Hotline 24/7
08983-08983

Có phải những ai ngủ ngáy đều bị ngưng thở khi ngủ?

Ngáy và ngưng thở khi ngủ gây ra các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, cơn đau thắt ngực, dẫn đến đột tử trong đêm... Chữa trị ngáy ngủ bằng cách nào? ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh - Khoa Thăm dò chức năng năng Hô hấp - Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM sẽ giải đáp vấn đề này.

alobacsi ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh chữa ngủ ngáyThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh - Khoa Thăm dò chức năng năng Hô hấp - Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM tư vấn: Ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ nguy hiểm thế nào?

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Tầm soát tình trạng ngưng thở khi ngủ như thế nào?

Có phải tất cả những ai ngủ ngáy cũng đều bị ngưng thở khi ngủ hay không? Để tầm soát tình trạng ngưng thở khi ngủ, chúng ta cần làm gì?

ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh:

Không phải tất cả những ai ngủ ngáy đều dẫn đến việc ngưng thở khi ngủ. Thông thường ngáy là một triệu chứng rất quan trọng để gợi ý bạn có ngưng thở khi ngủ hay không. Khi người nhà chứng kiến được bệnh nhân có những đợt ngáy ngắt quãng, cảm giác như bệnh nhân đang gồng mình để thở thì đây chính là những triệu chứng của ngưng thở khi ngủ. Bên cạnh đó ngủ ngáy kèm theo mệt mỏi vào buổi sáng cũng là một dấu hiệu cảnh báo bạn có thể ngưng thở khi ngủ.

Để chẩn đoán ngáy và ngưng thở khi ngủ chúng ta cần làm gì?

Thông thường ngáy và ngưng thở chỉ xảy ra khi chúng ta ngủ. Ban ngày khi bạn thức thì các triệu chứng hầu như không xuất hiện. Như vậy bạn cần đến đơn vị y tế, ngủ lại đó một đêm để được chẩn đoán xác định. Bạn sẽ được đo một cái test tiêu chuẩn vàng (đa ký giấc ngủ) để chẩn đoán ngưng thở khi ngủ; bạn sẽ được đo nồng độ bão hòa oxy, điện não, điện cơ, điện tim, chuyển động bụng ngực và những lưu lượng thở từ đó các bác sĩ sẽ đánh giá được bạn có ngủ ngáy hay không có ngưng thở hay không (nếu có thì ở mức độ nào, loại gì) từ đó sẽ có những phương pháp điều trị phù hợp.

Khi bạn có triệu chứng ngáy và ngưng thở khi ngủ có thể đến khám ở phòng khám hô hấp hoặc tai mũi họng. Bởi vì khi bạn đến kiểm tra một trong hai khoa này thì đều sẽ được gởi khám ở các khoa khác, có thể bạn sẽ được khám liên khoa.

Nghĩa là khi khám hô hấp chúng ta sẽ được chỉ định khám thêm về chuyên khoa tai - mũi - họng, nội soi kiểm tra những bất thường về mặt hầu họng hoặc khi bạn khám ở tai mũi họng cũng được chỉ định khám hô hấp để có thể đo được đa ký giấc ngủ, một trong hai khoa bạn hoàn toàn có thể đến khám và được chỉ định sang các liên chuyên khoa khác.

2. Cơ chế dẫn đến hiện tượng ngủ ngáy?

Có phải ngủ ngon sẽ ngáy? Cơ chế dẫn đến hiện tượng ngủ ngáy?

ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh:

Theo dân gian thường quan điểm nếu ngủ ngon sẽ ngáy, nhưng trên khía cạnh khoa học ngủ ngáy có thể là một triệu chứng của bệnh.

Những nguyên nhân nào tắc nghẽn đường hô hấp trên khiến chúng ta không thở được bằng mũi được và phải thở bằng miệng thì sinh ra chuyện ngáy. Khi luồng hơi thở của mình từ trong phổi đi vào hoặc đi ra làm rung nóc họng hoặc lưỡi gà thì sinh ra âm thanh (ngáy).

Thông thường về dịch tễ học những người thừa cân, làm việc mệt nhọc quá nhiều ban ngày hoặc uống rượu bia thì có thể sinh ra chuyện ngủ ngáy. Khi có bất thường vùng hầu họng làm nghẹt đường mũi, những bất thường đó có thể là viêm mũi dị ứng, bành cổ quá to ở những người béo phì thì nó sẽ chèn đường hô hấp và cũng sinh ra ngáy.

Ngoài ra những bất thường về mặt cấu trúc của lưỡi gà cũng như vòm họng, khi vòm họng và lỗ thở quá thấp thì lúc chúng ta ngủ lưỡi sẽ tụt vào chèn hết những lỗ thở và gây nên hiện tượng ngáy.

3. Ngủ ngáy khi nào là bình thường, khi nào là bệnh lý?

Có quan niệm ngủ ngáy là do ban ngày làm việc mệt quá, chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày là khỏi. Điều này có đúng không? Ngủ ngáy khi nào là bệnh lý?

ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh:

Ngủ ngáy có thể là sinh lý cũng có thể là bệnh lý.

- Ngủ ngáy sinh lý: Một số trường hợp khi bạn uống rượu bia làm giảm trương lực cơ, nhão cơ vùng hầu họng dẫn đến việc thở bằng miệng khiến rung nóc họng cũng như lưỡi gà sinh ra âm thanh (ngủ ngáy). Ngoài ra nếu bạn làm việc quá nhiều và mệt mỏi vào ban ngày cũng là nguyên nhân khiến bạn ngủ ngáy; nhưng những cơn ngáy này có thể là “ngáy ngắn hạn” diễn ra 1 - 2 đêm.

- Ngủ ngáy bệnh lý: Nếu bạn ngáy liên tục, dài hạn, ngày nào ngủ cũng ngáy thì đó là những gợi ý cho chúng ta các triệu chứng về mặt bệnh lý. Những bất thường có thể là do dị tật bẩm sinh cũng có thể là những bệnh lý thứ phát: tăng cân khoảng 2 - 3kg, những bệnh lý về mặt nhiễm trùng (viêm mũi dị ứng, viêm họng, phì đại amidan,..) lúc này ngủ ngáy trở thành bệnh lý, triệu chứng thứ phát sau bệnh.

4. Những ai dễ ngủ ngáy?

Có phải nam giới ở tuổi trung niên trở đi dễ bị bệnh này nhất, thưa BS?

ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh:

Trong các nghiên cứu ở cộng đồng (Mỹ): tỷ lệ ngáy ở cộng đồng khoảng 2% (nữ), 4% (nam). Ở châu Á tỷ lệ này tăng nhiều hơn có thể là do chủng tộc, nữ chiếm khoảng 4% và nam chiếm 8%. Qua những nghiên cứu trên có thể thấy tỷ lệ ngủ ngáy ở nam là gấp đôi so với nữ. Có nhiều nguyên nhân, dịch tễ giải thích được chuyện này:

- Ở nam đôi khi những thói quan thường ngày trong cuộc sống không lành mạnh bằng nữ ví dụ: tăng cân nhiều hơn, hút thuốc lá, uống rượu bia,… chính những nguyên nhân này làm cho tỷ lệ ngáy ở nam nhiều hơn nữ. Thông thường ngáy xuất hiện nhiều từ 40 - 60 tuổi đây là độ tuổi có triệu chứng ngáy nhiều nhất.


5. Nguyên nhân gây ngủ ngáy ở trẻ em?

Một số trẻ nhỏ cũng ngủ ngáy. Nguyên nhân gây ngủ ngáy ở trẻ em thường là gì?

ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh:

Nghiên cứu trẻ em cho thấy trẻ em cũng dễ bị ngáy đa số là do phì đại amidan. Khi trẻ con có những dị tật bẩm sinh như: phì đại VA, phì đại amidan dễ khiến cho các bé ngáy khi ngủ.

Khi bé ngủ ngáy có thể kèm theo các triệu chứng khác ví dụ: bé tím hoặc tái, đó là những dấu hiệu cấp thiết mà phụ huynh cần lưu ý để đưa trẻ đi gặp bác sĩ,. Bên cạnh những biểu hiện dễ thấy còn có các dấu hiệu khác mà lâu dần phụ huynh mới nhận ra như: trẻ thay đổi tâm lý, ngỗ nghịch không nghe lời, giảm trí nhớ, sa sút trong việc học hành điều này các phụ huynh cũng cần lưu ý đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn.

6. Biến chứng của ngủ ngáy?

Ngủ ngáy có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng nào?

ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh:

Nếu như ngủ ngáy phát hiện sau triệu chứng thứ phát của các bệnh khác thì chúng ta sẽ thấy ngáy đơn thuần, ngáy nhiều mỗi ngày, thậm chí một vài năm thì nó sẽ chuyển biến qua việc tăng kháng trở đường dẫn khí và dẫn đến việc “ngưng thở khi ngủ”.

Khi bạn “ngưng thở khi ngủ” sẽ dẫn đến rất nhiều hậu quả đi theo. Nếu ngáy đơn thuần sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống là chính, có thể bạn thở bằng miệng hàng đêm nên bị khô giọng hoặc có thể sẽ bị trào ngược dạ dày thực quản, hoặc vào buổi sáng bạn có cảm giác khô họng và không thoải mái ở vùng hầu miệng.

Nêú ngáy lâu năm, tăng kháng trở đường dẫn khí hô hấp trên và dẫn đến việc ngưng thở khi ngủ biến chứng rất nặng nề. Khi bạn ngưng thở như vậy sẽ giảm oxy tưới máu não làm tăng nhu cầu hoạt động về đêm của các cơ quan.

Bên cạnh đó khi chúng ta ngủ các cơ quan sẽ chuyển hóa cơ bản để giúp bạn có một thời gian nghỉ ngơi hồi phục về mặt thể chất và tất cả các cơ quan cũng có được khoảng thời gian để nghỉ ngơi.

Khi bạn ngưng thở khi ngủ các cơ quan sẽ phải làm việc nhiều hơn ban ngày, đơn cử cho tim là cơ quan bị ảnh hưởng đầu tiên. Chúng ta có thể thấy việc tăng huyết áp cũng như rối loạn nhịp tim gây ra nhiều biến chứng cho bệnh nhân, biến chứng khiến nhiều người lo lắng nhất đó chính là đột quỵ. Trong nhiều năm khi bệnh nhân ngủ ngáy, tăng cân (béo phì), ngưng thở khi ngủ đang ngày càng tăng thì chúng ta thấy rủi ro của việc đột quỵ rất cao.

Ngoài ra bệnh còn thúc đẩy rối loạn chuyển hóa và không kiểm soát được đái tháo đường cũng như diễn biến nặng của đái tháo đường làm suy thận. Đứng trước những biến chứng rất nặng nề khi có những triệu chứng của ngưng thở khi ngủ thì bệnh nhân nên đi đến các bệnh viện để kiểm tra và được chẩn đoán xác định.

7. Điều trị ngưng thở khi ngủ như thế nào?

Ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ được điều trị thế nào? Có trường hợp nào cần phẫu thuật không?

ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh:

Tùy theo phân loại của ngưng thở khi ngủ và độ nặng của ngưng thở khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ được phân thành 3 loại:

- Ngưng thở tắc nghẽn (OSA)

- Ngưng thở do trung ương (CSA)

- Ngưng thở hỗn hợp (MSA)

Hầu hết các bệnh nhân đều mắc phải ung ngưng thở do tắc nghẽn. Ngưng thở do tắc nghẽn có chia thành 4 mức độ: nhẹ, trung bình, nặng, rất nặng.

- Mức độ nhẹ: Bạn có thể thay đổi kiến thức, hành vi cũng như các bài tập vật lý trị liệu, giảm cân (giúp bệnh nhân giảm cân không cần dùng thuốc) và có những tư thế ngủ giúp bệnh nhân giảm ngáy.

- Mức độ trung bình: Cần có những dụng cụ như gối hỗ trợ để có những tư thế ngủ trong đêm làm giảm ngáy và ngưng thở khi ngủ hoặc những dụng cụ hỗ trợ đẩy hàm ra phía trước để chúng ta không bị tắc đường thở, lỗ thở. Bệnh nhân cũng có thể phẫu thuật làm thông đường thở giúp đường thở to hơn hoặc những phương pháp cấy nhựa mềm vào nóc họng để tránh ngưng thở khi ngủ và giảm ngáy.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể dùng máy thở áp lực dương khi ngủ; máy thở này giúp bạn mở đường thở, không ngáy và ngưng thở khi ngủ.

- Mức độ nặng, rất nặng: Bệnh nhân chỉ có thể điều trị bằng máy giúp “cắt đứt” việc ngáy và ngưng thở khi ngủ.

ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh

8. Sử dụng máy gì giúp hết ngủ ngáy?

Liệu có máy móc nào giúp dễ thở để người bị ngủ ngáy sử dụng tại nhà không?

ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh:

Những trường hợp ngáy hay ngưng thở ở mức độ trung bình, nặng hay rất nặng sẽ có máy thở áp lực dương liên tục.

Bạn có thể tưởng tượng, khi bạn khó khở hay cảm thấy bị tắc nghẽn ở vùng hô hấp trên, bạn cố gắng hít thở sâu hơn; hãy hình dung đường thở của chúng ta như những đường ống dẫn đi, vô tình chúng ta hút (càng cố gắng hút) sẽ càng làm tắc nghẽn thêm đường dẫn khí của chúng ta. Như vậy khi bạn sử dụng “máy thở áp lực dương liên tục”, máy sẽ đẩy luồn không khí vào mở đường thở cho bạn tạo nên việc thông thoáng từ hô hấp trên đến đường dẫn khí và đi sâu xuống đường thở. Như vậy với cơ chế này “máy thở áp lực dương liên tục” sẽ giúp cho chúng ta khai thông được những phần tắc nghẽn.

Hiện nay có những loại máy có cơ chế rất hiện đại, nếu chúng ta bị tắc nghẽn máy sẽ đẩy vào giúp chúng ta khai thông đường thở. Khi chúng ta không bị tắc nghẽn thì máy vẫn hỗ trợ (không cần phải đẩy vào) để tạo cảm giác thoải mái. Như vậy với cơ chế tự động máy sẽ giúp bạn: khi nào tắc nghẽn thì hỗ trợ, khi nào không tắc nghẽn thì có thể thở tự nhiên.

Trong quá tình điều trị nếu ở loại trung bình hoặc 1 phần của loại nặng thì chúng ta có thể điều trị từ 3 - 5 năm. Trong các nghiên cứu vẫn cho thấy rằng tỷ lệ hồi phục ở ca nặng là rất thấp. Nhưng bạn sẽ thấy được mức trung bình và một phần của loại nặng thì sau 3 năm có thể hồi phục hoàn toàn và có thể bỏ máy ra. Ở những loại nặng và rất nặng tỷ lệ này thấp hơn.

9. Những việc làm cho tình trạng ngủ ngáy tệ hơn?

Những việc gì mà bệnh nhân làm vào buổi chiều và tối có thể khiến cho tình trạng ngáy ngủ tệ hơn?

ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh:

Khi bạn “thu xếp giấc ngủ” không tốt hoặc trong sinh hoạt vào ban ngày chưa lành mạnh thì sẽ làm tình trạng ngáy và ngưng thở khi ngủ tệ hơn:

- Ăn quá khuya hoặc quá nhiều vào bữa tối, bữa ăn quá thịnh soạn khiến bạn sẽ bị đầy bụng, dễ tăng cân và làm cho việc ngáy và ngưng thở khi ngủ tệ hơn.

- Sử dụng rượu, bia, chất kích thích vào buổi tối.

- Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản: buổi tối ăn quá nhiều hoặc uống quá nhiều nước dễ khiến bạn bị trào ngược dạ dày thực quản, tăng tình trạng ngáy.

- Thức quá khuya dẫn đến cơ thể mệt mỏi. Hoặc bạn bị mất ngủ thì từ đó những đêm kế tiếp chất lượng giấc ngủ cũng bị giảm đi.

10. Tư thế ngủ giúp hạn chế ngủ ngáy?

Nhiều người mách nhau mẹo làm hết ngủ ngáy tạm thời. Theo BS, những cách đối phó tạm thời này có ổn hay không?

ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh:

Trong dân gian có nhiều lời khuyên giúp chúng ta giảm việc ngủ ngáy. Tuy nhiên một vài mẹo có hiệu quả, một vài mẹo thì không. Một vài mẹo có hiệu quả như:

- Chọn tư thế nằm ngủ nghiêng khi đó lưỡi bạn sẽ không bị thụt vào trong khiến chèn đường thở vì thế bạn sẽ có được một lỗ thở thông thoáng hơn. Tuy nhiên nếu bạn nằm ngủ thường xuyên rất dễ bị mỏi cơ.

- May áo choàng có một quả banh lông sau lưng: Chiếc áo này khi ngủ sẽ giúp bạn nằm nghiêng được lâu hơn. Vì khi bạn xoay mình nằm ngửa sẽ bị cấn trái banh, buộc bạn phải xoay qua trái hoặc qua phải.

Bên cạnh áp dụng những mẹo hay dân gian, bạn cũng nên:

- Tập vật lý trị liệu với những phương pháp giúp bạn cải thiện giác ngủ tốt hơn. Nếu bạn thăm khám tại Bệnh viện Đại học Y dược sẽ có các dụng cụ, tài liệu hướng dẫn. Bạn có thể tập sáng, tối mỗi lần 10 phút giúp làm cứng vùng cơ hầu họng.

- Có chế độ ăn uống hợp lý.

- Chế độ sinh hoạt khoa học.

- Hạn chế uống bia, rượu quá say, dùng chất kích kích; vì nó sẽ khiến cơ vùng hầu họng bị nhão làm tăng khả năng ngủ ngáy.

11. Mẹo giảm ngáy khi ngủ mà không dùng thuốc?

BS có thể chia sẻ một số mẹo giảm ngáy khi ngủ mà không dùng thuốc?

ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh:

Bạn cần “thu xếp giấc ngủ” một cách khoa học, sinh hoạt lành mạnh. Khi xuất hiện các triệu chứng ngủ ngáy nên đi thăm khám để được các bác sĩ hướng dẫn bài tập giúp giảm ngáy và ngưng thở khi ngủ một cách bài bản.

Khi ngáy và ngưng thở quá nhiều nên cho bệnh nhân nằm ngủ nghiêng để giảm ngay lập tức tình trạng ngáy và ngưng thở.

Dùng những dụng cụ hỗ trợ hàm để đẩy hàm ra phái trước cũng là một phương pháp rất tốt trong việc hỗ trợ giấc ngủ.

Cần lưu ý một vài mẹo dân gian có thể có một chút hiệu quả thế nhưng không ngoại trừ những rủi ro rất cao. Vì thế bạn cũng không nên ứng dụng vào việc làm giảm ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ.

Xin cảm ơn bác sĩ đã trả lời phỏng vấn của AloBacsi!

Thực hiện: Thanh Quang - Hiền Thục

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X