Hotline 24/7
08983-08983

Cục máu đông là gì? Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa ra sao?

Cục máu đông được hình thành và gây tắc mạch máu có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Điều quan trọng là phải nhận biết được các dấu hiệu của cục máu đông để điều trị kịp thời trước khi biến chứng xảy ra.

I. Cục máu đông là gì?

Cục máu đông (huyết khối) là một khối máu chuyển từ trạng thái lỏng sang dạng bán đặc. Quá trình đông máu giúp bạn ngưng chảy máu, không bị mất quá nhiều máu trong một số trường hợp như khi bạn bị thương, bị đứt tay...

Cục máu đông hình thành bên trong các tĩnh mạch nếu bất động thì thường không gây hại cho bạn, nhưng không phải lúc nào nó cũng tự tan mà còn di chuyển theo dòng máu và có thể bị tắc nghẽn tại một cơ quan nào đó.

Có nghĩa là, nếu cục máu đông hình thành ở chi dưới (chân), và vì một nguyên nhân nào đó trôi lên phổi thì nó gây nhồi máu phổi, thậm chí có những trường hợp bệnh nhân bị thuyên tắc phổi cấp tính và tử vong trước khi cục máu đông trôi lên não. Đây là một tình huống rất nguy hiểm và thậm chí đe dọa đến tính mạng.

cục máu đôngCục máu đông (hay còn gọi huyết khối)

II. Cục máu đông thường xuất hiện ở những vị trí nào?

Hệ thống tuần hoàn được tạo thành từ các mạch gọi là tĩnh mạch và động mạch, giúp vận chuyển máu đi khắp cơ thể. Và các cục máu đông có thể hình thành trong tĩnh mạch hoặc động mạch.

Khi cục máu đông xảy ra trong động mạch sẽ gây các triệu chứng bao gồm đau dữ dội, tê liệt các bộ phận của cơ thể, dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ.

Cục máu đông xảy ra trong tĩnh mạch có thể hình thành chậm hơn theo thời gian, nhưng chúng vẫn có khả năng đe dọa tính mạng. Loại cục máu đông tĩnh mạch nghiêm trọng nhất thường được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) hay xảy ra nhất ở một bên chân của bạn, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở cánh tay, xương chậu, phổi hoặc thậm chí là não.

Dưới đây là những dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo sớm về cục máu đông trên cơ thể:

1. Cục máu đông trong não

Cục máu đông trong não là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đột quỵ. Triệu chứng bao gồm: đau đầu đột ngột và dữ dội, khó nói, suy nhược, giảm thị lực, nói khó... thậm chí gây tử vong nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị nhanh chóng.

2. Cục máu đông trong tim

Tim là vị trí ít phổ biến đối với cục máu đông, nhưng vẫn có khả năng và nếu nó xuất hiện trong tim sẽ gây ra một cơn đau tim, khiến ngực bạn bị đau hoặc cảm thấy nặng nề. Ngoài ra, còn có các triệu chứng tiềm ẩn khác như: chóng mặt, khó thở, đổ mồ hôi nhiều, buồn nôn, ngất xỉu.

Cục máu đông trong tim

3. Cục máu đông trong bụng

Đau bụng dữ dội, tiêu chảy, nôn mửa, máu trong chất nôn hoặc phân có thể là triệu chứng của cục máu đông xuất hiện tại vị trí nào đó trong bụng của bạn. Tuy nhiên, đây cũng có thể là các triệu chứng của vi khuẩn tồn tại trong dạ dày hoặc ngộ độc thực phẩm.

