Hotline 24/7
08983-08983

Đau và sưng khớp: Dấu hiệu tố cáo viêm khớp dạng thấp

Theo TS.BS Cao Thanh Ngọc - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp BV ĐHYD TPHCM, dấu hiệu sớm trong viêm khớp dạng thấp là đau và sưng khớp, thường ít tấy đỏ.

Bàn tay biến dạng dùng thuốc nam điều trị viêm khớp dạng thấp

Gần đây, Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) tiếp nhận điều trị cho người bệnh L.N.P, 57 tuổi, ngụ tại Sóc Trăng. Cách đây 6 năm, bà P. bị sưng đau khớp bàn tay và khớp cổ tay hai bên. Tình trạng đau kéo dài nhưng bà P. không đến bệnh viện điều trị và tự mua một loại thuốc nam về uống. Thời gian đầu bà P. thấy giảm sưng đau khớp rõ rệt. Tiếp tục uống loại thuốc này trong vòng 2 năm, các khớp hai tay của bà lại bị sưng, đau nhiều, biến dạng nhẹ khớp bàn tay hai bên.

Lo lắng vì bàn tay bị biến dạng, bà P. đến khám tại Khoa Nội Cơ xương khớp BV ĐHYD TPHCM trong tình trạng sưng đau các khớp cổ tay, khớp bàn tay, khớp liên đốt gần hai tay, khớp gối, khớp cổ chân hai bên. Sau khi xét nghiệm và chụp X-quang bàn tay, các bác sĩ cho biết bà bị viêm khớp dạng thấp (VKDT), biến chứng dính khớp cổ tay. Sau đó người bệnh được điều trị bằng thuốc dạng uống nhưng chỉ giảm sưng đau các khớp khoảng 20%.

Nhận định đây là trường hợp kém đáp ứng với thuốc dạng uống, các bác sĩ quyết định điều trị thuốc sinh học cho người bệnh. Sau 2 đợt truyền thuốc, mỗi đợt cách nhau 1 tháng, người bệnh giảm sưng đau khớp đáng kể. Sau 6 tháng điều trị, người bệnh được xét nghiệm lại các bilan viêm và các chỉ số viêm giảm nhiều. Người bệnh rất hài lòng với kết quả điều trị. Đến nay, người bệnh vẫn đang điều trị thuốc sinh học truyền mỗi tháng.

Các kiểu biến dạng khớp thường gặp trong viêm khớp dạng thấp

Trường hợp khác, BV ĐHYD TPHCM tiếp nhận điều trị cho người bệnh N.N.A., 45 tuổi, ngụ tại Tiền Giang. Cách đây nửa năm, anh A. bị sưng đau các khớp bàn tay, cổ tay, đầu gối hai bên, đi lại sinh hoạt rất khó khăn. Khi đến khám tại khoa Nội cơ xương khớp, anh A. được chẩn đoán VKDT.

Sau 3 tháng được điều trị bằng thuốc, các khớp giảm sưng đau nhiều, anh A. gần như trở lại sinh hoạt và làm việc bình thường như trước khi mắc bệnh. Tuy nhiên sau khi điều trị được 6 tháng, anh A. thấy tình trạng bệnh đã ổn nên không điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ mà nghe theo một quảng cáo trên mạng về các thuốc bổ khớp rồi tự mua về uống trong vòng 6 tháng.

Thời gian đầu, anh A. không đau khớp nhiều, nhưng sau đó vài tháng, tình trạng đau khớp nặng hơn trước đây khiến anh không thể đi lại, phải cần người hỗ trợ vệ sinh cá nhân. Khi quay lại bệnh viện tái khám, lúc này khớp cổ tay 2 bên đã cứng khớp, các khớp bàn tay, khớp khuỷu, khớp cổ chân và khớp gối sưng đau. Người bệnh được điều trị bằng thuốc Methotrexate và sau đó là thuốc sinh học.

Sau 2 tháng, anh A. giảm đau nhiều và có thể đi lại được. Sau 6 tháng điều trị, tình trạng đau khớp cải thiện đáng kể, anh A. đã có thể trở lại sinh hoạt như trước kia.

Nhận diện căn bệnh chiếm 0,5% dân số Việt Nam

Đây chỉ là 2 trường hợp điển hình bị VKDT được điều trị tại BV ĐHYD TPHCM. Khoa Nội cơ xương khớp của bệnh viện có khoảng 20% người bệnh VKDT đến khám và số lượng đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Đáng chú ý, đa số các trường hợp diễn tiến nặng xuất phát từ việc điều trị sai phương pháp, điều trị không đúng chuyên khoa dẫn đến kết quả xấu hơn.

Đây là bệnh lý tự miễn, ảnh hưởng chủ yếu lên khớp với các biểu hiện sưng, nóng, đau khớp. Ngoài ra, bệnh có thể tác động đến các cơ quan khác của cơ thể như phổi, hệ tạo máu, tim mạch. Đây là bệnh gặp ở tất cả các nước trên thế giới, chiếm từ 0,5 - 3% dân số. Ở Hoa Kỳ, hiện có 1,5 triệu người mắc VKDT. Còn tại Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh lý này trong dân số là 0,5%, trong đó nữ giới mắc nhiều hơn nam giới với tỷ lệ 3:1. VKDT thường khởi phát ở nữ giới trong độ tuổi từ 30-60, nam giới thường khởi phát muộn hơn.

Theo TS.BS Cao Thanh Ngọc - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp BV ĐHYD TPHCM, những sai lầm thường trong quá trình điều trị bệnh VKDT bao gồm: người bệnh khi bị sưng khớp không đến cơ sở y tế để được khám sớm mà thường đến khi bệnh đã trở nặng, hoặc không khám đúng chuyên khoa Nội cơ xương khớp dẫn đến việc không được điều trị tối ưu.

Nguy hiểm hơn, người bệnh thường tự mua thuốc uống không theo toa của bác sĩ hoặc uống các loại thuốc tàu, thuốc nam, thuốc bắc mà trong đó thường có chứa thành phần corticoid.

Khi dùng các thuốc này trong thời gian đầu, người bệnh rất hài lòng vì hiệu quả giảm đau và giảm sưng khớp khá nhanh. Tuy nhiên khi dùng kéo dài, người bệnh không còn đáp ứng với thuốc, bắt đầu xuất hiện biến chứng do bệnh như biến dạng khớp và bị tác dụng phụ của thuốc như da mỏng, bầm máu ở da, tay chân teo, bụng to, kiểu hình cushing, dễ loãng xương sớm.

Bên cạnh đó, một số người bệnh khi được điều trị đúng, tình trạng bệnh cải thiện thì lại tự ý ngưng thuốc dẫn đến bệnh bùng phát trở lại nghiêm trọng hơn.

“Nếu không được điều trị kịp thời và đúng phương pháp thì hầu hết các trường hợp mắc VKDT sẽ dẫn đến đau nhức, biến dạng khớp, huỷ khớp, mất khả năng lao động hoặc tàn phế. Những tổn thương ngoài khớp như tổn thương mô kẽ trong VKDT, suy tim… đều có thể dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống nặng nề, thậm chí tử vong”, TS.BS Cao Thanh Ngọc chia sẻ.

TS.BS Cao Thanh Ngọc thăm khám cho người bệnh

TS.BS Cao Thanh Ngọc cho biết, dấu hiệu sớm trong VKDT là đau và sưng khớp. Khớp viêm có thể sưng, nóng, song thường ít tấy đỏ. Tình trạng viêm khớp được cho là đang hoạt động nếu đau khi sờ nắn hoặc khi vận động khớp thụ động. Sưng khớp có thể là sưng nề phần mềm quanh khớp hoặc sưng tại khớp. Sưng tại khớp thường kèm theo các dấu hiệu của tràn dịch khớp.

Bệnh có thể bắt đầu ở một khớp và không đối xứng, chẳng hạn như khớp gối, song đa số các trường hợp trong vòng vài tuần đến vài tháng sẽ phát triển thành viêm nhiều khớp với tính chất đối xứng, thông thường ảnh hưởng tới các khớp cổ tay, khớp bàn ngón tay, khớp ngón gần, khuỷu, vai, háng, gối, cổ chân và các khớp nhỏ ở bàn chân.

Người bệnh còn có thể có các dấu hiệu của viêm các bao gân duỗi biểu hiện bằng sưng nề cổ tay phía mu tay, viêm các bao gân gấp có thể gây ngón tay cò súng, hội chứng đường hầm cổ tay do viêm các gân gấp gây ép thần kinh giữa ở vùng cổ tay, biểu hiện là tê, đau, hoặc rối loạn vận động phía xương quay của bàn tay. Tương tự, người bệnh có thể có hội chứng đường hầm khuỷu tay, đường hầm cổ chân do chèn ép thần kinh trụ ở khuỷu tay hoặc thần kinh chày sau ở cổ chân.

Ngoài ra, người bệnh có thể có viêm bao thanh dịch mỏm khuỷu, kén hoạt dịch Baker vùng khoeo chân. Các biểu hiện cột sống nếu có chủ yếu giới hạn ở cột sống cổ, đặc biệt là C1-C2. Ở những trường hợp nặng có thể có bán trật khớp đội trục gây chèn ép tủy cổ. Ngoài ra, bệnh có thể biểu hiện ở mắt, phổi và tim mạch.

Theo TS.BS Cao Thanh Ngọc, nếu không được điều trị kịp thời, khớp viêm do VKDT có thể tiến triển đến biến dạng do tổn thương phá hủy khớp, gân, dây chằng... Các kiểu biến dạng khớp thường gặp trong VKDT gồm: cổ bàn tay bị lệch về phía xương trụ (bàn tay gió thổi), cổ tay hình lưng lạc đà, ngón tay người thùa khuy (co gấp khớp ngón gần và quá duỗi của khớp ngón xa), ngón tay hình cổ cò (quá duỗi khớp ngón gần và gấp khớp ngón xa).

TS.BS Cao Thanh Ngọc khuyến cáo, để điều trị bệnh hiệu quả, người bệnh cần đến bệnh viện sớm và khám chuyên khoa Nội cơ xương khớp, tuân thủ điều trị và theo dõi bệnh định kỳ dù khi bệnh đã ổn. Điều trị bệnh VKDT thường phải kéo dài vài năm để đạt được hiệu quả kéo dài và ổn định nên khi muốn ngưng thuốc phải có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Về vấn đề dinh dưỡng trong bệnh VKDT, người bệnh cần ăn uống đầy đủ chất, không nên kiêng khem.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X