Dấu hiệu cảnh báo dọa sinh non: Mẹ bầu cần biết ngay
Theo BS.CK2 Hồ Viết Thắng và BS.CK2 Trần Thị Mỹ Phượng, Bệnh viện Hùng Vương, dọa sanh non hay chuyển dạ sanh non có nhiều nguyên nhân. Khi có những triệu chứng này mẹ bầu nên bình tĩnh đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế gần nhất bằng phương tiện có sẵn để được hỗ trợ kịp thời.
1. Thế nào là dọa sanh non và thường xảy ra vào giai đoạn nào của thai kỳ?
Trước tiên nhờ BS giải thích cho mẹ bầu hiểu rõ hơn: Thế nào được xem là dọa sanh non? Tình huống này thường xảy ra vào giai đoạn nào của thai kỳ ạ?
BS.CK2 Hồ Viết Thắng - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Chuyển dạ sanh non là hiện tượng chuyển dạ bắt đầu khi thai chưa đủ trưởng thành. Thông thường là sau 24 tuần đến trước 37 tuần, tuy nhiên có một số nước quy định từ 22 - 37 tuần mà có chuyển dạ sẽ gọi là chuyển dạ sinh non.
Chuyển dạ sẽ có các dấu hiệu: người mẹ cảm giác đau bụng, tử cung co từng cơn và đặc biệt có thể ra máu hoặc vỡ ối, sau đó em bé được sinh ra ngoài.
Một số trường hợp có triệu chứng chuyển dạ nhưng không đầy đủ như: chỉ đau bụng nhưng chưa ra máu hoặc ra một ít máu nhưng chưa đau bụng, chưa vỡ ối và ở thời gian tuổi thai từ khoảng 24 đến trước 37 tuần thì gọi là chuyển dạ sinh non.
2. Trẻ sanh non sẽ gặp các vấn đề nào?
Trẻ sanh non sẽ đưa đến những bất lợi nào cho mẹ và bé, ảnh hưởng đến tương lai phát triển của bé con ra sao, thưa BS?
BS.CK2 Trần Thị Mỹ Phượng - Phó Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Trẻ sanh non sẽ không khỏe mạnh như những trẻ đủ tháng bình thường. Đặc biệt trong giai đoạn mới vừa sinh ra em bé có khả năng bị suy hô hấp (không thở được và có những cơn ngừng thở), thiếu máu, tụt đường huyết, hệ miễn dịch không phát triển dẫn đến dễ bị nhiễm trùng, xuất huyết não, viêm ruột hoại tử.
Về lâu dài bé sẽ bị vàng da, ảnh hưởng đến tâm thần vận động, chậm biết đi, răng mọc lệch, xỉn màu hoặc học không giỏi như những trẻ bình thường khác.
Về phía người mẹ sẽ dễ bị nhiễm trùng, mắc các bệnh lý nội khoa như cao huyết áp, tiểu đường. Về lâu dài sẽ dễ trầm cảm sau sanh do phải nuôi một đứa trẻ sanh non.
3. Nguyên nhân nào dẫn đến dọa sinh non?
Những nguyên nhân nào đưa đến dọa sinh non ạ? Và những mẹ bầu nào có nguy cơ dọa sinh non cao hơn mà chúng ta cần đề phòng, thưa BS?
BS.CK2 Hồ Viết Thắng trả lời: Một em bé nằm trong tử cung và được ngăn ra bởi cổ tử cung. Bình thường em bé được bảo vệ, tử cung không co thắt và nằm yên trong đó. Khi đủ ngày đủ tháng cổ tử cung tự mềm, mỏng đi và xuất hiện những cơn co và từ từ đẩy em bé ra ngoài.
Đối với những người dọa sanh non hay chuyển dạ sanh non có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất là nguyên nhân ở cổ tử cung:
- Cổ tử cung mới 25 - 37 tuần đã mềm đi, dẫn đến áp lực trong buồng tử cung có thể thúc đẩy em bé sinh ra ngoài.
- Thông thường em bé nằm trong buồng tử cung thì tử cung không co, tuy nhiên vì một lý do nào đó đã tác động làm cho tử cung co và áp lực cổ tử cung phải mở.
- Có những trường hợp em bé vì một số bệnh lý làm tiết ra chất cho tử cung của mẹ co để bé sinh ra trước.
- Hoặc có những nguyên nhân liên quan đến những bất thường ở đường sinh dục của mẹ, đặc biệt là trên cổ tử cung. Có những người tử cung rất yếu, thay vì dày và chắc để giữ em bé lại thì đến một thời gian nào đó lại mềm, mở sớm hơn.
- Trường hợp mẹ trải qua một bệnh lý nào đó phải khoét chóp cổ tử cung hoặc cắt cụt cổ tử cung một phần thì khi mang thai độ bảo vệ sẽ yếu hơn.
- Hoặc có bất thường trên cổ tử cung như tử cung có u xơ, vách ngăn, tử cung đôi,… làm sức chứa tử cung kém, co thắt và đẩy em bé ra ngoài sớm.
Thứ hai là nhóm nguyên nhân nhiễm trùng:
Nguyên nhân này có khi thấy được trên lâm sàng hoặc không thể hiện triệu chứng. Những nhiễm trùng hay gặp là viêm âm đạo, có thể do vi trùng, xuất hiện trước khi mang thai hoặc trong khi mang thai.
Nhiễm trùng quanh tử cung như nhiễm trùng tiểu nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến cơn co tử cung và sanh non. Điều khó khăn là phụ nữ nhiễm trùng tiểu khi mang thai triệu chứng rất ít hoặc không có triệu chứng nhưng khi xét nghiệm thì trong nước tiểu có vi trùng, bạch cầu.
Thứ ba là nhóm viêm ruột thừa:
Ở những người bình thường sẽ có nhiều triệu chứng như nôn, buồn nôn, sốt, đau,… nhưng đối với mẹ bầu triệu chứng viên ruột thừa đôi khi chỉ là xuất hiện những cơn co tử cung nếu bỏ lỡ dấu hiệu này có thể đe dọa tính mạng cho cả mẹ và bé.
Những nhóm nguyên nhân khác:
Các nguyên nhân này có vẻ không liên quan, không gần âm đạo, cổ tử cung như:
- Nhiễm trùng da, khi đó vi trùng da có thể tiết ra những độc tố làm tử cung co thắt. Khi có các dấu hiệu này nên thông báo cho bác sĩ để đánh giá nguy cơ.
- Bệnh lý răng miệng như nha chu, sâu răng là nhiễm trùng vùng răng miệng cũng có thể là nguyên nhân gây sanh non. Chính vì vậy, khuyến cáo các mẹ bầu nên khám nha khoa ít nhất 1 - 2 lần để tầm soát bệnh lý răng miệng, từ đó có thể phát hiện và điều trị kịp thời.
- Ở nhóm song thai, đa thai, càng nhiều thai nguy cơ sinh non càng cao. Thai rất to, nặng 4 - 4,5kg (thông thường bé nặng 3 - 3,2kg), khi thai hơn 3,5kg là tử cung đã căng quá mức.
- Hoặc những trường hợp vì bệnh lý nào đó mà nước ối rất nhiều, làm tử cung căng giãn quá mức sẽ gây ra sanh non.
- Thêm vào đó một số bệnh lý của em bé, ví dụ bé có vấn đề sức khỏe hoặc bị còi (y khoa gọi là thai giới hạn tăng trưởng), có những trường hợp em bé tự tiết ra một số hormone gây co thắt tử cung và ra ngoài sớm vì môi trường tử cung lúc này không còn phù hợp cho bé.
- Ngoài ra, những bệnh lý toàn thân hoặc những chấn thương của mẹ vẫn có thể gây ra sanh non hoặc dọa sanh non.
Tại Bệnh viện Hùng Vương có phòng khám Nha khoa với đầy đủ chức năng có thể khám và điều trị các bệnh nha khoa thông thường, đặc biệt là những bệnh lý nhiễm trùng răng miệng. Có khám và tầm soát, tư vấn cho các mẹ bầu hướng quản lý bệnh lý nha khoa để vừa đảm bảo sức răng miệng, vừa giảm các bệnh lý đi kèm như gây dọa sanh non và sanh non.
4. Dấu hiệu cảnh báo dọa sinh non gồm những gì, mẹ bầu cần xử lý ra sao?
Các dấu hiệu cảnh báo dọa sinh non mà mẹ bầu cần biết gồm những gì, thưa BS? Khi có các biểu hiện này, mẹ bầu nên xử trí như thế nào (đi đến bệnh viện gần nhất, hay bệnh viện/cơ sở y tế đang theo dõi thai kỳ; nên đi bằng phương tiện gì…)?
BS.CK2 Trần Thị Mỹ Phượng trả lời: Dọa sanh non sẽ có những triệu chứng như sản phụ đau ở vùng bụng dưới, bụng cảm giác căng lên, đau liên tục, nằm nghỉ ngơi vẫn không hết đau mặc dù trước đó không bị đau lưng hoặc ra máu âm đạo, tiết dịch bất thường (dịch trong như nước hoặc dịch như thạch mà có lẫn máu)…
Khi có những triệu chứng này mẹ bầu nên bình tĩnh đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế gần nhất bằng phương tiện có sẵn, không cần đợi ô tô để thăm khám.
Tại các trung tâm có phòng khám Sản phụ khoa sẽ đánh giá, nếu quá nặng sẽ chuyển lên tuyến trên. Khoa học hiện nay đã phát triển, có nhiều phương pháp để ngăn chặn dọa sanh non như bác sĩ điều trị nhiễm trùng, giảm gò tử cung bằng nhiều nhóm thuốc, nếu bệnh lý từ cổ tử cung sẽ đặt vòng nâng hoặc khâu vòng cổ tử cung tùy theo chỉ định.
BS.CK2 Hồ Viết Thắng trả lời: Dọa sanh non hay chuyển dạ sanh non đôi khi không có dấu hiệu. Có những trường hợp có thể phát hiện nguy cơ sanh non ngay khi chưa có thai, ví dụ có bệnh lý nhân xơ, đa nhân xơ tử cung, tử cung bất thường. Hoặc có thể phát hiện triệu chứng của nguy cơ sanh non khi thai phụ chưa phát hiện, ví dụ từng khoét chóp cổ tử cung.
Vì vậy, khi có thai hoặc chuẩn bị có thai chị em phụ nữ nên thăm khám để bác sĩ phát hiện những mẹ bầu nào nằm trong nhóm nguy cơ sanh non để có thể can thiệp trước khi có triệu chứng xảy ra. Nếu đợi đến có triệu chứng mới can thiệp thì đôi khi sẽ trễ.
Hiện nay, khoa học đã phát triển, có rất nhiều phương tiện để hỗ trợ kéo dài thai kỳ hoặc hỗ trợ những em bé sanh non nên kết cục tương đối tốt, trên thế giới kết cục của trẻ sanh non đã cải thiện rất nhiều, không phải sanh non sẽ đồng nghĩa với em bé xấu, phát triển kém.
Các mẹ bầu không nên quá căng thẳng mà khi nằm trong nhóm dọa sanh non hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ, cũng như chỉ dẫn từ bệnh viện thì kết cục sẽ rất tốt.
Quan trọng nhất là khi đối diện với sanh non, dọa sanh non, không phải chỉ có mẹ bầu mà người bố, người chủ trong gia đình phải là người chia sẻ từ khi triệu chứng bắt đầu xảy ra cho đến khi lỡ như em bé sanh non để hỗ trợ người vợ chăm em bé, cũng như hỗ trợ tinh thần cho vợ.
Người mẹ sanh non ngoài chịu những nguy cơ do bệnh lý gây ra sanh non thì còn gặp phải các vấn đề như sang chấn tâm lý, tâm lý nặng nề vì nghĩ con sanh non là lỗi cho mình và bận chăm con cả ngày lẫn đêm. Vì vậy, người chồng phải chia sẻ, hỗ trợ một cách tuyệt đối, không phải chỉ giao cho mẹ chăm sóc con mà cả gia đình phải động viên, hỗ trợ để người mẹ yên tâm chăm sóc em bé.
5. Khoa Hồi sức tích cực Sơ sinh, Bệnh viện Hùng Vương có thể nuôi những trẻ rất non tháng từ 25 tuần trở lên
Làm thế nào để chẩn đoán dọa sanh non? Tại bệnh viện, khi có triệu chứng dọa sanh non mẹ bầu cần làm gì và được thăm khám, xử lý ra sao thưa BS?
BS.CK2 Trần Thị Mỹ Phượng trả lời: Khi đến bệnh viện, trong quá trình khám thai đã phát hiện ra các nguy cơ và tầm soát như đo chiều dài kênh cổ tử cung đối với những người có phẫu thuật trên cổ tử cung hoặc tiền căn sảy thai liên tiếp trước đó. Nếu kênh cổ tử cung ngắn thì khoảng 16 tuần sẽ được khâu vòng cổ tử cung.
Bất kỳ lúc nào mẹ bầu có triệu chứng dọa sanh non thì hãy đi thẳng vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hùng Vương sẽ tiếp nhận mẹ bầu 24/24 và trong lúc đó nếu có cơn gò sẽ được cắt gò, điều trị nhiễm trùng, khâu eo cấp cứu,…
Trường hợp tất cả những điều trị về không xâm lấn hoặc xâm lấn mà vẫn dẫn đến sanh non thì bệnh viện có khoa Hồi sức tích cực Sơ sinh để chăm sóc trẻ sanh cực non. Bệnh viện Hùng Vương là đơn vị duy nhất có khoa này, để nuôi những trẻ rất non tháng từ 25 tuần trở lên là có khả năng nuôi bé sống sót khỏe mạnh.
Chương trình Radar Sản phụ khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng trên các nền tảng của AloBacsi và Bệnh viện Hùng Vương.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình