Hotline 24/7
08983-08983

Dấu hiệu cảnh báo trẻ bị hóc dị vật và các bước xử trí

Hóc dị vật là tai nạn thường gặp ở trẻ, nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Trong bài viết dưới đây, BS Trương Hữu Khanh sẽ đưa ra một số lưu ý và các xử trí khi trẻ bị hóc dị vật.

1. Trẻ thường bị hóc những loại dị vật nào?

Xin hỏi BS, trong sinh hoạt hằng ngày, trẻ thường bị hóc những loại dị vật nào nhất ạ? Trong đó, loại dị vật nào gây nguy hiểm nhất cho trẻ ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hóc dị vật tùy thuộc vào đồ chơi và món ăn của trẻ. Thông thường ở những nước tiên tiến sẽ tính toán rất kỹ về món đồ chơi trẻ có thể nuốt và bị sặc. Những thức ăn có thể gây hóc cho trẻ sẽ được làm một lưu ý riêng.

Tại Việt Nam những vật dễ bị hóc thường là các loại hạt hoặc con ốc, con vít, viên bi. Trẻ nhỏ thường có thói quen ngậm đồ chơi và vừa nói vừa cười đùa khi đang chơi. Nếu lỡ nuốt dị vật sẽ đỡ hơn khi sặc vào phổi. Điều này rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến đường thở.

Hóc dị vật vào đường hô hấp xảy ra thường xuyên và nhiều hơn vào mùa Tết. Vì Tết phụ huynh bận rộn không chăm trẻ, nên trẻ có thể ăn và hóc các loại hạt. Vấn đề này đã được nhắc đến rất nhiều nhưng không may vẫn xảy ra.

2. Dấu hiệu cảnh báo trẻ bị hóc dị vật?

Với những loại dị vật lớn dễ nhận biết, còn với những loại dị vật nhỏ và ở trẻ nhỏ sẽ rất khó để nhận ra. Nhờ BS chia sẻ những dấu hiệu cảnh báo hóc dị vật mà phụ huynh cần cảnh giác ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Mọi người thường nhắc đến hội chứng xâm nhập. Nghĩa là khi trẻ đang chơi, đăng ăn những vật dễ gây sặc, thì có biểu hiện tím tái, ho sặc sụa. Sau đó có thể tự hết nhưng đã xâm nhập lên phổi. Tuy nhiên vẫn có lúc hội chứng xâm nhập kéo dài hơn làm trẻ tím tái, không thở được.

Nếu trẻ đang ăn hay đang chơi đột ngột có biển hiện của triệu chứng xâm nhập thì phụ huynh nên nghĩ ngay đến hóc dị vật. Nếu hóc thông thường, nuốt vào bụng sẽ không có vấn đề về hô hấp nên không xem là sặc.

3. Những sai lầm cần tránh khi sơ cứu hóc dị vật?

Khi rơi vào tình huống này, nhiều bậc phụ huynh vì lo sợ nên luống cuống. Nhờ BS chia sẻ thêm: đâu là những sai lầm cần tránh khi sơ cứu hóc dị vật, nhất là dị vật đường thở ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Việc sai lầm nhất là cố gắng móc dị vật, vì khi sặc vào đường thở dị vật đã nằm sâu bên trong và không có khả năng dùng tay móc ra. Khi móc có thể làm chậm trễ quá trình xử trí và gây trầy xước nên cần lưu ý. Chúng ta chỉ có thể lấy dị vật bằng nghiệm pháp heimlich (ép đường thở) để lực ép vào, kết hợp với không khí trong đường thở sẽ tống dị vật ra.

4. Hướng dẫn cách vỗ lưng, ép ngực khi sơ cứu trẻ bị hóc dị vật

Hiện có nhiều biện pháp sơ cứu người bị hóc dị vật như vỗ lưng, ép ngực, nhưng mỗi nơi hướng dẫn mỗi cách khác nhau. Nhờ BS chia sẻ cụ thể về cách vỗ lưng, ép ngực trong trường hợp trẻ bị hóc dị vật ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tùy vào lứa tuổi trẻ để áp dụng nghiệm pháp heimlich. Biện pháp này sẽ ép phần bụng đẩy lên phía ngực để lượng hơi tống hẳn ra và văng dị vật ra ngoài. Trên mạng có rất nhiều video, tuy nhiên phải tìm video chính thống.

Đối với trẻ rất nhỏ có thể vỗ lưng để tống dị vật ra ngoài. Tuy nhiên hai biện pháp này phải được học và thực hiện thuần thục. Nếu thực hiện 1 - 2 lần không thành công nên đưa trẻ đi cấp cứu.

Hóc dị vật bỏ quên sẽ gây nhiều khó khăn hơn. Ví dụ sau khi ho sặc sụa trẻ trở lại chơi bình thường nhưng dị vật đã rơi vào đường thở. Khi dị vật di chuyển lên xuống dẫn đến lúc khó thở lúc không. Nếu dị vật rơi xuống sâu sẽ gây ho kéo dài, viêm phổi kéo dài, không may nghẹt hơn sẽ dẫn đến tử vong.

Khi diễn ra hội chứng xâm nhập, trẻ tím tái phải thực hiện nghiệm pháp heimlich. Hoặc không tím tái nhưng có những cơn ho phải đưa trẻ đi khám.

5. Động tác Heimlich có công dụng như thế nào và cách thực hiện ra sao?

Động tác Heimlich cũng được mô tả rất nhiều. Xin hỏi BS, động tác Heimlich có công dụng như thế nào? Làm thế nào để thực hiện các động tác Heimlich ở trẻ nhỏ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đối với trẻ lớn hơn có thể đứng phía sau trẻ và ép thẳng một lực thật mạnh vào bụng. Lúc này phần bụng sẽ tống ngược trở lên và dị vật văng ra ngoài. Đối với trẻ nhỏ có thể ẵm trên tay và vỗ lưng ép xuống, động tác này rất khó thực hiện cần phải luyện tập.

6. Các biện pháp dân giân khi trẻ bị hóc dị vật có thực sự hiệu quả?

Một số biện pháp dân gian cũng được nhiều người áp dụng khi trẻ bị hóc dị vật như để xương lớn trên đầu, dốc ngược người… Các biện pháp này có thực sự hiệu quả không thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Chắc chắn sẽ không hiệu quả. Hóc dị vật là dị vật rơi vào đường thở, khi để xương trên đầu sẽ không hết được. Quan trọng hóc dị vật nếu suy hô hấp là cấp cứu khẩn cấp, khi sơ cứu chậm trẻ có thể tử vong. Nếu dốc ngược mà không có biện pháp vỗ lưng hay ép để tống ra sẽ không hiệu quả, từ đó làm chậm thêm thời gian cấp cứu.

7. Sơ cứu hóc dị vật có thời gian “vàng” không?

Sơ cứu hóc dị vật có yêu cầu khắt khe về thời gian “vàng” không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Điều này tùy thuộc vào trẻ, nếu trẻ khó thở, tím tái phải cấp cứu ngay. Thậm chí khi sơ cứu không được phải thổi ngạt và đưa đến bệnh viện để bác sĩ đặt nội khí quản và cấp cứu cho trẻ.

Nếu trẻ không khó thở, phụ huynh hãy bình tĩnh đưa trẻ đi khám để biết chính xác có phải trẻ hóc dị vật hay dị vật đã rơi vào phổi cần được lấy ra bằng những biện pháp khác.

8. Các biến chứng có thể gặp phải nếu không được xử trí hóc dị vật kịp thời?

Các biến chứng có thể gặp phải nếu hóc dị vật không được xử trí kịp thời? Sau khi đã lấy dị vật cho trẻ, cha mẹ yên tâm được chưa hay cần theo dõi ra sao?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi đã lấy dị vật ra và trẻ không bị trầy xước trong đường hô hấp, không gây bội nhiễm chỉ cần nằm theo dõi, sau đó về nhà. Nếu lấy dị vật ra mà có khả năng sót phải theo dõi thêm.

Tuy nhiên, có một khó khăn là những biện pháp tầm soát không biết chắc chắn có sót dị vật hay không. Vì đôi khi dị vật có những hình thái mà chụp hình không thấy được, phải cần đến chuyên khoa sâu hơn, thậm chí là nội soi. Một số trường hợp sót dị vật có thể làm trẻ bị viêm phổi lâu ngày.

9. Cần lưu ý gì để phòng ngừa hóc dị vật cho trẻ?

Để phòng ngừa hóc dị vật cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý những gì?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ con có tập tính vừa ăn vừa chơi và có khuynh hướng đưa tất cả mọi vật vào miệng. Phụ huynh cần hiểu được tập tính này và cố gắng làm sao để trẻ vừa ăn vừa chơi nhưng thức ăn không làm trẻ hóc.

Trẻ thường có thói quen bỏ đồ chơi vào miệng. Vì vậy nên cho trẻ chơi những vật không thể bỏ vào miệng để gây sặc. Chỉ có cách này để phòng ngừa nếu không dù phụ huynh đứng kế bên trẻ vẫn có thể sặc.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X