Trưởng Đơn vị Hình ảnh tim mạch, Bệnh viện đại học Y dược TPHCM - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
Tim bẩm sinh còn ống động mạch, vì sao trẻ khóc không ra tiếng?
Câu hỏi
Kính thưa BS Khôi, Con tôi 8 tháng tuổi, phát hiện tim bẩm sinh khi 3 tháng tuổi với kết luận: còn ống động mạch. Cháu đã được mổ tim cách đây 1 tháng. Sau mổ xong, bác sĩ nói cháu vẫn còn ống động mạch. Cháu bị mất tiếng, khóc không ra tiếng nữa. Sau môt 1 tuần, cháu lại bị viêm phổi nằm viện từ đó đến nay là 1 tháng, cháu khóc vẫn không ra tiếng. Bác sĩ cho tôi hỏi tại sao như vậy. Rất mong được BS quan tâm giải đáp. Trân trọng cám ơn. (Bạn đọc Hong Nguyen - nguyenhong…@gmail.com)
Trả lời
Chào bạn Hong Nguyen,
Ống động mạch là một cấu trúc nối giữa động mạch phổi và động mạch chủ. Đây là cấu trúc bình thường bắt buộc phải có trong giai đoạn bào thai. Tuy nhiên sau sinh ống này sẽ nhanh chóng bị đóng lại và tạo thành di tích là một dây chằng. Trong một số trường hợp vì nhiều lý do khác nhau ống này không đóng lại và được gọi là dị tật tim bẩm sinh còn ống động mạch. Vì ống động mạch nối giữa động mạch chủ là nơi có áp lực rất cao và động mạch phổi là nơi có áp lực thấp nên máu sẽ đi từ động mạch chủ vào động mạch phổi làm tăng lưu lượng máu và áp lực trong động mạch phổi.
Với những ống động mạch lớn thì lượng máu phù trợ này cũng rất cao gây quá tải cho động mạch phổi làm ứ máu phổi, ảnh hưởng đến hô hấp bình thường của bé, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hô hấp và làm dãn các buồng tim bên trái, về lâu về dài các ống động mạch lớn có thể gây nên tăng áp phổi. Thậm chí tăng áp phổi rất nặng, không thể điều trị được trong giai đoạn muộn. Chính vì vậy, cần phải đóng ống động mạch bằng phẫu thuật như trước đây hoặc can thiệp qua da đóng bằng dụng cụ. Kỹ thuật này cũng được sử dụng rất rộng rãi và nhanh chống, nguy cơ thấp và tỷ lệ thành công cao.
Bạn cho biết là cháu được mổ nhưng tôi không rõ là cháu được mổ thực sự (phẫu thuật) hay can thiệp qua da.
Trong một số trường hợp với ống động mạch lớn hình thái bất thường thì việc can thiệp đóng có khó khăn hơn và có một tỷ lệ nhỏ ống động mạch không được bít hoàn toàn gọi là ống động mạch tồn lưu. Một số trường hợp thì ống động mạch tồn lưu này có thể tự đóng trong vòng 6 tháng khi nội mạc của ống động mạch che phủ hoàn toàn lên dụng cụ và dụng cụ được bít bởi cục máu đông bên trong lòng. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp ống động mạch tồn lưu này sẽ tồn tại lâu dài.
Vì không xem được hồ sơ của cháu cho nên tôi không thể trả lời cụ thể mức độ và tính chất nguy hiểm của ống động mạch tồn lưu. Tôi cũng không rõ là trong quá trình thủ thuật hoặc sau đó cháu có được đặt nội khí quản hay không vì một số trường hợp được đặt nội khí quản giúp thở, đặc biệt là đặt nội khí quản lâu ngày và/ hoặc đặt đi đặt lại nhiều lần thì đường thở của cháu có thể bị viêm, phù nề, thậm chí là bị tổn thương dây thanh âm, gây nên tình trạng khàn tiếng, mất tiếng. Vì bạn không mô tả rõ tình trạng của bé nên tôi không trả lời được lý do vì sao.
Tuy nhiên, nếu cháu bị viêm phổi và nằm viện liên tục trong 1 tháng thì đây không phải là bệnh đơn giản vì môi trường của bệnh viện thường có những vi khuẩn có sức đề kháng với nhiều loại kháng sinh khác nhau. Tôi khuyên bạn hãy trực tiếp gặp BS điều trị để trao đổi cho một cách rõ ràng hơn.
Thân mến!
Trích trong: PGS.TS.BS Lê Minh Khôi tư vấn trực tuyến về Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh
Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp. Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng: › Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn › Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh Online và Hỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn › Để nói chuyện trực tiếp với bác sĩ, hàng ngày, từ 17 -19g, Hotline: 08983 08983 |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình