Có thể bắt bệnh qua tiếng ho của trẻ được không?
Ho là triệu chứng phổ biến mà trẻ có thể gặp ở bất kỳ độ nào. Cha mẹ có thể nghe thấy tiếng ho khan, nhưng cũng có lúc kèm theo đờm. Vậy đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì? Liệu có thể dựa vào tiếng ho để bắt bệnh cho con? Thắc mắc này sẽ được Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 giải đáp trong bài viết dưới đây.
1. Bác sĩ chia sẻ: Trẻ bị ho bắt đầu từ nguyên nhân nào?
Thời tiết bắt đầu chuyển lạnh trẻ rất dễ bị ho, khiến các ông bố bà mẹ lo lắng đến nỗi phải thay phiên nhau nghỉ làm để ở nhà chăm sóc con, vừa mất thời gian, công sức lại tốn kém tiền bạc đưa con đi khám bệnh, mua thuốc. Trong tình huống này câu hỏi thường được các bậc cha mẹ đặt ra là liệu có phải mùa đông bé mặc đồ phong phanh hoặc ăn đồ lạnh mới gây ho?
Tuy nhiên, nguyên nhân gây ho ở đây có thể do tác động trực tiếp hoặc gián tiếp. Trực tiếp chẳng hạn như không khí lạnh, không khí hanh khô gây kích thích các điểm cảm thụ ho dẫn đến hiện tượng ho ở trẻ.
Gián tiếp là do trẻ bị nhiễm lạnh làm cho sức đề kháng suy giảm và như thế đã tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh, đặc biệt là các loại virus xâm nhập vào cơ thể.
Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể, giúp tống những chất bất lợi hoặc tác nhân gây bệnh cho cơ thể. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, theo TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ: “Ho xảy ra khi có sự kích thích vào các điểm cảm thụ của cơ thể, gây phản xạ thần kinh dẫn truyền xung thần kinh về não bộ. Từ đó sẽ khởi phát 1 chuỗi phản xạ co thắt khác nhau của các cơ liên quan đến đường hô hấp và làm tống xuất một lượng khí lớn từ trong phổi ra ngoài. Khi có sự tống xuất như vậy sẽ tạo ra tiếng động gọi là ho.
Cảm thụ ho hiện diện rất nhiều nơi trong cơ thể, hàng đầu là ở đường hô hấp trên, chẳng hạn như vùng mũi, vùng họng, kể cả trong tai. Trong khi đường hô hấp bên dưới, đặc biệt là phổi thì điểm cảm thụ ho rất ít. Do đó nhiều trường hợp khi trẻ nhỏ mắc các bệnh đường hô hấp trên thường là những bệnh nhẹ thì lại ho rất nhiều.
Còn những trường hợp bệnh nặng, tức là liên quan đến đường hô hấp dưới như phổi,… nhiều khi rất ít ho hoặc thậm chí không ho ở trẻ nhỏ”.
2. Phân loại trường hợp bị ho ở trẻ
Ở điều kiện sinh lý bình thường, ho là một phản xạ sinh lý có tính bảo vệ cơ thể. Chính nhờ các phản xạ ho này, bằng sự thở ra rất mạnh giúp làm sạch đường thở, tống xuất đàm, dịch tiết hoặc vật lạ lọt vào đường hô hấp, giúp nhung mao hô hấp hoạt động tốt.
Có nhiều kiểu ho khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là ho khan và ho có đờm. Trẻ bị ho khan là ho không có đờm, thường gặp khi bị viêm họng, ngạt mũi hay hắt hơi, chảy nước mũi, không phải do viêm phổi hay viêm phế quản.
Trẻ bị ho có đờm, là khi trẻ ho thường tiết nhiều đờm loãng hoặc đặc. Đây có thể là một trong các triệu chứng của bệnh viêm xoang hay viêm phế quản. Cha mẹ có thể nhận thấy trẻ có đờm khi bé ho có cảm giác nặng ngực, mệt và hơi khó thở.
Nếu trẻ bị một trong hai kiểu ho này vào thời tiết lạnh, kèm theo sổ mũi, không sốt, và ăn ngủ tốt, chơi đùa tốt và không nôn trớ, đây là biểu hiện ho bình thường. Cha mẹ có thể chăm sóc bé tại nhà, thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể trẻ. Cho trẻ uống nhiều nước lọc và các loại nước trái cây, thuốc ho thảo dược. Thông thường, trẻ sẽ tự hết ho trong khoảng một tuần.
Cha mẹ nên theo dõi và lắng nghe những bất thường qua tiếng ho của trẻ. Nếu trẻ không đỡ sau một tuần hoặc có những bất thường đi kèm thì nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ có hướng xử trí thích hợp. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, TS.BS Trần Anh Tuấn cũng khuyến cáo, ranh giới giữa ho khan và ho có đờm rất mong manh. Trên thực tế, có nhiều bệnh giai đoạn đầu là ho khan sau đó chuyển sang ho có đờm. Ở trẻ nhỏ các bé lại không biết khạc đờm, vì vậy việc nhận biết trẻ ho có đờm cũng sẽ rất khó khăn.
Do đó, khi có dấu hiệu ho bất thường và dai dẳng, cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám. Ngoài việc thăm khám, hỏi bệnh sử chi tiết thì bác sĩ còn phải chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng như chụp X-quang… thì mới chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ho và có hướng xử trí phù hợp. Nếu cha mẹ chỉ phiến diện nghe tiếng ho của con mà đoán bệnh, tự ý dùng kháng sinh thì điều này hoàn toàn không chính xác.
“Hiện, chỉ có một trường hợp ngoại lệ là ho gà thì các bậc phụ huynh có thể đoán thông qua tiếng ho của con để biết bệnh. Ho gà sẽ có dấu hiệu ho kéo thành cơn dài, trong cơn bé sẽ bị đỏ mặt, thậm chí tím tái, đặc biệt kèm theo tiếng “ó ó” như tiếng gà kêu. Sau cơn ho thì bé sẽ ói nhớt hoặc sặc đờm” - TS.BS Trần Anh Tuấn khuyến cáo.
3. Bạn đọc hỏi - TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Nên làm gì khi trẻ bị ho?
Kiều Thị Cẩm Loan - camloan01…@gmail.com
Em chào bác sĩ, bé nhà em là con gái, cháu năm nay 4 tuổi rưỡi, rất hay bị ho có đờm hoài không khỏi hoặc khỏi rồi lại dễ bị tái phát. Bác sĩ cho hỏi nguyên nhân do đâu? Không biết như vậy thì có tiềm ẩn nguy hiểm gì không? Và điều trị ra sao ạ? Em cảm ơn.
TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời:
Chào bạn,
Đối với một em bé 4,5 tuổi mà ho có đờm kéo dài thì việc đầu tiên bạn phải nghĩ đến việc bé có khả năng bị mắc hen suyễn hay không. Bởi có một số trường hợp bệnh nhân hen suyễn thường biểu hiện bằng triệu chứng ho kéo dài, đặc biệt là ho về đêm tái đi tái lại nhiều lần.
Do đó để xác định chính xác hen suyễn ở trẻ vào độ tuổi như con bạn, ngoài việc thăm khám, hỏi bệnh sử, thì cần đo chức năng hô hấp. Nhưng kỹ thuật này cần có sự hợp tác của trẻ và cũng có phần tế nhị, do đó hiện nay đã có phương pháp mới để đo chức năng hô hấp cho bé từ 3 tuổi trở lên, đó là đo dao động xung ký.
Bên cạnh đó, vào thời điểm này thời tiết thay đổi, cha mẹ cũng cần lưu ý tới một số yếu tố bất lợi khiến trẻ tái phát cơn ho nhiều lần, chẳng hạn như môi trường nhà cửa không vệ sinh sạch sẽ, có nhiều bụi bặm, ẩm thấp thường xuyên hít phải khói thuốc lá thụ động; hoặc chính bản thân trẻ có bệnh kèm theo viêm mũi dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản, suy giảm miễn dịch, tật bẩm sinh đường thở hoặc cơ thể.
Ngô văn Hùng - TPHCM
Thưa bác sĩ, em tên Hùng ở TPHCM, là bố đơn thân nuôi con năm nay 6 tuổi rồi ạ. Con em dạo này rất hay bị ho, em đọc trên mạng thấy tự mua thuốc cho con đặc biệt là thuốc kháng sinh rất dễ nguy hiểm cho con, xin bác sĩ cho ý kiến về việc này? Và khi nào thì trẻ cần dùng thuốc ạ?
TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời:
Chào bạn,
Về quy định của dược phẩm cũng như ngành y người ta chia thuốc làm 2 nhóm chính, một là có thể sử dụng không cần kê toa, hai là phải có đơn kê toa của bác sĩ mới được phép mua và sử dụng.
Đa số các loại thuốc ho dành cho trẻ em trên thị trường đều thuộc nhóm thuốc có thể sử dụng không cần kê toa. Còn một số thuốc khác, đặc biệt là kháng sinh thì theo chỉ định của ngành y tế trên thế giới và tại Việt Nam cũng quy định chỉ được sử dụng và mua khi có sự kê toa của bác sĩ.
Vì thế, bạn Hùng và các bậc phụ huynh không nên tự ý mua các loại thuốc kháng sinh để điều trị ho cho trẻ. Trong trường hợp sử dụng thuốc ho phù hợp cho trẻ thuộc nhóm không kê toa, chẳng hạn như có nguồn gốc từ các thảo dược an toàn thì được phép sử dụng với 2 điều kiện sau:
● Trẻ không có dấu hiệu bệnh nặng hay triệu chứng nguy hiểm.
● Nếu dùng thuốc khoảng 1 tuần mà thấy tình trạng bé không thuyên giảm, hoặc dùng hết nhưng bệnh cứ tái đi tái lại (2-3 lần) thì nhất thiết phải đưa bé đi khám bệnh càng sớm càng tốt để được điều trị bệnh theo đúng nguyên nhân, và tránh nguy cơ bệnh kéo dài hay tái phát.
Các bậc phụ huynh nên giữ ấm cho trẻ, nhất là vào thời tiết giao mùa để giúp trẻ phòng tránh được các bệnh về đường hô hấp. Ảnh minh họa
Hà Kiều Trinh - nguyenkieutr…@gmail.com
Thân chào bác sĩ! Hiện nay, tôi thấy có xu hướng sử dụng các sản phẩm thảo dược trong điều trị ho ở trẻ nhỏ. Không biết nó có tốt hay không? Và nếu có thì nên lựa chọn sản phẩm như thế nào? Mong bác sĩ cho lời khuyên. Chân thành cảm ơn.
TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời:
Chào bạn,
Đây là một khuynh hướng về điều trị ho cho trẻ mà không chỉ Tổ chức Y tế Thế giới mà Tổ chức Y tế Việt Nam cũng khuyến cáo. Tốt nhất là sử dụng các loại thuốc ho có nguồn gốc từ thảo dược an toàn để điều trị cho trẻ.
Như chúng ta biết rằng trong dân gian có rất nhiều nguồn dược liệu khác nhau và được lưu truyền sử dụng từ hàng ngàn năm nay nên mức độ hiệu quả, tính an toàn đã được kiểm chứng phù hợp cho trẻ.
Còn nếu sử dụng các loại thuốc ho dược phẩm (hoặc gọi nôm na là chứa hóa chất) thì có thể xuất hiện tác dụng phụ, thậm chí gây độc tính đối với trẻ em.
Trong các bài thuốc ho dân gian như tần dày lá, tắc chưng đường phèn, hoa hồng bạch hấp đường phèn, nước trà ấm loãng pha mật ong,… bạn cũng có thể dùng để hỗ trợ điều trị ho cho con. Nhưng riêng mật ong thì nên dùng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì mới bảo đảm, không nên sử dụng mật ong rừng vì có khả năng xuất hiện bào tử nguy hiểm.
Ngày nay với xu hướng mở cửa quốc tế, chúng ta không chỉ hội nhập văn hóa, kinh tế, mà ngay cả y tế chúng ta cũng tiếp thu được nhiều bài thuốc dân gian lâu đời của các nước phương Tây.
Cụ thể là lá thường xuân, một loại thảo dược cho thấy sự an toàn, hiệu quả trong việc điều trị ho cho trẻ. Ngoài giảm ho nó còn có tác dụng kháng viêm, long đờm, giúp giảm triệu chứng hiệu quả hơn.
Nguyễn Bá Học - nguyenbahoc82…@gmail.com
Bé nhà em được 3 tuổi, cháu đang bị ho có đờm nhiều ngày, em đã đưa cháu tới bệnh viện khám và được dược sĩ kê cho thuốc Cozz Ivy. Vậy có dùng được không thưa bác sĩ? Vì thuốc này nghe lạ đối với em, nên rất mong nhận được sự tư vấn sớm của bác sĩ.
TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời:
Chào bạn,
CozzIvy là một sản phẩm của công ty Dược Hậu Giang rất uy tín tại Việt Nam. Về chất lượng bạn có thể yên tâm sử dụng.
Về thành phần cơ bản của Cozz Ivy chính là lá thường xuân. Lá thường xuân là phương pháp điều trị ho cổ truyền đã được sử dụng từ hàng ngàn năm nay ở các nước phương Tây và hiện nay đang được dùng khá nhiều tại nước ta.
Đây là loại thuốc ho theo khuyến cáo của nhà sản xuất bạn có thể sử dụng hiệu quả và an toàn cho bé từ 1 tuổi trở lên.
Đỗ Hiền Thục - hienthucdo…@gmail.com
Bác sĩ ơi, bé nhà em gần tròn 2 tuổi, nhưng do điều kiện gia đình không có ai trông nom nên em cho cháu đi học mẫu giáo sớm. Dạo này thời tiết miền Bắc cũng bắt đầu lạnh, nên cháu có dấu hiệu ho, tối ngủ thấy hơi khò khè đờm. Trong trường hợp này em nên chăm sóc sao và cần dặn dò gì với cô giáo ở trường không ạ? Xin cảm ơn bác sĩ.
TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời:
Chào bạn,
Thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh, đặc biệt là các loại virus đường hô hấp tấn công vào cơ thể trẻ còn non yếu khiến các bé dễ bị bệnh.
Vì vậy, trong thời tiết như thế này bạn cần giữ ấm cho bé một cách linh hoạt, nghĩa là tùy vào độ lạnh của thời tiết bên ngoài mà mặc quần áo cho bé đủ ấm. Nếu lạnh quá thì cần mang thêm tất, vớ tay, đội nón len, khăn choàng cổ, tránh nơi gió lùa làm bé bị cảm lạnh.
Nhưng nếu trời không lạnh quá, không nhất thiết phải cho bé mặc nhiều áo để sau đó bé bị đổ mồ hôi, rồi vệ sinh không hợp lý thì lợi bất cập hại.
Song song đó, bạn cần lưu ý triệu chứng khò khè của con. Đây là triệu chứng rất thường gặp khi các bé mắc bệnh hô hấp, người ta ước tính có khoảng 40-50% ở trẻ đã từng có 1 lần khò khè trong đời.
Ngoài ra, còn có triệu chứng phổ biến nữa là nghẹt mũi. Nếu khi thức trẻ bình thường nhưng khi ngủ mới nghe tiếng khò khè thì đa phần hay rơi vào tình huống bị nghẹt mũi.
Do vậy lời khuyên của tôi là bạn cần lưu ý giữ ấm cho bé, đặc biệt là khi con ngủ. Ban đêm chú ý việc sử dụng quạt hoặc điều hòa, vì dùng không đúng thì bé sẽ bị nhiễm lạnh và tình trạng viêm đường hô hấp, viêm mũi dễ xảy ra.
Mặt khác, bạn cũng cần phải làm thông thoáng mũi cho bé trước khi bé ngủ. Lưu ý không cho bé ăn hoặc bú sữa quá no trước khi đi ngủ, vì lượng sữa và dịch trong bao tử có thể trào lên và dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.
Nếu bạn thấy bé khò khè thật sự, đặc biệt triệu chứng này thường xuyên và liên tục thì nên cảnh giác bệnh hen suyễn. Đặc biệt ở bé 1-2 tuổi như vậy cần phải đưa đi khám các bác sĩ chuyên khoa Nhi để xác định xem chính xác bé có khò khè hay không và nguyên nhân như thế nào, thậm chí có bị hen suyễn không để có biện pháp điều trị hoặc phòng ngừa phù hợp.
Trần Thục Đoan - gvthucdoan…@gmai.com
Bác sĩ cho hỏi, khi trẻ ho làm sao để biết triệu chứng ho đó là bình thường hoặc nguy hiểm ạ? Vì mỗi khi thời tiết thay đổi con tôi lại ho, tôi thường tự điều trị ở nhà cho cháu bằng các biện pháp của dân gian. Nhưng cần biết trường hợp nào ho là nguy hiểm để đưa cháu đi bệnh viện kịp thời. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp. Tôi cảm ơn.
TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời:
Chào bạn,
Đại đa số các trường hợp ho ở trẻ là do viêm đường hô hấp, trong đó khoảng 70-80% các trường hợp sẽ tự khỏi trong vòng từ 7-14 ngày.
Tuy nhiên, cần lưu ý khoảng 20-30% các trường hợp có khả năng diễn tiến nặng hơn như viêm phổi, sưng phổi nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng và thậm chí hậu quả rất khó lường.
Trong trường hợp bé không có dấu hiệu bệnh nặng, nguy hiểm hay bất thường thì trong thời gian chờ đợi bạn có thể mua các loại thuốc ho có nguồn gốc từ thảo dược an toàn để điều trị cho bé, miễn sao thuốc thích hợp với lứa tuổi và được Bộ y tế khuyến cáo sử dụng.
Nhưng trong một số tình huống bạn cần phải đưa bé đến bệnh viện càng sớm càng tốt, bất kể ngày đêm đó là:
1. Trẻ ho kèm theo dấu hiệu nguy hiểm:
Đó là trẻ ngủ li bì, không thể đánh thức dậy; trẻ tím tái; Trẻ bỏ bú, không bú được (yếu đến mức không thể bú nổi) hoặc bú kém (bú chưa đến ½ lượng sữa bình thường); hoặc trẻ nôn tất cả mọi thứ; đặc biệt là trẻ co giật.
Đây là những tình huống cần đưa trẻ đi cấp cứu vì nhiều khả năng bệnh đã diễn tiến rất nặng, ảnh hưởng đến tính mạng, cần phải được xử lý kịp thời để tránh hậu quả xấu.
2. Ho kèm theo dấu hiệu nặng, điển hình là khó thở:
Thở co lõm lồng ngực: Mẹ kiểm tra bằng cách để trẻ nằm lên giường, khi bé không quấy, không khóc, không bú và vén áo cao để quan sát lồng ngực. Thông thường, khi trẻ hít vào, không khí đi vào phổi sẽ làm lồng ngực căng lên và phồng ra. Nếu phần dưới lồng ngực bị hóp vào hoặc kéo lõm bất thường khi thở thì đó là dấu hiệu trẻ thở co lõm lồng ngực. Điều này chứng tỏ, trẻ đang bị khó thở, nhiều khả năng là tình trạng bệnh trở nặng.
Thở nhanh: Mẹ có thể đếm nhịp thở của con bằng đồng hồ có kim giây trong 1 phút, cứ một lần nhấp nhô được tính là 1 nhịp, sau đó so sánh với ngưỡng thở nhanh theo từng độ tuổi. Cụ thể, bé dưới 2 tháng tuổi là 60 lần/phút trở lên, 2 tháng đến 1 tuổi là 50 lần/phút trở lên, 1-5 tuổi là 40 lần/phút trở lên, trên 5 tuổi là 30 lần/phút trở lên gọi là thở nhanh. Đây là dấu hiệu sớm nhất cảnh báo trẻ có khả năng bắt đầu bị sưng phổi.
3. Ho kèm theo dấu hiệu đặc biệt
Nếu bé có các triệu chứng bất thường khác kèm theo như ho ra máu, hoặc ho khạc đờm hôi như mủ thì nhiều khả năng bị nhiễm trùng nặng, hoặc ho kèm sốt trên 39 độ C kéo dài 2-3 ngày, ho kéo dài suốt 1 tuần không có dấu hiệu cải thiện và ho tái đi tái lại nhiều lần thì cần đưa đi khám bệnh càng sớm càng tốt.
Thân mến,
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình