Hotline 24/7
08983-08983

Có nên thụt hậu môn khi con bị táo bón?

Táo bón khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện. Tình trạng táo bón kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến trẻ biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng, còi cọc.

F82B719A-0269-4CFB-9912-EB0E959AA695
Có nên thụt hậu môn khi con bị táo bón?

Chị Mai Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) thường than phiền về việc chờ mong từng ngày con đi ị. Lúc mới sinh, con trai chị Lan đi ngoài đều đặn 2 - 3 ngày một lần.

Nhưng từ tháng thứ 3 trở đi bé đi ngoài ít hơn, 5 - 7 ngày bé mới đi 1 lần. Có khi chờ mãi con không đi ị chị Lan phải mua thuốc về thụt cho con.

"Mỗi lần thụt như vậy lượng phân con đi rất nhiều, phân sệt quánh. Tình trạng này kéo dài đã hơn 1 tháng nay làm tôi lo lắng vô cùng.

Bởi, nhiều mẹ bỉm sữa trên mạng mách với tôi rằng, thụt nhiều sẽ làm suy yếu cơ thắt vòng hậu môn, về sau bé dễ bị mắc bệnh đi ngoài không tự chủ, không có phản xạ đi ngoài và hay ị đùn".

Đó là những trăn trở của chị Mai Lan khi nhờ PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai tư vấn để cải thiện tình trạng táo bón của cậu con trai hơn 4 tháng tuổi.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trường hợp trẻ hơn 4 tháng tuổi, vẫn đang bú mẹ như con chị Lan bị táo bón là hết sức bình thường.

Bởi, bé vẫn còn nhỏ, hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện nên bé rất dễ gặp các rối loạn về tiêu hóa.

Biểu hiện rối loạn tiêu hóa của mỗi trẻ lại khác nhau, có trẻ đại tiện xì xoẹt hoa cà, hoa cải 3 - 5 lần/ngày. Nhưng có trẻ lại táo bón 3 - 5 ngày mới đi một lần.

Việc trẻ bị rối loạn tiêu hóa nhưng vẫn ăn ngon, ngủ ngon, tăng cần đều thì cha mẹ không cần lo lắng vì điều đó là bình thường khi bộ máy tiêu hóa của trẻ chưa phát triển đầy đủ.

Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần chú ý quan sát các dấu hiệu bất thường của con, nhất là khi con bỏ bú, ngủ ít, quấy khóc, giảm cân… kèm theo những rối loạn về tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy thì nên đưa con đi thăm khám bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai

Những dấu hiệu để nhận biết tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh là tình trạng chậm đại tiện, 3 - 5 ngày mới đi một lần. Số ngày đi đại tiện chỉ là một tiêu chí để nhận biết trẻ sơ sinh bị táo bón.

Vì thực tế có trẻ 3 ngày đi một lần nhưng phân mềm xốp, trẻ đi dễ dàng thì chưa gọi là táo bón. Nhưng có những trẻ 1 đến 2 ngày đi một lần nhưng phân keo dính, trẻ phải rặn khó khăn thì vẫn là táo bón.

Một số biểu hiện táo bón khác có thể kèm theo như giảm số lần trẻ đi đại tiện bình thường, trẻ đi ngoài khó và đau do phân rắn hoặc phân quá to.

Tình trạng táo bón kéo dài còn ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, làm trẻ có biểu hiện biếng ăn, chậm tăng cân…

Trả lời thắc mắc của chị Lan về việc có nên thụt hậu môn cho trẻ, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, nếu trẻ cả tuần không đi ngoài thì cha mẹ cũng nên nghĩ đến thụt cho con thay vì cho con uống thuốc.

Nhưng tháo thụt chỉ nên là giải pháp cuối cùng nên áp dụng trong điều trị táo bón không dùng thuốc ở trẻ.

Không nên lạm dụng thụt cho trẻ sơ sinh, bởi, khi bé bị thụt nhiều lần, lâu dần sẽ làm suy yếu cơ thắt vòng hậu môn, về sau bé dễ bị mắc bệnh đi ngoài không tự chủ (ị đùn).

Nếu cha mẹ đã làm nhiều cách mà tình trạng táo bón của trẻ không đỡ, hoặc trẻ vẫn bị táo bón kéo dài thì nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được điều trị sớm.

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, với trẻ lớn (từ 2 - 6 tuổi), thụt hậu môn nhiều lần có thể làm tăng nguy cơ viêm hậu môn, gây đau rát, khiến trẻ có thói quen nín nhịn, càng dễ gây ra chứng táo bón.

Hơn nữa, niêm mạc trực tràng rất mỏng và có hệ mạch máu dày đặc, khi thụt gây tổn thương niêm mạc trực tràng, chảy máu, nhiễm trùng trực tràng và trẻ mất phản xạ đi cầu tự nhiên, gây phình trực tràng.

Một số trường hợp thụt hậu môn bằng các phương thức dân gian còn gây viêm nhiễm hậu môn.

Cần cho trẻ ăn nhiều rau xanh, thực phẩm nhuận tràng như khoai lang, chuối..., hạn chế thực phẩm dễ gây táo bón như cà rốt, hồng xiêm...
Cần cho trẻ ăn nhiều rau xanh, thực phẩm nhuận tràng như khoai lang, chuối..., hạn chế thực phẩm dễ gây táo bón như cà rốt, hồng xiêm...

Làm gì để tránh táo bón cho con?

Khi trẻ còn đang bú mẹ thì chế độ dinh dưỡng của người mẹ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa của trẻ. Nếu mẹ bị táo bón thì con cũng sẽ bị táo bón.

Do đó, mẹ cần ăn đa dạng thực phẩm, nhất là các thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, hoa quả tươi, đồng thời hạn chế ăn các thực phẩm cay, nóng…

Bên cạnh đó, mẹ cần uống nhiều nước và tăng cường cho con bú để trẻ không bị thiếu nước.

Cha mẹ có thể thường xuyên xoa bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ vào lúc đói, mỗi lần 10 phút, hai đến ba lần một ngày. Ngoài ra, mẹ cần kiên trì tập xi cho bé đi ngoài hàng ngày để bé hình thành thói quen và phản xạ đi ngoài.

Đối với trẻ từ 2 - 6 tuổi, cha mẹ nên áp dụng nguyên tắc điều chỉnh chế độ ăn uống cho trẻ.

Chú ý cho trẻ ăn đa dạng các loại rau chứa nhiều chất xơ như rau muống, mồng tơi, rau khoai lang, rau ngót…, các loại thực phẩm giúp nhuận tràng như khoai lang, chuối, bưởi, thanh long… Đồng thời, cần tránh các loại thực phẩm dễ gây táo bón như ổi, hồng xiêm, cà rốt…

Cần hình thành cho trẻ thói quen đi vệ sinh vào một giờ nhất định trong ngày, tăng cường vận động cho trẻ và cho trẻ uống nhiều nước để bộ máy tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.

Khi bị táo bón trẻ thường cảm thấy khó chịu, ăn ít hơn, ngủ không ngon giấc, chậm tăng cân… Do đó, cha mẹ cần sớm tìm cách khắc phục tình trạng này cho con để con phát triển toàn diện cả thể chất và tâm hồn.

Những dấu hiệu cảnh báo trẻ bị táo bón

- Bé đi ngoài ít hơn bình thường

- Bé đi phân cứng rắn, vón cục

- Chướng bụng, khó tiêu

- Đi ngoài khó khăn, đau hậu môn

- Trẻ lười ăn, chậm lớn

Theo Linh Nhi - Gia đình mới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X