Hotline 24/7
08983-08983

Công dụng và liều dùng của diệp hạ châu

Diệp hạ châu là cây thuốc quen thuộc với công dụng hỗ trợ điều trị bệnh gan, bảo vệ tim mạch, hạ acid uric máu... Thảo dược này còn có nhiều tên gọi: chó đẻ răng cưa, diệp hòe thái, lão nha châu...

alobacsi cay diep ha chau BS Doan Quang Nguyen

I. Tổng quan về cây diệp hạ châu

Tên thường gọi: Diệp hạ châu

Tên gọi khác: cỏ chó đẻ răng cưa, diệp hòe thái, lão nha châu, răng cưa, cam kiểm, rút đất, prak phle (Campuchia).

Tên khoa học: Phyllanthus urinaria L. (Phyllanthus cantoniensis Homem.).

Phân họ: Thầu dầu Euphorbiaceae.

1. Nhận biết cây diệp hạ châu

Cây diệp hạ châu thường dùng nhiều nhất là loài diệp hạ châu thân đỏ, là một loại cây thân thảo mọc hằng năm, cao chừng 20-30cm, thân gần như nhẵn, mọc thẳng đứng, mang cành, thường có màu đỏ. Lá mọc so le, trông như lá kép lông chim, xếp thành 2 dây sít nhau, phiến lá thuôn, dài 5-15mm, rộng 2-5mm, đáy nhọn hay hơi tù, hình trái xoan ngược hoặc bầu dục, mép nguyên nhưng như hơi có răng cưa rất nhỏ, mặt dưới màu lơ xanh, không cuống hay có cuống rất ngắn. Hoa mọc ở kẽ lá, nhỏ, màu đỏ nâu, đơn tính, hoa đực ở ngọn cành, hoa cái đơn độc ở gốc cành. Hoa không cuống, hoặc có cuống rất ngắn. Đường kính quả nang có thể đạt tới 2mm, có gai nhỏ, chứa 6 hạt hình tam giác mà nâu nhạt, treo lủng lẳng dưới lá, do đó có tên: diệp = lá, hạ = dưới, châu = hạt, nghĩa là “hạt dưới mặt lá”.

Công dụng và liều dùng của diệp hạ châuCây diệp hạ châu rất dễ nhận biết với hàng quả nằm dưới lá

Loài diệp hạ châu được mô tả bên trên là loài được nghiên cứu nhiều nhất và ứng dụng nhiều nhất. Tuy nhiên cũng có một số loài diệp hạ châu cùng họ Thầu dầu, cấu trúc khá giống loài trên, nhưng hiếm khi được nhắc đến trong các y văn cổ truyền, cũng như trong nghiên cứu hiện đại. Các loài này bao gồm:

+ Diệp hạ châu hoa đỏ (ít dùng): thân to hơn, lá to, dày và dai hơn

+ Diệp hạ châu thân xanh (tên khoa học là Phyllanthus amarus Schum et Thonn., còn gọi là diệp hạ châu đắng, cũng là loài thường dùng, xếp sau loài thân đỏ): thân màu xanh, quả màu xanh, thân cao hơn.

+ Diệp hạ châu dáng đẹp (ít dùng): cây nhỏ dạng bụi hoặc cây gỗ nhỏ, nhánh hình trụ phủ lông ngắn, phiến lá một bên rộng một bên hẹp

2. Thành phần dược chất của diệp hạ châu

Trong cây có các acid, triterpen, vài alcaloid và các dẫn xuất phenol. Người ta tríchđược từ lá diệp hạ châu acid ellagic, acid gallic, acid phenolic.

Trong toàn cây loài diệp hạ châu có Phyllanthin C14H17O2N, Phyllantin C13H15O3N, Phyllathin C24H34O6, hypophyllanthin C24H30O7, Niranthin C24H32O7, Nirtetralin C24H30O7, Phylteralin C24H34O6 và Phyllatidin C13H34O2N. Ngoài ra còn có các nhómRutin, Lignans, Flavonoids, Tannins, Phenolics, Terpenoids, ascorbic geraniinic…

3. Phân bố, thu hái và chế biến diệp hạ châu

Sinh thái: Mọc ở các bãi cỏ, ruộng vườn, đất hoang từ vùng thấp đến vùng cao 500m. Mùa hoa quả tháng 4-10.

