đoán chính xác mức độ bệnh của bệnh nhân. Cụ thể, điều trị từ mức độ nhẹ đến nặng, ví dụ như điều trị són tiểu bằng cách thay đổi lối sống, sử dụng thuốc, tập sàn chậu, laser sàn chậu.

Đối với bệnh nhân tình trạng són tiểu kéo dài có thể dùng phương pháp phẫu thuật như dùng lưới nhân tạo hoặc mô tự thân của bệnh nhân sẽ mang lại hiệu quả rất tốt.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X