Hotline 24/7
08983-08983

Thoái hóa khớp gối, điều trị như thế nào?

Câu hỏi

Tôi (45 tuổi) bị tiểu đường, kèm đau dạ dày. Gần đây, bị đau hai khớp gối. Đi lên xuống cầu thang hoặc chống chân khi đi xe gắn máy là bị đau ngay khớp gối. Gấp đầu gối lại nghe như có tiếng lục cục bên trong. Bóp vào 2 đầu gối thấy đau. Vậy xin hỏi bác sĩ tôi bệnh gì và nên uống thuốc gì? Có cần kiêng cữ các hoạt động mạnh không?,

Trả lời
Chào bạn,
Như bạn mô tả, chúng tôi nghĩ bạn bị thoái hóa khớp gối. Xin giải thích một chút về bệnh thoái hóa khớp gối như sau:

Ảnh minh họa - nguồn internet
Ảnh minh họa - nguồn internet

Thoái hóa khớp gối
là biểu hiện của thương tổn trên bề mặt sụn khớp, do tác động của nhiều nguyên nhân làm cho bề mặt sụn khớp bị hư.

Theo thời gian, thương tổn “ăn” dần từ bề mặt của sụn rồi khuyết dưới mặt sụn, gây thương tổn tổ chức dưới sụn và phá hủy đến mô xương. Đến giai đoạn ăn vào mô dưới sụn sẽ tạo nên tình trạng khuyết xương, mà trên hình ảnh X-quang thường được gọi là nôm na là "gai xương".

Khi mới khởi phát bệnh khớp gối chưa hư, chưa thương tổn nhiều, thường bệnh nhân chỉ có cảm giác đau thoáng qua, đau mơ hồ, đau khi đi lại hoặc sáng ngủ dậy thấy đau. Có khi triệu chứng đau tự hết khiến người bệnh không để ý. Qua giai đoạn hai thương tổn nặng hơn, dịch khớp khô nhiều hơn, người bệnh có dấu hiệu khó khăn khi lên cầu thang, khi đi bộ đau nhiều hơn, đau liên tục, không tự thuyên giảm, phải sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau.

Đến giai đoạn thương tổn mô dưới sụn, hẹp khe khớp (do dịch khớp bên trong đã hao mòn quá nhiều) thì sự cọ xát của các đầu gối khi chịu lực bắt đầu gây đau, đầu gối có thể sưng một phần hoặc toàn khớp gối.

Lúc này bệnh nhân đau liên tục, rất khó chịu, đêm nằm cũng nhức, đi lại cũng nhức, lên cầu thang không nổi do tình trạng khô khớp gối. Bệnh nhân đứng lên ngồi xuống rất khó khăn, nghe tiếng kêu cọt kẹt, rột roạt trong khớp. Lâu ngày trục chi bị biến dạng rất nặng, bệnh nhân đi lại rất khó khăn...

Đối với 1 ca thoái hóa khớp có kèm bệnh tiểu đường, đau dạ dày, tốt nhất bạn nên đi khám trực tiếp bác sĩ chuyên khoa.

Với trường hợp của bạn, nếu đúng như bạn mô tả, thường bác sĩ sẽ điều trị theo hướng như sau:

- 1 tuần đầu:
+ Uống thuốc kháng viêm (vì bạn mô tả, bóp đầu gối thấy đau, chứng tỏ bạn đang bị viêm, cần uống kháng viêm)
+ Uống thuốc giảm đau (Paracetamol, uống khi đau nhiều)
Vì uống thuốc kháng viêm nên bạn nhớ uống thêm thuốc dạ dày: Omeprazol 20mg (uống khi đói, hoặc tối trước ngủ 1v).

- Khi giảm đau, tuần kế tiếp 1 ngày uống, 1 ngày nghỉ. Vì bạn bị tiểu đường không nên uống kháng viêm nhiều bạn nhé.
- Để bồi dưỡng cho sụn, bạn cần uống dài, từ 3-6 tháng - gói Glucosamine tinh thể. (Ví dụ như gói: Viartril-S 1500mg, sau ăn trưa 1 gói).

- Trường hợp uống kháng viêm và giảm đau không hết thì bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để được tiêm trực tiếp chất nhờn vào khớp gối.

- Hạn chế đi lại, nhất là không đi cầu thang, không ngồi xổm.

Tập thể dục là quan trọng nhất trong điều trị thoái hóa khớp gối. Nhưng không tập khi đang bị đau. Tập các bài tập phù hợp, chuyên dành cho bệnh thoái hóa khớp gối hoặc bơi lội.

Ví dụ như ngồi trên ghế, duỗi thẳng chân đến trước, rồi từ từ co lại. Tập như trên sẽ giúp cho cơ phía đầu đùi mạnh để cơ chắc, giúp giữ cho khớp gối tốt hơn.

Một sai lầm mà người thừa cân hay mắc phải là họ cứ đi bộ nhiều để giảm béo nhưng việc đi bộ quá nhiều sẽ làm khớp gối bị quá tải nhiều hơn, hư nhanh hơn.

Thân mến chào bạn,


AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X