Cứ 10 người phụ nữ sẽ có 4 người bị sa tạng chậu
Nhiều chị em phụ nữ bị sa tạng chậu mang tâm lý e ngại việc thăm khám. ThS.BS Huỳnh Đoàn Phương Mai, khoa Niệu nữ - Niệu chức năng, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) cho biết, bệnh lý này cần được can thiệp điều trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm về sau.
1. Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh sa tạng chậu trên thế giới là 40%
- Có lẽ sang tạng chậu là khái niệm khá ít người biết đến, đây là bệnh như thế nào? Nhờ BS chia sẻ ạ.
ThS.BS Huỳnh Đoàn Phương Mai trả lời: Sa tạng chậu là một bệnh lý thường gặp nhưng chúng ta chưa có nhận biết đúng đắn về nó.
Một nghiên cứu năm 2019 thống kê cho thấy tỷ lệ mắc bệnh sa tạng chậu trên thế giới khoảng 40%, cứ 10 người phụ nữ thì có 4 người mắc sa tạng chậu.
Tuy nhiên, chị em phụ nữ thường không nhận ra bản thân mắc bệnh. Khi sa ở mức độ nhẹ hay trung bình, tạng sa còn nằm trong màng trinh bên trong âm đạo nên khó nhận ra. Hoặc người phụ nữ cảm nhận có khối sa nhưng nghĩ nó không ảnh hưởng đến sức khỏe nên bỏ qua không đi khám
2. Sa tạng chậu không chỉ là sa tử cung
- Thường thì bệnh này sẽ có những loại như thế nào ạ?
ThS.BS Huỳnh Đoàn Phương Mai trả lời: Sa tạng chậu xảy ra khi hệ thống cơ nâng đáy chậu bị suy yếu, tạng trong vùng chậu trượt ra ngoài, qua ngã âm đạo. Chúng ta sẽ thấy khối phồng ra, lồi ra từ trong âm đạo.
Trước đây, người ta nghĩ bên trong âm đạo chỉ có tử cung, nên chỉ có sa tử cung. Suy nghĩ này hoàn toàn không đúng, trong khối tạng sa này chứa được tất cả những cơ quan trong ổ bụng vùng chậu.
Ngoài tử cung còn có bàng quang, niệu quản, ruột non, màng treo ruột, đại tràng. Những cơ quan này đều có thể sa ra ngoài qua âm đạo, tạo nên bệnh lý sa tạng chậu. Tùy theo loại tạng sa mà có thể chẩn đoán sa tạng chậu khác nhau.
3. Bệnh nhân trẻ tuổi có mức độ cấp tính cao hơn
- Với những thể khác nhau như vậy, xin hỏi BS loại và tình trạng nào có khả năng đưa đến tình trạng cấp tính cho người bệnh ạ?
ThS.BS Huỳnh Đoàn Phương Mai trả lời: Khối tạng sa thường tiến triển âm thầm, ít gây ra những triệu chứng nên các cô, các bà sẽ bỏ qua.
Đối với người bệnh trẻ hơn, mức độ cấp tính cao hơn, các chị em phụ nữ có triệu chứng rối loạn trong việc đi tiểu: khó chịu, tiểu lắt nhắt, tiểu khó, tiểu mất kiểm soát hoặc gặp khó khăn khi giao hợp.
Ở người lớn tuổi, triệu chứng cấp tính thúc đẩy đi khám là khi sa tạng chậu gây ra tình trạng viêm loét âm đạo.
Những tạng bên trong cơ thể có một sự dưỡng ẩm tự nhiên, khi sa ra ngoài cọ sát với quần áo bị trầy xước và viêm loét, đau.
Một vấn đề sa tạng chậu nguy hiểm có thể để lại di chứng lâu dài là tình trạng bế tắc nước tiểu cũng như khối sa chứa cả niệu quản, kéo chùng xuống làm cho thận ứ nước, lâu ngày dẫn đến tình trạng suy thận.
4. Hạn chế nguy cơ sa tạng chậu khi mang thai và sinh nở
- Nguyên nhân thường gặp nhất có thể nói là mang thai và sinh nở. Vậy làm sao để chúng ta hạn chế những nguy cơ này ạ?
ThS.BS Huỳnh Đoàn Phương Mai trả lời: Mang thai và sinh nở là một yếu tố nguy cơ gây ra bệnh cảnh sa tạng chậu.
Để giảm thiểu yếu tố nguy cơ này, trong quá trình mang thai, chị em sẽ lưu ý kiểm soát cân nặng. Cân nặng trong thai kỳ tăng nhanh đột biến hoặc thai nhi quá cân không chỉ gây ra tai biến cho phụ nữ trong quá trình sinh đẻ, ảnh hưởng sức khỏe của trẻ sơ sinh mà còn làm cho sàn chậu có nguy cơ suy yếu nhiều hơn.
Thứ hai, trong quá trình mang thai, thành đáy chậu sẽ yếu vì phải chịu một áp lực lớn trong thai kỳ cũng như quá trình chuyển dạ.
Vì thế, chị em phụ nữ phải lưu ý trong giai đoạn hậu sản, là giai đoạn cơ thể người phụ nữ đang trong quá trình hồi phục. Theo cơ thế tự nhiên, phụ nữ sau sinh sẽ có một sự hồi phục kéo dài khoảng 6 tuần cho đến 6 tháng, tùy cơ thể mỗi người.
Trong giai đoạn đó, phụ nữ sẽ tránh vận động mạnh quá sớm, khiêng vác đồ nặng, những việc làm này sẽ khiến cho vùng sàn chậu suy yếu hơn, khó có thể hồi phục. Chúng ta lưu ý chế độ dinh dưỡng ăn nhiều đạm, nhiều chất, tránh kiêng khem quá mức, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước và trái cây. Khi bị táo bón, chúng ta rặn nhiều cũng làm vùng sàn chậu suy yếu nhiều hơn, không hồi phục được.
Đồng thời, chị em phải ngồi có ghế, tránh ngồi xổm vì điều này làm vùng chậu giãn ra.
Cùng với đó, tránh tình trạng ho kéo dài, vì khi ho sẽ có một áp lực rất lớn tác động lên vùng chậu làm vùng chậu chị em suy yếu hơn.
Điều cuối cùng, chị em hãy cố gắng tập những bài tập tăng sức mạnh của cơ sàn chậu sớm hơn, giúp cho việc hồi phục sàn chậu tốt hơn, ngăn được tình trạng sa tạng chậu sau sinh.
5. Sinh thường không làm tình trạng sa tạng chậu nặng hơn
- Sa tạng chậu sau sinh thường và sinh mổ có khác nhau hay không thưa BS?
ThS.BS Huỳnh Đoàn Phương Mai trả lời: Nhiều chị em ngại sinh thường vì nghĩ rằng sinh thường làm cho vùng sàn chậu suy yếu hơn, điều này không đúng về y khoa.
Người ta nghiên cứu, sinh thường hoặc sinh mổ không có sự khác biệt, không có ý nghĩa ảnh hưởng lên sự suy yếu của cơ sàn chậu. Cơ sàn chậu đã suy yếu trong quá trình mang thai.
Cơ thể của người phụ nữ vốn có sự chuẩn bị cơ sàn chậu phải giãn rộng để chào đón em bé ra đời.
Thứ hai, sau khi sinh nở, chúng ta luôn có sự hồi phục tự nhiên. Vì thế, những người có khiếm khuyết như suy yếu gen, làm ảnh hưởng đến chất lượng cơ, chất lượng mô collagen mới là yếu tố quyết định người phụ nữ bị sa tạng chậu chứ không phải yếu tố sinh thường hay sinh mổ.
Bên cạnh yếu tố do vấn đề gen, vấn đề collagen thì hồi phục sau sinh cũng ảnh hưởng rất nhiều đến nguy cơ bị sa tạng chậu.
6. Những dấu hiệu nhận biết sớm sa tạng chậu
- Chúng ta sẽ có những dấu hiệu nhận biết nào để chị em phụ nữ sớm nhận biết mình có nguy cơ bị sa tạng chậu thưa BS?
ThS.BS Huỳnh Đoàn Phương Mai trả lời: Dấu hiệu chị em có thể nhận thấy là một khối phồng ra, lồi ra ngoài âm đạo. Ban đầu, dấu hiệu sẽ tăng khi chúng ta rặn, đi lại nhiều hoặc khi bắt đầu nặng hơn thì nó sẽ tự co rút lên.
Lâu dần, khối sa sẽ hằng định ở khu vực đó. Tuy nhiên, âm đạo có giới hạn bởi màng trinh, chúng ta chỉ có thể quan sát khối sa khi đã sa ra ngoài màng trinh rồi.
Có những khối sa nhỏ ở mức độ nhẹ như giai đoạn 1, giai đoạn 2 còn ở bên trong màng trinh, khó nhận biết được, chỉ phát hiện qua thăm khám lâm sàng, khám âm đạo.
Những dấu hiệu sớm của sa tạng chậu bao gồm rối loạn đi tiểu, rối loạn đi cầu, rối loạn trong chuyện chăn gối vợ chồng (cảm thấy âm đạo mở rộng và khó đạt cực khoái).
Khi có dấu hiệu trên, nên thăm khám bác sĩ để có thể phát hiện giai đoạn sớm.
7. Không điều trị sa tạng chậu có thể gây suy thận
- Nếu như bệnh không được điều trị kịp thời thì rắc rối trong sức khỏe người bệnh gặp phải là gì thưa BS?
ThS.BS Huỳnh Đoàn Phương Mai trả lời: Tạng sa sẽ càng ngày càng tiến triển nếu không can thiệp kịp thời.
Cơ của chúng ta sẽ suy yếu dần theo thời gian, estrogen của người phụ nữ sẽ suy giảm nên chất lượng mô sẽ suy yếu dần. Thế nên, nếu các chị em không điều trị trong giai đoạn sớm, bệnh lý sẽ ngày càng diễn tiến dẫn đến tình trạng viêm loét âm đạo, rối loạn đi tiểu khó điều trị triệt để, nặng nề nhất và để lại biến chứng lâu dài là suy thận.
8. Phụ nữ chưa từng quan hệ vẫn có thể bị sa tạng chậu
- Với nam giới hoặc phụ nữ quyết định cả đời không sinh em bé thì nguy cơ gặp tình trạng sa tạng chậu sẽ là 0% hay như thế nào ạ?
ThS.BS Huỳnh Đoàn Phương Mai trả lời: Sa tạng chậu chỉ xảy ra ở phụ nữ. Chúng ta nghĩ chỉ những người đã sinh nở mới bị sa tạng chậu còn người không sinh nở không bị có nguy cơ, điều này hoàn toàn không chính xác.
Trong quá trình thăm khám, tôi đã gặp rất nhiều trường hợp phụ nữ chưa từng lập gia đình, chưa từng quan hệ vẫn bị sa tạng chậu. Điều này trên y khoa có thể xảy ra.
Vì vậy, các các chị em trong hoàn cảnh trên hãy bình tĩnh, cởi mở với triệu chứng của bệnh, đến gặp bác sĩ để bác sĩ giải quyết, đừng ngại hay mặc cảm. Định kiến xã hội nói những người đã từng sinh nở mới bị sa tạng chậu là không chính xác trong y khoa.
Bản chất sa tạng chậu là do sự suy yếu của hệ thống cân cơ đáy chậu. Quá trình mang thai cũng như sinh nở chỉ là một trong những yếu tố nguy cơ, còn yếu tố nguy cơ khác như sự tăng áp lực quá mức và kéo dài lên cơ chậu, suy yếu hệ thống collagen, hệ thống cơ mang tính chất bẩm sinh.
Những người phụ nữ không sinh đẻ khi lớn tuổi vẫn có nguy cơ sa tạng chậu.
8. Bị sa tạng chậu không nhất thiết phải điều trị bằng phẫu thuật
- Có phải tất cả trường hợp đều cần phải áp dụng phẫu thuật hay không thưa BS?
ThS.BS Huỳnh Đoàn Phương Mai trả lời: Cốt lõi của tình trạng bệnh lý sa tạng chậu là yếu hệ thống nâng đỡ vùng đáy chậu.
Ngày trước, chúng ta cứ nghĩ sa tạng chậu, sa tử cung bị lồi ra thì cắt bỏ. Hiện tại y khoa đã chứng minh quan điểm này không đúng.
Cắt bỏ phần tử cung sa ra ngoài không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Khi cắt bỏ tử cung mà không phục hồi sàn chậu, sàn chậu vẫn suy yếu.
Thứ hai, tùy mức độ suy yếu của cơ sàn chậu để quyết định phẫu thuật.
Với mức độ nhẹ hoặc hơn mức độ trung bình, có rất nhiều phương pháp giúp cơ sàn chậu khỏe lại. Khi cơ sàn chậu săn chắc, chúng ta không cần phải phẫu thuật.
Phương pháp hiện tại của y khoa bao gồm tập cơ sàn chậu, sử dụng thuốc nội tiết giúp cơ sàn chậu được săn chắc hơn. Phương pháp mới nhất của bệnh viện Bình Dân đang áp dụng điều trị cho các chị em phụ nữ là dùng laser làm săn chắc cơ sàn chậu.
Hệ thống laser erbium YAG giúp tăng sinh mô collagen cũng như làm săn chắc vùng sàn chậu một cách tự nhiên, không xâm lấn, không bóc tách cũng như không gây chảy máu, hạn chế được những biến chứng của quá trình phẫu thuật gây ra.
Khi chúng ta đến giai đoạn nặng, phải tiến hành phẫu thuật. Thường các bác sĩ sử dụng những mảnh ghép nhân tạo để phục hồi lại sàn chậu bị tổn thương. Nếu không sử dụng mạnh ghép, phương pháp phẫu thuật không mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, nếu sử dụng mảnh ghép thì sẽ xảy ra một số vấn đề tai biến, biến chứng có thể gặp khi sử dụng mảnh ghép.
Lời khuyên của tôi là khi có triệu chứng bất thường về vùng sàn chậu, đáy chậu thì nên đi khám bệnh sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ phải phẫu thuật về sau.
9. Cơ chế bệnh sinh thoát vị bẹn, thoát vị rốn và sa tạng chậu là giống nhau
- Với những em bé bị thoát vị bẹn hoặc thoát vị rốn thì nguy cơ sau này lớn lên có tỷ lệ gia tăng bị sa tạng chậu không ạ?
ThS.BS Huỳnh Đoàn Phương Mai trả lời: Cơ chế bệnh sinh của thoát vị bẹn, thoát vị rốn và sa tạng đáy chậu giống nhau, đều suy yếu hệ thống mô collagen và dây chằng.
Tạng sẽ chui qua vùng thành bụng bị suy yếu nhất. Nếu ngay vùng rốn quá yếu, tạng trượt qua vùng rốn, vùng bẹn yếu thì qua vùng bẹn, đỉnh âm đạo yếu thì chui ở vị trí này.
Những người có bệnh lý thoát vị bẹn, thoát vị rốn có nguy cơ sau này có thể tiến triển thành sa tạng chậu. Và ngược lại, chị em phụ nữ bị sa tạng chậu có nguy cơ thoát vị bẹn, thoát vị rốn cao hơn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình