Hotline 24/7
08983-08983

Đau nhức, mất cảm giác ở chân tay, coi chừng cục máu đông tắc nghẽn

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ vừa can thiệp thành công cho 2 bệnh nhân bị tắc mạch máu ngoại biên, do cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu, biểu hiện là đau nhức, tê hay mất cảm giác ở chân tay, đầu ngón tím tái...

Nhiều năm nay, bà H.T.G. (70 tuổi, ở An Giang) sống chung với mấy bệnh tuổi già như viêm đa khớp, tăng huyết áp. Chiều ngày 7/2, bà cảm thấy mệt mỏi, nóng sốt nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa An Giang. Đến 3 giờ sáng, tay bà bắt đầu đau nhức dữ dội, cánh tay xụi lơ, các ngón cứng đờ, tím tái, các bác sĩ chẩn đoán tắc động mạch cánh tay phải. Một tiếng sau đó, bà được chuyển viện qua Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, đến nơi nhập viện lúc 8 giờ sáng.

Tại đây, bà được các bác sĩ điều trị bằng phương pháp chụp và điều trị lấy huyết khối qua ống thông bằng DSA.

Sau can thiệp bà G. thấy khỏe, tình trạng đau tay cải thiện rõ rệt. Bà cho biết: “Trước giờ tay tui không có dấu hiệu gì hết trơn, tự nhiên nó làm vậy”.

Hình ảnh mạch máu của bà G trước và sau can thiệp

Trường hợp thứ hai là ông P.T.L. (65 tuổi, ở Cần Thơ), thường xuyên chóng mặt, ngất, tê tay chân phải. Ông L. nhập viện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ với chẩn đoán ban đầu là có cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, nghẽn tắc và hẹp động mạch cảnh trong trái, kèm theo tăng huyết áp vô căn (nguyên phát).

Sau khi thăm khám và thảo luận, các bác sĩ kết luận trường hợp ông L. là bệnh mạch máu ngoại biên không đặc hiệu, tắc động mạch chậu ngoài hai bên; đề ra hướng xử trí là chụp, nong và đặt stent động mạch chi bằng DSA. Ca can thiệp diễn ra vào ngày 12/2 cũng đem lại kết quả tốt, tái thông hoàn toàn động mạch chậu ngoài phải, stent nở tốt, áp thành.

Hình ảnh mạch máu của ông L. trước và sau can thiệp

ThS.BS Nguyễn Anh Trung - Trưởng khoa Ngoại cho biết, những người có tiền sử bệnh tim mạch, đặc biệt là rối loạn nhịp tim (rung nhĩ), mạch không đều, đột ngột bị đau ở tay chân, đau kèm tê, và đầu ngón tay-chân (đầu chi) so sánh với bên kia thì không được hồng như bình thường, đây là những dấu hiệu cảnh báo tắc mạch máu ngoại biên (thuyên tắc mạch chi) có thể xảy ra. Với tình trạng này người dân nên đến cơ sở y tế có thể siêu âm doppler mạch máu và chụp CT, nếu cơ sở đó có bác sĩ chuyên về mạch máu là tốt nhất.

Bình thường khi trái tim đập đều thì máu trong trái tim sẽ di duyển đều và không bị kết tụ lại. Nhưng khi tim đập loạn nhịp dễ tạo ra các cục máu đông nằm trong các ngóc ngách của trái tim (thường là ở tiểu nhĩ).

Khi có cục máu đông (chỉ nằm trong tim) thì ít gây ảnh hưởng gì, nhưng trái tim luôn co bóp dẫn đến cục máu đó sẽ đi theo đường mạch máu đến các cơ quan khác của cơ thể như: gây tắc mạch não, tắc mạch thận, đến mạch vành tim gây nhồi máu cơ tim cấp, đến chi dưới gây tắc mạch chi dưới… Nhưng sợ nhất là tắc động mạch não sẽ gây tàn phế suốt đời nếu không được điều trị kịp thời.

Trước đây, khi chưa có can thiệp nội mạch, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc làm tan cục huyết khối đó hoặc sẽ mổ hở. Can thiệp nội mạch là thủ thuật ít xâm lấn, tỷ lệ thành công rất cao, gần như tái thông hoàn toàn. Bệnh nhân chỉ có vết thương khoảng 1-2mm, ít đau, thời gian nằm viện rút ngắn rất nhiều.

Hồng Nhung
Ảnh: Đức Thịnh

~~~~ Giải thích một số từ ngữ:

- Chi: chân, tay

- Ngoại biên: ngoại là ngoài, biên là ven, xung quanh. Mạch máu ngoại biên: những mạch máu ở xa tim và não, trường hợp trong bài là mạch máu ở chân tay.

- Thuyên tắc hay tắc mạch là sự xuất hiện của một mảnh vật liệu gây tắc nghẽn, bên trong mạch máu. Thuyên tắc có thể là cục máu đông (huyết khối), khối mỡ (thuyên tắc mỡ), bong bóng khí hoặc khí khác… Thuyên tắc mạch chi: tắc mạch máu chân, tay.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X