Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Mất ngủ, nói chuyện một mình, suy nghĩ tiêu cực, BS giúp em với?
Câu hỏi
Chào BS, Em rất hay nói chuyện một mình, vì em nghĩ không ai hiểu em cả. Em nói chuyện một mình mọi lúc mọi nơi. Em tâm sự một mình, như thể mà có người nghe em tâm sự vậy. Điều đó làm em thoải mái. Nhưng em vẫn luôn thấy kì lạ vì điều đó. Tâm trạng em khá nhạy cảm, chỉ cần một tác động nhẹ, lập tức em sẽ nghĩ về chiều hướng tiêu cực. Em luôn trong tâm thế đưa bản thân mình vào buồn bã, chán nản, bế tắc, luôn thấy bản thân rất tệ. Cuộc sống trong mắt em như một màu đen, lúc nào em cũng thấy như vậy. Em bị mất ngủ, dù có buồn ngủ rất nhiều nhưng không thể nào ngủ được thì lúc đó em lại tự nói chuyện một mình. Em không biết phải cải thiện từ đâu, BS ơi?
Trả lời
Hành vi tự đối thoại một mình có thể gặp ở người bình thường, với nhiều mục đích khác nhau, như để giải tỏa căng thẳng, ức chế, bực dọc, buồn vui; để phân tích một vấn đề gì đó, độc thoại với nội tâm... cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý tâm thần, như tâm thần phân liệt chẳng hạn.
Vấn đề nói chuyện 1 mình của em, tôi ít nghĩ là dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt, bởi vì em vẫn còn nhận thức rõ là em “tâm sự một mình, vì em nghĩ không ai hiểu em cả”. Tuy nhiên, cũng không phải là hoàn toàn bình thường, vì cái gốc ở vấn đề là em luôn “buồn bã, chán nản, bế tắc, luôn thấy bản thân rất tệ”, “Cuộc sống trong mắt em như một màu đen, lúc nào em cũng thấy như vậy. Em bị mất ngủ, dù có buồn ngủ rất nhiều nhưng không thể nào ngủ được”; đó là dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Bởi vì nếu chỉ đơn thuần là những bức bách trong cuộc sống thì em sẽ có thể tự điều tiết bản thân mình cho phù hợp hơn và có thể cố gắng suy nghĩ tích cực hơn, ngược lại, em “chỉ cần một tác động nhẹ, lập tức em sẽ nghĩ về chiều hướng tiêu cực”.
Người có bệnh trầm cảm sẽ không thể giải quyết các vấn đề khó khăn về mặt tình cảm trong cuộc sống. Nếu không nhận biết sớm thì bệnh sẽ càng nặng, càng khó trị và xấu nhất là dẫn đến việc tự tử vì những lý do vốn dĩ không đáng.
Vì thế, tôi khuyên em nên đến khám BS chuyên khoa Tâm thần. Em đừng vội hiểu lầm ý tôi nói em bị “tâm thần” như theo cách hiểu của đa phần người dân về ngành học Tâm thần, theo phân ngành y khoa, BS Tâm thần là người chuyên trị các rối loạn thuộc về tinh thần, trong đó thường gặp là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ...
Song song đó, em nên sắp xếp thời khóa biểu làm việc và nghỉ ngơi hợp lý hơn, có thể nghe nhạc giao hưởng để giải stress, hạn chế cafe bia rượu, không hút thuốc lá, tập thể dục để giải tỏa năng lượng xấu, có lịch nghỉ phép du lịch ngắn hạn, đi chùa, ngồi thiền, yoga... chọn cái nào phù hợp với bản thân em nhất và áp dụng, kiên trì.
Chỉ có thuốc điều trị kèm tư vấn tâm lý, thay đổi lối sống mới giúp người bệnh vượt qua khó khăn, ổn định lại cuộc sống, em nhé.
Thân mến.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình