Cháu chán ăn, sút cân và nôn ra máu, cháu bị sao vậy ạ?
Câu hỏi
Thưa bác sĩ, Cháu 24 tuổi (nữ), mấy tháng nay cháu rất hay có cảm giác buồn nôn, gần đây cháu thấy trong người mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, thỉnh thoảng có đau quặn ở ổ bụng. 2 ngày trước có nôn ra máu tươi 2 lần, hôm nay cháu lại nôn ra máu nữa, cháu rất lo lắng. Cháu có tiền sử bệnh viêm gan B. Xin bác sĩ tư vấn giúp cháu bị bệnh gì? (Ngọc Ánh - Gia Nghĩa, Đăk Nông)
Trả lời
Ngọc Ánh thân mến,
Với triệu chứng nôn ra máu cháu cần phân biệt với trường hợp :
- Ho ra máu: máu ra ngay sau khi ho, máu đỏ tươi có lẫn bọt, liên quan đến bệnh lý của phổi thường gặp nhất là lao phổi, viêm phổi, sán lá phổi, nấm phổi, cúm, xoắn khuẩn gây chảy máu vàng da, giãn phế quản, ung thư phổi, áp xe phổi.
Cháu cũng nên xem xét thêm tính chất phân: có màu đen và mùi thối khẳm không? Vì triệu chứng này giúp gợi ý chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.
Nôn ra máu tươi là hiện tượng chủ yếu của chảy máu đường tiêu hoá trên - tình trạng rất hay gặp trong các bệnh về tiêu hoá, do rất nhiều nguyên nhân gây nên.
Các nguyên nhân gây nôn ra máu thường gặp :
- Bệnh lý loét dạ dày tá tràng chiếm tỷ lệ 50%
- Viêm dạ dày - bệnh lý dạ dày (tổn thương niêm mạc do thuốc NSAIDs, Helicobacter pylory, rượu, stress. ..) chiếm tỷ lệ 23%
- Giãn tĩnh mạch thực quản chiếm tỷ lệ 10%
- Hội chứng Mallory - Weiss chiếm tỷ lệ 7%
- Chảy máu đường hầu họng và chảy máu cam do bệnh nhân nuốt
- Viêm xước thực quản (viêm thực quản trào ngược, bệnh Barret, nhiễm nấm Candida, nhiễm siêu vi CMV)
- Bệnh lý u ác tính ở thực quản hoặc dạ dày.
- Bất thường mạch máu: dị dạng động - tĩnh mạch, dò động mạch chủ vào ruột, bệnh viêm mạch máu..
- Các nguyên nhân khác: loét do thoát vị cơ hoành; rối loạn đông máu; bệnh nhiễm tinh bột Amyloide; bệnh tạo keo; chảy máu đường mật; polyp tá tràng
Tùy theo số lượng máu và thời gian chảy máu mà ảnh hưởng đến thể trạng người bệnh có khác nhau: tình trạng mất máu cấp tính hay kéo dài. Ta chia làm 3 loại.
Chảy máu nhẹ: Máu chảy ra ít, khoảng vài chục đến vài trăm ml. Người bệnh chỉ thấy hơi mệt mỏi, không có thay đổi rõ rệt về tổng trạng, mạch, huyết áp. Xét nghiệm máu: hồng cầu, lượng huyết sắc tố, thể tích hồng cầu không thay đổi.
Chảy máu trung bình và nặng có biểu hiện tình trạng thiếu máu: da, niêm mạc hơi nhạt, chóng mặt, hoa mắt và tình trạng truỵ tim mạch: vã mồ hôi, lạnh chân tay, mạch nhanh nhỏ, có khi không lấy được, hạ huyết áp, thở nhanh, tiểu ít, có khi vô niệu.
Xét nghiệm có biểu hiện thiếu máu: Thể tích hồng cầu giảm, hồng cầu và lượng huyết sắc tố giảm nhanh chóng.
Chảy máu ít nhưng kéo dài: tuy không gây nên tình trạng mất máu cấp tính nhưng dẫn đến tình trạng thiếu máu: da niêm mạc nhợt nhạt, mệt mỏi, suy tim do thiếu máu… xét nghiệm máu sẽ thấy tình trạng thiếu máu rõ rệt.
Để chẩn đoán xác định thực sự có phải chảy máu đường tiêu hóa trên hay không, mức độ nặng của chảy máu, vị trí và nguyên nhân gây chảy máu, máu đang chảy hay đã ngưng, tiên lượng khả năng tái phát và còn dùng để điều trị trong một số trường hợp, BS sẽ thực hiện kỹ thuật nội soi tiêu hoá.
Bị nôn ra máu 2 lần, cảm thấy mệt mỏi, sụt cân thì bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhất thiết cháu phải đi khám chuyên khoa Tiêu hóa để tìm nguyên nhân mà trị liệu.
Cháu bị viêm gan siêu vi B nhưng không cho biết rõ có bị mãn tính không? Men gan có cao không? Do vậy, AloBacsi chưa thể tư vấn cụ thể cho cháu. Cháu xem thêm bài viết trước của AloBacsi về bệnh viêm gan siêu vi B ở mục "Tiêu hóa - gan - mật", cháu nhé!
AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa. Đặc biệt, từ ngày 15/6/2011, danh sách BS tư vấn Khám bệnh Online của AloBacsi có thêm hai chuyên gia tâm huyết. Đó là GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Nguyên giám đốc BV Từ Dũ sẽ "gỡ rối" cho chị em về bệnh phụ khoa. Và, TS.BS Lê Tuyết Hoa - 20 năm công tác tại BV Chợ Rẫy - chuyên ngành Đái tháo đường - Nội tiết sẽ giải đáp mọi thắc mắc về Nội Tiết - Tiểu đường. AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn.
AloBacsi.vn |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình