Hotline 24/7
08983-08983

Dấu hiệu nào nhận biết sớm bệnh đái tháo đường?

(AloBacsi) - 65% người bệnh không hề biết mình bị đái tháo đường. Vậy khi có dấu hiệu nào, bạn nên nghi ngờ mình mắc bệnh?

 

Nhân Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11, TS-BS Lê Tuyết Hoa, người có kinh nghiệm 20 năm công tác tại BV Chợ Rẫy - chuyên ngành Đái tháo đường - Nội tiết, hiện đang là giảng viên đại học Y Phạm Ngọc Thạch, chia sẻ với bạn đọc AloBacsi.vn nhiều thông tin bổ ích về căn bệnh được coi là một trong bốn “đại dịch” của thế kỷ 21 này.

 

Kính thưa TS-BS Lê Tuyết Hoa, trước đây người Việt thường quan niệm tiểu đường là “bệnh của nhà giàu”, nhưng thực tế là tỷ lệ người mắc bệnh này ở nông thôn đang tăng đáng kể, thậm chí có rất nhiều người có thể trạng gầy gò vẫn mắc bệnh. Theo bác sĩ, nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng của căn bệnh này là do đâu?

 

Một báo cáo mới đây của WHO cho thấy sau 10 năm, mức đường huyết trung bình của nhân loại tăng thêm 0.08 mmol/L, làm tỉ lệ ĐTĐ tăng 7% mỗi 10 năm. Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) đang gia tăng ở hầu hết các quốc gia.

 

Ở nước ta, tại các đô thị, tỉ lệ mắc ĐTĐ vẫn cao hơn thôn quê. Ở nông thôn, tỉ lệ này tăng dần vì nhiều lý do:

 

- Lối sống ngày nay tĩnh tại hơn

- Chế độ ăn ngày nay thay đổi hơn xưa rất nhiều

- Tỷ lệ người có BMI cao ngày nay cũng nhiều hơn

- Tuổi thọ được nâng cao hơn

 

Nhiều người có thói quen bỏ qua bữa sáng, ăn nhiều vào buổi tối, tiệc tùng khuya… Ăn nhiều vào buổi tối không trực tiếp gây bệnh ĐTĐ nhưng do ăn khuya, người có khuynh hướng mập, tích mỡ bụng, béo phì. Chính béo phì và ít vận động là yếu tố nguy cơ gây ĐTĐ.

 

65% người bệnh không hề biết mình bị ĐTĐ. Vậy xin bác sĩ cho biết dấu hiệu nào thì mọi người nên nghi ngờ mình mắc bệnh ĐTĐ?

 

Phần lớn người bệnh phát hiện bệnh ĐTĐ một cách ngẫu nhiên như đi khám sức khỏe, bị biến chứng của bệnh ĐTĐ rồi mới biết bệnh... Một ít bệnh nhân thấy khát nước, sụt cân nhanh, đi tiểu thấy kiến bu, vết thương lâu lành... thì chủ động đi thử đường huyết.

 

Việc chẩn đoán luôn vào dựa vào kết quả đo glucose máu, phải > 126 mg/dL ít nhất 2 lần, mới được cho là bị ĐTĐ.

 

Nên nghi ngờ mình bị ĐTĐ khi:

 

- Đang mập mạp bỗng dưng sụt cân nhanh, đi tiểu nhiều, khát nước nhiều

- Sinh con > 4kg

- Tiền căn gia đình có người trực hệ bị ĐTĐ

- Tuổi > 45, tăng huyết áp và hoặc rối loạn lipid máu

 

Nhiều người lầm tưởng chỉ có người lớn mới mắc bệnh, tuy nhiên, đã có trường hợp trẻ mắc tiểu đường từ nhỏ. Xin bác sĩ cho biết, ĐTĐ ở trẻ có gì khác so với bệnh ĐTĐ ở người lớn?

 

ĐTĐ ở trẻ em là ĐTĐ típ 1, đây là thể nặng của ĐTĐ, do cơ thể không còn tiết được insulin. Do vậy bệnh nhân đều phải chích insulin suốt đời kể từ thời điểm chẩn đoán. Và ngay tại thời điểm chẩn đoán có thể đã có nhiều biến chứng mạn tính rồi.

 

Với những người trẻ mắc bệnh, sau này sẽ có những di chứng gì? Nếu hạn chế chế độ dinh dưỡng của trẻ em bị ĐTĐ thì liệu có ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ, thưa bác sĩ?

 

Những biến chứng ở ĐTĐ típ 1 thường xuất hiện sớm và nhiều hơn, nhất là khi không kiểm soát đường huyết.

 

Đa số trẻ bệnh ĐTĐ thường gầy ốm nếu không có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Phụ huynh cần chú ý không cho các bé ăn ngọt nhưng vẫn phải đủ chất (không phải ăn kiêng) để đảm bảo sự tăng trưởng cho trẻ.

 

Cần tính toán calories cho trẻ hàng ngày dựa trên cân nặng, hoạt động thể lực và tuổi phát triển của bé. Việc ăn uống phải đầy đủ chất, gia tăng rau cải và chất xơ, giảm bớt chất bột. Ăn bữa nhỏ và nhiều bữa. Không được bỏ bữa hoặc ăn các bữa thất thường vì nguy cơ hạ đường huyết khi dùng insulin mà bỏ lỡ bữa ăn là rất lớn. Chuyên gia về dinh dưỡng sẽ hỗ trợ thêm cho gia đình thêm về vấn đề này.

 

Bên cạnh thuốc insulin cho liều thích hợp, có máy thử đường huyết tại nhà, trẻ cần nhận sự hỗ trợ tinh thần từ cha mẹ/gia đình.

 

Phụ huynh nên hạn chế những hoạt động thể lực nặng cho trẻ. Khi trẻ vận động liên tục hơn 1 giờ, thì cứ sau 1 giờ, trẻ nên dừng lại và ăn một chút gì đó (2-3 cái bánh, uống nước trái cây, ăn nhẹ...) rồi mới tiếp tục trở lại.

 

Trẻ chưa nên tập thể lực nếu có thể ceton trong máu, phải điều trị cho biến mất thể ceton và uống đủ nước trước, trong và ngay sau tập.

 

Có nhiều người tâm sự với AloBacsi rằng khi phát hiện mình bị ĐTĐ (cả típ 1 và típ 2), họ cảm thấy suy sụp tinh thần. Với hơn 20 năm kinh nghiệm điều trị bệnh ĐTĐ và nội tiết, bác sĩ có thể đưa ra một “chìa khóa vàng” giúp họ yên tâm điều trị bệnh?

 

Ai cũng đều có tâm trạng buồn và hơi chút bi quan khi được thông báo mắc bệnh ĐTĐ, nhưng kéo dài điều này thật không mang lại lợi ích và ý nghĩa gì cho cuộc sống chúng ta.

 

Biết rằng đây là bệnh tiến triển theo thời gian, bạn cần phải sống chung hòa bình với nó, hiểu biết về bệnh tật để hợp tác cùng thầy thuốc trong điều trị nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

 

Bạn nên tham gia các câu lạc bộ bệnh nhân ĐTĐ do các bệnh viện lớn trong TP tổ chức để được cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm với những người đồng cảnh ngộ... bạn sẽ dễ dàng có thêm nghị lực để vượt qua.

 

Bác sĩ điều trị bệnh ĐTĐ là người sẽ bàn bạc với bạn để có được những phương cách kiểm soát bệnh phù hợp với hoàn cảnh riêng của từng người.

 

Ngoài ra, ngày nay Nhà nước cũng tạo thuận lợi qua những chiến lược can thiệp đối với bệnh ĐTĐ đang gia tăng trong cộng đồng.

 

Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

 

Kim Quy - Đinh Liên (thực hiện)
 
 
Bài tư vấn của TS-BS Lê Tuyết Hoa các kỳ trước:
 
 
 
 
 
 
 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X