5. Cục máu đông trong phổi

Cục máu đông di chuyển vào mạch máu trong phổi và ngăn chặn sự lưu thông của máu  sẽ gây ra tình trạng thuyên tắc phổi (PE). Các triệu chứng có thể là dấu hiệu của PE gồm:

  • Đau nhói ở ngực, đau ngực
  • Khó thở đột ngột (không phải do tập thể dục)
  • Đánh trống ngực hoặc nhịp tim nhanh
  • Ho ra máu
  • Sốt
  • Đổ mồ hôi
  • Chóng mặt
  • Ngất xỉu

5. Cục máu đông ở chân hoặc cánh tay

Cục máu đông cũng thường xuất hiện khá nhiều ở cẳng chân hoặc cánh tay, với các triệu chứng bao gồm:

  • Tê, yếu chân tay
  • Sưng tấy hoặc sưng nhẹ ở vị trí có cục máu đông
  • Cảm giác đau đớn hoặc đau ít
  • Da xuất hiện các vết đỏ
  • Nóng ở một chỗ

Các triệu chứng trên còn phụ thuộc vào kích thước của cục máu đông. Đó là lý do tại sao bạn có thể không có bất kỳ triệu chứng nào, hoặc bạn có thể chỉ bị sưng nhẹ ở bắp chân/tay mà không đau nhiều. Nếu cục máu đông lớn, toàn bộ chân/tay của bạn có thể bị sưng lên kèm theo đau đớn.

Tuy nhiên, tình trạng cục máu đông xuất hiện ở cả hai chân hoặc cánh tay cùng một lúc thường không phổ biến. Đa số trường hợp chỉ bị ở một chân hoặc một cánh tay.

Nếu không điều trị kịp thời, một số trường hợp tắc mạch ở chân, tay quá nghiêm trọng có thể dẫn đến việc hoại tử một phần chân, tay, dẫn đến việc phải đoạn chi.

III. Ai có nguy cơ hình thành cục máu đông?

Một số đối tượng và yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng hình thành cục máu đông bao gồm:

  • Bạn có tiền sử gia đình bị rối loạn đông máu
  • Đang mang thai
  • Người hút thuốc lá
  • Xơ gan
  • Ug thư
  • Cuồng nhĩ hoặc rung nhĩ
  • Suy tim sung huyết
  • Béo phì
  • Mắc bệnh viêm mãn tính
  • Sử dụng một số loại thuốc tránh thai
  • Tuổi tác, đặc biệt người trên 65 tuổi
  • Ít vận động trong thời gian dài

IV. Cục máu đông gây biến chứng gì?

Cục máu đông có thể hình thành ở bất kỳ mạch máu nào trong cơ thể bạn. Khi chúng di chuyển sẽ làm gián đoạn dòng chảy của máu đến các cơ quan và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như đau tim, đột quỵ, thuyên tắc phổi...

Cục máu đông gây thuyên tắc phổi (PE)Cục máu đông gây thuyên tắc phổi (PE)

Ngoài ra, còn có các biến chứng tiềm ẩn khác bao gồm:

Thuyên tắc phổi (PE): là tình trạng một cục máu đông đọng lại trong động mạch phổi (một trong hai phổi) dẫn đến lượng oxy trong máu thấp và gây hại cho phổi, tim và các cơ quan khác.

Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT): DVT xảy ra khi cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu ở cánh tay hoặc chân. Chúng có thể gây ra các triệu chứng tại chỗ, nhưng cũng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn nếu cục máu đông vỡ ra và di chuyển đến phổi.

Tắc mạch máu ngoại biên (thuyên tắc mạch chi): Người có tiền sử bệnh tim mạch, đặc biệt là rối loạn nhịp tim (rung nhĩ), mạch không đều, đột ngột bị đau ở tay chân, đau kèm tê, và đầu ngón tay-chân (đầu chi) so sánh với bên kia thì không được hồng như bình thường, đây là những dấu hiệu cảnh báo tắc mạch máu ngoại biên. Với tình trạng này người dân nên đến cơ sở y tế có thể siêu âm doppler mạch máu và chụp CT để phát hiện, điều trị kịp thời.

Suy thận: Cục máu đông trong thận có thể gây ra tổn thương và biến chứng cuối cùng là suy thận. Chất lỏng và chất thải có thể tích tụ gây ra một số biến chứng khác bao gồm huyết áp cao.

Biến chứng khi mang thai: Các cục máu đông hình thành trong thai kỳ thường xảy ra ở các tĩnh mạch của xương chậu hoặc chi dưới. Điều này gây nguy cơ thuyên tắc phổi (PE) và các biến chứng kèm theo cũng như sinh non thứ phát, sẩy thai và tử vong ở mẹ.

V. Chẩn đoán cục máu đông

Việc chẩn đoán cục máu đông chỉ bằng các triệu chứng là rất khó, vì đa số thường không có triệu chứng sớm. Đó là lý do tại sao bạn nên gọi ngay cho bác sĩ nếu nghi ngờ mình có thể mắc phải và xuất hiện các dấu hiệu sau:

  • Khó thở đột ngột
  • Khó nói
  • Tức ngực

Bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân chính xác. Trong nhiều trường hợp cần siêu âm không xâm lấn để giúp hiển thị hình ảnh tĩnh mạch hoặc động mạch của bạn, từ đó bác sĩ sẽ có hướng chẩn đoán đúng nhất.

VI. Điều trị cục máu đông

Nếu bạn nghi ngờ mình có cục máu đông, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ hoặc dịch vụ cấp cứu địa phương để được điều trị.

Bác sĩ có thể sử dụng thuốc làm loãng máu (hay thuốc chống đông máu) để điều trị nhiều loại cục máu đông khác nhau.

thuốc chống đông máu để điều trị cục máu đôngBác sĩ có thể kê đơn thuốc chống đông máu để điều trị cục máu đông

Nếu cục máu đông xuất hiện ở tim gây đau tim, có thể được dùng thuốc làm tan huyết khối.

Một số người bị Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) và Thuyên tắc phổi (PE) có thể đặt một bộ lọc bên trong tĩnh mạch để ngăn không cho các cục máu đông di chuyển đến phổi.

Còn trường hợp loại bỏ cục máu đông cơ học bằng kỹ thuật DSA, có thể được thực hiện trong trường hợp đột quỵ, thuyên tắc mạch ngoại biên.

VII. Phòng ngừa cục máu đông

Cục máu đông có thể được điều trị bằng thuốc làm loãng máu. Nhưng tốt hơn hết bạn nên chủ động phòng ngừa việc hình thành cục máu đông, vì các biến chứng có thể nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong nếu không được chẩn đoán sớm.

Cụ thể, bạn nên thực hiện những việc làm sau đây:

  • Giảm cân nếu bạn bị béo phì. Những người thừa cân có nhiều nguy cơ bị mảng bám trong động mạch dẫn đến cục máu đông.
  • Bỏ thuốc lá, bởi chất hóa học trong thuốc lá sẽ làm hỏng các mạch máu và khiến các tiểu cầu dễ kết tụ với nhau hơn.
  • Nói với bác sĩ về tiền sử gia đình

Điều quan trọng là phải điều trị và làm theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm các yếu tố nguy cơ.

Bên cạnh đó, hãy áp dụng một chế độ ăn uống với nhiều thực phẩm giàu omega-3, trái cây và rau quả và thực phẩm giàu vitamin. Uống thật nhiều nước, vì thiếu nước khiến máu của bạn đặc hơn.

Hoạt động thể chất bằng cách thường xuyên đứng dậy và đi lại nếu bạn ngồi lâu trên bàn làm việc hoặc nếu bạn thường xuyên di chuyển bằng tàu xe, máy bay... Việc duy trì hoạt động sẽ ngăn máu đọng lại ở chân và hình thành cục máu đông.

Nếu phát hiện bất kỳ yếu tố nào có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông thì hãy nói chuyện ngay với bác sĩ để có chiến lược giảm nguy cơ cho bạn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X