Diệp hạ châu mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta cũng như ở khắp các nước vùng nhiệt đới.

Người ta dùng toàn cây hái về làm thuốc. Mùa hái quanh năm nhưng tốt nhất là mùa hạ.

Bộ phận dùng: Toàn cây. Thu hái toàn cây vào mùa hè thu, rửa sạch, thái ngắn, dùng tươi hoặc phơi héo, bó lại phơi trong râm để dùng.

Bài thuốc từ Diệp Hạ ChâuCây diệp hạ châu có thể được trồng hoặc mọc dại ở nhiều nơi

II. Công dụng của diệp hạ châu

1. Công dụng của diệp hạ châu theo đông y cổ truyền

Diệp hạ châu có vị ngọt hơi đắng, tính mát, quy kinh Phế, Thận. Tác dụng lợi tiểu, tiêu độc, sát trùng, tán ứ, thông huyết, điều kinh, thanh can, sáng mắt, thu liễm và hạ nhiệt.

Diệp hạ châu được ứng dụng từ xưa đến nay ở rất nhiều khu vực trên thế giới: Trung Á, Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á, Châu Phi và Nam Mỹ. Nhân dân ta và các dân tộc trên thế giới rất hay dùng cây diệp hạ châu làm thuốc, giã nát với muối chữa đinh râu, mụn nhọt, đau yết hầu, viêm cổ họng.

Diệp hạ châu còn có tác dụng chữa sốt, đau mắt, rắn cắn, sản hậu ứ huyết, trẻ em tưa lưỡi, chàm má. Cây diệp hạ châu cònđược dùng làm thuốc thông tiểu tiện, hoặc làm thuốc thông sữa. Cây tươi còn có thể giã nát đắp chữa các đầu khớp sưng đau.

Khi phối hợp diệp hạ châu với hạt tiêu đen theo tỉ lệ 1:1 trong viên uống có thể chữa sốt rét.

Dịch chiết từ thân và lá của loài cây này còn chữa viêm phế quản và hen suyễn.

Thuốc sắc của toàn cây có thể chữa sỏi thận.

2. Công dụng của diệp hạ châu theo đông y hiện đại

Các tác dụng đã nghiên cứu

+ Bảo vệ gan, giảm mức độ xơ hóa gan, điều trị gan nhiễm mỡ.

+ Lợi tiểu

+ Chống oxy hóa và bảo vệ tim mạch: Tác dụng này hình thành thông qua việc khử các gốc tự do nhờ vào thành phần phenolic của nó, ức chế Xanthin Oxidase, ức chế peroxy hóa lipid, tăng hoạt động của catalase/ superoxide effutase, tăng tổng nồng độ glutathione… Các tác động này hứa hẹn một lộ trình trị liệu mới cho các bệnh nhân có biến chứng tim mạch.

+ Ức chế DNA polymerase ở virus viêm gan B và virus viêm gan khác. Hồi phục các tế bào gan bị thoái hóa.

+ Giúp hạ acid uric máu nhờ vào thành phần phyllanthin, hypophyllanthin và nirathin. Tác dụng này biểu hiện rõ nhất khi phối nợp cùng với nghệ, trung bình làm giảm đến 58% acid uric máu sau 7 ngày sử dụng.

+ Kháng khuẩn: đối với vi khuẩn gram âm gây bệnh lỵ và tiêu chảy nhiễm trùng. Đặc biệt hơn, diệp hạ châu kháng được H. pylori, đây là dòng vi khuẩn gây ra viêm loét dạ dày tá tràng hiện đang đề kháng nhiều dòng kháng sinh. Diệp hạ châu cũng được đánh giá là có khả năng kháng sốt rét mạnh đối với chủng P. falciparum.

+ Chống virus: Diệp hạ châu có khả năng kháng lại các dòng virus sau: Enterovirus 71, coxsackie virus A16, simplex virus type 1 và type 2. (Enterovirus 71 và coxsackie virus A16 là 2 dòng virus gây ra bệnh tay chân miệng, biểu hiện của bệnh là sốt, xuất hiện mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở bên trong miệng. Simplex virus type 1 và type 2 là 2 dòng virus gây ra các bệnh lở loét vùng sinh dục, miệng, và một số vùng niêm mạc khác).

+ Chống ung thư: ức chế khối u, chống lại sự tăng sinh nguyên hồng cầu. Diệp hạ châu còn là loại thảo dược có tiềm năng lớn trong việc ức chế tăng trưởng các loại ung thư khác nhau bao gồm phổi, vú, đại tràng, gan, tuyến tiền liệt, da, xương, ung thư bạch cầu dòng tủy và ung thư biểu mô buồng trứng. Ngoài ra diệp hạ châu còn ức chế sự di căn của các loại ung thư như vú (dòng tế bào MCF-7), phổi (dòng tế bào A549, Lewis, LLC).

+ Chống HIV là tác dụng đã nghiên cứu không chỉ trên thực nghiệm mà cả trên lâm sàng.

+ Chống lại đái tháo đường type 2: Diệp hạ châu là một điều trị thay thế cho bệnh nhân đái tháo đường với tác dụng làm hạ đường huyết và ức chế α-glucosidase (một loại enzym phân cắt tinh bột thành đường glucose làm tăng mức đường huyết của cơ thể). Đây là tác dụng đang được các bác sĩ chuyên khoa nội tiết y học cổ truyền quan tâm vì thảo dược này không gây độc tính lên gan, thận và hệ tiêu hóa nếu dùng đúng cách.

+ Chống dị ứng

+ Hoạt tính chống huyết khối thông qua ức chế kết dính tiểu cầu-bạch cầu trung tính.

+ Các tác dụng khác: tắc sữa, kinh bế, mọc nhọt lở ngứa ngoài da…

+ Người ta cũng đã nhận thấy rõ tác dụng diệt khuẩn và diệt nấm rõ rệt của acid phenlic và flavonoid trong diệp hạ châu.

Các tác dụng của diệp hạ châu dùng theo kinh nghiệm

+ Diệp hạ châu dùng để chữa viêm thận phù thũng, viêm niệu đạo, sỏi niệu đạo, viêm ruột, lỵ, viêm kết mạc, viêm gan, trẻ em cam tích, suy dinh dưỡng (Trung Quốc).

+ Tác dụng lợi tiểu của diệp hạ châu được ứng dụng chữa triệu chứng phù (dùng toàn cây).

+ Đối với trẻ em, rễ cây diệp hạ châu có thể điều trị mất ngủ, toàn cây non có thể dùng làm thuốc ho.

+ Ngoài ra diệp hạ châu còn dùng trong điều trị viêm dạ dày, hạ đường huyết, hạ huyết áp, trĩ, giang mai, viêm âm đạo và một số bệnh da liễu.

Cách dùng, liều dùng của diệp hạ châu

Liều dùng:

Dùng đường uống thì uống 20-40g cây tươi, sao khô sắc đặc mà uống. Liều dùng khô khoảng 8-16g.

Dùng ngoài da không có liều lượng.

III. Cách sử dụng diệp hạ châu

1. Một số bài thuốc sử dụng diệp hạ châu đã nghiên cứu

+ Diệp hạ châu - Râu mèo: Đây là hai vị thuốc có tác dụng tương tu với nhau trong việc hạ acid uric máu (liều dùng tùy vào nhận định của thầy thuốc).

+ Diệp hạ châu - Nghệ: Kết hợp này cũng giúp hạ acid uric máu hiệu quả (liều dùng tùy vào nhận định của thầy thuốc).

+ Bài thuốc điều trị viêm gan siêu vi B thứ nhất: Diệp hạ châu - Xuyên tâm liên - Bồ công anh - Cỏ mực theo tỉ lệ 4:1:1:1 sắc uống.

Theo y học cổ truyền, bài thuốc dựa trên đặc tínhthanh nhiệt lợi thấp của diệp hạ châu, thanh nhiệt - giải độc - lợi mật của xuyên tâm liên, thanh nhiệt - giải độc của cỏ mực và bồ công anh.

Theo dược lý y học hiện đại, bài thuốc dựa trên tác dụng kháng HBV của diệp hạ châu kết hợp tác dụng kháng viêm, giải độc của xuyên tâm liên, cỏ mực, và bồ công anh. Bài thuốc cũng làm tăng hiệu quả điều trị của Lamivudine đã minh chứng lâm sàng.

+ Bài thuốc điều trị viêm gan siêu vi B thứ hai: Diệp hạ châu - Linh chi - Nghệ - Sâm đại hành - Đậu xanh theo tỉ lệ 6:4:4:3:3 về liều lượng, giúp bảo vệ gan, hạ men gan và diệt trừ virus viêm gan B đã qua minh chứng lâm sàng.

+ Diệp hạ châu dùng đơn độc dạng sắc hay dạng viên cũng có thể làm sạch HBsAg so với giả dược, tác dụng làm sạch HBsAg, HBeAg, HBV DNA và bình thường hóa men gan tốt hơn các điều trị không đặc hiệu.

2. Một số bài thuốc cổ truyền

+ Chữa nhọt độc, sưng đau: dùng diệp hạ châu tươi với một ít muối, giã nhỏ, chế nước chín vào, vắt lấy nước cốt uống, dùng bã đắp vào chỗ đau.

+ Chữa bị thương, vết đứt chảy máu: diệp hạ châu thêm chút vôi, giã nhỏ, đắp vào vết thương.

+ Chữa bị thương ứ máu: dùng lá cành diệp hạ châu và cây mần tưới, mỗi thứ một nắm, giã nhỏ chế nước đồng tiện vào, vắt lấy nước uống, bã thì đắp. Hoặc thêm bột đại hoàng 8-12g càng tốt.

+ Chữa mắt đau sưng đỏ, viêm gan vàng da, viêm thận tiểu đỏ, hoặc kiết lỵ: Diệp hạ châu 40g, mã đề 20g, dành dành 12g sắc uống.

+ Chữa lở loét, thối thịt không lành miệng vết thương: lá diệp hạ châu và lá thồm lồm liều bằng nhau, 1 nụ đinh hương, giã nhỏ đắp lên vết loét.

+ Trẻ em tưa lưỡi: bôi lên lưỡi bằng nước cốt của cây diệp hạ châu tươi.

3. Đối với phụ nữ mang thai và trẻ em

Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú

Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý của diệp hạ châu trên đối tượng phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho phụ nữ mang thai vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này đối với thai kỳ. Sản phụ không nên tự ý dùng thảo dược này khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.

Đối với trẻ nhũ nhi

Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý của diệp hạ châu trên đối tượng trẻ nhũ nhi. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho trẻ nhũ nhi vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này trên trẻ nhũ nhi, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc có chuyên môn về lĩnh vực này trước khi dùng.

IV. Tác dụng phụ - Thận trọng - Tương tác thuốc của diệp hạ châu

1. Tác dụng phụ của diệp hạ châu

Cho đến nay, các nghiên cứu về diệp hạ châu cho thấy vài tác dụng phụ như:

+ Gây chuột rút trong thời gian sử dụng thuốc. Để loại bỏ tác dụng phụ này chỉ cần giảm 1/2 liều điều trị.

+ Gây buồn nôn, chán ăn (42% số người dùng) xuất hiện trong khoảng 20-40 ngày dùng.

+ Đau dạ dày (4% số người dùng)

2. Tương tác thuốc với diệp hạ châu

Các nhà khoa học cũng chưa nhận thấy bất kỳ sự tương tác nào của diệp hạ châu với các thuốc khác. Và liều LD50 của diệp hạ châu là 5g/kg thể trọng, vì vậy có thể sử dụng diệp hạ châu trong thời gian dài để khôi phục sự bình thường của chức năng gan và giải độc cơ thể.

Diệp hạ châu dùng liên tục trong vòng 6 tháng không làm ảnh hưởng đến số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, không ảnh hưởng đến chức năng thận và đường huyết, không có hiện tượng tăng các loại men gan AST, GGT, ALT.

V. Bảo quản diệp hạ châu

Cần làm khô thảo dược bằng máy sấy hoặc ánh nắng mặt trời, sau đó cho vào hủ thủy tinh, đậy kín. Có thể cho vào một viên vôi sống để hút ẩm.

Nếu bạn không phải là thầy thuốc thì không nên lưu trữ thuốc tại nhà quá 10 ngày. Nếu bạn buộc phải lưu trữ thảo dược tại nhà lâu hơn, cần kiểm tra chúng hàng tuần, nếu phát hiện mối mọt, ẩm mốc, biến đổi màu sắc, mùi vị thì cần loại bỏ ngay.

BS Đoàn Quang Nguyên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X