Hotline 24/7
08983-08983

Dễ mang họa khi tự ý dùng thuốc tăng huyết áp

Prapronolol được cho là nguyên nhâni gây tử vong cho thiếu nữ, trong khi đó, loại thuốc trị tăng huyết áp này đang được nhiều người bệnh mua dùng mà không có toa.

Đầu tháng 4, chị Đặng Kim Chi, sinh năm 1996 tử vong nghi do sốc phản vệ sau tiêm chủng. Sau hai lần làm việc, Hội đồng khoa học Sở Y tế TP HCM không tìm thấy liên quan đến văcxin, thay vào các bác sĩ tìm được bằng chứng để nghi ngờ nạn nhân đã dùng thuốc tăng huyết áp liều cao. Cụ thể khám nghiệm tử thi tìm thấy chất propranolol dùng điều trị tăng huyết áp tồn tại trong dạ dày và trong máu nạn nhân với hàm lượng đủ gây tử vong.

thuoc-propranolol-1374142685_500x0.jpg
Thuốc tăng huyết áp được bán mà không cần toa bác sĩ. Ảnh: Cao Lâm

Nhiều thành viên trong hội đồng khoa học cho rằng, propranolol là thuốc điều trị chuyên khoa tim mạch. Muốn dùng an toàn, không mắc tác dụng phụ thì phải có chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên theo tìm hiểu, loại thuốc này lại được người bệnh mua mà không cần toa hoặc mua bằng toa thuốc của người khác.

Sáng 16/7, tại một nhà thuốc ở quận 10, chị Hà nhà ở Tây Ninh đến tìm mua thuốc trị tăng huyết áp với dòng chữ propranolol ghi trong lòng bàn tay. Nhân viên nhà thuốc báo giá loại viên nén 40 mg, hộp 100 viên có giá 30.000 đồng rồi sau đó trao thuốc tính tiền mà không cần toa.

Chị Hà cho biết mẹ chị thường lên máu, thấy người hàng xóm cũng tăng huyết áp và dùng loại thuốc này nên chị ghi lại tên thuốc rồi tìm mua cho mẹ dùng. "Tôi nghe nói thuốc này uống hay lắm. Nếu tăng huyết áp vừa vừa thì uống 2 viên, nặng thì uống 4 viên. Tôi định tháng sau mới đưa mẹ đi khám nên giờ có dịp ghé Sài Gòn nên tôi mua trước cho mẹ uống tạm", chị Hà nói.

Cũng như chị Hà, không ít bệnh nhân ở quận 4, quận 5, quận 11, Hóc Môn cũng tìm đến nhà thuốc mua thuốc trị tăng huyết áp mà không mang theo toa, số khác có toa nhưng là toa thuốc mượn của nhà hàng xóm cùng bị chứng bệnh này.

"Tôi đâu biết đây là thuốc kê toa bởi lần nào đến nhà thuốc mua đều được. Về nhà cứ căn cứ theo hướng dẫn trên vỏ hộp mà uống. Thuốc này rẻ nhưng trị huyết áp rất hiệu quả. Nhà tôi hai vợ chồng đều bị lên máu nên thuốc lúc nào cũng có sẵn", anh Sơn (47 tuổi) nhà ở Hóc Môn nói.

Liên quan đến hiện tượng này, TS.BS Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra Sở Y tế TP HCM cũng cho biết, việc nhà thuốc lén bán thuốc không cần toa bác sĩ là thực trạng chung. "Chúng tôi đã tích cực thanh kiểm tra nhưng tình trạng bác sĩ bán thuốc, nhà thuốc làm bác sĩ gần như đã thành một tập quán. Muốn giải quyết dứt điểm tình trạng này cần phải có kế hoạch đồng bộ và hơn hết chính là ý thức của người bệnh", bác sĩ Trạng nói.

Là bác sĩ chuyên khoa tim mạch, bác sĩ Trạng cho rằng, việc dùng propranolol mà không cần toa của bác sĩ là rất nguy hiểm. Propranolol là thuốc điều trị cao huyết áp qua cơ chế làm giảm số lượng nhịp tim dẫn đến giảm huyết áp. Chính vì thế nếu không được bác sĩ khám mà tự mua thuốc uống, những người vốn có nhịp tim thấp chỉ cần uống nửa viên thì đã có thể ngất.

"Nhiều bệnh nhân thấy toa của người khác trị cao huyết áp tốt quá thì mượn toa về mua dùng nhưng không biết cơ địa khác nhau, người kia có thể nhịp tim chậm còn người này nhịp tim chậm lại rất nguy hiểm khi dùng", bác sĩ Trạng nói.

Ngoài làm chậm nhịp tim, propranolol còn thể gây co thắt phế quản, chính vì thế những người cao huyết áp vốn từng bị hen suyễn mà tự mua thuốc uống cũng rất nguy hiểm. Tác dụng phụ này có thể khiến người bệnh suy hô hấp, ngạt thở, chậm cấp cứu sẽ tử vong.

"Không chỉ nhóm thuốc liên quan đến mạch như propranolol, một số thuốc khác cũng có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm. Chẳng hạn như nhóm thuốc ức chế canxi có thể làm tăng nhịp tim, như vậy bệnh nhân tăng huyết áp có nhịp tim tăng thì không nên dùng", tiến sĩ Trạng cảnh báo.

Chủ tịch Hội dược sĩ bệnh viện TP HCM cũng cho biết, các loại thuốc huyết áp, tim mạch cụ thể là propranolol điều trị tăng huyết áp là thuốc sử dụng phải kiểm soát, tức bắt buộc phải có toa bác sĩ khi dùng.

Việc chủ quan căn cứ vào một toa đã khám từ lâu để mua thuốc điều trị bệnh là sai vì một đơn thuốc chỉ có giá trị trong một đợt trị liệu. "Liều lượng thuốc có thể được tăng lên hay giảm đi cho phù hợp với tình trạng bệnh trong thời điểm hiện tại. Cho nên nếu mua theo toa thuốc điều trị ở giai đoạn bệnh nặng uống cho lúc bệnh nhẹ hơn thì dễ gặp nguy", ông Tuấn nói.

Về phía cơ quan quản lý dược, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Trưởng phòng Quản lý dược Sở Y tế TP HCM cho biết, việc nhà thuốc bán thuốc kê toa cho người mua không có toa của bác sĩ là vi phạm quy định của Bộ Y tế. "Những trường hợp này sẽ bị xử phát nếu bị cơ quan chức năng phát hiện", ông Vĩnh nói.

AloBacsi.vn
 Theo Cao Lâm - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X