Bác sĩ khoa Tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Từ Dũ
Em bị chàm môi, tróc vẩy liên tục, phải làm thế nào?
Câu hỏi
Chào bác sĩ, Em bị bệnh chàm môi do khi đi nha sĩ bị dị ứng đã hơn nửa năm nay mà vẫn chưa khỏi. Em đã đi khám ở BV rồi mà vẫn không thấy hết hẳn. Giờ môi thấy rất đau, rát, tróc vẩy hết lớp này đến lớp khác, hơi sưng ngứa ở viền môi trên. BS có cách gì giúp em với ạ. Giờ em đang thoa mật ong để môi bớt khô và thuốc Orrepaste theo chỉ định của BS mà thoa hơn 1 tháng rồi có hại gì không ạ. Hình như Fucicort chống chỉ định cho viêm quanh miệng nên em không sử dụng nữa. Em nên thoa thuốc gì, có cách nào để hết bệnh ạ? (Kim Ngân, 20 tuổi – TPHCM)
Trả lời
Kim Ngân thân mến,
Có rất nhiều dạng của chàm môi, trường hợp của bạn là dạng chàm môi tróc vẩy, đây là một bệnh viêm mạn tính của vùng niêm mạc đỏ của môi với đặc điểm bong da và tróc vẩy liên tục ở một hoặc cả 2 môi, để lại những vết hồng ban trên môi, kèm tăng cảm giác đau và nóng rát,… Bệnh thường gặp ở phụ nữ trẻ hay lo lắng, căng thẳng thần kinh và có thể phối hợp với cơ địa chàm hoặc bệnh lý dị ứng.
Nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được xác định rõ, nhưng có thể nặng hơn khi thời tiết thay đổi (quá lạnh hoặc quá nóng) hoặc khi tiếp xúc với chất gây dị ứng: thức ăn, sản phẩm vệ sinh (kem đánh răng, nước súc miệng, bàn chải)…, mỹ phẩm (son dưỡng môi), chất latex (cao su trong găng tay)...
Vì lý do rất dễ tái phát và có thể tồn tại dai dẳng trong nhiều tháng, năm, nên bệnh dễ tạo ra các mặt cảm tâm lý ở người mắc bệnh, làm cho họ luôn có cảm giác lo lắng sợ hãi, ngại tiếp xúc mà từ đó tạo nên một vòng lẩn quẩn của bệnh, càng stress thì bệnh càng nặng.
Các biện pháp điều trị chỉ nhằm mục đích hỗ trợ, điều trị triệu chứng trong đó các thuốc thoa có chứa corticoide được xem là hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Thuốc thoa Orrepaste có thành phần Triamcinolone acetonide là một dạng corticoide tổng hợp, hay Fucicort cũng là một thuốc thoa chứa corticoide Betamethasone có phối hợp với chất kháng khuẩn Acide fusidique, thời gian thoa các thuốc này trung bình 4-6 tuần, nhưng cũng có thể kéo dài hơn tùy theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Vì bệnh không rõ nguyên nhân, nên việc hạn chế tiếp xúc với các sản phẩm, cũng như hóa chất là cần thiết, việc thoa mật ong hàng ngày có thể làm bệnh dai dẳng ở những người dị ứng với các thành phần có trong mật ong.
Bên cạnh đó với các hướng dẫn sau, có thể giúp làm giảm các triệu chứng đau rát của bệnh:
- Ngoài thuốc thoa do bác
sĩ chỉ định, nên sử dụng thêm thuốc thoa vaseline, thoa môi nhiều lần trong
ngày, dù ngoài trời nóng hay trong phòng lạnh.
- Từ bỏ các thói quen như: ngậm bút, liếm môi, hút thuốc (nếu có).
- Giảm stress
- Tránh ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh cũng như thức ăn chứa nhiều gia vị (tiêu, ớt, chanh,…)
- Uống đủ nước
- Tái khám khi hết thuốc hoặc bệnh trở nặng hơn.
Thân mến,
AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa. AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình